Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Ngành Tài chính ngân hàng đóng một vai trò nhất định đối với bảo vệ môi trường

22/11/2013

Ông Simon Andrews

 

     Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Simon Andrews - Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) về vai trò của ngành tài chính ngân hàng đối với BVMT.

     Lý do nào ông cho rằng, ngành tài chính ngân hàng đóng một vai trò nhất định đối với BVMT?

     Như các bạn đã biết, tác động của biến đổi khí hậu, sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, dân số gia tăng và cả những nguy cơ đối với an ninh lương thực đã và đang tạo một áp lực lớn đến kinh tế nhiều quốc gia. Những thách thức này đòi hỏi một sự thay đổi về chất trong cách thức lập kế hoạch của khu vực kinh tế tư nhân và sự phối hợp với nhau để đưa ra những giải pháp mới trong các thập kỷ tới. Là các tổ chức cung cấp nguồn vốn cho các hoạt động kinh doanh và đầu tư, ngành tài chính ngân hàng Việt Nam đang đứng vị trí quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp đối phó với các rủi ro phát triển bền vững một cách hiệu quả và kịp thời hơn.

     Khi nguồn tiền dồi dào và mất giá trị, các nhà đầu tư sẽ khó có thể gây ảnh hưởng đến mục đích sử dụng đồng tiền đó, hay nói cách khác là yêu cầu các doanh nghiệp được đầu tư phải tính đến phát triển bền vững trong chiến lược và hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi các tổ chức tài chính ngân hàng đang phải xem xét chọn lựa nên đầu tư và cho vay ở đâu, lại là thời điểm tốt - và họ có trách nhiệm - để thúc đẩy các cải cách và đảm bảo các doanh nghiệp họ đang hỗ trợ phát triển một cách bền vững.

     Theo ông, thời điểm hiện nay - khi nền kinh tế đang suy thoái và ngành ngân hàng đã tái cấu trúc - có thực sự thích hợp để các doanh nghiệp chú trọng vào phát triển bền vững không?

     Sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây, nhiều tổ chức tài chính ngân hàng ở các nước phát triển và đang phát triển đều nhận thức được tầm quan trọng của công tác củng cố quản lý rủi ro, trong đó bao gồm cả đánh giá và quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội. Thay vì coi quản lý môi trường là một chi phí gia tăng cho tổ chức, hầu hết các tổ chức tài chính ngân hàng đó đã coi phát triển bền vững là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội tăng trưởng và phát triển và là một phần không thể thiếu trong cơ cấu quản lý rủi ro của tổ chức mình.

 

Nhiều doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn Tài chính

quốc tế để đầu tư đổi mới công nghệ thân thiện với môi trường

 

     Đối với các tổ chức tài chính ngân hàng, phát triển bền vững gồm có hai mặt:

     Thứ nhất là quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội trong mọi hoạt động đầu tư tín dụng và các quyết định chiến lược. Các tổ chức tài chính ngân hàng có thể cải thiện danh mục đầu tư của mình thông qua việc đánh giá các rủi ro này một cách có hệ thống trong quy trình thẩm định đầu tư hay tín dụng. Bằng cách này, họ có thể tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án có hiệu suất tài chính, môi trường và xã hội cao. Điều này giúp các tổ chức tài chính ngân hàng bảo vệ danh mục đầu tư thông qua quá trình giảm thiểu các khoản vay khó đòi, nhờ đó tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ danh tiếng trên thị trường.

     Thứ hai, xác định phát triển bền vững là cơ hội phát triển các sản phẩm dịch vụ mới ở những lĩnh vực và ngành liên quan đến phát triển bền vững. Đây có thể sẽ là những dịch vụ tài chính hỗ trợ sự ra đời của các sản phẩm và hoạt động thương mại mang lại những lợi ích về môi trường và xã hội. Một loạt các cơ hội kinh doanh liên quan đến phát triển bền vững đã được các tổ chức tài chính ngân hàng trên toàn cầu nắm bắt như tài trợ năng lượng tái tạo, tài trợ tiết kiệm năng lượng, tài trợ các quy trình và công nghệ sản xuất sạch hơn.

     Theo ông, các cơ quan quản lý môi trường có thể làm gì để thúc đẩy tiến trình này ở Việt Nam?

     Chúng tôi được biết đã có rất nhiều sáng kiến chính sách được thực hiện ở các quốc gia bằng sự hợp tác giữa cơ quan quản lý môi trường và ngành ngân hàng.Vào năm 2009, Liên minh Ngân hàng Braxin và Bộ Môi trường Braxin đã ban hành Nghị định thư Xanh thứ hai, trong đó quy định các chuẩn bền vững cho các ngân hàng thương mại của nước này. Đồng thời, Bộ Môi trường và Ngân hàng Trung ương Braxin cũng ký một thỏa thuận hợp tác chuyên ngành để theo dõi và đánh giá các hoạt động và thông lệ môi trường - xã hội trong hệ thống tài chính.

     Bên cạnh Việt Nam, Trung Quốc đã ban hành Chính sách Tín dụng Xanh vào năm 2007, với mục tiêu hướng các nguồn tín dụng ngân hàng vào các dự án tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải. Chính sách Tín dụng Xanh yêu cầu các tổ chức tài chính ngân hàng phải xem xét các tác động môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định, quản lý và ra quyết định tín dụng. Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc (MEP) với vai trò chủ chốt trong việc phát triển Hướng dẫn thực hiện Chính sách Tín dụng Xanh - đây vừa là thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý môi trường để đạt được tác động tích cực cho môi trường vừa là hỗ trợ các lợi ích và hiệu quả kinh tế. MEP cũng đi đầu trong việc thúc đẩy các thông lệ và chuẩn tốt về quản lý các vấn đề môi trường và xã hội. Chính sách Tín dụng Xanh cũng đã đạt được những kết quả ban đầu khá ấn tượng với sự gia tăng đáng kể nguồn vốn vào các dự án xanh.

     Vậy IFC có dự định gì để thúc đẩy tài chính bền vững ở Việt Nam?

     Ở tầm chính sách, chúng tôi đang hợp tác với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thúc đẩy tài chính bền vững, thông qua việc xây dựng chính sách và các hướng dẫn liên quan về quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho ngành ngân hàng. Chúng tôi hy vọng, Luật BVMT hiện đang trong quá trình sửa đổi sẽ đưa vào các thông lệ tốt của quốc tế về tài chính bền vững để các vấn đề môi trường được đánh giá và xử lý một cách hiệu quả nhất trong khuôn khổ pháp lý BVMT của Việt Nam. IFC sẵn sàng hỗ trợ quá trình này.

     IFC đang thực hiện các hoạt động tư vấn cho các ngân hàng thương mại Việt Nam để cải cách hệ thống quản lý rủi ro, tăng cường tính cạnh tranh, thu hút khách hàng mới, và đặc biệt hỗ trợ quá trình chuẩn bị để phát triển và mở rộng ra các thị trường nước ngoài thông qua việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế về môi trường - xã hội - trong đó phải kể đến Nguyên tắc Xích đạo. Đây là một bộ quy tắc mang tính tự nguyện về quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong tài trợ dự án - hiện đã được hơn 70 tổ chức tài chính ngân hàng trên toàn cầu áp dụng.

     Trong những năm gần đây, IFC đã hỗ trợ các tổ chức ngân hàng Việt Nam xây dựng danh mục tín dụng và phát triển các sản phẩm tài trợ năng lượng bền vững. Nhờ có sự tài trợ về vốn hoặc tư vấn kỹ thuật của IFC, tổng cam kết tín dụng cho các dự án tiết kiệm năng lượng của Techcombank và VietinBank đến nay đã đạt 50 triệu đô la Mỹ.

     Cuối cùng, tôi chỉ xin nhấn mạnh, ngày nay mạnh về tài chính là chưa thể đi đến thành công trong kinh doanh. Ngày càng nhiều các tổ chức và tập đoàn quốc tế đòi hỏi các đối tác của mình phải tuân thủ các chuẩn mực quốc tế về môi trường - xã hội. Các ngân hàng Việt Nam cần coi đây là một cơ hội để tiến vào các thị trường mới, mở rộng kinh doanh để đạt được những thành công.

     Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

      Đỗ Hoàng (Thực hiện)

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn