14/04/2015
Mục tiêu của Quy hoạch nhằm cụ thể hóa Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Dự báo tổng lượng CTR phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển CTR; xác định các cơ sở xử lý CTR và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý CTR cho lưu vực hệ thống sông Đồng Nai…
Quy hoạch được lập trên cơ sở từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp CTR không hợp vệ sinh và quá tải bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lý CTR cấp vùng liên tỉnh, vùng tỉnh và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Bên cạnh đó, CTR được phân loại tại nguồn, việc thu gom, tái sử dụng, tái chế được ưu tiên xử lý bằng công nghệ tiên tiến, phù hợp, hạn chế tối đa việc chôn lấp CTR nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và BVMT. Đối với CTR nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định bảo đảm không phát tán ra môi trường. Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTR.
Nội dung Quy hoạch
Các chỉ tiêu quy hoạch
Các chỉ tiêu tính toán quy hoạch căn cứ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Các chỉ tiêu CTR đối với lưu vực sông Đồng Nai được thể hiện ở Bảng 1.
Bảng 1: Các chỉ tiêu CTR đối với lưu vực sông Đồng Nai
TT |
Các loại CTR |
Chỉ tiêu phát sinh CTR |
1 |
CTR sinh hoạt đô thị |
0,8 - 1,3 kg/người.ngày (theo loại đô thị) |
2 |
CTR sinh hoạt nông thôn |
0,3 - 0,5 kg/người.ngày |
3 |
CTR xây dựng |
12 - 15% khối lượng CTR sinh hoạt đô thị |
4 |
CTR công nghiệp |
0,2 - 0,25 tấn/ha.ngày |
5 |
CTR làng nghề |
Đến năm 2030 tăng trung bình 7,5% |
6 |
CTR nguy hại |
15 - 35% tổng lượng CTR công nghiệp phát sinh (theo loại hình sản xuất) |
Dự kiến tỷ lệ thu gom và xử lý CTR theo các giai đoạn đến năm 2030 của các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai thể hiện ở Bảng 2.
Bảng 2: Tỷ lệ thu gom và xử lý CTR theo các giai đoạn đến năm 2030
TT |
Các loại CTR |
Tỷ lệ thu gom và xử lý (%) |
|
Đến năm 2020 |
Đến năm 2030 |
||
I |
CTR thông thường |
|
|
1 |
CTR sinh hoạt đô thị |
95 |
100 |
2 |
CTR sinh hoạt nông thôn |
70 |
90 |
3 |
CTR công nghiệp |
90 |
100 |
4 |
CTR làng nghề |
80 |
100 |
5 |
CTR xây dựng |
80 |
90 |
II |
CTR nguy hại (công nghiệp và làng nghề) |
70 - 80 |
100 |
Dự báo tổng lượng CTR phát sinh trong toàn lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020: lượng CTR thông thường phát sinh là 48.100 tấn/ngày, CTR nguy hại phát sinh là 3.400 tấn/ngày; đến năm 2030 lượng CTR thông thường phát sinh là 68.200 tấn/ngày, CTR nguy hại phát sinh là 6.000 tấn/ngày.
Phân loại, thu gom và vận chuyển CTR
CTR phát sinh toàn lưu vực được thu gom, vận chuyển theo phân vùng phạm vi phục vụ đến các cơ sở xử lý CTR theo quy hoạch. Phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển CTR được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, giao thông, địa hình đặc thù của khu vực và năng lực thu gom, vận chuyển của địa phương, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường.
Phân loại, thu gom, vận chuyển CTR thông thường: CTR thông thường từ các nguồn thải được phân loại tại nguồn thành 2 loại là chất thải hữu cơ (rau quả, thức ăn thừa...) và chất thải vô cơ có thể tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại...) phù hợp với công nghệ xử lý CTR; Tăng cường tái sử dụng CTR phát sinh nhằm hạn chế CTR cần phải xử lý. Sau đó CTR thông thường được thu gom về các điểm tập kết theo đúng quy định.
Phân loại, thu gom, vận chuyển CTR nguy hại: CTR nguy hại từ các nguồn thải được phân loại, bảo quản, lưu giữ, thu gom, vận chuyển đến các cơ sở xử lý CTR vùng liên tỉnh, vùng tỉnh theo quy hoạch và tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh môi trường; thực hiện theo quy định về quản lý CTR nguy hại. Chủ nguồn thải phát sinh CTR nguy hại có trách nhiệm ký hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR nguy hại theo đúng quy định hiện hành.
Quy hoạch các cơ sở xử lý CTR
Cơ sở xử lý CTR bố trí ở ngoài phạm vi đô thị, ưu tiên các vị trí cuối hướng gió chính, cuối dòng chảy của sông suối và được trồng cây xanh cách ly, đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo đúng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm bảo vệ nguồn nước trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai và ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thông qua giải pháp về mặt công nghệ, lộ trình đóng cửa các cơ sở xử lý CTR quá tải, gây ô nhiễm môi trường, xây dựng mới các cơ sở xử lý CTR.
Các địa phương cần rà soát, xây dựng giải pháp cụ thể hạn chế ảnh hưởng tới môi trường của các cơ sở xử lý CTR hiện hữu đang gây ô nhiễm lưu vực hệ thống sông Đồng Nai như: Xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác, chuyển đổi công nghệ, hạn chế chôn lấp hoặc đóng cửa các bãi chôn lấp CTR không hợp vệ sinh, thực hiện quan trắc và giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi chôn lấp CTR; nâng cấp, cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý CTR khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn lưu vực.
Phân loại rác tại nguồn - khâu quan trọng trong công nghệ xử lý chất thải rắn
Quy hoạch các cơ sở xử lý CTR thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 bao gồm 34 cơ sở xử lý, cụ thể: 2 cơ sở xử lý CTR cấp vùng liên tỉnh và 32 cơ sở xử lý CTR vùng tỉnh trong đó xác định 18 cơ sở xử lý CTR vùng tỉnh nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước và 14 cơ sở xử lý CTR vùng tỉnh nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước.
Công nghệ xử lý CTR
Công nghệ xử lý CTR được lựa chọn phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; khả năng phân loại, tính chất, thành phần CTR của từng địa phương; Ưu tiên các công nghệ trong nước, tiết kiệm năng lượng và BVMT, các công nghệ tái chế có sản phẩm phù hợp với thị trường tiêu thụ của mỗi địa phương.
Công nghệ áp dụng đối với CTR thông thường: Các cơ sở xử lý CTR nằm trong phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông là nguồn cấp nước từ thượng lưu sông Đồng Nai đến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai); từ thượng lưu sông Sài Gòn đến huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh); toàn bộ lưu vực sông Bé, sông La Ngà; từ thượng lưu sông Vàm Cỏ Đông đến huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh); từ thượng lưu sông Dinh đến Thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải áp dụng công nghệ xử lý tái chế, thu hồi CTR, chế biến phân hữu cơ, đốt thu hồi năng lượng..., không chôn lấp CTR hữu cơ và CTR nguy hại. Các cơ sở xử lý CTR còn lại nằm ngoài phạm vi ảnh hưởng đến các đoạn sông đang là nguồn cấp nước áp dụng công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt thu hồi năng lượng, công nghệ tái chế..., khuyến khích áp dụng công nghệ hạn chế chôn lấp.
Công nghệ áp dụng đối với CTR nguy hại: Công nghệ xử lý lý hóa, công nghệ đốt, hạn chế chôn lấp…
Đánh giá môi trường chiến lược
Tác động tích cực đến môi trường: Thu gom và xử lý CTR thông thường và nguy hại đảm bảo các yêu cầu vệ sinh môi trường, giảm thiểu ô nhiễm do CTR gây ra; Hạn chế, xóa bỏ các điểm tập kết CTR và các bãi chôn lấp CTR không hợp vệ sinh, nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải tạo môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân trong lưu vực sông Đồng Nai; Xác định địa điểm, quy mô, công suất các cơ sở xử lý CTR trên địa bàn các tỉnh, đảm bảo phục vụ nhu cầu xử lý CTR đô thị - nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề trong lưu vực sông Đồng Nai; Các công nghệ xử lý các loại CTR được đề xuất theo hướng hạn chế chôn lấp góp phần tiết kiệm đất và xử lý triệt để đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường; Góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng và sự phát triển bền vững của các địa phương trong lưu vực sông Đồng Nai.
Dự báo tác động môi trường khi thực hiện quy hoạch: Hoạt động của các xe vận chuyển CTR có nguy cơ gây ô nhiễm; Quá trình xây dựng các cơ sở xử lý sẽ gây ra các tác động tới môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng (các tác động này chỉ diễn ra cục bộ và trong thời gian ngắn); Quá trình vận hành các cơ sở xử lý sẽ làm tăng tiếng ồn, gây bụi... tại khu vực đặt khu xử lý CTR; Hoạt động của các điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý có thể gây ô nhiễm môi trường nếu quy trình vận hành không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường; Nguy cơ xảy ra sự cố môi trường (phân tán khí độc, chất độc hại ra môi trường...) và tai nạn lao động trong quá trình vận chuyển CTR nguy hại từ nguồn phát sinh đến trạm trung chuyển.
Các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường: Các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường không khí, tiếng ồn đối với các phương tiện vận chuyển, thi công cơ giới trên công trường và dọc tuyến đường vận chuyển; Các biện pháp thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và CTR trên công trường xây dựng cơ sở xử lý CTR và các biện pháp an toàn và phòng chống tai nạn, sự cố trong quá trình xây dựng; Các dự án khi triển khai phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Các biện pháp thu gom và xử lý khí thải, khói bụi và nước thải từ các cơ sở xử lý CTR và các biện pháp giảm thiểu tuân thủ theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Chương trình quan trắc chất lượng môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm và đất; Cảnh báo các sự cố môi trường và đề xuất các giải pháp phòng chống giảm thiểu các ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Về tổ chức thực hiện
Bộ Xây dựng tổ chức công bố Quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Đồng Nai đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hình thức phù hợp và bàn giao hồ sơ quy hoạch cho các địa phương theo quy định hiện hành; Hướng dẫn và kiểm tra các địa phương rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý CTR của các địa phương phù hợp với Quy hoạch này.
Các Bộ, ngành có liên quan (Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Công thương, TN&MT, Y tế, NN&PTNT): Theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh trong vùng lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tổ chức thực hiện quy hoạch theo quy định.
Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai chỉ đạo, điều phối liên ngành, liên vùng thực hiện thống nhất, có hiệu quả Quy hoạch này sau khi được phê duyệt.
UBND các tỉnh, thành phố trong lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tổ chức rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành quản lý CTR trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch quản lý CTR lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trước năm 2020, tổ chức rà soát, xây dựng và thực hiện các giải pháp hạn chế ảnh hưởng tới môi trường đối với các cơ sở xử lý CTR hiện hữu và đóng cửa các bãi chôn lấp CTR không hợp vệ sinh theo quy định, có giải pháp xử lý giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường sau khi đóng bãi; cải tạo, xử lý và kiểm soát ô nhiễm đối với các cơ sở xử lý CTR khác nhằm bảo vệ nguồn nước trong toàn lưu vực. Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp với kế hoạch đầu tư cho thu gom, vận chuyển và xử lý CTR đáp ứng theo từng giai đoạn; xây dựng cơ chế, chính sách huy động các nguồn vốn triển khai quy hoạch này; Rà soát và lập kế hoạch sử dụng đất cho các trạm trung chuyển, cơ sở xử lý CTR theo quy hoạch; Chỉ đạo lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư xây dựng thu gom, vận chuyển và xử lý CTR trên địa bàn theo quy hoạch đã được duyệt; Xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về vệ sinh môi trường, phân loại CTR tại nguồn đối với các đô thị và nhân rộng với khu vực nông thôn.
Quy hoạch quản lý CTR lưu vực sông Đồng Nai là một trong các công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững trong lưu vực. Đồng thời làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý CTR trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.
Nguyễn Ái Dương
Bộ Xây dựng
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015