04/12/2013
TS. Võ Tuấn Nhân
Phó Chủ nhiệm ban KHCN&MT của Quốc hội
Dự án Luật BVMT (sửa đổi) đã được Chính phủ giao cho Bộ TN&MT là cơ quan chủ trì soạn thảo triển khai thực hiện. Đến nay, Chính phủ đã có tờ trình số 315/TTr-CP ngày 30/8/2013 kèm theo Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 13, các vị đại biểu Quốc hội sẽ cho ý kiến về Dự thảo Luật này.
Dự án Luật BVMT (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, về cơ bản đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban Soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 8 năm việc thực hiện Luật BVMT năm 2005; tham khảo chính sách, pháp luật của một số quốc gia trong hoạt động BVMT; đánh giá tác động của việc ban hành Dự thảo Luật và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật kèm theo.
Qua nghiên cứu, xin có một số góp ý để hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi):
1. BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) (Chương III)
Việc ghép hai nội dung “BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên” và “thích ứng với BĐKH” là chưa phù hợp. Hơn nữa, nội dung về ứng phó với BĐKH trong Dự thảo Luật còn chưa rõ (chỉ có một điều là Điều 26); chưa thể chế hóa được chủ trương, nhiệm vụ chủ yếu và các giải pháp ứng phó với BĐKH đã được xác định trong Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ rất quan trọng đối với nước ta hiện nay, trong khi chưa xây dựng được một luật riêng thì cần thiết kế một Chương riêng về ứng phó với BĐKH theo hướng quy định các nguyên tắc quản lý nhà nước; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân về ứng phó với BĐKH trong Dự thảo Luật trên tinh thần “Chủ động ứng phó với BĐKH”.
2. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT (Chương XIII)
Dự thảo Luật đã dành một chương quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ (Điều 126), của Bộ trưởng Bộ TN&MT (Điều 127), trách nhiệm của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Điều 128) và trách nhiệm của UBND các cấp (Điều 129). Tuy nhiên, chương này chưa bao quát hết nội dung quản lý nhà nước về BVMT, chưa hệ thống đầy đủ trách nhiệm của các Bộ, ngành; quy định về trách nhiệm của từng Bộ, ngành còn nằm rải rác ở các điều khoản khác nhau nên dễ dẫn đến sự chồng chéo hoặc bỏ sót trách nhiệm của các Bộ, ngành.
Vì vậy, cần rà soát, hệ thống lại trách nhiệm của các Bộ, ngành, UBND các cấp để quy định rõ và đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.
3. Sửa đổi, bổ sung các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT
Về đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) (Mục 1, Chương II): Tại Điều 8, Dự thảo Luật quy định đối tượng phải đánh giá ĐMC. So với Luật BVMT năm 2005, Dự thảo Luật đã bổ sung các loại đối tượng thuộc nhóm chiến lược, quy hoạch phải lập ĐMC và loại bỏ quy định phải lập ĐMC đối với các kế hoạch. Việc phân nhóm chiến lược, quy hoạch cần lập ĐMC là cần thiết. Tuy nhiên, Ban Soạn thảo cần rà soát, bổ sung cho đúng và đầy đủ các loại chiến lược, quy hoạch phải lập ĐMC; cân nhắc việc loại bỏ quy định phải lập ĐMC đối với các kế hoạch, bởi vì có loại kế hoạch tiềm ẩn nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường.
Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) (Mục 2, Chương II): Dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện ĐTM sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”. Như vậy, việc thực hiện ĐTM đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: “ĐTM sơ bộ” và “ĐTM”.
Thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy, việc quy định 2 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định là cần thiết. Tuy nhiên, việc quy định 2 bước lập ĐTM sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. ĐTM sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của luật khác (như Luật Đầu tư…). Mặt khác, tại điểm c khoản 2 Điều 14 Dự thảo Luật quy định “Báo cáo ĐTM sơ bộ phải được lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ TN&MT”. Do đó, cần nghiên cứu, rà soát quy định này để bảo đảm không phát sinh thủ tục hành chính và khắc phục việc gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội.
Về kế hoạch BVMT: Theo Dự thảo Luật, kế hoạch BVMT sẽ thay thế quy định về cam kết BVMT. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được quyền tự quyết định biện pháp BVMT trong kế hoạch BVMT.
Cam kết BVMT là quy định pháp lý đã áp dụng trong nhiều năm qua, nếu bỏ sẽ mất đi công cụ sàng lọc các vấn đề môi trường đối với dự án quy mô nhỏ. Hơn nữa, cam kết BVMT và kế hoạch BVMT là hai phạm trù khác nhau, về thực chất cam kết BVMT là một hình thức ĐTM đơn giản, là căn cứ để quyết định một dự án/đề xuất đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị; còn kế hoạch BVMT là kết quả của việc tính toán thực tế để BVMT đối với một cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong giai đoạn vận hành, nên không thể thay thế cho cam kết BVMT.
Do đó, cần cân nhắc giữ quy định về cam kết BVMT, đồng thời quy định rõ đối tượng phải có bản cam kết BVMT cho phù hợp.
Về việc tham vấn trong quá trình thực hiện ĐTM và cách thức tiến hành (Điều 15 và Điều 16): Thực tiễn việc tham vấn đối với tổ chức chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cộng đồng dân cư liên quan đến dự án trong quá trình xây dựng và thẩm định ĐTM trong thời gian qua đã có tác dụng tốt. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Dự thảo Luật thì đối tượng tham vấn ĐTM còn hẹp, cách thức tiến hành tham vấn quy định chưa cụ thể và khoa học nên khó phát huy được đầy đủ tác dụng của tham vấn trong BVMT. Nên thể hiện lại các quy định này theo hướng mở rộng đối tượng tham vấn và quy định cụ thể, khoa học hơn cách thức tiến hành tham vấn cộng đồng dân cư có liên quan đến dự án trong quá trình thực hiện ĐTM.
4. Khởi kiện về môi trường (Điều 153), bồi thường thiệt hại về môi trường (Chương XVIII)
Thiệt hại do ô nhiễm môi trường có thể được phát hiện trong một thời gian ngắn, kể từ ngày xảy ra vi phạm nhưng có thể nhiều năm sau mới phát hiện được. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự có quy định chung thời hiệu khởi kiện về đòi bồi thường thiệt hại là hai (02) năm kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân bị xâm phạm. Trong thực tế có nhiều thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra khi phát hiện thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, Dự thảo Luật nên có quy định thời hiệu khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại về môi trường theo hướng: 2 năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
5. BVMT trong nhập khẩu phế liệu (Điều 52)
Tại khoản 15 Điều 3 của Dự thảo Luật đã có quy định về “phế liệu”. Tuy nhiên, về bản chất, phế liệu bao giờ cũng chứa một lượng nhất định chất thải kể cả chất thải nguy hại, nhưng những quy định về quản lý chất thải (Chương VIII) của Dự thảo Luật lại không đề cập đến quản lý chất thải trong nhập khẩu phế liệu.
Trong khi đó, tại Điều 52 quy định BVMT trong nhập khẩu phế liệu còn chung chung, thiếu cụ thể; nội dung BVMT trong nhập khẩu phế liệu chưa rõ ràng. Trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường và tiêu chuẩn môi trường (Chương X) chưa có quy định quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu.
Từ những bất cập nêu trên, cần có nghiên cứu, quy định rõ trong Dự thảo Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu, quy định Chính phủ công bố danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài và từ doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong các khu phi thuế quan vào nội địa; bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước. Đồng thời, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định vào Điều 128, Dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính trong quản lý, theo dõi, giám sát quá trình nhập khẩu, sử dụng phế liệu nhập khẩu và việc lưu giữ, tái xuất, tiêu hủy phế liệu nhập khẩu sai quy định.
6. Một số vấn đề khác
Về quan trắc môi trường (Chương XI): Trong thực tế hiện nay có những cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động xả thải ở mức độ rất nhỏ, nhưng theo quy định tại khoản 3, Điều 109, Dự thảo Luật thì các cơ sở này phải thực hiện chương trình quan trắc phát thải. Quy định này là chưa phù hợp, nên cần thể hiện lại theo hướng căn cứ vào quy mô, tính chất nguồn thải để quy định thực hiện chương trình quan trắc phát thải.
Về những hành vi bị nghiêm cấm: Dự thảo Luật nên giữ nguyên quy định nghiêm cấm sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán và đốt pháo nổ như đã quy định tại khoản 4, Điều 85, Luật BVMT năm 2005; tiếp tục quy định “Nghiêm cấm mọi hình thức đổ chất thải trong vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” như đã quy định tại khoản 4, Điều 57, Luật BVMT năm 2005.
Việc sửa đổi Luật BVMT năm 2005 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về BVMT; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BVMT trong tình hình mới, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước; chủ động hội nhập quốc tế với nhiều vấn đề mới cấp thiết, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện là rất cần thiết.
TS. Võ Tuấn Nhân
Phó Chủ nhiệm ban KHCN&MT của Quốc hội
Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)