Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Một số quy định mới về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

02/09/2013

Một số quy định mới về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản

            Ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg về     cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo môi trường đối với hoạt động khai thác           khoáng sản (Quyết định 18/2013/QĐ-TTg). Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày     15/5/2013 và thay thế Quyết định số 71/2008/QĐ-TTg ngày 29/5/2008 của Thủ tướng        Chính phủ về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản       (Quyết định 71/2008/QĐ-TTg).

            Một số kết quả đạt được và những tồn tại của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg

            Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định 71/2008/QĐ-TTg, công tác quản lý, BVMT và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp BVMT của đất nước, cụ thể: từ Trung ương đến địa phương đã tăng cường công tác quản lý, thẩm định các dự án cải tạo, phục hồi môi trường; hình thành các Quỹ BVMT địa phương để tiếp nhận, quản lý khoản tiền ký quỹ; các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra xử lý các vi phạm về BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản; các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã có trách nhiệm hơn trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường thông qua các phương án cải tạo, phục hồi môi trường chi tiết hơn và hồ sơ ký quỹ, hoàn trả tiền ký quỹ rõ ràng, thuận lợi hơn cho tổ chức, cá nhân so với thời điểm trước khi Quyết định 71/2008/QĐ-TTg ban hành.

            Tuy nhiên, Quyết định này cũng đã bộc lộ một số bất cập và vướng mắc trong quá trình triển khai. Thứ nhất là bất cập về tên gọi và cấu trúc của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg. Về tên gọi của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg là “Ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản”. Ký quỹ chỉ là một hình thức để ràng buộc trách nhiệm các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản để thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản. Trong khi đó, việc cải tạo, phục hồi môi trường bao gồm từ việc lựa chọn, phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường; ký quỹ; thực hiện phương án; kiểm tra, xác nhận hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường. Về cấu trúc và bố cục của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg chưa rõ ràng và cụ thể: cùng một đối tượng, cách thức quản lý được quy định tại nhiều nơi khác nhau trong Quyết định 71/2008/QĐ-TTg làm cho người thực hiện khó theo dõi và tra cứu.

            Thứ hai, một số đối tượng phải lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và Dự án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung bị thiếu theo Quyết định 71/2008/QĐ-TTg và Thông tư số 34/2009/TT-BTNMT, cụ thể: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã được phê duyệt Dự án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng thay đổi về diện tích, độ sâu, công suất khai thác, trữ lượng, thời gian khai thác hoặc thay đổi phương án cải tạo, phục hồi môi trường so với Dự án đã được phê duyệt; Quyết định 71/2008/QĐ-TTg mới chỉ quy định về việc lập Dự án cải tạo, phục hồi môi trường các dự án riêng lẻ, thiếu các quy định cho công tác cải tạo, phục hồi môi trường tại các khu vực có nhiều dự án liên vùng, liên mỏ.

            Thứ ba, thiếu các quy định về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường và thẩm định, phê duyệt nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đối với khu vực chế biến khoáng sản. Theo Luật Khoáng sản năm 2010, khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản, khai đào, phân loại, làm giàu và hoạt động khác có liên quan. Như vậy, Quyết định 71/2008/QĐ-TTg thiếu quy định về cải tạo và phục hồi môi trường cho các khu vực chế biến khoáng sản (công đoạn phân loại và làm giàu khoáng sản) nằm trong hoặc ngoài ranh giới được phép khai thác khoáng sản; Thiếu các quy định về cải tạo, phục hồi môi trường cho loại hình khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ, khai thác nước khoáng.

            Thứ tư là bất cập về xác định và quản lý tiền ký quỹ. Cách xác định khoản tiền theo hệ số thời gian tại khoản 2 Điều 8 của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg là không chính xác và rất khó khăn để xác định khoản tiền ký quỹ vì thời gian trong báo cáo đầu tư, báo cáo đánh giá tác động môi trường là thời gian dự tính trên cơ sở đánh giá trữ lượng và thiết kế công suất khai thác của tổ chức, cá nhân, còn thời gian theo giấy phép khai thác là thời gian đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dựa trên quy hoạch khai thác, quy hoạch sử dụng đất của địa phương và nhu cầu khai thác của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, đối với những dự án đã có giấy phép khai thác khoáng sản thì việc tính toán khoản tiền ký quỹ cần dựa vào thời gian trong giấy phép khai thác khoáng sản. Quyết định 71/2008/QĐ-TTg chưa quy định rõ, không ràng buộc trách nhiệm phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường nên nhiều tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã lợi dụng, tuyên bố phá sản để không phải thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường, gây khó khăn cho các nhà quản lý trong khắc phục hậu quả.

Một số quy định mới về cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.tif

Quyết định 18/2013/QĐ-TTg bổ sung quy định trách nhiệm của tổ chức,

cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường

            Sự cần thiết ban hành Quyết định 18/2013/QĐ-TTg

            Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2929/VPCP-KTTH ngày 10/5/2011 về sửa đổi, bổ sung Quyết định 71/2008/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 71/2008/QĐ-TTg và báo cáo tình hình ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường của các tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tổng hợp các ý kiến về những khó khăn bất cập trong quá trình triển khai Quyết định 71/2008/QĐ-TTg, Bộ TN&MT đã xây dựng định hướng, chỉnh sửa, bổ sung Quyết định phù hợp với thực tế.

            Trong quá trình xây dựng các dự thảo của Quyết định, Bộ TN&MT đã tổ chức nhiều cuộc họp các Bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đồng thời đăng tải các dự thảo trên website của Bộ TN&MT tiếp nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân.

            Ngày 29/3/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 18/2013/QĐ-TTg. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2013 và thay thế Quyết định 71/2008/QĐ-TTg. Quyết định gồm 6 chương, 20 điều quy định chi tiết việc cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Quyết định không áp dụng đối với vấn đề cải tạo, phục hồi môi trường trong các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, nước khoáng và nước nóng thiên nhiên.

            Theo Quyết định, yêu cầu của việc cải tạo, phục hồi môi trường là đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

            Mục đích của ký quỹ, cải tạo môi trường là để đảm bảo tổ chức, các nhân khai thác khoáng sản thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện ký quỹ tại Quỹ BVMT. Trong trường hợp địa phương nơi có hoạt động khai thác khoáng sản chưa có Quỹ BVMT thì tổ chức, cá nhân phải ký quỹ tại Quỹ BVMT Việt Nam.

            So với Quyết định 71/2008/QĐ-TTg thì Quyết định 18/2013/QĐ-TTg có một số điểm mới sau:

            Thứ nhất, Quyết định 18/2013/QĐ-TTg yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản. Ngoài ra, đối với khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ, việc phục hồi môi trường còn phải đảm bảo tuân thủ Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

            Thứ hai, tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản phải lập Đề án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc Đề án bổ sung (thay thế cho Dự án cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của Quyết định 71/2008/QĐ-TTg). Đề án và Đề án bổ sung được lập, trình thẩm định cùng thời điểm với Báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết BVMT.

            Thứ ba, các đối tượng không phải lập Đề án gồm: Tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản đã có Dự án cải tạo, phục hồi môi trường được phê duyệt và đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; Và các tổ chức, cá nhân khai thác vật liệu xây dựng thông thường theo quy định tại khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản.

            Thứ tư, tổ chức sau khi đã hoàn thành từng phần hoặc toàn bộ nội dung cải tạo, phục hồi môi trường theo Đề án hoặc Đề án bổ sung phải Báo cáo hoàn thành cải tạo, phục hồi môi trường. Theo đó, các dự án có giấy phép khai thác khoáng sản dưới 3 năm phải lập Báo cáo và đề nghị xác nhận hoàn thành phục hồi môi trường 1 lần. Dự án có giấy phép trên 3 năm có thể lập Báo cáo và đề nghị hoàn thành từng hạng mục công trình theo Đề án đã được phê duyệt.

            Thứ năm, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải thực hiện tham vấn ý kiến cộng đồng sau khi đã cải tạo và phục hồi môi trường. Việc tham vấn cộng đồng được thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP.

            Cũng theo Quyết định 18/2013/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TN&MT xây dựng và ban hành các hướng dẫn về BVMT, cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực khai thác khoáng sản liên mỏ; Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh xác định các khu vực bị ảnh hưởng do khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ; đánh giá ảnh hưởng do khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ đến môi trường và con người.

            Đồng thời, giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy hoạch sử dụng đất sau khai thác khoáng sản; phương án cải tạo, phục hồi môi trường khu vực khai thác liên mỏ trên địa bàn. Hàng năm, báo cáo về Bộ TN&MT kết quả thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường; tình hình quản lý, sử dụng tiền ký quỹ và phí BVMT đối với hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, thành phố.

            Hiện nay, Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường, Tổng cục Môi trường đang khẩn trương xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 18/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

ThS. Nguyễn Hoài Đức

Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

 

Ý kiến của bạn