Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Một số quy định của pháp luật về vai trò cộng đồng dân cư với bảo vệ môi trường nước

10/04/2015

     Ngày nay, công tác BVMT được Nhà nước, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, pháp luật BVMT đang dần được cụ thể hóa trong nội dung Hiến pháp. Bài viết giới thiệu những quy định của pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân và cộng đồng dân cư trong lĩnh vực BVMT nói chung, môi trường nước nói riêng sau khi Hiến pháp 2013 và Luật BVMT năm 2014 có hiệu lực.

     Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực từ năm 2014, gồm một số quy định cơ bản quan trọng về quyền của công dân liên quan tới BVMT như sau: Điều 28 quy định, công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, xã hội: Thảo luận và kiến nghị với cơ quan Nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước; Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội và công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân. Điều 30, Khoản 1 quy định, mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Điều 43 quy định, mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT. Nhà nước có chính sách BVMT; Quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH); Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; Khuyến khích mọi hoạt động BVMT, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm ĐDSH phải bị xử lý nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại (Điều 63).

     Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thông qua Luật BVMT năm 2014, trong đó cụ thể hóa một bước các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, cộng đồng dân cư BVMT nói chung và liên quan trực tiếp đối với môi trường nước nói riêng, cụ thể:

     Điều 5, Khoản 1 quy định, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia hoạt động BVMT; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động BVMT; Khoản 10 quy định Nhà nước ghi nhận, tôn vinh cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác BVMT.

     Điều 6 quy định, Nhà nước khuyến khích công dân và cộng đồng dân cư xây dựng thôn, làng, bản, ấp, khu dân cư thân thiện với môi trường (Khoản 9); Phát triển các hình thức tự quản và tổ chức hoạt động dịch vụ giữ gìn vệ sinh môi trường của cộng đồng dân cư (Khoản 10); Công dân, cộng đồng dân cư hình thành nếp sống, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ hủ tục gây hại đến môi trường (Khoản 11).

     Điều 7 nêu ra một số hành vi gây ô nhiễm môi trường bị cấm như: Xả thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường; Chất độc, phóng xạ và các loại chất thải nguy hại khác vào đất, nguồn nước, không khí (Khoản 5); Đưa vào nguồn nước hóa chất độc hại, chất thải, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người, sinh vật (Khoản 6); Che dấu hành vi hủy hoại môi trường, cản trở hoạt động BVMT, làm sai lệch thông tin dẫn đến hậu quả xấu đối với môi trường (Khoản 15); Người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ, vượt quá quyền hạn để làm trái quy định về quản lý môi trường (Khoản 16).

     Điều 56 quy định, nguồn nước hồ, ao, kênh, mương, rạch phải được điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và bảo vệ để điều hòa nguồn nước; Hồ, ao, kênh, mương, rạch trong đô thị, khu dân cư phải được quy hoạch để cải tạo, bảo vệ; Tổ chức, cá nhân không được lấn chiếm, xây dựng trái phép công trình, nhà ở trên mặt nước hoặc trên bờ tiếp giáp mặt nước hồ, ao, kênh, mương, rạch; Hạn chế tối đa việc san lấp hồ, ao trong đô thị, dân cư. UBND cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra, đánh giá trữ lượng, chất lượng và lập kế hoạch bảo vệ, điều hòa chế độ nước của hồ, ao, kênh, mương, rạch; Cải tạo hoặc di dời các khu, cụm nhà ở, công trình trên hồ, ao, kênh, mương, rạch, gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn dòng chảy, suy thoái hệ sinh thái đất ngập nước và làm mất mỹ quan đô thị.

     Điều 58 quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có sử dụng hóa chất độc hại, chất phóng xạ phải có biện pháp bảo đảm không để rò rỉ, phát tán vào nguồn nước dưới đất.

     Điểm a, Khoản 1, Điều 68 quy định, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thu gom, xử lý nước thải, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi xả ra môi trường tự nhiên.

     Điều 69 quy định, phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; Dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải (Khoản2). Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án về BVMT ; Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định; Vệ sinh chuồng, trại định kỳ, phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh; Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh (Khoản 3).

 

Luật BVMT năm 2014 khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ tự quản BVMT

nơi mình sinh sống và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện

 

     Điều 70 quy định, làng có nghề phải có phương án BVMT làng nghề; Kết cấu hạ tầng bảo đảm thu gom, phân loại, lưu trữ, xử lý, thải bỏ chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Có tổ chức tự quản về BVMT (Khoản1); UBND cấp xã có làng nghề phải lập, triển khai thực hiện phương án BVMT (Khoản 4) và hàng năm có báo cáo gửi UBND cấp huyện; UBND cấp huyện có làng nghề phải chỉ đạo, hướng dẫn kiểm tra, thanh tra công tác BVMT làng nghề trên địa bàn, hàng năm báo cáo UBND cấp tỉnh về công tác BVMT làng nghề (Khoản 5); UBND cấp tỉnh có làng nghề phải quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với BVMT. Đồng thời, bố trí ngân sách cho các hoạt động BVMT làng nghề; Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; Quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề và có kế hoạch di rời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu dân cư (Khoản 6).

     Điều 71 quy định, thuốc thú y thủy sản, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản đã hết hạn sử dụng, bao bì đựng thuốc thú y thủy sản, hóa chất sau khi sử dụng, bùn đất và thức ăn lắng đọng khi làm vệ sinh ao nuôi thủy sản phải được thu gom, xử lý theo quy định về quản lý chất thải (Khoản 3).

     Điều 72 quy định, bệnh viện, cơ sở y tế phải thu gom, xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường (điểm a, Khoản 1);

     Điều 73, Khoản 3 quy định, công trình xây dựng trong khu dân cư phải bảo đảm không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường; Việc vận chuyển vật liệu được thực hiện bằng phương tiện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không làm rò rỉ, rơi vãi gây ô nhiễm môi trường; Nước thải, chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, xử lý theo đúng quy định.

     Điều 82 yêu cầu hộ gia đình giảm thiểu, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải, nước thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; Tham gia hoạt động BVMT công cộng tại khu dân cư.

     Điều 83 khuyến khích cộng đồng dân cư thành lập tổ tự quản về BVMT nơi mình sinh sống và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, thực hiện các nhiệm vụ: Kiểm tra, đôn đốc hộ gia đình, cá nhân thực hiện quy định về giữ gìn vệ sinh và BVMT; Tổ chức thu gom, tập kết và xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh môi trường tại khu dân cư và nơi công cộng; Xây dựng và tổ chức thực hiện Hương ước về BVMT; Tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe và môi trường; Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp xã có trách nhiệm thành lập và tạo điều kiện để tổ tự quản hoạt động có hiệu quả.

     Điều 100 quy định, nước thải của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

     Điều 101 quy định, các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, khu, cụm công nghiệp làng nghề là các đối tượng phải có hệ thống xử lý nước thải chung.

     Điều 129 quy định, UBND từ cấp tỉnh đến cấp xã có trách nhiệm thu thập, quản lý thông tin môi trường trong phạm vi quản lý của mình.

     Điều 131 quy định, các nội dung thông tin môi trường phải được công khai (trừ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước) trong đó có thông tin về nguồn thải, chất thải, xử lý chất thải; Khu vực môi trường bị ô nhiễm, suy thoái nghiêm trọng và kết quả thanh tra, kiểm tra về BVMT.

     Ngoài trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, huyện còn quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp xã trong công tác BVMT (Điều 143).

     Tại các điều 144, 145, 146 quy định, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp trong BVMT.

     Với một số quy định pháp lý đã nêu ra trong Hiến pháp năm 2013 và Luật BVMT năm 2014 có thể thấy, mỗi công dân, cộng đồng dân cư đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để chủ động thực hiện nghĩa vụ cũng như phát huy quyền của mình trong công tác BVMT nói chung, BVMT nước nói riêng. Điểm sáng của Luật BVMT 2014 là đã cụ thể hóa hơn vai trò của MTTQ, các tổ chức chính tri - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đặc biệt là vai trò của cộng đồng dân cư trong BVMT. Những quy định trong Luật thể hiện được tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và chủ trương, chính sách xã hội hóa hoạt động BVMT của Đảng và Nhà nước. Hy vọng, thời gian tới, cộng đồng dân cư cũng như mỗi công dân sẽ tích cực, cùng chung tay với chính quyền các cấp để BVMT, nhất là BVMT nước, góp phần phát triển đất nước bền vững trong thời kỳ mới.

 

Nghiêm Xuân Bạch

Liên minh Nước sạch

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015

 

 

Ý kiến của bạn