Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Một số quan điểm, định hướng lớn trong xây dựng Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

04/12/2013

PGS.TS Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng
Tổng cục Môi trường

 

     Sự cần thiết sửa đổi Luật BVMT năm 2005

     Luật BVMT năm 2005 được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 8 ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2006. Sau 8 năm thi hành Luật BVMT năm 2005, công tác BVMT trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về BVMT đã được hình thành tương đối đồng bộ và ngày càng hoàn thiện. Nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết cho BVMT đã được tăng cường một bước, bảo đảm ngày càng tốt hơn so với yêu cầu của thực tiễn. Khoa học và công nghệ, hội nhập và hợp tác quốc tế đã có những đóng góp quan trọng trong BVMT. Nhận thức về BVMT của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân đã có những chuyển biến tích cực; bước đầu hình thành ý thức BVMT trong các tầng lớp nhân dân. Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm được thúc đẩy, góp phần kiềm chế tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường. Khắc phục, cải thiện chất lượng môi trường từng bước được đẩy mạnh, góp phần hạn chế các vùng đất, nguồn nước bị ô nhiễm, suy thoái. Công tác bảo vệ, bảo tồn đã kiềm chế mức độ suy giảm đa dạng sinh học. Công tác điều tra, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và đa dạng sinh học đã được đầu tư thực hiện; báo cáo môi trường được xây dựng và công bố công khai. Mạng lưới các trạm quan trắc đã được quy hoạch, từng bước đầu tư xây dựng và vận hành, công nghệ quan trắc tự động đã được chú trọng ứng dụng. Hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường đã được xây dựng và bước đầu đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý môi trường.

     Tuy nhiên, qua tổng kết, đánh giá 8 năm thi hành Luật BVMT năm 2005 cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật BVMT là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Một số quy định trong pháp luật về BVMT không còn phù hợp, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, đã nảy sinh sự chồng chéo, thiếu tính đồng bộ trong các quy định của pháp luật về BVMT với pháp luật khác có liên quan đến BVMT. Cơ chế, chính sách BVMT chậm đổi mới, chưa đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường. Phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý môi trường còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý, chưa đi đôi với tăng cường năng lực, phân định rõ trách nhiệm. Việc giao cho nhiều Bộ, ngành cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường trong khi chưa xác định được nguyên tắc tổ chức bộ máy thống nhất để giải quyết các vấn đề có tính liên vùng, liên ngành dẫn đến sự phối hợp không nhất quán, nảy sinh nhiều cơ quan đầu mối trong cùng một nhiệm vụ quản lý, do đó làm giảm vai trò của cơ quan đầu mối thống nhất giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường. Các quy định của pháp luật chưa tạo ra cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội, từng doanh nghiệp và người dân đối với công tác BVMT.

     Trong thời gian qua, nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng đối với công tác BVMT mới được ban hành, đặc biệt thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Đồng thời, nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của BĐKH, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về BVMT phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Những yếu tố trên cho thấy, sự cần thiết phải sớm tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật BVMT năm 2005 cho phù hợp với các yêu cầu mới của thực tiễn.

     Một số quan điểm, định hướng trong xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

     Việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) trước hết phải khắc phục những tồn tại, bất cập nảy sinh qua hơn 8 năm triển khai thi hành Luật BVMT năm 2005, tiến tới xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về BVMT. Đồng thời, Luật BVMT (sửa đổi) phải cập nhật, cụ thể hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; đáp ứng những yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam. Chính phủ đã xác định các quan điểm, định hướng lớn trong quá trình xây dựng Luật BVMT (sửa đổi), cụ thể:

     Một là, môi trường là vấn đề toàn cầu. BVMT phải được coi vừa là mục tiêu, vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường BVMT phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Đầu tư cho BVMT chính là đầu tư cho phát triển bền vững.

     Hai là, tiếp tục quán triệt và thể chế hóa quan điểm BVMT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; huy động có hiệu quả sự tham gia và sức mạnh của toàn xã hội, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của các quốc gia trên thế giới vào công tác BVMT của Việt Nam. Khắc phục những chồng chéo trong phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý môi trường, bảo đảm phù hợp với năng lực của từng cấp, từng ngành. Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trên một số lĩnh vực của hoạt động quản lý nhà nước như truyền thông về BVMT, cung cấp các dịch vụ công về môi trường.

     Ba là, khắc phục tư tưởng chạy theo các lợi ích trước mắt về kinh tế mà hy sinh những lợi ích lâu dài về môi trường. Nâng cao hiệu quả của hoạt động lồng ghép yêu cầu BVMT trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án đầu tư phát triển. Các chỉ tiêu môi trường phải được sử dụng để đánh giá chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia, ngành, lĩnh vực và địa phương.

     Bốn là, sửa đổi Luật BVMT phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác BVMT; dựa trên nguyên tắc kế thừa những ưu điểm của Luật BVMT năm 2005; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng pháp luật về môi trường của một số quốc gia trên thế giới; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay. Các quy định của Luật phải rõ ràng, có tính thực thi và cần được chi tiết ở mức tối đa, hạn chế các quy định cần xây dựng văn bản dưới luật.

     Năm là, bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ giữa quy định của pháp luật về BVMT với các hệ thống pháp luật khác có liên quan, giữ vững nguyên tắc pháp chế và tính nghiêm minh của pháp luật. Đảm bảo thống nhất quản lý nhà nước về BVMT từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức và cá nhân đối với công tác BVMT.

     Nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của việc xây dựng Luật BVMT (sửa đổi) đối với công tác BVMT và phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay, trong thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ TN&MT đã tích cực, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương, kêu gọi sự tham gia, vào cuộc của các chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm, sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế vào quá trình nghiên cứu, đánh giá, rà soát, xây dựng các nội dung cụ thể của Dự thảo Luật.

 

 

     Các nội dung thay đổi chính của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)

     Bố cục của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) (Dự thảo Luật) gồm 19 chương và 160 điều với các nội dung:

     Về số lượng chương, điều: Dự thảo Luật tăng thêm 4 chương và 24 điều so với Luật BVMT năm 2005, với sự thay đổi thứ tự theo tính ưu tiên và bổ sung các chương mới (Chương về BVMT nước, đất, không khí; Chương về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư về BVMT...)

     Về đánh giá tác động môi trường (ĐTM): Dự thảo Luật quy định cụ thể 3 nhóm dự án cần phải lập báo cáo ĐTM. Quy định này có tính toàn diện hơn, không bỏ sót các dự án cần lập báo cáo ĐTM và giới hạn các dự án phải lập báo cáo ĐTM. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định các dự án có quy mô lớn, có khả năng tác động nhiều mặt tới môi trường phải thực hiện ĐTM thông qua 2 bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM, hạn chế tối đa việc đã lập dự án cụ thể và lập báo cáo ĐTM nhưng dự án không được phép thực hiện.

     Về BVMT đất và không khí: Dự thảo Luật bổ sung các quy định mới về nguyên tắc BVMT đất, chất lượng môi trường đất và kiểm soát ô nhiễm môi trường đất. Theo đó, BVMT đất là bảo vệ tài nguyên đất; mọi tổ chức, cá nhân sử dụng đất phải có trách nhiệm BVMT đất; người gây ô nhiễm đất phải có trách nhiệm xử lý và phục hồi môi trường đất. Những quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với BVMT đất, tạo nền tảng pháp lý để mở rộng các quy định cụ thể về BVMT đất. Dự thảo Luật quy định mọi nguồn thải khí phải được kiểm soát và trách nhiệm giảm thiểu, xử lý khí thải của các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát thải khí.

     Về lập Kế hoạch BVMT: Nếu như coi ĐTM là công cụ hữu hiệu để góp phần hài hòa các yêu cầu BVMT đối với các dự án thì chúng ta đang thiếu vắng một công cụ hữu hiệu và thống nhất để quản lý môi trường đối với các cơ sở, doanh nghiệp trong giai đoạn hoạt động. Kế hoạch BVMT được đề xuất như một công cụ thống nhất để quản lý công tác BVMT của cơ sở, doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. Các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm lập kế hoạch BVMT, trong đó cần thể hiện rõ các hoạt động nhằm phòng ngừa, kiểm soát môi trường, quản lý chất thải, ứng phó với sự cố môi trường, các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học trong quá trình hoạt động của cơ sở theo quy định của pháp luật.

     Về quản lý chất thải: Bổ sung nguyên tắc quản lý chất thải để chi phối mọi hoạt động quản lý chất thải; quy định các loại chất thải phải được quản lý từ khi phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và xử lý; các tổ chức, cá nhân có các hoạt động giảm thiểu phát thải, tái chế, tái sử dụng chất thải được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước; Bổ sung nội dung “tái sử dụng chất thải” nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng chất thải, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; Quy định trách nhiệm của người tiêu dùng và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước bên cạnh trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc thu hồi các sản phẩm hết hạn sử dụng và thải bỏ; Quy định trách nhiệm của các chủ đầu tư khu công nghiệp, khu chế xuất trong quản lý chất thải; đối với quản lý chất thải nguy hại, để khắc phục những mặt trái trong quản lý chất thải nguy hại trong thời gian vừa qua, Dự thảo Luật đã đưa ra 6 nguyên tắc trong quản lý chất thải nguy hại; quy định bổ sung các điều kiện hành nghề xử lý chất thải nguy hại.

     Về quan trắc môi trường: Bổ sung các quy định về trách nhiệm quan trắc môi trường, điều kiện quan trắc môi trường và quản lý số liệu quan trắc môi trường; Quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh, Ban quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong hoạt động quan trắc môi trường nhằm bảo đảm chất lượng quan trắc môi trường, quản lý và khai thác hiệu quả số liệu quan trắc môi trường.

     Về thông tin môi trường và báo cáo môi trường: Bổ sung quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin môi trường; thu thập, lưu giữ thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường với mục tiêu xây dựng hệ thống thông tin môi trường toàn diện, cụ thể, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường và xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng các dự án cụ thể; Bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo hàng năm về công tác BVMT của các cấp chính quyền; nội dung của báo cáo hiện trạng môi trường; nội dung về BVMT trong các báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

     Về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư về BVMT: Các quy định về quyền và nghĩa vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng dân cư được quy định tại một chương riêng với các quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức này trong việc cung cấp thông tin, tham gia đối thoại, tham gia kiểm tra, tham gia các hoạt động BVMT để tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực BVMT.

     Ngoài ra, để đảm bảo tính toàn diện trong quản lý các vấn đề môi trường, Dự thảo Luật bổ sung thêm một số nội dung như quy định về ứng dụng khoa học và công nghệ trong BVMT; quy định cụ thể hơn các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, phát triển khoa học và công nghệ môi trường được ưu tiên; trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ TN&MT trong lĩnh vực này; Bổ sung và cụ thể hóa trách nhiệm của các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các làng nghề; các điều kiện về BVMT tại các làng nghề; trách nhiệm của UBND cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh đối với BVMT làng nghề; Bổ sung các quy định về BVMT đối với các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm. Các cơ sở nghiên cứu, phòng thí nghiệm có phát sinh chất thải ra môi trường phải có trách nhiệm thu gom, phân loại, xử lý các loại chất thải và có kế hoạch phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường.

     Một số nội dung chính sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong thời gian tới

     Dự thảo Luật đã được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội thẩm tra và có ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Chính phủ xem xét trình Quốc hội, với một số nội dung chính:

     - Tiếp tục cụ thể hóa hơn nữa một số nội dung đã có tính ổn định cao như các quy định về đánh giá môi trường chiến lược, ĐTM, cam kết BVMT, xác nhận việc hoàn thành các công trình BVMT…;

     - Bổ sung các quy định nhằm tạo căn cứ pháp lý cho việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường;

     - Nội dung về BĐKH: Trong Dự thảo Luật có 1 điều quy định có tính nguyên tắc về lồng ghép BVMT với phòng chống, thích ứng với BĐKH và nhiều nội dung quy định về vấn đề này như hạn chế phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, kiểm soát ô nhiễm môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gắn kết các hoạt động thích ứng BĐKH với khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung làm rõ hơn các quy định này.

     Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) sẽ được hoàn thiện và báo cáo xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 và sẽ được xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. Khi được thông qua, Luật BVMT (sửa đổi) sẽ đóng vai trò to lớn trong việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT ở Việt Nam hiện nay, góp phần quan trọng trong việc phấn đấu đạt được các mục tiêu về môi trường đã được đề ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

 

PGS.TS Bùi Cách Tuyến

Thứ trưởng Bộ TN&MT kiêm Tổng cục trưởng
Tổng cục Môi trường

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

Ý kiến của bạn