26/11/2013
Trong những năm qua, chính sách BVMT đã được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, ban hành nhiều Nghị định, Thông tư nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Nhờ các chính sách trên, công tác BVMT đã từng bước được quan tâm, đầu tư và phát triển lớn mạnh.
Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long là doanh nghiệp chuyên ngành vệ sinh môi trường của TP. Hà Nội, các hoạt động BVMT chính của Công ty gồm: Thu gom rác trong khu dân cư, vận chuyển rác đến khu xử lý; Xử lý rác sinh hoạt; Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải xây dựng (CTXD). Sản xuất thiết bị thu gom, xe chuyên dùng vận chuyển rác và xây lắp nhà xưởng sản xuất thiết bị nhà máy xử lý rác.
Ông Nguyễn Phúc Thành - Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường
Thăng Long
Là một trong 22 đơn vị đang thực hiện công tác BVMT trên địa bàn Hà Nội, trong những năm qua theo chính sách của thành phố, Công ty đã đầu tư gần 200 tỷ đồng cho các trang thiết bị, máy móc cho công tác thu gom - vận chuyển - xử lý chất thải, đảm bảo việc làm cho gần 1.300 lao động làm việc trong các lĩnh vực quét dọn đường phố, vận chuyển rác, xử lý chất thải, sản xuất thiết bị, nghiên cứu khoa học công nghệ... Ngoài ra, Công ty còn phát triển thêm các sản phẩm mới về công nghệ xử lý chất thải rắn đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai sản xuất, kinh doanh, Công ty còn gặp phải một số thách thức như việc thực hiện cơ chế, chính sách chưa theo kịp với nhiệm vụ BVMT, cụ thể:
Đối với công tác quản lý CTXD: Đây là chất thải công nghiệp thông thường phát thải trong quá trình cải tạo, xây dựng, phá dỡ công trình... Hiện tại CTXD có khối lượng phát sinh lớn do Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang trong quá trình đầu tư hạ tầng. Mỗi năm hàng triệu tấn chất thải phát sinh nhưng loại chất thải này lại chưa có quy định cụ thể về điều kiện thu gom - phân loại - vận chuyển - xử lý - tái chế... Mặt khác, việc đầu tư cho cơ sở xử lý chất thải xây dựng cũng chưa được chú trọng. Những năm qua, CTXD tại Hà Nội chỉ thu gom được một phần rất nhỏ về chôn lấp tại bãi tập kết CTXD ở xã Vân Nội và Nguyên Khê, huyện Đông Anh, phần còn lại không được thu gom mà được đổ trực tiếp để san lấp hồ, ao, hố trũng…dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất, mất đất canh tác. Đặc biệt, làm mất các lưu vực lưu giữ nước mưa, dẫn đến tình trạng ngập úng cho nhiều khu vực của Hà Nội. CTXD ở các nước trên thế giới là nguồn nguyên liệu cho việc sản xuất, tái chế vật liệu xây dựng, còn tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chưa có các quy định về việc phân loại, tái chế chất thải này dẫn đến lãng phí tài nguyên. Đây là điều đáng quan tâm trong chính sách BVMT, do đó Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần quy định cơ chế đặc thù cho loại chất thải này trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và cải tạo sửa chữa nhà ở.
Bên cạnh đó, công tác duy trì vệ sinh quét dọn hè đường phố trước đây do điều kiện kinh tế chậm phát triển, hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư đúng quy chuẩn đô thị, thiếu kinh phí đầu tư xe chuyên dụng nên công tác này chủ yếu được Bộ Xây dựng và các tỉnh/thành phố xây dựng các quy trình định mức cho công tác duy trì vệ sinh môi trường thủ công. Từ năm 2000 trở lại đây, kinh tế Việt Nam có bước phát triển, do vậy cơ sở hạ tầng đô thị đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đủ tiêu chuẩn đô thị loại 1 như các nước tiên tiến trong khu vực, tuy nhiên điều kiện áp dụng quy trình quét dọn, làm sạch đường phố chưa được thay đổi cho phù hợp dẫn đến năng suất thấp, chi phí cao. Chính sách xã hội hóa của Chính phủ đã được các tỉnh/thành phố triển khai, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều xe chuyên dụng nhằm thay thế cho toàn bộ khâu quét dọn đường phố bằng phương pháp thủ công, điều này sẽ giúp cho việc duy trì vệ sinh các đô thị đạt được các mục tiêu Văn minh - Tiết kiệm - Chất lượng. Do đó, thời gian tới các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy định, quy trình để việc cơ giới hóa công tác duy trì vệ sinh được áp dụng phổ biến trên cả nước.
Nhà máy xử lý rác thải do Công ty CP Dịch v ụ môi trường Thăng Long
đầu tư tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-TTg về định hướng phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đây là chính sách vĩ mô quan trọng để doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn tại Việt Nam. Theo đó, Công ty đã đầu tư Nhà máy xử lý rác thải công suất 300 tấn/ngày tại Xuân Sơn, Sơn Tây góp phần giảm ô nhiễm cho Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đầu tư, việc tiếp cận với các nguồn vốn rất khó khăn, mặc dù Nghị định 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ tài chính cho các dự án xử lý rác ra đời nhưng tới nay doanh nghiệp thực hiện đầu tư vẫn không tiếp cận được.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư tối đa là 50% lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng, thực tế Công ty được nhận hỗ trợ mức: 2,5% - mức hỗ trợ này rất nhỏ so với lãi suất vay đầu tư từ các ngân hàng.
Về việc xây dựng đơn giá sản phẩm dịch vụ công ích đô thị chỉ theo Thông tư 06/TT-BXD hướng dẫn xây dựng đơn giá cho các dịch vụ thu gom - vận chuyển - chôn lấp rác. Nếu áp dụng Thông tư này cho việc xây dựng đơn giá cho sản phầm công nghiệp sẽ dẫn đến việc thiếu cơ sở tính toán các yếu tố cấu thành đơn giá như: lãi vay đầu tư, giá trị công nghệ. Để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tránh vi phạm luật cạnh tranh, cần bổ sung văn bản hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá đối với các sản phẩm công nghiệp.
Đối với đơn vị hoạt động chuyên ngành vệ sinh môi trường, các chính sách pháp luật về BVMT là rất quan trọng, do đó trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần chỉnh sửa, bổ sung cụ thể hơn, chi tiết hơn, đề cập toàn diện và sâu sát những vấn đề BVMT sẽ khắc phục được những tồn tại trước đây, tạo được hành lang pháp lý quan trọng cho sự nghiệp BVMT của Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Công ty, sau khi nghiên cứu Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) chúng tôi có một số nội dung góp ý, bổ sung tại Chương VIII - Quản lý chất thải như sau:
Điều 65, bổ sung mục 5: Bố trí phân bổ ngân sách chi cho công tác sự nghiệp môi trường.
Điều 68, mục 3 bổ sung: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại chỉ được xử lý tại nơi phát sinh khi có đủ điều kiện kỹ thuật và đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường “phù hợp với quy hoạch xử lý chất thải rắn nguy hại”.
Điều 70:
+ Mục 1 bổ sung: Chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải tổ chức phân loại thu gom, lưu giữ và chuyển giao “chất thải nguy hại” cho cơ sở có giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
+ Mục 3 bổ sung: Trường hợp chất thải thông thường lẫn chất thải nguy hại có tỷ lệ lớn và không thể phân loại ra được phải quản lý theo quy định đối với chất thải nguy hại. (Bộ TN&MT quy định cụ thể tỷ lệ cho từng loại chất thải).
Điều 76, bổ sung mục 5: “UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phát sinh tại các nơi công cộng, tổ chức làm sạch các tuyến đường, quảng trường và các khu vực công cộng. Bộ GTVT có trách nhiệm tổ chức thu gom chất thải rắn thông thường, làm sạch các tuyến đường quốc lộ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ”.
Điều 77:
+ Mục 1 bổ sung: phát sinh chất thải thứ cấp “được xử lý” đạt tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường.
+ Mục 2 bổ sung: “Bố trí tái sử dụng, thực hiện đúng nơi được quy định”.
+ Mục 3 bổ sung: “Nhà nước khuyến khích tái chế, thu hồi chất thải và bao tiêu sản phẩm sau tái chế từ chất thải. Bộ Công Thương, Bộ TN&MT có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện”.
Nguyễn Phúc Thành
Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long
Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)