02/12/2013
BVMT là một trong những thành tố quan trọng của phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Luật BVMT được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ VIII ngày 29/11/2005 là hành lang pháp lý quan trọng trong công tác BVMT. Luật quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các tổ chức thành viên có trách nhiệm “Tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ chức và nhân dân tham gia BVMT; giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT”.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành pháp luật về BVMT đã nảy sinh một số vấn đề bất cập và hạn chế, cụ thể như phân công, phân cấp thẩm quyền trong quản lý môi trường còn phân tán, chồng chéo và chưa hợp lý; thiếu cơ chế phù hợp để phát huy hiệu quả sự tham gia của toàn xã hội và người dân đối với công tác BVMT; công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe... Bên cạnh đó là những tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về BVMT phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Để góp phần vào hành động BVMT phục vụ phát triển bền vững, Hội LHPNVN có một số góp ý đối với Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Một là, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong văn bản luật.
Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần quan tâm đến vấn đề giới trong một số chính sách. Về chính sách của nhà nước, cần có sự ưu đãi về thuế, đất, tài chính cho các hoạt động BVMT, các cơ sở sản xuất kinh doanh (đặc biệt là cơ sở do nữ làm chủ) và các sản phẩm được chứng nhận về môi trường (Điều 5, Khoản 6 của Dự thảo); Cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực nữ về BVMT (Điều 5, Khoản 7 của Dự thảo). Về những hoạt động BVMT được khuyến khích, đề nghị không chỉ khuyến khích xây dựng những cơ sở sản xuất nói chung mà cần lưu ý khuyến khích xây dựng những cơ sở sản xuất do nữ làm chủ (Điều 6, Khoản 9 của Dự thảo).
Hai là, quy định các nguyên tắc BVMT.
Quyền tiếp cận thông tin là một quyền cơ bản của con người, có ý nghĩa quan trọng trong quản lý nhà nước, phát huy dân chủ và bảo đảm các quyền cơ bản khác về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Mặc dù, Dự thảo đã quy định 6 nguyên tắc là khá toàn diện, có tính đến nhiều yếu tố nhằm phát triển bền vững, huy động sức mạnh toàn xã hội vào công tác BVMT, tuy nhiên, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần bổ sung thêm một số nguyên tắc quan trọng như nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin môi trường, quyền tiếp cận công lý trong BVMT.
Ba là, bổ sung quy định về BVMT trong trường học, nhà trẻ, mẫu giáo.
Con người được bảo đảm quyền sống trong môi trường trong lành, bảo đảm quyền có tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe môi trường. Điều 61, Hiến pháp 1992 quy định “Công dân có quyền được hưởng chế độ bảo vệ sức khỏe”. Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã đưa ra các vấn đề BVMT trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu, BVMT biển và hải đảo, bảo vệ các thành phần môi trường, BVMT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, BVMT trong sinh hoạt. Tuy nhiên, vấn đề sức khỏe môi trường của người dân liên quan nhiều đến vệ sinh lương thực, thực phẩm, các loại nước uống và rượu, vệ sinh nước và các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân, vệ sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm... và đặc biệt là vệ sinh trong trường học, nhà trẻ, mẫu giáo. Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, Dự thảo Luật nên nghiên cứu đưa vấn đề BVMT trong trường học, nhà trẻ, mẫu giáo vào Chương VII của Dự thảo.
Bốn là, cần có những quy định cụ thể đảm bảo cho MTTQVN, các tổ chức thành viên tham gia BVMT.
Điều 131 của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) kế thừa quy định tại Điều 124, Luật BVMT năm 2005 và tiếp cận dưới góc độ vừa là “trách nhiệm”, vừa là “quyền”. Dưới góc độ “quyền”, Dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn các điều kiện để đảm bảo cho MTTQVN, các tổ chức thành viên của MTTQVN tham gia BVMT và giám sát việc thực hiện pháp luật về BVMT như: quyền được cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT; tham gia các hoạt động kiểm tra về BVMT liên quan đến quyền lợi của hội viên, đoàn viên (có thể thiết kế tương tự như khoản 1, Điều 132 của Dự thảo).
Có thể khẳng định, sửa đổi Luật BVMT năm 2005 là hết sức cần thiết để hoàn thiện pháp luật BVMT và đáp ứng tình hình thực tiễn đặt ra, đồng thời phát huy hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có vai trò của phụ nữ và tổ chức Hội LHPNVN góp phần xây dựng, BVMT bền vững trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn Thị Kim Dung
Trung ương Hội LHPN Việt Nam
Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)