Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Hiện trạng môi trường không khí ở Việt Nam

04/10/2014

     Trong những năm qua, với xu thế đổi mới và hội nhập, Việt Nam đã tạo được những xung lực mới cho quá trình phát triển, vượt qua tác động của suy thoái toàn cầu và duy trì tỷ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm với mức bình quân 5,7%/năm. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ô nhiễm môi trường không khí (MTKK).

     Ô nhiễm không khí (ONKK) không chỉ là vấn đề nóng tập trung ở các đô thị phát triển, các khu, cụm công nghiệp… mà đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. ONKK được xem là một trong những tác nhân hàng đầu có nguy cơ tác động nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Với mục đích cung cấp bức tranh tổng thể về chất lượng MTKK, Bộ TN&MT đã xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề Môi trường không khí. Báo cáo phân tích cụ thể hiện trạng MTKK xung quanh (không bao gồm MTKK trong nhà và trong khu vực sản xuất) giai đoạn 2008 - 2013, chỉ ra các nguyên nhân gây ô nhiễm, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục cho những năm sắp tới.

     Chất lượng MTKK chịu ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, thời tiết, độ che phủ cây xanh và các hoạt động kinh tế - xã hội

     Các yếu tố khí hậu và thời tiết (bao gồm chế độ bức xạ, nhiệt độ, lượng mưa…) có ảnh hưởng nhất định đến MTKK. Ở Việt Nam, khí hậu có sự phân hóa rõ rệt theo vùng miền. Miền Bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa, miền Nam khí hậu nhiệt đới trong khi khu vực cao nguyên biểu hiện đặc trưng khí hậu ôn đới. Khí hậu khô, nóng, bức xạ nhiệt cao là các yếu tố làm thúc đẩy quá trình phát tán các khí ô nhiễm, còn mưa nhiều có thể góp phần làm giảm các chất ONKK.

     Ngoài ra, độ che phủ cây xanh cũng là yếu tố giúp giảm lượng khí thải trong khí quyển đáng kể. Theo thống kê ở nước ta, mặc dù tổng diện tích rừng đã tăng, đạt mức độ che phủ 40%, nhưng chất lượng rừng đang tiếp tục suy thoái. Đối với các khu vực đô thị, mật độ cây xanh chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ. Cụ thể, tại thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh diện tích này mới đạt <4m2/người, thấp hơn so với yêu cầu của tiêu chuẩn (10-15 m2/người) và không đáp ứng vai trò lá phổi xanh giảm thiểu ONKK.

 

Một số ngành công nghiệp (Khai khoáng, nhiệt điện, xi măng...)
tiếp tục thải một lượng bụi lớn vào MTKK

 

      Quá trình đô thị hóa cùng với các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội chưa được quản lý và kiểm soát tốt gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng MTKK. Ở Việt Nam, giai đoạn 2008 - 2013 tốc độ tăng trưởng kinh tế được ghi nhận giảm do ảnh hưởng từ khủng hoảng tài chính từ cuối 2007 - 2010. Tuy vậy, sức ép môi trường từ các ngành nghề vẫn không hề nhỏ. Các nguồn thải hiện nay đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và quy mô.

     Áp lực lên MTKK có sự thay đổi tùy theo đặc thù phát triển của từng vùng miền và quy mô tính chất của từng nguồn thải. Số lượng đô thị tăng nhanh chóng kèm với gia tăng nhanh dân số đô thị (hiện chiếm 32% tổng dân số toàn quốc) trong khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu là nguyên nhân dẫn đến các vấn đề MTKK ở các đô thị loại I và II. Hoạt động xây dựng, cải tạo và xây mới các khu chung cư, khu đô thị, cầu đường, sửa chữa nhà, vận chuyển vật liệu và phế thải xây dựng… diễn ra ở khắp nơi, làm phát tán bụi vào MTKK xung quanh.

 

Hình 1. Tỷ trọng tiêu thụ năng lượng theo ngành (Nguồn: Viện Năng lượng, Bộ Công thương, 2010)

 

      Trong khi đó, theo ngành nghề thì xây dựng gây áp lực MTKK chủ yếu do các đơn vị thi công chưa thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các biện pháp BVMT tại công trường xây dựng. Áp lực từ hoạt động dân sinh tập trung ở khu vực nông thôn nơi nguyên liệu đun nấu và sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào nhiên liệu hóa thạch, củi... và các chất thải chưa được kiểm soát. Ngành chăn nuôi với quy mô và số lượng tăng nhanh chóng (gần 2.000 trang trại trong 2 năm từ 2011 - 2013) thải khoảng 75 - 85 triệu tấn chất thải, làm phát sinh các loại khí thải gồm khí CO2 chiếm 9%, khí CH4 chiếm 37%, NOx 65%, và một số khí khác như H2S và NH3. Lĩnh vực trồng trọt cũng gây ra vấn đề môi trường do tăng lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và lượng chất thải sau thu hoạch (gồm rơm rạ, cây khô) thiếu kiểm soát.

     Hoạt động của một số nhóm làng nghề, điển hình như làng nghề tái chế, tạo sức ép đáng kể lên môi trường và phổ biến ở khu vực miền Bắc nơi chiếm đến 60% tổng số làng nghề trong toàn quốc.

      Giao thông với xu hướng số lượng phương tiện giao thông gia tăng mạnh mẽ qua các năm được đánh giá là nguồn đóng góp đáng kể gây suy giảm chất lượng MTKK. Trong đó, các khí CO, VOC, TSP chủ yếu do các loại xe máy phát thải còn đối với ô tô thì nguồn ô nhiễm chính gồm các khí SO2 và NO2.

 

 

Hình 2. Số lượng xe mô tô, gắn máy tại Hà Nội năm 2001 - 2013
(Nguồn: Bộ Giao thông vận tải, 2013)

 

     Các nguồn ONKK từ hoạt động sản xuất công nghiệp có đặc thù phân bố cục bộ quanh khu vực sản xuất và có nồng độ các chất độc hại cao. Ngành khai thác, chế biến than thường tập trung ở khu vực phía Bắc với đặc trưng phát thải các loại bụi (TSP, PM10) và SO2, CO, CH4... Ngành sản xuất thép thì tập trung khu vực đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, với thành phần khí thải gồm bụi, gỉ sắt chứa các oxit kim loại... Ngành sản xuất vật liệu xây dựng phát sinh chủ yếu bụi, CO, SO2 và H2S và nguyên nhân gây ô nhiễm chính do cung cao hơn nhu cầu thị trường. Ngành nhiệt điện thì tập trung ở khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương) và phía Nam (Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh) với thành phần khí thải phụ thuộc nhiều vào công nghệ cũng như loại hình sản xuất.

 


Hình 3. Tỷ lệ phát thải các chất gây ô nhiễm do các phương tiện cơ giới đường bộ toàn quốc năm 2011
(Nguồn: Trung tâm Quan trắc Môi trường)

 

Hình 4. Thống kê số ngày có số liệu PM10 trung bình 1h và 24h không đạt QCVN

ở các trạm chịu ảnh hưởng của giao thông đô thị, giai đoạn 2010 - 2013 (Nguồn: TCMT, 2013)

 

     Nhìn chung, nguyên nhân ô nhiễm chủ yếu từ các ngành được lý giải do công nghệ sản xuất chưa được cải tiến đáng kể, hiệu suất sử dụng năng lượng và tài nguyên chưa cao, đầu tư cho công tác BVMT của các doanh nghiệp chưa được chú trọng và các chế tài quản lý đối với vấn đề ô nhiễm MTKK chưa hiệu quả.

     Hiện trạng MTKK ở Việt Nam: Bụi vẫn là tác nhân ô nhiễm chủ yếu

     MTKK đô thị

     Tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và chưa được cải thiện so với giai đoạn từ 2003 - 2007. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng tổng số) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Các khu công trường xây dựng cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm bụi và phạm vi ô nhiễm chủ yếu là cục bộ. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt tại các trạm ven đường giao thông.

     Bên cạnh đó là vấn đề bụi mịn, yếu tố có tác động nguy hại đáng kể đối với sức khỏe người dân. Tỷ lệ bụi mịn (PM2,5 và PM1) ở nước ta khá cao, đặc biệt ghi nhận vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô.

     Phần lớn các thông số ô nhiễm khác (NO2, SO2, CO và chì) vẫn nằm trong ngưỡng cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT và ô nhiễm thường mang tính cục bộ. Về ô nhiễm tiếng ồn, giá trị đo tại các trục giao thông thường cao hơn khu dân cư và tại một số trục đạt xấp xỉ ngưỡng QCVN 26:2010/BTNMT.

     Riêng đối với thông số ôzôn ở tầng mặt đất, kết quả quan trắc năm 2013 đã ghi nhận có một số trường hợp tăng cao xấp xỉ ngưỡng QCVN 05:2013/BTNMT trung bình 1 giờ, đáng kể mức tăng cao xuất hiện cả ban đêm. Trong tương lai, cần có các nghiên cứu cụ thể để xác định nguyên nhân và diễn biến vấn đề ô nhiễm này.

     MTKK quanh khu vực sản xuất

    Tương tự khu đô thị, vấn đề nổi cộm ở các khu vực sản xuất là ô nhiễm bụi. Nồng độ bụi lơ lửng tổng số tại nhiều điểm quan trắc quanh các khu công nghiệp vượt quy chuẩn trung bình 24 giờ và trung bình năm.

     Năm 2011 là năm ghi nhận xung quanh các khu công nghiệp, khu sản xuất bị ô nhiễm bụi nặng hơn cả. Đến năm 2012, bức tranh MTKK được cải thiện đáng kể tuy nhiên mức độ ô nhiễm giảm được lý giải do nhiều nhà máy công nghiệp ngừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng từ hệ lụy khủng hoảng kinh tế. Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp như ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng…đang hoạt động vẫn tiếp tục phát thải vào MTKK một lượng bụi lớn.

 

Hình 5. Tỷ lệ các loại bụi ở trạm Nguyễn Văn Cừ, Hà Nội giai đoạn 2010 - 2013 (Nguồn : TCMT, 2013)

 

Hình 6. Diễn biến nồng độ TSP trong không khí xung quanh một số khu công nghiệp

ở miền Bắc (Nguồn : TCMT, 2013)

 

Hình 7. Nồng độ NH3 tại một số vị trí trong các KCN miền Bắc năm 2012

(Nguồn: Trạm quan trắc môi trường Công nghiệp, Đại học Bách Khoa Hà Nội, 2013)

 

     Ngoài ra, ô nhiễm tiếng ồn xung quanh các khu công nghiệp cũng được ghi nhận. Đặc trưng ở một số nhà máy chế biến nông lâm thủy sản, mùi ô nhiễm rất nặng gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người dân ở khu vực lân cận. Các thông số khác (NO2, SO2) nhìn chung vẫn thấp hơn ngưỡng quy chuẩn cho phép.

     MTKK khu vực nông thôn và làng nghề

     Đối với vùng nông thôn, nhìn chung chất lượng MTKK còn khá tốt. Môi trường chủ yếu bị tác động cục bộ do các hoạt động sản xuất của làng nghề, xây dựng, đốt rơm rạ, đốt rác thải, đun nấu...

     Tại các làng nghề, vấn đề ONKK chưa có dấu hiệu giảm những năm qua. ONKK chủ yếu gồm bụi, khí độc, hơi kim loại, mùi và tiếng ồn và tùy thuộc vào tính chất, quy mô và sản phẩm của từng loại ngành nghề. Nồng độ SO2, NO2 tại các làng nghề tái chế nhựa, đúc đồng rất cao, vượt nhiều lần giới hạn cho phép. Bụi và tiếng ồn là hai vấn đề ô nhiễm thường xảy ra ở các làng nghề cơ khí và sản xuất đồ gỗ. Đối với các làng nghề chế biến thực phẩm, ô nhiễm mùi là vấn đề nổi cộm ảnh hưởng đáng kể đến môi trường.

     Vấn đề ONKK liên quốc gia

     Các nghiên cứu về các vấn đề ONKK liên quốc gia và ảnh hưởng của chúng đến chất lượng MTKK ở Việt Nam còn hạn chế. Lắng đọng axit và suy giảm tầng ôzon là hai vấn đề ô nhiễm toàn cầu được đánh giá là có tác động nhất định đến chất lượng môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đối với một số vấn đề khác như sương mù quang hóa hay ô nhiễm xuyên biên giới hiện vẫn chưa rõ ràng nhưng đã xuất hiện những biểu hiện nhất định.

     Các tác động do ô nhiễm MTKK

     Ô nhiễm MTKK có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, đẩy nhanh quá trình lão hóa, suy giảm chức năng hô hấp, gây các bệnh như: hen suyễn, ho, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, thậm chí gây ung thư phổi; suy nhược thần kinh, tim mạch và làm giảm tuổi thọ con người. Nguy hiểm nhất là có thể gây ra các bệnh ung thư.

     Bên cạnh đó, các chất gây ONKK chính là thủ phạm gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, gây hủy hoại các hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu. Ô nhiễm môi trường còn ảnh hưởng đến các hệ sinh thái tự nhiên và đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Sự gia tăng nồng độ các chất gây ô nhiễm như: CO2, CH4, NOx… trong MTKK gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính và làm tăng nhanh quá trình biến đổi khí hậu.

     Quản lý MTKK: Bài toán còn nhiều bất cập

     Trên cơ sở những thành công đã đạt được từ giai đoạn trước, giai đoạn 2008 - 2013, công tác quản lý MTKK từ các ngành, lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh và thu được những kết quả khả quan. Một số giải pháp đã được triển khai hiệu quả như việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ cấu tổ chức về BVMT không khí; kết quả kiểm soát ONKK từ hoạt động giao thông vận tải (thắt chặt tiêu chuẩn khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ; tăng cường chất lượng phương tiện giao thông công cộng, thử nghiệm nhiên liệu sạch cho phương tiện giao thông tại một số đô thị, sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm loại bỏ các phương tiện cơ giới không đủ điều kiện lưu hành…); kiểm soát các nguồn phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp (chú trọng đầu tư công nghệ xử lý khí thải, sử dụng công nghệ phù hợp với từng loại hình sản xuất; ưu đãi, hỗ trợ hoạt động BVMT trong sản xuất kinh doanh; thực hiện kiểm toán năng lượng trong các ngành công nghiệp và xây dựng góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải các loại khí nhà kính); đẩy mạnh triển khai nhóm giải pháp xanh (tăng trưởng xanh, phát triển phát thải các bon thấp, chi trả dịch vụ môi trường rừng…); đẩy mạnh các chương trình quan trắc MTKK, tăng cường quan trắc không khí tự động liên tục...

     Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những bất cập trong công tác quản lý tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Đó là các vấn đề như hệ thống thể chế về MTKK chưa đáp ứng yêu cầu (thiếu các quy định đặc thù cho MTKK; hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về MTKK chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết); hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu hay các hoạt động hỗ trợ (đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ, sự tham gia của cộng đồng) chưa phát huy hiệu quả; ý thức tuân thủ các quy định về BVMT của các chủ nguồn thải còn hạn chế.

     Để giải quyết vấn đề ONKK, cần xây dựng các giải pháp, lựa chọn các ưu tiên và thực hiện có lộ trình chặt chẽ. Các giải pháp cần được xây dựng đồng bộ và toàn diện để giải quyết nhu cầu quản lý và bảo vệ MTKK về lâu dài. Một số giải pháp đã được Bộ TN&MT kiến nghị ưu tiên trong thời gian tới, cụ thể :

     Kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ:

     Rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về MTKK; xây dựng Pháp lệnh về không khí sạch; Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí…;

     Hoàn thiện tổ chức, phân công chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý MTKK với vai trò của Bộ TN&MT là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về MTKK;

     Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, vấn đề xã hội hóa và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong các quá trình triển khai các biện pháp bảo vệ MTKK.

     Kiến nghị đối với các Bộ, ngành và địa phương:

     Xây dựng, trình Chính phủ và tổ chức thực hiện đúng tiến độ và đạt hiệu quả các chương trình, đề án quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc về MTKK thuộc phạm vi quản lý của Bộ ngành, địa phương;

     Sớm xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí và Kế hoạch quản lý chất lượng không khí cho từng địa phương;

     Xây dựng các chương trình, kế hoạch và triển khai giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm bụi tại các đô thị;

     Đẩy mạnh hoạt động kiểm kê nguồn phát thải khí, quan trắc, kiểm soát MTKK đô thị;

     Tăng cường giám sát nhằm kiểm soát hiệu quả các nguồn phát thải khí. Triển khai giám sát ONKK xuyên biên giới;

     Tăng cường nguồn lực cho công tác giám sát các chủ nguồn thải khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ MTKK;

     Tăng cường đẩy mạnh các giải pháp xanh nhằm giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

 

TS. Hoàng Dương Tùng  
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 9/2014

 

Ý kiến của bạn