Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Hà Nội nỗ lực cải thiện xử lý nước thải cụm công nghiệp

12/08/2014

     Trong thời gian qua, sự hình thành và phát triển các cụm công nghiệp (CCN) đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý môi trường tại các CCN đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng xử lý môi trường chưa theo kịp sự phát triển của các CCN. Để từng bước giải quyết tình trạng này, TP.Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ kết hợp giữa quản lý nhà nước và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng.

     Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội có 107 CCN, trong đó 42 CCN đã đi vào hoạt động ổn định, cơ bản lấp đầy diện tích và hoàn thiện hạ tầng cơ sở, 41 CCN đang xây dựng hạ tầng và 24 CCN đang chuẩn bị đầu tư. Các CCN đã thu hút 3.776 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 64.000 lao động, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quản lý môi trường tại các CCN đang gặp nhiều khó khăn do hệ thống hạ tầng xử lý môi trường chưa theo kịp sự phát triển của các CCN. Hiện nay, mới có 7 CCN được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) tập trung đạt tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; 9 CCN đã xây dựng hệ thống thu gom, bể chứa, bể lắng, bể lọc, nhà điều hành nhưng chưa lắp đặt thiết bị; 43 CCN đã có quy hoạch xây dựng HTXLNT tập trung và 48 CCN không có trong quy hoạch.
 
 

Trạm xử lý nước thải tập trung tại CCN Ngọc Hồi - Thanh Trì

 

     Để từng bước khắc phục tình trạng trên, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và BVMT, UBND TP đã ban hành Quyết định số 7209/QĐ-UBND ngày 2/12/2013 về việc phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng HTXLNT tập trung tại các CCN trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015. Theo đó, triển khai đầu tư xây dựng HTXLNT tập trung tại 7 CCN trong năm 2014: Quất Động (Thường Tín); Hapro; Phú Thị và Ninh Hiệp (Gia Lâm); Lại Yên (Hoài Đức); Bình Phú, (Thạch Thất); Thanh Oai (Thanh Oai) và 9 CCN trong năm 2015: Yên Nghĩa, (Hà Đông); Liên Phương và Tiền Phong (Thường Tín); Ngọc Liệp (Quốc Oai); Nguyên Khê (Đông Anh); thị trấn Phúc Thọ (Phúc Thọ); Phú Thịnh (Sơn Tây); Liên Hà (Đan Phượng); Ngọc Hòa (Chương Mỹ).

     Bên cạnh đó, UBND TP đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 22/5/2012 về quản lý ô nhiễm công nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2015 nhằm quản lý, kiểm soát ô nhiễm môi trường công nghiệp, khắc phục ô nhiễm, xử lý chất thải và cải thiện chất lượng môi trường; Triển khai quan trắc, giám sát môi trường định kỳ hàng năm nhằm giám sát và đánh giá chất lượng môi trường tại các CCN và đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về BVMT của chủ đầu tư các CCN và các cơ sở đang hoạt động...

     Ngoài ra để tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và huy động sự chung tay của toàn xã hội vào công tác quản lý ô nhiễm công nghiệp, UBND TP đã ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 28/5/2013 về truyền thông quản lý ô nhiễm công nghiệp TP. Hà Nội đến 2015, nhằm tuyên truyền kịp thời các quy định, chính sách pháp luật về quản lý ô nhiễm công nghiệp; Tăng cường sự phối hợp của các cơ quan tuyên truyền, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể nâng cao chất lượng tuyên truyền BVMT; Biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân chấp hành tốt, có nhiều đóng góp trong việc thực hiện pháp luật BVMT, phê phán các hoạt động gây ô nhiễm môi trường; Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia BVMT, phát hiện, đấu tranh với những hoạt động vi phạm pháp luật về môi trường; Thúc đẩy xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải tập trung tại các CCN bằng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi như: miễn giảm tiền, phí thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn nhất định...

     Hy vọng với sự nỗ lực không ngừng của các nhà quản lý trong triển khai các giải pháp đồng bộ, cùng sự chung tay của toàn xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các CCN sẽ được ngăn chặn, góp phần bảo vệ Thủ đô xanh - sạch - đẹp.

 

Phạm Văn Khánh - Phó Giám đốc

Sở TN&MT Hà Nội

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 7/2014

 

 

Ý kiến của bạn