Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Cần thiết xây dựng Chiến lược cộng đồng Bảo vệ môi trường

24/12/2013

     Việt Nam đã ban hành Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có đề cập tới vai trò cộng đồng. Nhưng trên thực tế, việc thực hiện các nội hàm liên quan đến cộng đồng thường chưa được chú trọng, hoặc chưa đáp ứng được mong muốn của cộng đồng. Vì vậy, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) cho rằng đã đến lúc cần xem xét tổng thể về vai trò của cộng đồng dưới góc độ xây dựng một chiến lược chung huy động sức mạnh cộng đồng trong lĩnh vực bảo vệ TN&MT.

     Trên quy mô toàn cầu, Hội nghị đầu tiên của Liên hợp quốc về môi trường và con người (Hội nghị Stốckhôm năm 1972), Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển (Hội nghị RIO năm 1992), các nguyên tắc về cộng đồng BVMT đã được đề cập. Trong Tuyên ngôn RIO, nguyên tắc số 10 đã nhấn mạnh: "Những vấn đề môi trường được giải quyết tốt nhất với sự tham gia của cộng đồng. Quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia trong quá trình ra quyết định và quyền tiếp cận tư pháp của cộng đồng phải là những nguyên tắc chủ yếu trong quản lý môi trường". Việc ghi nhận thành một nguyên tắc trong Tuyên ngôn RIO đã mở đường cho các hoạt động BVMT của cộng đồng trên phạm vi toàn cầu.

     Đến năm 2002, Hội nghị Thượng đỉnh về phát triển bền vững ở Johanesburg, Nam Phi, cộng đồng quốc tế đã thành lập Tổ chức hợp tác về nguyên tắc 10 (viết tắt tiếng Anh là PP10) nhằm tập hợp các chính phủ, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế cùng thực hiện nguyên tắc 10. Trong PP10, các tổ chức xã hội đã đưa ra sáng kiến thành lập Mạng lưới về sáng kiến tiếp cận, hay còn gọi là Mạng lưới quyền tiếp cận môi trường (viết tắt tiếng Anh là TAI) Hoạt động của TAI đã rút ra những kết luận quan trọng, làm cơ sở lý luận cho việc tăng cường vai trò cộng đồng trong BVMT. Việc thành lập PP10 nói chung và TAI nói riêng là một minh chứng rõ ràng về vai trò quan trọng của cộng đồng trong BVMT, góp phần phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

     Ở Việt Nam, vai trò của cộng đồng được nêu rõ trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước: Nghị quyết số 41NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 15/11/2004 về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước đã nêu cần phải tạo cơ sở pháp lý và cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia BVMT. Luật BVMT năm 2005 đã khẳng định BVMT là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân tham gia hoạt động BVMT. Trong Chiến lược BVMT quốc gia giai đoạn 2001 - 2010 cũng đã nêu những luận điểm quan trọng: Nhà nước thực hiện chính sách xã hội hóa BVMT bằng luật pháp, bằng các văn bản pháp lý để huy động cộng đồng tham gia vào các hoạt động quản lý môi trường các cấp.

 

Cần tạo điều kiện cho cộng đồng được tiếp cận thông tin, tham gia

vào việc ban hành các quyết định về môi trường

 

     Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nội dung chưa được cụ thể hóa trong chiến lược, kế hoạch, các chương trình BVMT hoặc chưa được chú trọng tổ chức thực hiện đầy đủ. Các chương trình về xã hội hóa huy động sức mạnh cộng đồng BVMT được đề cập trong Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 chỉ mới được triển khai ở phần "ngọn" là ký kết các nghị quyết liên tịch với các tổ chức chính trị - xã hội. Còn các văn bản pháp luật như Luật BVMT năm 2005, Luật Đa dạng sinh học chưa đề cập đầy đủ và luật hóa để cộng đồng có thể chủ động phát huy năng lực trong các điều kiện cụ thể. Vì vậy, cần có một Chiến lược về cộng đồng BVMT.

     Mục tiêu của chiến lược cần tạo điều kiện để huy động tối đa sức mạnh cộng đồng BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý tốt tài nguyên thiên nhiên và ứng phó thành công với biến đổi khí hậu. Cộng đồng phải được chủ động tổ chức và tham gia vào các hoạt động BVMT như một chủ thể chứ không phải được mời tham gia. Nội dung của chiến lược cần được tiếp cận và xây dựng theo mô hình TAI mà nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang vận dụng với 4 hợp phần chính: Bảo đảm đầy đủ các thông tin môi trường cho cộng đồng; Sự tham gia của cộng đồng trong các vấn đề môi trường; Bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp; Tăng cường năng lực cho cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ BVMT.

     Theo đó, cộng đồng có quyền được tiếp cận với các thông tin về môi trường từ đơn giản là chất lượng môi trường không khí, nước, đất đến các thông tin phức tạp, tổng hợp như báo cáo hiện trạng môi trường. Các thông tin trên sẽ giúp cộng đồng có các biện pháp phòng ngừa và xử lý tốt các vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, cộng đồng có quyền được tham gia trong việc ban hành các quyết định về môi trường như tham gia phản biện xã hội đối với các chủ trương, chính sách của Nhà nước về môi trường; giám sát, kiểm soát việc tuân thủ pháp luật BVMT; chủ động tổ chức các sự kiện, phong trào BVMT, xây dựng các mô hình tự quản về quản lý tài nguyên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu... Mặt khác, cộng đồng có quyền tiếp cận tư pháp trong BVMT. Tuy nhiên đây là vấn đề khó, phức tạp và mới đối với Việt Nam và nhiều nước khác. Ví dụ về giải quyết tranh chấp môi trường, Luật BVMT năm 2005 chỉ có 1 điều, trong khi nhiều quốc gia có 1 luật riêng về vấn đề này, thậm chí lập Tòa án môi trường để xử lý. Vì vậy, chiến lược cần bảo đảm pháp lý cho cộng đồng đối thoại, khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện, đòi bồi thường thiệt hại về môi trường... Cuối cùng là việc tăng cường năng lực cho cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ BVMT. Một khi cộng đồng đã được tạo điều kiện tiếp cận thông tin, tham gia vào việc ban hành các quyết định về môi trường và bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp, thì việc tăng cường năng lực cho cộng đồng cần được coi trọng. Ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp BVMT cần có một khoản kinh phí dành cho hoạt động của cộng đồng BVMT.

     Hy vọng Chính phủ sẽ sớm ban hành Chiến lược cộng đồng BVMT, tạo cơ hội cho cộng đồng phát huy sức mạnh trong công tác BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển bền vững đất nước.

 

TS. Nguyễn Ngọc Sinh

Hội BVTN&MT Việt Nam

Chuyên đề Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường

Ý kiến của bạn