26/11/2013
Một trong những điểm mới của Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) là nâng cao trách nhiệm thực thi BVMT của các doanh nghiệp. Đó là chia sẻ của TS. Luật sư Trần Thị Hương Trang - Giám đốc Công ty Luật hợp danh Legal Associates Hà Nội với phóng viên Tạp chí Môi trường.
Xin bà cho biết, tình hình thực thi pháp luật BVMT hiện nay tại các doanh nghiệp?
LS. Trần Thị Hương Trang: Có nhiều cách khác nhau để nhìn nhận về tình hình thực thi pháp luật BVMT của doanh nghiệp. Một cách khách quan và chính thức nhất, câu trả lời được phản ánh qua số liệu của thanh tra môi trường về tình hình vi phạm pháp luật.
Theo Báo cáo tổng kết 5 năm công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm về môi trường của Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm (C49), mỗi năm có khoảng 7.000 - 8.000 vụ phá rừng và hơn 1.000 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, khoảng 70% nước thải tại các khu, cụm công nghiệp trên cả nước không qua xử lý, xả thẳng ra môi trường…
Tuy nhiên, con số các vụ vi phạm bị phát hiện cũng chỉ là một phần nổi, còn thực chất mức độ thực thi pháp luật như thế nào thì được đánh giá chân thực qua hiện trạng môi trường nước ta hiện nay. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay phản ánh tình hình thực thi pháp luật của các doanh nghiệp.
Theo tôi, tình hình thực thi pháp luật BVMT của phần lớn các doanh nghiệp chưa cao, ý thức BVMT chưa được coi trọng, đa số có thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua các hoạt động BVMT.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp bà có thể đưa ra một số nhận xét cụ thể về Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)?
LS. Trần Thị Hương Trang: Qua Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), tôi có một số nhận xét sau:
Thứ nhất, trách nhiệm về BVMT của doanh nghiệp cũng được quy định nhiều hơn, chặt chẽ hơn. Ví dụ, một số điểm mới về trách nhiệm ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường được mở rộng không chỉ trong lĩnh vực khoáng sản, khai thác tài nguyên mà đối với tất cả các dự án sản xuất, kinh doanh có tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường (Điều 138, Dự thảo Luật sửa đổi). Về điều kiện hoạt động quan trắc môi trường (Điều 110), Chính phủ quy định các điều kiện và hướng dẫn việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường. Trách nhiệm lập kế hoạch BVMT (Điều 43); trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải xây dựng và thực hiện kế hoạch BVMT (Điều 46); Doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quyền yêu cầu cung cấp thông tin về BVMT của tổ chức xã hội, cộng đồng dân cư (Điều 133).
Thứ hai, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) có thể mở ra cơ hội và tạo điều kiện cho phát triển hoạt động kinh doanh mới, việc làm trong lĩnh vực môi trường, ví dụ: Xây dựng lực lượng cơ sở dịch vụ ứng phó sự cố môi trường (Điều 91), giáo dục môi trường, đào tạo nguồn nhân lực BVMT (Điều 145), giám định thiệt hại về môi trường (Điều 156), bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường (Điều 157), nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân phát triển dịch vụ BVMT, phát triển, chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường (Điều 140). Riêng đối với các công ty luật, đoàn luật sư có nhiều cơ hội mở khi áp dụng thực hiện quy định của Điều 132 về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BVMT.
Thứ ba, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) quy định rõ ràng về thanh tra, điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện quy định của Luật, ví dụ khoản 4, Điều 150 về số lần kiểm tra, thanh tra; Khoản 2, Điều 151 về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu tổ chức cán bộ công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, nhũng nhiễu cho tổ chức, công dân, bao che vi phạm.
Bà có những đề xuất gì, góp ý cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)?
LS. Trần Thị Hương Trang: Trước khi đưa ra ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), tôi xin chia sẻ quan điểm dưới góc độ doanh nghiệp: Luật BVMT năm 2005 cần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động. Tạo điều kiện tốt nhất ở đây cần được hiểu là tạo ra một khung pháp lý vững chắc và minh bạch để doanh nghiệp thực thi hiệu quả các quy định về BVMT, bao gồm cơ chế rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, trách nhiệm của cơ quan nhà nước để cho quyền và nghĩa vụ đó được đảm bảo tốt nhất, việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm công bằng, nghiêm minh. Theo quan điểm phát triển bền vững, chúng ta cần cân bằng giữa lợi ích phát triển kinh tế, xã hội và BVMT. Cho nên, Luật BVMT tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp không phải là việc “hạ thấp” các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường hay ‘thả lỏng’ việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nhẹ các vi phạm môi trường nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế trước mắt của doanh nghiệp.
Với quan điểm trên, tôi có các ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần phải có sự phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT một cách hợp lý rõ ràng hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi, tuân thủ các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời truy vấn trách nhiệm của cơ quan nhà nước này trong việc đảm bảo quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Với sự phân công, phân cấp chồng chéo về trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT hiện nay theo Luật BVMT năm 2005 và Dự thảo Luật (sửa đổi), điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động, thực thi pháp luật BVMT của doanh nghiệp.
Điều 127 quy định “Bộ TN&MT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thực hiện quản lý nhà nước về BVMT”, nhưng qua rà soát thống kê các điều luật về trách nhiệm của các Bộ cho thấy, trách nhiệm quản lý nhà nước về BVMT ở các lĩnh vực khác nhau đã được phân công cho các Bộ khác nhau chịu trách nhiệm chủ trì. Đây là điều bất hợp lý, khi thực tế Bộ TN&MT không chịu trách nhiệm chủ trì thực hiện đối với các hoạt động BVMT cụ thể trong các lĩnh vực mà lại “chịu trách nhiệm trước Chính phủ”. Điều này cũng phản ánh sự không thống nhất trong hoạt động quản lý nhà nước, không quy đến cùng trách nhiệm trong thực hiện phân công quản lý nhà nước.
Thực tế, sự mâu thuẫn giữa hoạt động phát triển và BVMT là bản chất khách quan. Việc giao cả hai trách nhiệm quản lý nhà nước có bản chất mâu thuẫn nhau cho cùng một Bộ thì tất yếu sẽ gây ra những khó khăn, chồng chéo. Đương nhiên, vì mục tiêu, nhiệm vụ chính của các Bộ chuyên ngành là phát triển ngành kinh tế -xã hội mà Bộ chịu trách nhiệm quản lý thì các hoạt động phát triển sẽ được giữ thế ưu tiên, không thể có sự đối trọng cần thiết, giữ thế cân bằng giữa hoạt động BVMT với hoạt động phát triển. Sự bất cập trong cách phân công trách nhiệm quản lý nhà nước này đã thể hiện rõ trong thực tế. Hàng loạt những mâu thuẫn, chồng chéo phát sinh, trong khi nhiều khoảng trống vẫn tồn tại mà chưa rõ Bộ nào chịu trách nhiệm quản lý. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả, chất lượng hoạt động BVMT.
Ngoài ra, cần cân nhắc đến cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương hạn chế sự chồng chéo, mâu thuẫn. Vì trong mọi lĩnh vực luôn có sự tương tác, giao thoa lẫn nhau, không phải lúc nào cũng đạt được sự phân chia rạch ròi, tuyệt đối khi phân công trách nhiệm đối với từng lĩnh vực cho từng Bộ, ngành, cấp quản lý.
Luật BVMT (sửa đổi) cần tăng cường điều khoản về thanh, kiểm tra,
xử lý các vi phạm về môi trường
Thứ hai, cần phải có quy định rõ ràng và khả thi về nguyên tắc, trình tự, thủ tục liên quan đến đánh giá tác động môi trường để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực thi quy định này. Ví dụ, Điều 15 chưa quy định rõ về trách nhiệm của UBND cấp xã về trả lời tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và quyền của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án. Ở đây, UBND xã là khác với cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dự án cũng có thể khác với cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp bởi Dự án.
Nên cân nhắc về thời hạn tham vấn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến tham vấn, UBND cấp xã có trách nhiệm trả lời, bao gồm cho cả việc tổ chức đối thoại do UBND cấp xã nơi thực hiện Dự án chủ trì tổ chức. Trong trường hợp có cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Dự án nhưng lại không nằm trong địa bàn của xã nơi thực hiện Dự án thì cuộc đối thoại được tổ chức như thế nào? Trách nhiệm các bên như thế nào? Kinh phí để tổ chức đối thoại lấy ý kiến của cộng đồng dân cư do bên nào chịu nếu là UBND xã chủ trì, liệu có nên quy định trực tiếp kinh phí đó phải trong nguồn kinh phí của dự án chi cho hoạt động đánh giá tác động môi trường?
Thứ ba, cần phải có quy định chỉ định rõ cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận thông báo về việc xảy ra sự cố môi trường. Tại mục a và b, Điều 90, quy định như “kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chuyên môn về BVMT nơi xảy ra sự cố “ làm cho người dân có thể không biết gọi cho ai trong lúc sự cố và cơ quan nào chịu trách nhiệm tiếp nhận và triển khai ứng phó. Hay “sự cố môi trường xảy ra ở cơ sở, địa phương nào thì người đứng đầu cơ sở, địa phương đó có trách nhiệm. Quy định này cũng chưa rõ ràng là (cơ sở) hay (địa phương) hay cả 2, nếu địa phương thì là ở cấp nào, xã phường, quận huyện, tỉnh, TP?”. Hơn nữa, hiện nay, khái niệm về “sự cố môi trường” với “sự cố hóa chất” đang có sự chồng chéo và còn đang “tranh cãi” trong việc xác định trách nhiệm giữa Bộ TN&MT hay Bộ Công Thương khi sự cố hóa chất xảy ra.
Thứ tư, cần phải có các quy định rõ ràng về việc giải quyết các trường hợp tranh chấp, đòi bồi thường thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra sẽ được áp dụng theo quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nào (Luật BVMT hay Bộ Luật Dân sự). Một số quy định trong hai văn bản có nội dung không rõ ràng, dẫn chiếu một cách “chung chung” trong khi Luật BVMT năm 2005 và Dự thảo Luật (sửa đổi) lại không tính đến các yếu tố đặc thù trong lĩnh vực môi trường mà không thể áp dụng những quy định chung của Bộ Luật Dân sự.
Việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường phải xem xét các quy định riêng cho các tranh chấp môi trường như sau: thời hiệu khởi kiện giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường cần được kéo dài, nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên nào có thể người khởi kiện bồi thường thiệt hại do ô nhiễm suy thoái môi trường không có nghĩa vụ chứng minh hành vi vi phạm và lỗi của người gây ô nhiễm, người bị kiện có nghĩa vụ chứng minh để phản bác mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại của người khởi kiện.
Các phương thức giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường cần được quy định mở để linh hoạt hiệu quả không chỉ là ba phương thức làm hạn chế sự lựa chọn như sự thỏa thuận của các bên, trọng tài, khởi kiện tại Tòa án, mà còn có các phương thức khác như trung gian, hòa giải hoặc phương thức mới trong giải quyết tranh chấp là tiến trình cộng tác.
Xin cảm ơn bà!
Châu Loan (Thực hiện)
Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)