02/12/2013
Ông Hoàng Ngọc Đường
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn
Trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) chưa đề cập cụ thể nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản. Để thống nhất với nội dung đóng cửa mỏ trong Luật Khoáng sản, cần nghiên cứu bổ sung nội dung này cho phù hợp với thực tiễn tại địa phương. Đó là chia sẻ của ông Hoàng Ngọc Đường - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn trong cuộc trao đổi với Tạp chí Môi trường về góp ý cho Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi).
Thưa ông, ông có thể đánh giá về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn trong thời gian qua?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Từ khi tái lập tỉnh, đặc biệt là khi Luật BVMT năm 2005 có hiệu lực, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tỉnh Bắc Cạn luôn quan tâm đến công tác BVMT, giữ gìn môi trường sinh thái và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ về môi trường được quan tâm xây dựng và củng cố, kiện toàn trong những năm qua. Năm 2008, Bắc Cạn đã thành lập Chi cục BVMT trực thuộc Sở TN&MT. Năm 2010, thành lập Trung tâm Quan trắc môi trường và năm 2013, thành lập Quỹ BVMT và phòng Cảnh sát Môi trường. Đối với cấp huyện, đến nay 100% các phòng TN&MT đã sắp xếp, bố trí cán bộ chuyên trách về công tác quản lý môi trường. Thực hiện Luật BVMT và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch BVMT tỉnh Bắc Cạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Bắc Cạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Nhiệm vụ quan trắc và đánh giá hiện trạng môi trường được thực hiện thường xuyên nhằm đánh giá, theo dõi diễn biến môi trường để kịp thời phát hiện ô nhiễm; thực hiện các kế hoạch, hành động khắc phục ô nhiễm môi trường.
Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực môi trường được quan tâm. Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra về công tác BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, kiên quyết xử lý các vi phạm về BVMT. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được xử lý dứt điểm từ năm 2011 theo quy định (Xí nghiệp gạch Pá Danh; Dây chuyền sản xuất giấy đế - Công ty CP Lâm sản Bắc Cạn; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bãi rác thị xã Bắc Cạn).
Nhà máy chế biến quặng đa kim của Công ty CP Khoáng sản
Na Rì Hamico - Bắc Cạn
Hàng năm, tỉnh cơ bản đảm bảo phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường đạt 1% tổng chi ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án BVMT. Đặc biệt, từ năm 2012 đã triển khai xây dựng mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông và tiến hành xử lý ô nhiễm tại các bãi rác thị trấn Chợ Mới, bãi rác huyện Ba Bể. Trong năm 2013, tỉnh trang bị 2 lò đốt xử lý chất thải sinh hoạt và xây dựng mô hình xử lý rác thải tại xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn.
BVMT lưu vực sông (LVS) là yêu cầu cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của các tỉnh, thành phố có dòng chảy đi qua. Bắc Cạn là đầu nguồn của sông Cầu, ông có góp ý gì đối với nội dung BVMT nước sông đã được quy định trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi). Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về BVMT LVS, Bộ TN&MT đang trình xin thành lập Chi cục BVMT LVS. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Về BVMT nước, so với Luật BVMT năm 2005, Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) đã quy định rõ hơn việc phải tổ chức quan trắc, đánh giá chất lượng nước và trầm tích của các LVS; xác định khả năng chịu tải của các LVS; công bố thông tin về các đoạn sông không còn khả năng chịu tải; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong BVMT nước LVS nội tỉnh, liên tỉnh và xuyên biên giới. Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo BVMT LVS; trách nhiệm của Bộ TN&MT trong ban hành, hướng dẫn các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường nước, trầm tích các lưu vực sông; trong quan trắc, đánh giá môi trường các LVS liên tỉnh; bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với BVMT LVS nội tỉnh. Đây là những quy định cần thiết, cụ thể nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của Luật BVMT năm 2005. Về phía cá nhân, tôi hoàn toàn đồng tình với các nội dung bổ sung, sửa đổi nêu trên.
Với đặc điểm là tỉnh đầu nguồn sông Cầu, chúng tôi nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của con sông đối với đời sống và sản xuất của nhân dân. Trước tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn nước... ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc thành lập Chi cục BVMT LVS là hết sức cần thiết và cấp bách, đòi hỏi phải có cơ quan chuyên môn quản lý riêng về lĩnh vực này. Do vậy, quan điểm của tôi là ủng hộ việc thành lập Chi cục BVMT LVS.
Với cương vị là lãnh đạo một tỉnh miền núi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, ông có đề xuất gì đối với nội dung BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản được đưa ra trong Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi)?
Ông Hoàng Ngọc Đường: Việc khai thác, chế biến khoáng sản gây nhiều tác động tới môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Chính vì vậy, công tác BVMT trong hoạt động khai thác khoáng sản luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Nhìn chung, chính sách pháp luật về tài nguyên khoáng sản đã chú trọng đến các yêu cầu về BVMT trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các quy định hiện hành chưa đủ để đảm bảo các yêu cầu về BVMT trong khai thác khoáng sản. Cụ thể, trong Dự thảo Luật BVMT chưa đề cập cụ thể nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản. Để thống nhất với nội dung đóng cửa mỏ trong Luật Khoáng sản, đề nghị nghiên cứu bổ sung nội dung này vào Chương II, sau mục 4 về nội dung cải tạo, phục hồi môi trường đối với khai thác khoáng sản. Bên cạnh việc hoàn thiện Dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn kịp thời và có tính ổn định đảm bảo để các địa phương thực hiện được dễ dàng, đáp ứng những yêu cầu mới.
Xin cảm ơn ông!
P. Linh (Thực hiện)
Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)