Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Cần có công cụ chính sách mới - tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào chiến lược, quy hoạch phát triển thông qua đánh giá môi trường chiến lược

27/11/2013

  

ThS. Tăng Thế Cường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

 

      Biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường là những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21 đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện, sâu sắc các hệ sinh thái tự nhiên, đời sống kinh tế - xã hội, quá trình phát triển, đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh môi trường, năng lượng, nguồn nước, lương thực trên phạm vi toàn cầu. Để phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của BĐKH, Việt Nam đang từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, BVMT cùng với ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, các chính sách, pháp luật BVMT hiện hành chưa theo kịp với những vấn đề đặt ra đối với yêu cầu chủ động ứng phó với BĐKH hiện nay, chưa tính đến các vấn đề BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội ở cấp độ quốc gia, vùng và tỉnh. Do đó, Việt Nam cần tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các quốc gia, kế thừa và phát triển các giải pháp phù hợp trong quá trình phát triển nói chung và trong hoạch định chính sách BVMT nói riêng, đặc biệt trong quá trình xây dựng Luật BVMT (sửa đổi).

     Trên thế giới, đã và đang nỗ lực nghiên cứu việc tích hợp chính sách BVMT vào các chính sách phát triển, ứng phó với BĐKH. Các nước châu Âu đi đầu trong việc xây dựng tài liệu hướng dẫn tích hợp vấn đề BĐKH nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực quốc gia về ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, để đạt được điều này cần kết hợp tốt việc thực hiện các hoạt động thích ứng với tích hợp các rủi ro khí hậu dài hạn vào quá trình xây dựng quy hoạch cấp quốc gia cũng như các chính sách ngành, địa phương và dự án phát triển. Tài liệu hướng dẫn tích hợp vấn đề BĐKH được coi là công cụ phân tích để đánh giá các chiến lược, quy hoạch phát triển trong quá trình xây dựng cũng như rà soát các văn bản này. Các yếu tố được xem xét bao gồm việc phân tích tính dễ bị tổn thương của các nội dung mà các văn bản này đề cập trước các rủi ro từ BĐKH, hoặc xem xét những rủi ro ngay từ bước đầu của quá trình xây dựng chính sách, dự báo những hệ lụy của chính sách dẫn đến gia tăng tính dễ bị tổn thương để có các biện pháp điều chỉnh.

     Ở Việt Nam, tích hợp BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện, vì vậy chưa có nhiều nghiên cứu về vấn đề này. Một số nghiên cứu cho rằng, việc tích hợp cần được tiến hành một cách toàn diện trên ba mặt: thể chế, tổ chức và hoạt động, từ đó xác định những hạn chế và nhu cầu của các chương trình, chính sách hiện tại liên quan tới con người và các lĩnh vực kinh tế - xã hội để điều chỉnh và bổ sung. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có chính sách hoàn thiện và chính thống làm cơ sở cho việc tích hợp. Trên cơ sở phân tích các hướng dẫn tích hợp của các tổ chức trên thế giới, một số nghiên cứu giới thiệu quy trình, bao gồm 5 bước tích hợp BĐKH vào chiến lược, quy hoạch phát triển.

     Tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch phát triển được coi là cách tiếp cận khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững và xây dưng các biện pháp ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả. Thông qua việc tích hợp các chính sách và biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội nhằm bảo đảm sự ổn định trong các hoạt động đầu tư và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của các lĩnh vực do tác động của BĐKH. Trong đó, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH được coi là một phần không thể tách rời của các chính sách phát triển. Các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ sẽ chỉ phát huy hiệu quả nếu tích hợp được với các chính sách, chiến lược phát triển. Đây là nguyên tắc quan trọng để thiết kế một chính sách hiệu quả nhằm đạt được cả lợi ích kinh tế, môi trường và ứng phó với BĐKH. Nếu không được tích hợp vấn đề BĐKH thì các chính sách rất khó có thể thích ứng kịp thời với BĐKH. Ngược lại, nếu các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ được tích hợp và thực hiện sớm thì sẽ giảm thiểu được những tổn thất, đặc biệt đối với các công trình hạ tầng kiên cố, vĩnh cửu.

 

Tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch phát triển được coi là

cách tiếp cận khôn ngoan nhằm đạt được mục tiêu phát triể bền vững

 

     Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) là một chuỗi các giải pháp có tính phân tích và có sự tham gia của nhiều thành phần nhằm mục đích lồng ghép những vấn đề môi trường vào chính sách, kế hoạch, chương trình và đánh giá mối quan hệ tương quan với các vấn đề kinh tế và xã hội. Luật BVMT năm 2005 đã quy định, ĐMC là việc phân tích và dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững. Mục đích chính của ĐMC là lồng ghép các vấn đề về môi trường trong quá trình xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ cho việc ra quyết định được minh bạch và có sự tham gia của các bên liên quan. Trong thời gian qua, ĐMC đã trở thành công cụ quan trọng trong việc lồng ghép các vấn đề về môi trường trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược, quy hoạch phát triển ngành ở Việt Nam.

     Theo kinh nghiệm của quốc tế, ĐMC là công cụ hữu hiệu để tích hợp vấn đề BĐKH trong quá trình xây dựng các quy hoạch phát triển. ĐMC giúp phân tích, đánh giá tác động của BĐKH đến các quy hoạch phát triển và tác động của các quy hoạch phát triển đến BĐKH; thông qua đó đề xuất các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ cần được tích hợp trong quy hoạch phát triển. Việc thúc đẩy áp dụng ĐMC để tích hợp vấn đề BĐKH trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch phát triển ở Việt Nam là hết sức quan trọng nhằm góp phần đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Việc tích hợp vấn đề BĐKH vào chiến lược, quy hoạch phát triển thông qua ĐMC cần quan tâm thực hiện một số vấn đề sau:

     - Trước tiên, cần xác định các chiến lược, quy hoạch phát triển nào cần thực hiện ĐMC và xác định vấn đề BĐKH cần được tích hợp vào phần nào của quá trình ĐMC. Xác định những chiến lược, quy hoạch có tác động đáng kể và có khả năng thích ứng với BĐKH trong tương lai, hoặc BĐKH có tác động đến chiến lược, quy hoạch. Từ đó, phạm vi của chiến lược, quy hoạch nên được điều chỉnh để xét đến rủi ro và tính dễ bị tổn thương trước BĐKH.

     - Đối với chiến lược, quy hoạch phải thực hiện ĐMC cần xác định mức độ chi tiết cần được đánh giá. Khi đó, các vấn đề môi trường và mức độ chi tiết trong báo cáo môi trường được quyết định bởi các cơ quan chức năng, có thể thực hiện tham vấn cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Sau đó xác định phạm vi cần xem xét tới vấn đề BĐKH. Các vấn đề nêu trong báo cáo phải đảm bảo các tác động của BĐKH ảnh hưởng đến chiến lược, quy hoạch phải được xem xét.

     - Đối với những chiến lược, quy hoạch cần tích hợp vấn đề BĐKH thông qua ĐMC cần đưa vào các mục tiêu ứng phó với BĐKH và các chỉ thị cần thiết liên quan tới BĐKH; xác định các vấn đề chính, những xung đột do BĐKH trong tương lai; đề xuất các phương án ứng phó với các vấn đề liên quan đến BĐKH, tích hợp các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng vào chiến lược, quy hoạch; đánh giá ảnh hưởng của quy hoạch đến phát thải khí nhà kính và tính dễ bị tổn thương trước BĐKH. Chủ động ứng pjos với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT có vai trò quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Đây là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, ngoài việc xây dựng, cập nhật và triển khai Kịch bản BĐKH, nước biển dâng, Chiến lược và Kế hoạch hành động về BĐKH thì v iệc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật BVMT, nhất là việc sửa đổi Luật BVMT năm 2005, xem xét tích hợp các vấn đề BĐKH thông qua công cụ ĐMC là rất cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

 

ThS. Tăng Thế Cường

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Chuyên đề Xây dựng Luật BVMT (sửa đổi)

 

Ý kiến của bạn