Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Cà Mau khuyến khích và tạo cơ chế để cộng đồng tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên

02/09/2013

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

            Đó là ý kiến của ông Phạm Thành Tươi - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khi trao đổi với Tạp chí Môi trường nhân sự kiện Vườn quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau đón nhận Bằng chứng nhận là Khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới.

            PV: Thưa ông, Cà Mau là một trong những địa phương trọng điểm khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vậy công tác BVMT được tỉnh triển khai như thế nào?

Ông Phạm Thành Tươi: Cà Mau là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL. Đây là nơi có vùng đất ngập nước với hệ sinh thái đa dạng, phong phú có giá trị cao về tính đa dạng sinh học, nguồn gen, môi trường, nguồn lợi thủy sản... Điều kiện địa lý tự nhiên đã tạo thuận lợi cho tỉnh phát triển một số ngành kinh tế như: Thủy sản, nông nghiệp, năng lượng, hóa chất và một số ngành công nghiệp khác.

            Để triển khai công tác BVMT tại địa phương, tỉnh Cà Mau đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường (ÔNMT) và Tổ kiểm tra liên ngành về BVMT nhằm tăng cường công tác phát hiện, xử lý vi phạm, giải quyết kịp thời các hành vi gây ÔNMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật BVMT, tổ chức truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT, thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường sử dụng công cụ kinh tế như áp dụng tính phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, công nghiệp...

            Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm soát ÔNMT như đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp; quy hoạch cụm công nghiệp có nguy cơ gây ÔNMT; đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải tập trung, di dời các cơ sở gây ÔNMT ra khỏi thành phố; hoàn thành các dự án chỉnh trang đô thị thành phố (xây dựng bờ kè, giải tỏa dân cư sống ven sông rạch, mở rộng lộ hẻm, nâng cấp hệ thống thoát nước, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt...); tăng cường công tác bảo vệ vùng ven biển, ứng phó sự cố môi trường (xói lở bờ biển, sụt lở đất…) để phòng tránh tác động xấu của BĐKH.

            PV: VQG Mũi Cà Mau trở thành khu Ramsar sẽ mở ra nhiều cơ hội để địa phương khai thác thế mạnh của vùng đất ngập nước, phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm…, tỉnh đã có kế hoạch gì để đánh thức tiềm năng nơi đây, thưa ông?

            Ông Phạm Thành Tươi: Để tiếp tục phát huy những giá trị của VQG Mũi Cà Mau, trong thời gian tới tỉnh có kế hoạch bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học của VQG; duy trì các chức năng sinh thái, môi trường, góp phần thích ứng với BĐKH.

            Về lâu dài, phải nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhất là cộng đồng khu vực VQG Mũi Cà Mau, các tổ chức có hoạt động tại VQG thông qua công tác tuyên truyền, vận động để họ hiểu về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước, đa dạng sinh học, tăng cường tính tự nguyện tự giác của cộng đồng, khuyến khích và tạo cơ chế để cộng đồng tham gia tích cực vào công tác bảo tồn thiên nhiên.

            Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển VQG Mũi Cà Mau; quản lý tốt diện tích rừng trong khu vực bảo tồn; xem xét triển khai chi trả dịch vụ hệ sinh thái để cộng đồng được hưởng lợi từ công tác bảo tồn; thực hiện tốt Quy hoạch ĐDSH làm cơ sở để quản lý công tác bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước; khai thác sử dụng hợp lý giá trị của hệ sinh thái, đặc biệt chú ý giá trị khoa học, môi trường; đồng thời, có chính sách phát triển du lịch sinh thái, cải tiến cung cách phục vụ trong ngành du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch đất ngập nước...

            Thực hiện tốt các công việc đó, tôi tin rằng, tỉnh sẽ thu hút được thêm nhiều du khách đến với Cà Mau nói chung và VQG Mũi Cà Mau nói riêng.

CÀ MAU KHUYẾN KHÍCH VÀ TẠO CƠ CHẾ ĐỂ CỘNG ĐỒNG 2.tif

Cà Mau đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng sống cho người dân

            PV: Việc bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái tại VQG Mũi Cà Mau đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Vậy tỉnh có chính sách gì bảo tồn các hệ sinh thái gắn với sinh kế của người dân?

            Ông Phạm Thành Tươi: VQG Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên 41.862 ha bao gồm phần diện tích đất liền 15.262 ha và diện tích ven biển 26.000 ha. VQG Mũi Cà Mau có vị trí địa lý tự nhiên, địa mạo độc đáo, tạo nên hệ sinh thái cửa sông, ven biển có tính ĐDSH cao với hệ động, thực vật phong phú, đa dạng, đặc biệt đây là nơi sinh sản của các giống, loài thủy sinh, đồng thời là điểm dừng chân và cư trú của các loài chim nước. Với đặc thù về tính ĐDSH nêu trên, thời gian qua vẫn còn xảy ra tình trạng khai thác trái phép nguồn lợi thủy sản, lâm sản tạo áp lực, thách thức cho công tác bảo tồn thiên nhiên.

            Để bảo vệ các hệ sinh thái gắn kết với sinh kế người dân, tỉnh có nhiều chủ trương như tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giá trị, lợi ích của hệ sinh thái để tranh thủ sự đồng tình, hưởng ứng của cộng đồng trong bảo tồn thiên nhiên, BVMT, bảo vệ ĐDSH.

            Bên cạnh đó, triển khai các mô hình thí điểm về hỗ trợ tín dụng cho người dân trong khu vực rừng, tạo điều kiện cho người dân sống ven rừng và xung quanh VQG khai thác hợp lý thế mạnh của hệ sinh thái để cải thiện đời sống; hướng dẫn, đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với môi trường rừng ngập mặn; các mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao; khuyến khích người dân ứng xử thân thiện với môi trường, tham gia bảo tồn các hệ sinh thái gắn với phát triển sinh kế thông qua nghiên cứu áp dụng chi trả dịch vụ môi trường rừng, phát triển loại hình du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng, nhằm duy trì những giá trị ĐDSH đặc trưng của vùng đất ngập nước. Tỉnh Cà Mau đã và đang từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng sống cho người dân trong khu vực bảo tồn…

            Khi sinh kế người dân vùng đất ngập nước Mũi Cà Mau được bảo đảm, đây chính là tiền đề để bảo tồn và phát triển bền vững VQG Mũi Cà Mau, Khu Ramsar thế giới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Phạm Tuyên (Thực hiện)

Nguồn: Tạp chí MT, số 5/2013

Ý kiến của bạn