07/11/2013
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương
Trong những năm qua, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh nhất nước. Chính cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) tốt đã đưa Bình Dương trở thành điểm sáng hấp dẫn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các KCN góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách đồng bộ, tạo thuận lợi trong việc quản lý và thu hút các dự án đầu tư đúng quy hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại Bình Dương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Ngọc Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Dương về công tác BVMT trên địa bản tỉnh thời gian qua.
PV: Xin bà cho biết thực trạng môi trường của các KCN trên địa bàn tỉnh Bình Dương thời gian qua?
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh: Thực hiện Quyết định số 1107/QĐ-TTg, ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 và Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg, ngày 5/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, UBND tỉnh đã xây dựng Đề án trình Chính phủ cho phép điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các KCN trên địa bàn tỉnh. Theo Đề án, đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 38 KCN tập trung với tổng diện tích quy hoạch trên 19.000 ha. Các KCN được phân bố tập trung chủ yếu trên địa bàn 5 huyện/thị, bao gồm: 9 KCN huyện Bến Cát, 6 KCN thị xã Dĩ An, 7 KCN TP.Thủ Dầu Một, 3 KCN thị xã Thuận An và 3 KCN huyện Tân Uyên, tất cả đều nằm trong Quy hoạch phát triển tổng thể đã được phê duyệt.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có 28 KCN được thành lập với tổng diện tích là 9.094,85 ha. Trong đó, 26 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 8392,451 ha, 2 KCN còn lại đang xây dựng cơ bản (KCN Thới Hòa và KCN An Tây), tổng diện tích 702,4 ha.
Tính đến thởi điểm này, công tác BVMT tại các KCN trên địa bàn tỉnh được thực hiện tương đối tốt với 25/26 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải và các hệ thống được vận hành ổn định.
PV: Việc quản lý, giám sát công tác xử lý nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh được tiến hành như thế nào, thưa bà?
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh: Để quản lý, giám sát công tác thu gom, xử lý nước thải, bên cạnh việc tăng cường công tác hậu kiểm sau phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận bản cam kết BVMT cũng như thành lập đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất tình hình BVMT của các doanh nghiệp (DN); tỉnh còn triển khai dự án lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động đối với các nguồn thải lớn trên địa bàn để tập trung giám sát 24/24 việc xử lý nước thải của các DN và KCN. Dự án gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2009 - 2011), tỉnh đã lắp đặt thiết bị quan trắc tại 21 điểm (17 KCN và 4 DN lưu lượng nước thải lớn hơn 2.000 m3/ngày, đêm) và Trạm điều hành trung tâm. Hệ thống quan trắc tự động giai đoạn 1 giúp Sở TN&MT tỉnh Bình Dương kiểm soát liên tục chất lượng nước thải của 17 KCN và 4 DN với tổng lưu lượng 89.000 m3/ngày, đêm, chiếm tỷ lệ 55,6% tổng lượng nước thải công nghiệp trên toàn tỉnh. Giai đoạn 2 của Dự án (2013 - 2014) sẽ mở rộng hệ thống quan trắc nước thải tự động thông qua việc tăng số trạm cơ sở tại các KCN và DN nhằm quan trắc tự động tất cả các điểm xả thải có lưu lượng nước thải từ 1.000m3/ngày, đêm trở lên với 31 điểm xả thải (13 điểm xả thải của 11 KCN và 18 điểm xả thải của 17 doanh nghiệp). Khi giai đoạn 2 hoàn thành sẽ nâng tổng lưu lượng nước thải được giám sát lên 160.000 m3/ngày,đêm, chiếm 70% tổng lượng nước thải công nghiệp. Như vậy, về cơ bản đến năm 2015, tỉnh sẽ giám sát được hầu như toàn bộ các nguồn nước thải lớn có nguy cơ ô nhiễm cao trên địa bàn.
Nhà máy xử lý nước thải của TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương)
PV: Chủ trương chi không dưới 1% ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường đã được triển khai nhiều năm qua. Vậy hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí này trên địa bàn tỉnh Bình Dương như thế nào, thưa bà?
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh: Nhận thức được tầm quan trọng của công tác BVMT trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian qua, Bình Dương luôn chú trọng dành nguồn ngân sách cho sự nghiệp môi trường. Ngay từ khi bắt đầu triển khai vào năm 2006, tỉnh đã dành 1,48% ngân sách cho sự nghiệp môi trường (40,996 tỷ đồng) và số tiền được bố trí tăng theo các năm. Đến năm 2013, nguồn ngân sách dành cho sự nghiệp môi trường lên đến 2,29% (228,76 tỷ đồng) trong tổng chi ngân sách tỉnh.
Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND, Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, công tác BVMT đã huy động được toàn thể hệ thống chính trị tham gia. Với nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đã có nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ trọng tâm được triển khai góp phần làm cho công tác quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng có chiều sâu.
PV: Thời gian tới, Bình Dương sẽ tập trung thực hiện những biện pháp gì để đẩy mạnh công tác BVMT trên địa bàn, thưa bà ?
Bà Võ Thị Ngọc Hạnh: Để công tác BVMT của tỉnh đi vào chiều sâu và huy động được toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia, Bình Dương đã ban hành Kế hoạch BVMT của tỉnh cho từng giai đoạn phát triển; Kế hoạch BVMT từ năm 2011 - 2015, tỉnh tập trung vào các vấn đề trọng tâm sau: Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT; Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVMT; Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án xây dựng hạ tầng, trang bị cơ sở vật chất, xử lý chất thải; Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế về BVMT; Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa và đa dạng hóa các nguồn vốn cho công tác BVMT...
PV: Xin cảm ơn bà!
Phạm Đình (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí MT, số 10/2013