13/03/2014
Cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải ngày gia tăng và trở nên bức bối hơn. Bởi vậy, việc lựa chọn và hướng tới xây dựng mô hình phát triển Kinh tế xanh (KTX) ở Việt Nam là rất cần thiết.
Chưa hoàn thiện về chính sách
Theo PGS. TS Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT, ở Việt Nam, chính sách BVMT đã hình thành từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Tính đến nay, có trên 33 luật và hơn 22 pháp lệnh có nội dung liên quan đến công tác BVMT như Luật ĐDSH 2008, Luật Bảo vệ và phát triển rừng 2004; Luật Đất đai sửa đổi 2013, Luật Thủy sản 2003, Luật Tài nguyên nước sửa đổi 2012, Luật Khoáng sản 2010.... Đối với chính sách phát triển KTX thì Việt Nam chưa có một văn bản chính thức nào, song nội hàm của nó liên quan đến KTX như “Kinh tế các bon thấp”, “Giảm thiểu và thích ứng với BĐKH”, “Tăng trưởng xanh”, “Công nghệ xanh”, “Việc làm xanh”... đã triển khai và đang trong quá trình hoàn thiện.
Lý giải về vấn đề này, ông Chinh cũng cho biết, ở Việt Nam KTX hiện nay vẫn còn là vấn đề mới, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp (DN) và người dân.
Về cách thức tiến hành, so với nền kinh tế truyền thống là “Nền kinh tế nâu”, xây dựng mô hình mới “Nền KTX”, thay đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay đang là vấn đề đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách. Bởi vậy, Việt Nam cần phải có những chính sách sát thực và phù hợp hơn theo xu hướng mới của thế giới đó là hướng tới nền KTX.
Theo bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tăng trưởng xanh, KTX còn là những khái niệm mới ở Việt Nam. Do đó, cần có thời gian để phổ biến rộng hơn và nội dung của Chiến lược tăng trưởng xanh được phổ biến đến những đối tượng có liên quan. Hơn nữa, quá trình chuyển từ nhận thức tới hành động, từ thói quen và cách thức sản xuất, tiêu dùng “nâu” sang “xanh” cũng đòi hỏi một quãng thời gian nhất định để thích nghi.
Theo các chuyên gia môi trường, Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến 2050 tập trung vào 3 mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng. Tuy vậy, phát triển theo hướng bền vững, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu hụt nguồn lực. Vì vậy, cần sớm nghiên cứu, hình thành môi trường pháp lý, có những cơ chế, chính sách thuận lợi để kinh tế Việt Nam phát triển đúng hướng xanh.
Cần xây dựng môi trường pháp lý để thực thi
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc, cùng với quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải.
Về các yếu tố tự nhiên, BĐKH cũng đang là nguy cơ hiện hữu, đe dọa trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đe dọa an ninh kinh tế - xã hội, quốc phòng của đất nước, cũng như các hoạt động phát thải khí nhà kính của con người. Do vậy, để duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, thời gian tới Việt Nam phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâu (tăng trưởng kinh tế trước, giải quyết vấn đề môi trường sau) sang một mô hình tăng trưởng xanh (vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo tạo việc làm và bền vững về môi trường).
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là thực hiện tăng trưởng xanh hướng tới KTXanh. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải biết chớp lấy cơ hội, nhanh chóng chuyển chính sách đã ban hành có liên quan thành hành động cụ thể, để chủ trương đúng đắn về KTX và phát triển bền vững được thực thi, tạo ra chuyển biến trong những năm tới.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, khái niệm sản xuất sạch hơn ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và thay dần các thuật ngữ giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm. Đây được xem là hướng đi bền vững tạo “cuộc đua” tích cực cho các DN về giữ vững thương hiệu, BVMT trong thị trường đầy biến động và cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp hơn 10 năm qua ở Việt Nam đã mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng, do hiệu quả sản xuất được nâng cao thông qua sử dụng hiệu quả hơn nguyên vật liệu, năng lượng, nước để giảm đáng kể lượng chất thải và các chất ô nhiễm cần xử lý, cải thiện môi trường lao động và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN.
Theo đó, Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam đã giúp cho 12 công ty tiết kiệm được gần 1 triệu USD, đóng góp vào việc cải thiện hiện trạng môi trường, trong đó tiết kiệm trên 2 triệu tấn nước, giảm 1.778 tấn chất thải rắn… Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều DN áp dụng sản xuất sạch hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng, Việt Nam đang trong tiến trình CNH - HĐH thì việc xây dựng và phát triển các đô thị và công nghiệp bền vững, có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự bền vững, bởi dân số đô thị ngày càng chiếm tỉ lệ cao, các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng tập trung trong các đô thị và KCN. Việc xây dựng và phát triển các đô thị và KCN bền vững sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo dangcongsan.vn