22/11/2023
Trong công bố Báo cáo về khoảng cách phát thải hàng năm ngày 20/11/2023, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo rằng cam kết của các nước về cắt giảm khí thải nhà kính đang khiến nhiệt độ Trái đất có nguy cơ tăng thêm 2,90C trong thế kỷ 21, vượt xa các giới hạn then chốt.
Tại bản Báo cáo khoa học về khí hậu cập nhật, 50 nhà khoa học hàng đầu thế giới cũng đã cảnh báo lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính đã đạt mức “cao nhất mọi thời đại” và đang đẩy nhanh quá trình nóng lên toàn cầu với tốc độ chưa từng thấy.
Một Báo cáo được đăng trên Tạp chí Earth System Science Data cũng cho thấy, các nhà khoa học tính toán rằng trong thập niên qua (2012 - 2021), trung bình mỗi năm có 54 tỷ tấn carbon dioxide (CO2) được thải vào khí quyển, tương ứng khoảng 1.700 tấn/giây. Từ năm 2013 - 2022, sự nóng lên của Trái đất do hoạt động của con người gây ra đã khiến nhiệt độ tăng thêm 0,20C/mỗi 10 năm.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù thế giới đã có những động thái tích cực khi giảm dần việc sử dụng than, nhưng nghịch lý là điều này lại "góp phần" đẩy nhanh sự nóng lên toàn cầu khi làm giảm ô nhiễm không khí dạng hạt, vốn có tác dụng làm mát và giúp che chắn Trái đất khỏi toàn bộ sức nóng thiêu đốt của các tia Mặt trời. Ô nhiễm không khí dạng hạt từ tất cả các nguồn làm giảm sự nóng lên khoảng nửa độ C. Điều này có nghĩa là ít nhất trong thời gian ngắn, khi không khí trong lành hơn, bề mặt Trái đất sẽ hấp thụ nhiều nhiệt hơn.
Theo UNEP, năm 2023 được dự báo là năm nóng nhất trong lịch sử loài người, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại về số lượng, tốc độ và quy mô của các kỷ lục khí hậu bị phá vỡ. Sau khi đánh giá kế hoạch cắt giảm các-bon của các quốc gia, UNEP cảnh báo rằng hành tinh đang trên đà nóng lên một cách thảm khốc từ 2,50C - 2,90C trong giai đoạn từ nay đến năm 2100. Nếu chỉ dựa vào chính sách và nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay, Trái đất sẽ nóng thêm tới 30C.
Ảnh minh họa
Tuy nhiên, UNEP cho biết thế giới vẫn tiếp tục thải lượng khí nhà kính kỷ lục vào khí quyển, với lượng khí thải tăng 1,2% từ năm 2021 - 2022, mức tăng này chủ yếu là do đốt nhiên liệu hóa thạch và các quy trình công nghiệp. Giám đốc UNEP Inger Andersen cho rằng Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) - chiếm tới khoảng 80% lượng khí thải toàn cầu - cần đi đầu trong việc cắt giảm.
Với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước đã nhất trí giữ mức tăng nhiệt độ Trái đất ở ngưỡng 1,5 - 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm gần 1,20C đã làm gia tăng các tác động chết người trên khắp hành tinh. Trên thực tế, nhiệt độ đã tăng trên 1,50C trong hơn 80 ngày của năm 2023, mặc dù ngưỡng tăng này sẽ được đo ở mức trung bình trong vài thập kỷ.
Trước tình hình này, Báo cáo kêu gọi "những nỗ lực đầy tham vọng và khẩn cấp từ tất cả các quốc gia nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nạn phá rừng". UNEP nhấn mạnh đến năm 2030, lượng khí thải toàn cầu sẽ phải thấp hơn 28% so với mục tiêu của các chính sách hiện hành để duy trì mức tăng nhiệt độ dưới 20C và thấp hơn 42% đối với giới hạn đầy tham vọng hơn là 1,50C.
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các cuộc thảo luận tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tập trung vào các hành động tham vọng về khí hậu, đồng thời cảnh báo rằng thế giới đang chậm chân trong việc ngăn Trái đất ấm lên. Trong tuyên bố, ông Guterres nhấn mạnh các xu hướng hiện nay đang khiến hành tinh đối mặt với mức tăng nhiệt độ lên tới 30C. Để giải quyết tình trạng này, các kế hoạch quốc gia cần phải có mục tiêu rõ ràng cho năm 2030 và 2035, có thể đáp ứng được mục tiêu về giới hạn mức tăng nhiệt độ ở ngưỡng 1,50C, bao trùm cho toàn bộ nền kinh tế và vạch ra lộ trình cho việc chấm dứt nhiên liệu hóa thạch.
Dữ liệu mới này sẽ là lời cảnh tỉnh trước COP28, ngay cả khi có bằng chứng cho thấy sự gia tăng khí nhà kính đã chậm lại. Tốc độ và quy mô của hành động khí hậu là không đủ để hạn chế sự leo thang của các nguy cơ liên quan đến khí hậu. Dự kiến, tại COP28 diễn ra từ ngày ngày 30/11 - 12/12 tại TP. Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), các nhà lãnh đạo thế giới sẽ được tiếp cận dữ liệu cập nhật mới. Tại sự kiện này, các nước trên thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá Toàn cầu (Global Stocktake) cũng như tiến độ hướng tới các mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Nam Việt