28/01/2025
Ngày 28/1/2025 (theo giờ Mỹ), Liên Hợp quốc xác nhận đã nhận được thông báo từ Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris, việc rút lui của Mỹ sẽ có hiệu lực vào ngày 27/1/2026.
Phát biểu trước báo giới quốc tế, người phát ngôn Liên Hợp quốc Stephane Dujarric cho biết: “Tôi có thể xác nhận với các bạn rằng, Mỹ đã thông báo cho Tổng Thư ký về việc rút khỏi Thỏa thuận Paris vào ngày 27/1. Mỹ đã ký thỏa thuận này vào ngày 22/4/2016. Mỹ đã từng rút khỏi thỏa thuận có hiệu lực vào ngày 4/11/2020, trước khi tham gia lại vào ngày 19/2/2021. Theo điều 28, khoản 2 của Thỏa thuận Paris, việc Mỹ rút khỏi sẽ có hiệu lực vào ngày 27/1/2026”.
Trước đó, trong ngày nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai ngày 20/1, ông Donald Trump đã thông báo Mỹ sẽ rút khỏi Thỏa thuận Paris, đưa quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới ra khỏi nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu lần thứ 2 trong một thập kỷ.Với quyết định này, ngoài Iran, Libya và Yemen, Mỹ là những quốc gia đứng ngoài Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Theo Thỏa thuận Paris, các chính phủ đã nhất trí giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp, để tránh những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.
Tuyên bố của Tổng thống Trump đã gây chấn động cộng đồng quốc tế. Nhiều nhà phân tích và ngoại giao cho rằng hành động quyết liệt này của ông Trump sẽ có tác động trên quy mô lớn hơn ở cả Mỹ và thế giới, so với lần rút lui đầu tiên của nước này vào năm 2017, đặc biệt khi thời gian hiệu lực chỉ còn 1 năm thay vì 3,5 năm như trước đây. Các chuyên gia đánh giá điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng mạnh tới tiến trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giữa lúc hiện tượng này đang ngày một cực đoan hơn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký các văn bản sắc lệnh trong ngày đầu nhậm chức tại Nhà Trắng ở Washington D.C. (Mỹ) vào ngày 20/1/2025
Đáng chú ý, với việc là một trong ba nước có lượng phát thải CO2 lớn nhất thế giới, việc hủy bỏ kế hoạch cắt giảm khí thải quốc gia của Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) của nhiều nước. Mặt khác việc Mỹ rút lui có thể làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính xanh toàn cầu.
Như một phần của việc rút khỏi Thỏa thuận Paris, Tổng thống Trump đã ra lệnh ngừng ngay lập tức mọi khoản tài trợ mà Mỹ đã cam kết trong các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên hợp quốc trước đó. Đặc biệt, việc cắt 11 tỉ USD tài trợ cho năm 2024 và 21% ngân sách ban thư ký khí hậu Liên hợp quốc đang đẩy các nước đang phát triển vào tình thế khó khăn.
Theo Reuters, các quốc gia này cần hơn 1.000 tỉ USD mỗi năm để đạt mục tiêu khí hậu và bảo vệ người dân khỏi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc loại bỏ nguồn tài trợ này sẽ làm gia tăng gánh nặng tài chính, gây suy yếu khả năng ứng phó và phục hồi trước biến đổi khí hậu của các quốc gia, từ đó làm mất sự ổn định về kinh tế, an ninh lương thực và có khả năng làm tăng bất ổn về chính trị ở nhiều nước. Ngoài ra, Mỹ cũng đang chịu trách nhiệm tài trợ khoảng 21% ngân sách cốt lõi cho Ban Thư ký khí hậu của Liên hợp quốc và việc cắt giảm của Mỹ sẽ cản trở hoạt động điều hành các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của thế giới hiện còn đang gặp nhiều khó khăn.
Không những thế, Tổng thống Trump cũng đang nhắm tới các khoản ưu đãi về thuế mà chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden dành cho các dự án cắt giảm CO2 trong nước. Việc đình chỉ các hợp đồng điện gió ngoài khơi, thu hồi mục tiêu phát triển xe điện và loại bỏ ưu đãi thuế 7.500 USD cho giao dịch mua xe điện đang làm suy yếu nghiêm trọng ngành công nghiệp xanh. Quỹ hỗ trợ trạm sạc trị giá 5 tỉ USD cũng bị đóng băng, gây ảnh hưởng nặng nề đến kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng cho xe điện. Thị trường tín chỉ các-bon quốc tế dự kiến đạt 10 tỉ USD vào 2030 cũng bị ảnh hưởng khi doanh nghiệp Mỹ gặp khó trong việc tham gia.
Có thể thấy, quyết định của Tổng thống Mỹ đang đặt ra thách thức chưa từng có cho nỗ lực chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có những điều chỉnh chiến lược mạnh mẽ hơn, đồng thời nâng cao vai trò của các tổ chức trong việc thúc đẩy các sáng kiến khí hậu và duy trì cam kết toàn cầu về phát triển bền vững.
Ông Paul Watkinson, cựu nhà đàm phán khí hậu người Pháp, nhấn mạnh: "Tại sao những người khác phải tiếp tục gánh vác trách nhiệm, nếu một trong những người chủ chốt một lần nữa rời khỏi phòng?" Các tổ chức tài chính quốc tế cũng đang phải đối mặt với thách thức kép. Một mặt họ phải đáp ứng nhu cầu tài chính ngày càng tăng từ các dự án năng lượng tái tạo và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hương Đỗ