Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Thỏa thuận Xanh châu Âu và một số giải pháp thích ứng cho Việt Nam

28/12/2023

    Thỏa thuận Xanh châu Âu (EGD) là Chương trình tổng thể và dài hạn của Liên minh châu Âu (EU), nhằm ứng phó với các vấn đề khẩn cấp về khí hậu toàn cầu đến năm 2050. Được thông qua ngày 15/1/2020, EGD định hình chiến lược của EU để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (trung hòa về phát thải) và trở thành khu vực kinh tế sử dụng ít nhất các nguồn lực tự nhiên vào năm 2050. EGD cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc của công dân trước những rủi ro, tác động liên quan đến môi trường. Mặt khác, EGD hàm chứa chiến lược của EU nhằm đảm bảo khả năng tự chủ, ổn định thương mại, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng dầu, khí, tài nguyên khoáng sản từ một số đối tác và thiết lập tiêu chuẩn cho các thị trường xanh có lợi cho doanh nghiệp (DN) châu Âu. Việc EU từng bước thực thi các mục tiêu trong EGD sẽ có tác động trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh trên thị trường EU, trong đó có hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Mục tiêu của EGD

1. Các chính sách xanh trong EGD

    Triển khai thực hiện EGD, EU đang và sẽ tiếp tục xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể (các chính sách xanh) ở hầu khắp mọi lĩnh vực kinh tế, trong đó đặt ra nhiều tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu xanh mới hoặc nâng cấp từ các quy định hiện hành, có tác động trực tiếp cũng như gián tiếp đến nhiều nhóm chủ thể trong các hoạt động liên quan. Xét về mặt tổng thể, các chính sách xanh của EU được triển khai trên 9 lĩnh vực chính, trong đó có những lĩnh vực có chính sách xanh bao trùm cả chủ thể trong và ngoài EU như khí hậu, môi trường, đại dương, nông nghiệp và các lĩnh vực mà chính sách xanh tập trung vào vấn đề nội bộ của EU là chủ yếu (như công nghiệp, năng lượng, giao thông, nghiên cứu và phát triển, tài chính, xây dựng).

    Là gói chính sách nội bộ, về lý thuyết, EGD chỉ áp dụng cho các chủ thể EU và đối tượng là hàng hóa, dịch vụ, hoạt động kinh tế trên thị trường/lãnh thổ khối này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, các chính sách của EGD sẽ được áp dụng cho đối tượng bên ngoài, phổ biến là những trường hợp có phạm vi áp dụng là hàng hóa lưu hành, mua bán thương mại, sử dụng, tiêu thụ hoặc tạo phát thải tại EU, không phân biệt hàng hóa sản xuất tại EU hay từ nước ngoài nhập vào; được thiết kế để áp dụng riêng cho hàng nhập khẩu vào EU từ bên ngoài, nhằm bảo đảm cân bằng với các quy định EU áp dụng cho hàng hóa nội khối.

    Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau hơn 3 năm triển khai EGD (từ tháng 1/2020 - 10/2023), EU đã có 58 hành động chính sách xanh đang/dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực. Các chính sách và biện pháp chính của Thỏa thuận bao gồm: Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon (CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork - F2F); Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (KTTH); Chiến lược đa dạng sinh học (ĐDSH) đến năm 2030.

    Cơ chế điều chỉnh các-bon qua biên giới: Tháng 12/2022, EU thông báo thực hiện CBAM, theo đó, EU sẽ đánh thuế các-bon đối với tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào thị trường khu vực, dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) trong quy trình sản xuất ở nước sở tại. Theo đó, thời gian đầu CBAM sẽ áp dụng đối với loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ gây ô nhiễm cao như xi măng, thép, phân bón, nhôm, điện và hydro, là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của châu Âu. Cơ chế được công bố dần cho đến cuối năm 2025 và áp dụng đầy đủ vào năm 2026. Với quy định này, các nhà nhập khẩu EU sẽ phải mua giấy chứng nhận, khai báo lượng khí thải có trong những sản phẩm nhập khẩu. Nếu cung cấp đầy đủ thông tin đã được xác minh từ nhà sản xuất bên ngoài EU rằng giá các-bon đã được thanh toán trong quá trình sản xuất, thì giá này có thể được khấu trừ vào hóa đơn cuối cùng.

    Ngày 22/6/2022, Nghị viện châu Âu đã thông qua với đa số phiếu gói văn bản pháp lý quy định về CBAM. Nội dung được xem là “tích cực” đối với các nước ngoài EU (đặc biệt là những nước đang và kém phát triển) là việc xác định lộ trình xóa bỏ tín chỉ các-bon miễn phí trong nội bộ EU từ năm 2027, hoàn thành vào năm 2032 để đảm bảo hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải KNK (ETS) trong và ngoài EU không mâu thuẫn lẫn nhau. Quy định sẽ sử dụng số tiền tương đương mức thu từ bán tín chỉ CBAM cho mục tiêu hỗ trợ những nước kém phát triển. Điểm gây quan ngại là CBAM sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi ra các chủng loại sản phẩm khác, kể cả tính đến hàm lượng các-bon phát thải gián tiếp trong đầu vào điện sản xuất, ngoài 5 nhóm sản phẩm ban đầu là sắt thép, sản phẩm lọc dầu, xi măng, hóa chất cơ bản và phân bón.

    Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn: Trong các quy định cốt lõi của EGD, nổi bật là Chiến lược Farm to Fork - F2F (hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh và thân thiện với môi trường), hướng mục tiêu đến năm 2030 giảm 50% việc sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50%; giảm sử dụng phân bón ít nhất 20%; giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại... Để đảm bảo công bằng, EU sẽ tiến đến yêu cầu các nước khác thực hiện tương tự nếu không sẽ đánh thuế môi trường. Vì vậy, chiến lược xanh hóa sản xuất là vấn đề mà DN cần nghiêm túc tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành khi muốn tiếp cận thị trường EU lâu dài, cũng như đi theo quy luật phát triển tiến bộ trên thế giới.

    EU muốn biến hệ thống thực phẩm trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu. Khung pháp lý cho hệ thống thực phẩm bền vững được ban hành trong năm 2023, các định nghĩa, nguyên tắc chung, yêu cầu, chứng nhận và kế hoạch ghi nhãn sẽ trở thành tiêu chuẩn cho tất cả sản phẩm thực phẩm được đưa vào thị trường EU. Một số hành động được triển khai bao gồm:

    Sản xuất lương thực: Giới thiệu về việc hấp thụ các-bon cho nông dân, nghĩa là nông dân sẽ được thưởng cho hoạt động loại bỏ carbon dioxide ra khỏi khí quyển; thúc đẩy các giải pháp thay thế thuốc trừ sâu hóa học và ô nhiễm chất dinh dưỡng; giảm doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trong khung; sửa đổi Luật Phúc lợi động vật; tăng cường cảnh giác đối với thực vật nhập khẩu; thúc đẩy hơn nữa canh tác hữu cơ và các kế hoạch sinh thái, tài trợ cho sinh thái nông nghiệp, nông - lâm kết hợp; hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và tảo. 

    Chế biến thực phẩm: Bộ quy tắc ứng xử của EU về thực hành tiếp thị và kinh doanh có trách nhiệm đã được xây dựng; yêu cầu lồng ghép tính bền vững vào chiến lược DN sẽ được cải thiện; các giải pháp đóng gói bền vững sẽ được hỗ trợ; các tiêu chuẩn tiếp thị sẽ được sửa đổi.

    Liên quan đến người tiêu dùng: Việc ghi Nhãn dinh dưỡng bắt buộc trên bao bì sẽ trở thành chế tài và việc hài hòa các tuyên bố xanh tự nguyện sẽ được kiểm tra; phương thức cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, bao gồm cả việc áp dụng kỹ thuật số sẽ được thực thi; liên quan đến thất thoát và lãng phí thực phẩm, các quy định của EU về “sử dụng trước” và “tốt nhất trước” sẽ được sửa đổi. 

    Thực tế, hệ thống lương thực, thực phẩm của châu Âu đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu (từ thức ăn chăn nuôi đến gia vị và trái cây nhiệt đới). Vì vậy, để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn”, chính sách thương mại của EU sẽ thúc đẩy hợp tác với các nước ngoài EU, đồng thời giảm thiểu tình trạng mất an ninh lương thực bằng cách tăng cường khả năng phục hồi của hệ thống lương thực, thực phẩm và giảm lãng phí thực phẩm. 

    Kế hoạch hành động KTTH: Được đưa ra vào năm 2020, nhằm mục đích biến các sản phẩm bền vững trở thành tiêu chuẩn ở EU. Một trong những đặc điểm quan trọng nhất là “chính sách sản phẩm bền vững” sẽ dẫn đến khung pháp lý, tất cả mọi sản phẩm được sản xuất/nhập khẩu vào EU đều đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững. 

    Kế hoạch hành động KTTH liệt kê 35 chính sách nhằm xây dựng nền kinh tế xanh, sạch, tuần hoàn trong 7 chuỗi sản phẩm mục tiêu (điện tử - công nghệ thông tin; pin và phương tiện vận tải; bao bì đóng gói; nhựa; dệt may; xây dựng; thực phẩm và sản phẩm dinh dưỡng). Thời gian đầu sẽ tập trung vào các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên, có tiềm năng tuần hoàn cao như 7 chuỗi sản phẩm nêu trên; đối với mỗi lĩnh vực sẽ có luật cụ thể hoặc quy định/chế tài để đảm bảo tính tuần hoàn.

    Chiến lược ĐDSH đến năm 2030: Là một kế hoạch dài hạn để bảo vệ thiên nhiên và đẩy lùi sự suy thoái của các hệ sinh thái, có liên quan đến Chiến lược Farm to Fork, trong đó nông dân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn ĐDSH. Cả hai chiến lược đều nhằm mục đích thực hành bền vững, như canh tác hữu cơ, sinh thái nông nghiệp và nông - lâm kết hợp; giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, phục hồi đất và giảm thất thoát chất dinh dưỡng từ phân bón. Kế hoạch cũng bao gồm các cam kết về đánh bắt bền vững.

2. Tác động, ảnh hưởng của EGD và một số giải pháp thích ứng cho Việt Nam

2.1. Tác động của EGD đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

    Việt Nam và  EU đã ký kết và đưa vào thực hiện Hiệp định thương mại tự do song phương (EVFTA) từ ngày 1/8/2020, tuy nhiên, những lợi thế đạt được từ EVFTA có thể bị xói mòn phần nào bởi diễn biến hoạch định chính sách trong khu vực EU, nổi bật là EGD. Là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, do đó, việc EU thực hiện EGD cũng sẽ ảnh hưởng đến một bộ phận đáng kể hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo rà soát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), EU đã ban hành 58 hành động để thực thi EGD, những quy định này sẽ có tác động đến các DN xuất khẩu của Việt Nam trên 3 góc độ chính: Thứ nhất là làm gia tăng tiêu chuẩn xanh đối với các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Thứ hai là làm gia tăng trách nhiệm tài chính xanh của một số nhà sản xuất liên quan đến những sản phẩm có khả năng gây ô nhiễm môi trường trong sản xuất khi nhập khẩu vào EU. Thứ ba là làm tăng trách nhiệm giải trình về nguồn gốc sản phẩm cũng như các yêu cầu liên quan đến tác động môi trường của quá trình sản xuất, sử dụng và thải bỏ sản phẩm.

    Các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ quá trình chuyển đổi xanh ở thị trường EU trong thời gian tới bao gồm 7 nhóm hàng: (i) Sản phẩm điện, điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị, linh kiện liên quan; (ii) Nông sản (nhất là cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt…), thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ; (iii) Thực phẩm các loại (đặc biệt là thực phẩm hữu cơ); (iv) Dệt may, giày dép; (v) Các loại hóa chất, phân bón, pin, ắc quy; (vi) Sắt thép, nhôm, xi măng; (vii) Bao bì của các loại sản phẩm (nhất là bao bì thực phẩm, hóa chất…). Trong đó, những ngành có thể bị tác động, ảnh hưởng lớn là dệt may và giày dép do EU là thị trường lớn xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. EGD, cụ thể là Kế hoạch hành động nền KTTH yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán Nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

    Một lĩnh vực khác có thể bị ảnh hưởng bởi EGD là nông sản và thủy sản. Thỏa thuận đặt ra một cách tiếp cận nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, điều này yêu cầu DN Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn mới về thực hành canh tác và sản xuất lương thực bền vững, đồng thời đầu tư vào công nghệ mới và thay đổi quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải, giảm sử dụng hóa chất độc hại. Thỏa thuận cũng đề ra yêu cầu về tính đạo đức, an toàn thực phẩm và nhãn mác cho hàng hóa thủy sản. Năm 2021, châu Âu đã xây dựng “Sáng kiến cải tiến khung pháp lý quản trị DN - Tích hợp tính bền vững vào các chiến lược phát triển”, tiếp tục ban hành “Sửa đổi chương trình chỉ dẫn địa lý của EU để giải quyết vấn nạn gian lận thực phẩm”... Quý 2/2021, ban hành “Hướng dẫn của EU về nuôi trồng thủy sản” và quý 2/2022 tiếp tục ban hành “Chiến lược của EU về tảo - Kinh tế sinh học xanh” trong các vấn đề về sản xuất lương thực bền vững. Mới đây, EU đã ban hành bản “Sửa đổi các tiêu chuẩn tiếp thị của EU đối với nông sản, thủy sản khai thác và nuôi trồng, nhằm đảm bảo cung cấp, tiêu thụ các sản phẩm bền vững. Ngoài ra, ngành sắt thép cũng có khả năng bị tác động mạnh do EGD đặt ra mục tiêu giảm sử dụng các vật liệu nhiều năng lượng, chuyển dần sang sử dụng các vật liệu bền vững hơn. Đối với yêu cầu bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn, sẽ tác động đến các DN Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như DN sử dụng bao bì cho các sản phẩm xuất khẩu.

2.2. Một số giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu EGD của Việt Nam

    EGD đặt ra khá nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển mới, do đó, các DN Việt Nam cần nhận thức rõ những thay đổi mà Thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường, chuẩn bị đón đầu xu hướng mới, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để được hưởng lợi trong dài hạn. Theo đó, các DN xuất khẩu Việt Nam cần chủ động thực hiện chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện, đây là cách thức tốt nhất để DN có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ ở khu vực này. Đồng thời, việc thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng xuất khẩu của DN tại các thị trường phát triển khác - Những nơi cũng đang thúc đẩy hành động nhằm thực hiện các mục tiêu khí hậu tương tự EU như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ôxtrâylia…

    Ngoài các giải pháp chung cho tất cả các ngành bị ảnh hưởng bởi EGD, các DN sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may của Việt Nam sang EU được khuyến nghị cần quan tâm theo dõi sát xu hướng xanh ở EU, đặc biệt là chính sách, quy định pháp luật cụ thể triển khai Chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn, Chiến lược Dệt may tuần hoàn và bền vững của EU. Đồng thời, cần chủ động, phối hợp chặt chẽ với khách hàng, đơn vị liên quan trong cập nhật quá trình soạn thảo, thông qua và áp dụng các tiêu chuẩn, quy định xanh cụ thể liên quan tới sản phẩm của mình và có sự chuẩn bị phù hợp, chủ động, tích cực để sẵn sàng tuân thủ. Với riêng ngành dệt may, ngoài yêu cầu từ EGD, DN cần chủ động xây dựng chiến lược chuyển đổi xanh ngay từ bây giờ, đáp ứng theo lộ trình hợp lý các yêu cầu xanh từ phía người tiêu dùng cũng như khách hàng, từ đó bảo đảm khả năng duy trì thị trường xuất khẩu một cách bền vững.

Hội thảo Thỏa thuận Xanh EU tác động tới xuất khẩu của Việt Nam - Những điều DN cần biết, diễn ra ngày 16/11/2023 tại Hà Nội

    Về phía Nhà nước, cần kịp thời xây dựng các chính sách và quy định hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, chẳng hạn như thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Liên quan đến CBAM, để hài hòa với biện pháp của EU nhằm bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam, cần nỗ lực thiết lập hệ thống theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ozone theo đúng lộ trình đề ra, đặc biệt là cho giai đoạn 2026 - 2030. Việc khẩn trương xây dựng chính sách giám sát và cấp Chứng chỉ các-bon cho các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cũng thực sự cần thiết.

    Bên cạnh đó, theo dõi và đánh giá tác động của EGD đối với nền kinh tế Việt Nam, nhất là những ngành dễ bị ảnh hưởng và thực hiện mọi bước cần thiết để tận dụng cơ hội hoặc giải quyết thách thức phát sinh. Đồng thời, cung cấp, hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật và đào tạo cho các DN vừa và nhỏ, giúp họ áp dụng các thông lệ bền vững hơn và cải thiện khả năng cạnh tranh trên thị trường EU. Mặt khác, đẩy mạnh xây dựng quan hệ đối tác với các tổ chức quốc tế như Ủy ban châu Âu và khu vực tư nhân, giúp DN Việt Nam có được nguồn tài trợ nhằm chuẩn bị cho tác động của EGD. Phối hợp với các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) tại kênh đa phương, nhiều bên và tăng cường đối thoại với EU qua kênh song phương để đảm bảo EU có cơ chế thích đáng, có tính đến điều kiện cụ thể của từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. Riêng đối với CBAM, tận dụng kênh đối thoại với EU về CBAM tại Điều 13.6, Chương Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định EVFTA.

    Ngoài ra, các cơ quan nhà nước, hiệp hội, tổ chức khác có thể hỗ trợ hiệu quả cho quá trình thích ứng của DN với các tiêu chuẩn xanh của EU thông qua việc cung cấp thông tin kịp thời, chuẩn xác, chi tiết về các tiêu chuẩn xanh EU theo từng nhóm sản phẩm cụ thể và tư vấn, hướng dẫn DN thực hiện. Ngoài ra, phối hợp với EU trao đổi về cách thức thực thi phù hợp về các hỗ trợ kỹ thuật cho DN Việt Nam (nếu có).

Đào Trọng Đức

Bộ Công Thương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

Ý kiến của bạn