Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Tác động của biến đổi khí hậu và các chiến lược để thích ứng

01/04/2022

    Mới đây, Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) đã chấp thuận Bản báo cáo dành cho các nhà hoạch định chính sách (SPM) của Nhóm công tác II (WGII) cho Chu kỳ đánh giá thứ sáu (AR6) có tên “BĐKH 2022: Tác động, Thích ứng và Tình trạng dễ bị tổn thương” (cuộc họp diễn ra từ ngày 14- 26/2/2022). Bản Báo cáo được hoàn thiện và phê duyệt bởi 270 tác giả và 195 chính phủ - là đánh giá lớn nhất về tác động của BĐKH và các chiến lược để thích ứng kể từ khi công bố báo cáo của Chu kỳ đánh giá thứ năm (AR5) của IPCC vào năm 2014. Báo cáo xem xét các tác động mà BĐKH đang gây ra đối với các hệ sinh thái và xã hội con người, cùng với các tình trạng dễ bị tổn thương và năng lực của cộng đồng để thích ứng với những thay đổi hiện tại cũng như tương lai. Bài viết xin được đề cập tới các phát hiện nổi bật của Bản báo cáo dành cho các nhà hoạch định chính sách.

BĐKH đã và đang làm tổn hại đến sản xuất lương thực, hủy hoại thiên nhiên và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế

    BĐKH đang làm cho thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, mưa lớn, hạn hán, hỏa hoạn ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mực nước biển dâng cao, axit hóa đại dương và bão xoáy nhiệt đới dữ dội, gây hủy hoại thế giới tự nhiên và tước đi sinh mạng của nhiều người. Những tiến bộ khoa học cho thấy, các tác động này xuất phát từ BĐKH do loài người gây ra. Trong một số trường hợp, điều này đã khiến xã hội loài người và thế giới tự nhiên gặp phải những rủi ro không thể đương đầu và không thể cứu vãn, vượt quá giới hạn có thể thích ứng. Con người đang phải chịu những tác động về sức khỏe thể chất và tinh thần của BĐKH. Nắng nóng khắc nghiệt đang giết chết và gây hại cho mọi người trên khắp thế giới. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang gây ra nhiều tổn thương cho người dân như tiếp xúc nhiều với khói cháy rừng dẫn đến các tình trạng bệnh lý về tim và hô hấp. Bên cạnh đó, một số bệnh đang trở nên phổ biến hơn và lây lan sang các khu vực mới. Bão, hạn hán hoặc lũ lụt có khả năng gây thiệt mạng ở những vùng dễ bị tổn thương nhất cao gấp 15 lần so với những người ở những vùng ít bị tổn thương hơn.

    BĐKH đã ảnh hưởng đến việc sản xuất và cung cấp lương thực, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất trên thế giới, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng. Các hiện tượng khắc nghiệt gia tăng, nhiệt độ cao hơn, hạn hán, sự nóng lên của đại dương và axit hóa đại dương do phát thải khí nhà kính, đã gây ra thiệt hại về mùa màng cùng tổn thất trong nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, làm chậm tăng trưởng năng suất nông nghiệp, gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực, thiếu nước và suy dinh dưỡng. Hiện tượng lũ lụt và hạn hán - cùng với tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng - đang làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo, khiến mọi người phải rời bỏ nhà cửa, và trong một số trường hợp, đang kéo dài và làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột bạo lực.

    BĐKH đang gây tác hại về kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng đến nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, du lịch và năng suất lao động của người lao động ngoài trời, với các hiện tượng khắc nghiệt như bão xoáy nhiệt đới làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn. Có nhiều người nghèo hơn do hậu quả của BĐKH, làm tổn hại đến năng suất nông nghiệp và sức khỏe của họ, phá hủy nhà cửa và tài sản của họ - đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ và những người nghèo. Người dân ở các thành phố cũng bị ảnh hưởng đặc biệt bởi các đợt nắng nóng gay gắt hơn và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng do BĐKH. Các mô hình phát triển không bền vững hiện nay đang làm cho con người và thiên nhiên dễ bị tổn thương hơn do BĐKH.

    Ngày nay, các tác động của BĐKH ngày càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Các hiện tượng khắc nghiệt đã có các tác động nhanh và mạnh mẽ, như việc cháy rừng đã gây hại cho thiên nhiên, con người, cơ sở hạ tầng và nền kinh tế. Thiệt hại đối với các nền kinh tế và xã hội cũng lan rộng trên các lĩnh vực và quốc gia, các chuỗi cung ứng quốc tế và các dòng tài nguyên thiên nhiên bị gián đoạn bởi các hiện tượng khắc nghiệt do BĐKH gây ra.

    Thiệt hại đối với thế giới tự nhiên do BĐKH gây ra lớn hơn những gì con người đã nhận thấy trước đây. Một nửa số loài sinh vật được nghiên cứu đã thay đổi phạm vi sinh sống; nhiều loài đã tuyệt chủng cục bộ và một số loài đã tuyệt chủng hoàn toàn vì BĐKH - một ví dụ về tác động của BĐKH không thể cứu vãn đã xảy ra. Nhiệt độ khắc nghiệt đang gây ra cái chết hàng loạt của động vật và thực vật, đồng thời làm suy giảm hệ sinh thái trên diện rộng. Sự phá hủy các hệ sinh thái - do BĐKH và các hoạt động khác của con người - làm cho thiên nhiên và con người dễ bị tổn thương hơn và ít có khả năng thích ứng với BĐKH, đặc biệt ảnh hưởng đến người dân bản địa và những người trực tiếp phụ thuộc vào thiên nhiên trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Trận lũ lụt kinh hoàng xảy ra năm 2021 ở Đức đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản cho đất nước này

Tổn thất và thiệt hại do BĐKH sẽ gia tăng nhanh chóng cùng với nhiệt độ ngày càng ấm lên

    Trong nhiều trường hợp, BĐKH có thể tạo ra những rủi ro mà con người và thiên nhiên sẽ không thể thích ứng được. Nếu lượng khí thải chỉ được cắt giảm ở mức theo kế hoạch hiện nay, thì nhiệt độ tăng lên sẽ đe dọa sản xuất lương thực, nguồn cung cấp nước, sức khỏe con người, các khu định cư ven biển, nền kinh tế quốc gia và sự tồn tại của phần lớn thế giới tự nhiên. Như vậy, việc cắt giảm khí thải nhanh chóng hơn sẽ là cách duy nhất để ngăn chặn điều này.

    Báo cáo cho rằng “các hành động ngắn hạn nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức gần 1,5°C sẽ làm giảm đáng kể những tổn thất và thiệt hại dự kiến ​​liên quan đến BĐKH trong các hệ thống và hệ sinh thái của con người, so với mức nhiệt cao hơn cao hơn, nhưng không thể giúp ngăn chặn tất cả các tổn thất và thiệt hại”. Theo các chính sách hiện tại của chính phủ, lượng khí thải sẽ dẫn đến mức nhiệt độ tăng khoảng 2.6 - 2.70C vào năm 2100. Nếu các chính phủ tăng cường các chính sách này để đáp ứng các cam kết mà họ đã đưa ra về cắt giảm phát thải trong thời gian ngắn, mức tăng nhiệt độ sẽ là khoảng 2,3 - 2,4°C. Báo cáo của Nhóm Công tác I dự đoán nhiệt độ tăng có thể sẽ đạt 1,5°C trong 20 năm tới, nhưng bằng việc cắt giảm phát thải nhanh chóng, chúng ta có thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu gần mức này trước khi giảm nhiệt độ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, Báo cáo xác định một loạt các rủi ro đối với con người và các hệ thống tự nhiên, khi tình trạng phát thải tiếp diễn gây ra những hậu quả xấu, nghiêm trọng, bao gồm:

    Thiệt hại kinh tế toàn cầu do BĐKH sẽ lớn hơn khi nhiệt độ tăng thêm, trong đó các nước nghèo bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động của BĐKH có thể làm suy giảm tăng trưởng kinh tế quốc gia và gây ra hạn chế tài chính của chính phủ. Chỉ một lượng nhiệt nhỏ tăng lên, sản lượng lương thực và an ninh lương thực sẽ bị đe dọa, lượng nhiệt này sẽ làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất của các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt, cùng với mực nước biển dâng. Với mức tăng nhiệt độ trên 1,5°C, nguy cơ mất mùa ngô hàng loạt ở các vùng sản xuất lương thực lớn khác nhau sẽ tăng lên, đe dọa chuỗi cung ứng ngô toàn cầu. Nếu mức nhiệt chạm mốc 2°C, người dân sẽ không còn có thể trồng các loại cây chủ lực ở nhiều khu vực, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, nếu không có các biện pháp thích ứng. Tỷ lệ thụ phấn và sự màu mỡ của đất sẽ bị suy yếu do nhiệt độ ấm hơn, sâu bệnh gây hại trong nông nghiệp sẽ ngày càng lan rộng. Nguy cơ suy dinh dưỡng gia tăng sẽ đặc biệt cao ở khu vực Châu Phi cận Sahara, Nam Á, Trung và Nam Mỹ và các đảo nhỏ.

    Số người ốm yếu và tử vong sớm sẽ gia tăng đáng kể do thời tiết khắc nghiệt hơn với các đợt nắng nóng, dịch bệnh lây lan. Các thách thức về sức khỏe tâm thần như lo âu và căng thẳng cũng được dự báo sẽ gia tăng khi tình trạng ấm lên toàn cầu trầm trọng hơn, đặc biệt là ở người trẻ và người cao tuổi và những người gặp nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Các thành phố, thị trấn và làng mạc ven biển sẽ ngày càng phải đối mặt với những giới hạn thích ứng khi mực nước biển tiếp tục dâng cao. Mực nước biển dâng sẽ dẫn đến một chuỗi tác động xấu lên các hệ sinh thái ven biển, nhiễm mặn nguồn nước ngầm, lũ lụt và thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng ven biển, kéo theo các rủi ro đối với sinh kế, sức khỏe, sự ổn định, nguồn cung cấp thực phẩm, nguồn nước và văn hóa của người dân. Thiệt hại do mực nước biển dâng cũng có thể tăng lên khi nước biển dâng kết hợp với triều cường gia tăng và mưa lớn, làm trầm trọng thêm tình trạng ngập lụt. Điều này sẽ buộc nhiều người hơn phải rời khỏi nhà của mình, đặc biệt là ở những nơi dễ bị tổn thương và có ít khả năng thích ứng hơn. Dân số ven biển phải hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng hiện được dự đoán sẽ tăng 20% mỗi 100 năm ​​khi mực nước biển dâng thêm 15cm, và sẽ tăng gấp đôi khi mực nước biển dâng 75cm. Ngoài ra, nguồn cung cấp nước sẽ chịu áp lực ngày càng tăng khi nhiệt độ tăng thêm. Những người sống ở các đảo nhỏ và các khu vực phụ thuộc vào sông băng và tuyết tan có thể không đủ nước ngọt nếu tình trạng ấm lên tiếp tục vượt quá 1,5°C.

    Nếu nhiệt độ tăng vượt quá 1,5°C, toàn bộ hệ sinh thái sẽ bị mất đi mà không thể phục hồi - ngay cả khi nhiệt độ sau đó được giảm xuống bằng các biện pháp loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển - bao gồm các hệ sinh thái vùng cực, núi, ven biển và các vùng bị ảnh hưởng bởi băng tan. Một số hệ sinh thái đã ở giới hạn thích nghi, bao gồm các rạn san hô vùng nước ấm, vùng ngập nước ven biển, rừng nhiệt đới, các hệ sinh thái vùng cực và núi. Thêm vào đó, nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài sinh vật độc nhất và các loài bị đe dọa sẽ cao hơn ít nhất 10 lần nếu nhiệt độ tiếp tục tăng lên 3°C, so với nếu khi ở 1,5°C - nhưng ngay cả ở mức nhiệt thấp hơn đó, 3-14% của các loài trên cạn sẽ có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Amazon và một số vùng núi phải đối mặt với sự mất đa dạng sinh học nghiêm trọng không thể phục hồi nếu tình trạng ấm lên tiếp tục ở mức 2°C trở lên. Như vậy, duy trì đa dạng sinh học và hệ sinh thái phụ thuộc vào việc bảo vệ một cách hiệu quả, công bằng và bằng nhiều cách 30-50% đất đai, nước ngọt và đại dương trên Trái đất (hiện chưa đến 15% đất liền, 21% nguồn nước ngọt và 8% các khu vực đại dương được bảo vệ) nhưng khả năng thích ứng với sự ấm lên toàn cầu của đa dạng sinh học và hệ sinh thái là có hạn. Sự suy thoái và mất đi các hệ sinh thái cũng gây ra phát thải khí nhà kính.

Thích ứng với BĐKH là điều cần thiết để giảm thiểu rủi ro của BĐKH

    Thích ứng cũng không phải là một giải pháp thay thế cho việc cắt giảm phát thải, nếu tình trạng ấm lên vẫn tiếp diễn, thế giới sẽ ngày càng phải đối mặt với những thay đổi mà ta không thể thích ứng được.

    Trong khi hành động thích ứng với BĐKH ngày càng gia tăng và có thể mang lại nhiều lợi ích bên cạnh việc giảm thiểu rủi ro, lượng khí thải được cắt giảm càng chậm, thì tổn thất và thiệt hại càng gia tăng và khó tránh khỏi, càng có nhiều người, xã hội, môi trường thiên nhiên sẽ đạt đến giới hạn thích nghi. Thích ứng không thể ngăn chặn tất cả những mất mát và thiệt hại do BĐKH gây ra, ngay cả trước khi đạt đến giới hạn thích ứng - thời điểm mà ta không thể đương đầu với các rủi ro được nữa. Tuy nhiên, hoạt động thích ứng vẫn ít hơn mức cần thiết để giảm thiểu rủi ro do BĐKH. Hầu hết các biện pháp thích ứng cho đến nay vẫn còn rời rạc, quy mô nhỏ, riêng lẻ, và mới phù hợp với các tác động hiện tại cũng như rủi ro ngắn hạn. Có một khoảng cách ngày càng lớn giữa số tiền cần thiết để thích ứng và số tiền sẵn có, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất.

    Hiện nay, một số người đang phải đối mặt với những rủi ro không thể đương đầu từ BĐKH do những rào cản về tài chính, thể chế, và kinh tế xã hội đối với hoạt động thích ứng, mà về nguyên tắc có thể khắc phục được. Nghèo đói và nhiều tình trạng bất công khác đang khiến một số nhóm người trở nên đặc biệt dễ bị tổn thương. Sự thiếu hụt nguồn tài chính quốc tế cho hành động thích ứng là một yếu tố quan trọng đang cản trở các quốc gia trên thế giới thích ứng với BĐKH. Mặc dù nguồn tài chính về khí hậu toàn cầu đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu thích ứng của các nước nghèo hơn.

    Các hành động thích ứng có khả năng hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro đối với thiên nhiên và con người. Các cơ hội để thích ứng bao gồm: quản lý nguồn nước trong nông nghiệp, đa dạng hóa trang trại, khôi phục rừng tự nhiên và đất than bùn, công nhận quyền của người bản địa, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái để bảo vệ cả đa dạng sinh học và con người. Thiết kế và lập kế hoạch cũng cần tính đến rủi ro khí hậu. Thích ứng có nhiều khả năng hiệu quả hơn khi nó ưu tiên hướng tới sự công bằng và công lý.

    Hỗ trợ mọi người thích ứng với BĐKH cũng có thể giúp những người cần phải di dời và sẽ tăng cường khả năng thích ứng của cộng đồng khi tình trạng di cư do BĐKH xảy đến. Điều này mang lại cho mọi người và cộng đồng nhiều lựa chọn hơn, thứ có thể giúp họ di dời an toàn và có tổ chức trong hoặc giữa các quốc gia.

    Nhưng hoạt động thích ứng có thể gây ra nhiều vấn đề, đặc biệt khi nó tập trung vào các lĩnh vực đơn lẻ, rủi ro đơn lẻ hoặc ưu tiên các lợi ích ngắn hạn. Ví dụ, tường chắn sóng có thể bảo vệ con người và tài sản trong thời gian ngắn, nhưng lại có thể thúc đẩy các hướng phát triển nhiều rủi ro và do đó tăng khả năng rủi ro đó xảy ra sau này, trong khi các biện pháp phòng chống lũ lụt cứng rắn có thể thay thế hoặc phá vỡ hệ sinh thái. Điều này được coi là cách làm sai lệch. Việc tưới tiêu có thể làm cạn kiệt nước ngầm và thay đổi lượng mưa. Việc thiếu khả năng thích ứng đặc biệt ảnh hưởng đến những người yếu thế và dễ bị tổn thương.

    Tạo điều kiện để phát triển theo cách giúp con người và thiên nhiên đương đầu với các tác động của BĐKH một cách bền vững, dựa trên công bằng xã hội và công bằng khí hậu, là một nhiệm vụ cấp bách, nhưng nó sẽ ngày càng trở nên khó khăn - và ở một số nơi là điều bất khả thi - nếu hành động bị trì hoãn và sự nóng lên vẫn tiếp diễn, đặc biệt là khi mức nhiệt vượt quá 1,5°C. Báo cáo của IPCC như hồi chuông báo động về cuộc khủng hoảng khí hậu, về sự thất bại toàn cầu trong việc cắt giảm lượng khí thải đang dẫn đến những tác động nặng nề về sức khỏe, kinh tế và xã hội trên toàn thế giới.

Nguyễn Vũ Phương Linh

Mạng lưới Báo chí Biến đổi khí hậu và Năng lượng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 3/2022)

Ý kiến của bạn