Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 03/07/2025

Sự hội tụ của tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên: Đề xuất chính sách ứng phó toàn diện

01/07/2025

    Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, các hành vi khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên, bao gồm buôn bán động vật hoang dã, khai thác gỗ, khoáng sản, đánh bắt cá trái phép và chuyển đổi đất đai không bền vững, đang nổi lên như một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu. Những hành vi này không chỉ gây tổn hại môi trường mà còn góp phần vào bất ổn xã hội, làm trầm trọng thêm an ninh lương thực, suy yếu các nền kinh tế và làm xói mòn các nỗ lực phát triển bền vững.

    Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, phản ứng chính sách và pháp lý đối với loại hình tội phạm này vẫn còn chậm và phân mảnh. Các quy định pháp luật hiện hành chưa theo kịp với tính chất xuyên quốc gia, đa dạng và linh hoạt của tội phạm tài nguyên. Bên cạnh đó, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cũng như giữa các quốc gia, đang tạo ra những khoảng trống để tội phạm dễ dàng lợi dụng. Theo Báo cáo của INTERPOL và UNEP năm 2020, buôn bán bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên hiện là lĩnh vực tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức lớn thứ ba trên thế giới, chỉ sau buôn bán ma túy và hàng giả, với doanh thu ước tính từ 110 đến 281 tỷ USD mỗi năm [2].

    Trước thực tế này, bài viết đề xuất một số giải pháp chính sách trọng tâm nhằm tăng cường khả năng ứng phó với sự hội tụ của tội phạm trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Các khuyến nghị được xây dựng trên cơ sở phân tích đặc điểm, tác động và bối cảnh pháp lý hiện nay, hướng đến một chiến lược phản ứng toàn diện, đa ngành và bền vững.

    1. Sự hội tụ của tội phạm - mối đe dọa gia tăng

    "Sự hội tụ của tội phạm" mô tả sự giao thoa giữa các loại tội phạm khác nhau, từ buôn bán ma túy, vũ khí, người đến khai thác tài nguyên bất hợp pháp, tạo nên mạng lưới tội phạm có tổ chức phức tạp và đa tầng. Các tổ chức này đang ngày càng linh hoạt và phi tập trung, tận dụng công nghệ hiện đại và khoảng trống trong quản lý nhà nước để mở rộng phạm vi hoạt động, đặc biệt tại những khu vực giàu tài nguyên nhưng yếu kém về quản trị.

    Các tổ chức tội phạm truyền thống từng tập trung vào ma túy hiện đang chuyển sang buôn bán vàng, gỗ, động vật hoang dã vì lợi nhuận cao nhưng rủi ro thấp hơn. Chúng sử dụng chính các chuỗi cung ứng, hạ tầng vận chuyển và mạng xã hội để hợp thức hóa, rửa tiền và duy trì hoạt động xuyên biên giới. Kết quả là một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia có khả năng đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, an ninh con người và kinh tế khu vực.

    Tại Brazil, đặc biệt là vùng Amazon và Cerrado, sự giao thoa giữa phá rừng, khai thác vàng trái phép, buôn bán động vật hoang dã với các tội phạm khác như buôn người và ma túy đã trở nên phổ biến [4]. Các tổ chức tội phạm sử dụng lợi nhuận từ ma túy để đầu tư vào thiết bị khai thác và vận hành mỏ vàng lậu, đồng thời sử dụng cùng tuyến đường để buôn vàng và ma túy. Những vùng biên giới hẻo lánh, nơi nhà nước hiện diện yếu, trở thành điểm nóng của hoạt động tội phạm hội tụ.

    Ngoài ra, khai thác vàng bất hợp pháp còn là một công cụ rửa tiền hiệu quả vì tính chất thâm dụng tiền mặt, dễ hợp thức hóa qua thương mại. Các cuộc điều tra ở Nam Mỹ đã phát hiện hàng tỷ USD bị rửa thông qua hoạt động khai thác và thương mại vàng trái phép [1].

Buôn bán ngà voi là một trong những loại hình tội phạm nghiêm trọng bị pháp luật nghiêm cấm

    Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Nam Mỹ. Ở Đông Nam Á, buôn bán động vật hoang dã, khai thác gỗ và khoáng sản trái phép cũng đan xen với các hoạt động tội phạm khác, như buôn lậu ma túy và buôn người, đặc biệt ở các khu vực Tam giác vàng và vùng biên giới giữa Việt Nam, Lào, Campuchia [3].

    2. Nhận diện đặc điểm và tác động của sự hội tụ tội phạm

    2.1. Đặc điểm chung của sự hội tụ tội phạm

    Sự hội tụ tội phạm là một hiện tượng toàn cầu với bằng chứng được tìm thấy ở nhiều quốc gia, phản ánh bối cảnh kinh tế, xã hội và chính trị đa dạng. Biểu hiện của nó rất khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh khu vực, nhưng điểm chung của sự hội tụ tội phạm liên quan đến khai thác tài nguyên thiên nhiên, dưới góc độ tội phạm học, pháp lý và bối cảnh toàn cầu được nhận diện như sau:

    Lợi dụng nhóm dân cư dễ bị tổn thương: Các tổ chức tội phạm thường khai thác sự nghèo đói, thiếu cơ hội kinh tế và tình trạng yếu kém trong giáo dục - y tế ở các cộng đồng vùng sâu vùng xa. Người dân địa phương đôi khi bị lôi kéo tham gia vào chuỗi khai thác hoặc vận chuyển trái phép, trở thành công cụ bất đắc dĩ trong mạng lưới phạm pháp. Tại vùng Amazon hoặc Đông Nam Á, nhiều cộng đồng bản địa bị lôi kéo tham gia khai thác vàng, săn bắt thú rừng hoặc vận chuyển gỗ trái phép do không còn sinh kế bền vững khác.

    Khuôn khổ pháp lý yếu kém hoặc chưa đồng bộ: Những bất cập trong luật pháp quốc gia – như mức xử phạt nhẹ, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng, hoặc thiếu luật điều chỉnh tội phạm môi trường – tạo ra khoảng trống mà tội phạm có thể lợi dụng. Thậm chí, một số quốc gia vẫn chưa phân loại các hành vi như buôn bán gỗ lậu, đánh bắt bất hợp pháp hay khai thác khoáng sản trái phép là tội phạm nghiêm trọng dẫn đến mức phạt thấp, hiệu lực răn đe yếu.

    Sử dụng lợi nhuận từ tài nguyên thiên nhiên để tài trợ cho tội phạm nghiêm trọng: Bản chất khai thác gỗ, vàng, đá quý, động vật hoang dã... thường mang lại lợi nhuận khổng lồ và ít rủi ro pháp lý hơn so với buôn bán ma túy hay vũ khí. Do đó, các tổ chức tội phạm sử dụng lĩnh vực này như ngân hàng tiền mặt cho toàn bộ hoạt động của mình. Vàng và đá quý thường được mua – bán bằng tiền mặt vì rất khó truy vết; khoáng sản và gỗ có thể hợp pháp hóa bằng cách giả mạo giấy tờ khai thác hoặc xuất khẩu… Lợi nhuận sau đó được đưa vào hệ thống tài chính – ngân hàng, bất động sản hoặc mua bán xuyên biên giới. Điều này làm gia tăng tính nguy hiểm và ảnh hưởng của các mạng lưới tội phạm có tổ chức. Ở Nam Mỹ, các băng đảng ma túy sử dụng chuỗi cung ứng khai thác vàng để che đậy dòng tiền và tài trợ ngược lại cho hoạt động buôn bán cocaine. Ở Đông Phi, lợi nhuận từ ngà voi bị nghi ngờ được dùng để tài trợ cho các nhóm vũ trang.

    Phối hợp hoạt động xuyên biên giới, vượt qua ranh giới pháp lý truyền thống: Tội phạm khai thác tài nguyên thường không hoạt động cô lập trong một quốc gia, mà tận dụng điểm yếu trong hợp tác quốc tế để vận chuyển, hợp pháp hóa hoặc rửa sản phẩm thu được. Cách thức hoạt động của chúng là sử dụng mạng lưới quốc tế để vận chuyển tài nguyên bất hợp pháp qua nhiều nước trung chuyển; sử dụng công ty vỏ bọc để che giấu chủ sở hữu và nguồn tiền; lợi dụng sự thiếu phối hợp hoặc không đồng bộ pháp luật giữa các quốc gia để trốn tránh truy tố. Ví dụ gỗ bất hợp pháp từ Lào có thể được vận chuyển qua Thái Lan, hợp pháp hóa ở Việt Nam và xuất sang châu Âu hoặc Mỹ dưới danh nghĩa "gỗ trồng". Mỗi nước chỉ kiểm soát một mắt xích trong chuỗi, nên rất khó truy tận gốc.

    2.2. Một số tác động chính của sự hội tụ tội phạm

    Suy giảm đa dạng sinh học: Sự hội tụ giữa khai thác tài nguyên trái phép và tội phạm có tổ chức đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học toàn cầu. Việc buôn bán động vật hoang dã, gỗ quý hiếm và các loài sinh vật biển bị cấm đã đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Các hệ sinh thái – từ rừng nhiệt đới Amazon, rừng nguyên sinh Đông Nam Á, đến các rạn san hô ở châu Phi – đang bị tàn phá nghiêm trọng do những hoạt động này. Hậu quả là sự mất cân bằng sinh thái, làm gián đoạn các chuỗi thực phẩm và đe dọa sinh kế của hàng triệu người phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tại các cộng đồng địa phương nghèo.

    Mất ổn định kinh tế và an ninh khu vực: Hoạt động tội phạm xuyên quốc gia trong lĩnh vực tài nguyên không chỉ gây tổn hại cho môi trường mà còn làm xói mòn nền kinh tế hợp pháp và đe dọa an ninh khu vực. Khi các nhóm tội phạm kiểm soát việc khai thác và buôn bán tài nguyên, nguồn thu ngân sách nhà nước bị thất thoát nghiêm trọng do trốn thuế và gian lận thương mại. Lợi nhuận bất hợp pháp này thường được sử dụng để tài trợ cho các nhóm vũ trang, lực lượng phiến quân hoặc mạng lưới tội phạm khác, gây ra tình trạng bất ổn kéo dài tại nhiều khu vực có tài nguyên phong phú như Trung Phi, Đông Nam Á hay Nam Mỹ. Mô hình kinh tế ngầm này phá vỡ trật tự xã hội, làm suy yếu khả năng kiểm soát và phản ứng của chính quyền địa phương.

    Gia tăng tham nhũng và xói mòn quản trị: Tội phạm có tổ chức trong lĩnh vực tài nguyên thường xuyên lợi dụng và thúc đẩy tham nhũng để che giấu hoặc hợp pháp hóa các hành vi phi pháp. Chúng mua chuộc cán bộ kiểm lâm, hải quan, cảnh sát, thậm chí là quan chức cấp cao để vận chuyển, buôn bán và xuất khẩu các mặt hàng khai thác bất hợp pháp như gỗ, khoáng sản hay động vật quý hiếm. Tình trạng này không chỉ cản trở quá trình điều tra, xét xử mà còn làm suy yếu toàn bộ hệ thống quản trị công, khiến pháp luật trở nên vô hiệu. Khi người dân chứng kiến sự bất lực hoặc đồng lõa của chính quyền trước các hành vi sai trái, niềm tin vào nhà nước bị xói mòn nghiêm trọng – tạo ra một vòng luẩn quẩn giữa tội phạm, tham nhũng và bất công xã hội.

    Làm trầm trọng thêm bất công xã hội và xung đột tài nguyên: Tài nguyên thiên nhiên vốn thuộc sở hữu chung của cộng đồng, nhưng khi bị chiếm đoạt và khai thác bất hợp pháp bởi các nhóm có tổ chức, người dân địa phương – đặc biệt là các cộng đồng yếu thế, dân tộc thiểu số – lại là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Họ bị mất đất, mất rừng, bị cưỡng ép di dời hoặc đẩy ra khỏi quá trình ra quyết định liên quan đến môi trường sống của mình. Sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng khi một thiểu số hưởng lợi từ các hoạt động tội phạm, trong khi đa số còn lại phải gánh chịu hậu quả về môi trường, kinh tế và an sinh. Những bất công này có thể làm bùng phát xung đột tài nguyên, tranh chấp đất đai, làm suy giảm đoàn kết xã hội và tạo điều kiện cho các lực lượng cực đoan trỗi dậy.

    3. Đề xuất các giải pháp chính sách ứng phó với sự hội tụ tội phạm

    Trước sự gia tăng của các hoạt động khai thác tài nguyên trái phép gắn liền với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, việc xây dựng một chiến lược ứng phó toàn diện là yêu cầu cấp thiết. Các giải pháp chính sách dưới đây cần được triển khai đồng bộ, có trọng tâm và có sự phối hợp đa ngành, nhằm làm suy yếu các mạng lưới tội phạm và tăng cường tính bền vững trong quản trị tài nguyên.

    Thứ nhất, tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật và phối hợp liên ngành. Hệ thống thực thi hiện nay đang chịu ảnh hưởng của sự phân tán thông tin và năng lực không đồng đều giữa các cơ quan. Do đó, cần thiết lập một cơ chế chia sẻ thông tin minh bạch, nhanh chóng và bảo mật giữa các lực lượng thực thi pháp luật, cơ quan quản lý môi trường, tư pháp và tài chính. Đặc biệt, việc điều tra và truy tố phải vượt qua cách tiếp cận truyền thống vốn chỉ nhắm đến các cá nhân trực tiếp vi phạm tại hiện trường. Thay vào đó, cần tập trung vào việc triệt phá các mắt xích trung gian và tổ chức chủ mưu – những thực thể nắm giữ vai trò quyết định trong chuỗi vận hành của các mạng lưới tội phạm tài nguyên.

    Thứ hai, củng cố khung pháp lý và nâng tầm tội phạm môi trường. Nhiều quốc gia vẫn xếp tội phạm môi trường ở mức vi phạm hành chính hoặc tội hình sự nhẹ, khiến công tác xử lý thiếu sức răn đe. Cần thiết nâng cấp mức độ nghiêm trọng của các hành vi như khai thác, vận chuyển, và buôn bán trái phép tài nguyên thiên nhiên, xếp chúng vào nhóm tội phạm nghiêm trọng tương đương với tội phạm ma túy hoặc rửa tiền. Việc này không chỉ góp phần thống nhất nhận thức trong hệ thống pháp luật mà còn tạo điều kiện để mở rộng hợp tác quốc tế trong điều tra và truy tố xuyên biên giới.

    Thứ ba, thúc đẩy phát triển bền vững và hỗ trợ sinh kế tại cộng đồng địa phương. Một trong những nguyên nhân gốc rễ khiến người dân tham gia vào các hoạt động khai thác trái phép là thiếu cơ hội sinh kế hợp pháp. Vì vậy, cần mở rộng các chương trình phát triển kinh tế nông thôn bền vững, tạo điều kiện để người dân địa phương tiếp cận với việc làm ổn định, thân thiện với môi trường. Đồng thời, cần tích hợp mục tiêu bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vào các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt tại các khu vực giáp ranh với rừng, vườn quốc gia và khu bảo tồn.

    Thứ tư, tăng cường minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong chuỗi cung ứng tài nguyên. Tình trạng tham nhũng trong các cơ quan quản lý và lực lượng thực thi pháp luật tiếp tay cho tội phạm tài nguyên tiếp tục hoành hành. Do đó, cần đẩy mạnh các biện pháp giám sát nội bộ, tăng cường trách nhiệm giải trình và áp dụng công nghệ nhằm kiểm soát hiệu quả chuỗi cung ứng tài nguyên – từ khai thác, vận chuyển đến tiêu thụ.

    Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực. Do tính chất xuyên quốc gia của tội phạm tài nguyên, một quốc gia đơn lẻ khó có thể đối phó hiệu quả. Việc thiết lập các cơ chế hợp tác song phương và đa phương về điều tra, dẫn độ và chia sẻ thông tin là điều kiện cần thiết. Các mạng lưới hiện có như INTERPOL, CITES hay Mạng lưới thực thi pháp luật về động thực vật hoang dã ASEAN (ASEAN-WEN) cần được tận dụng tối đa, đồng thời thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong các sáng kiến khu vực và toàn cầu về phòng chống tội phạm môi trường.

    Kết luận

    Sự hội tụ của các tội phạm liên quan đến tài nguyên thiên nhiên và các mạng lưới tội phạm có tổ chức đang đặt ra một thách thức toàn cầu. Không chỉ là vấn đề môi trường, đây còn là bài toán về an ninh, phát triển và công lý. Để ứng phó hiệu quả, cần một chiến lược đa chiều – từ luật pháp, thực thi, hợp tác quốc tế đến phát triển cộng đồng. Chỉ khi thừa nhận tính chất nghiêm trọng và liên ngành của vấn đề, chúng ta mới có thể phá vỡ được các mạng lưới tội phạm tinh vi đang ngày càng gia tăng quy mô và ảnh hưởng.

Lê Anh Xuân
Hội Luật gia Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2025)

    Tài liệu tham khảo

    1. Global Initiative Against Transnational Organized Crime. (2021). Illicit Gold Markets in Latin America. Retrieved from:

    2. INTERPOL và UNEP. (2020). Strategic Report: Environment, Peace and Security – A Convergence of Threats.

    3. United Nations Office on Drugs and Crime (UNODC). (2022). Transnational Organized Crime in Southeast Asia: Evolution, Growth and Impact. Retrieved from.

    4. World Wildlife Fund. Crime convergence: Natural resource exploitation and transnational organized crime. Retrieved from: https://www.worldwildlife.org/projects/crime-convergence-natural-resource-exploitation-and-transnational-organized-crime.

Ý kiến của bạn