Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Dấu ấn về môi trường trên thế giới năm 2021

24/01/2022

    Năm 2021 tiếp tục là một năm khó khăn cho toàn nhân loại. Thế giới vẫn đang vật lộn với đại dịch đã cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, kéo theo nền kinh tế và sinh kế của các quốc gia trên toàn cầu đang bị suy yếu. Đây là một năm khắc nghiệt nhưng đã kết thúc với triển vọng tươi sáng hơn so với năm 2020, với những bước tiến đáng chú ý trong nỗ lực bảo tồn, phục hồi loài; đổi mới công nghệ; công nhận quyền của người bản địa, tái trồng rừng, đặc biệt các nhà hoạt động môi trường ngày càng thể hiện rõ vai trò của mình hơn bao giờ hết. Dưới đây là những điểm tích cực nhất về môi trường trong ​năm 2021.

Các khu bảo tồn mới được thành lập

    Chính phủ Ôxtrâylia đã thành lập hai khu bảo tồn biển mới có diện tích lớn gấp đôi Công viên biển Great Barrier Reef. Kết hợp lại, các khu bảo tồn tại Ấn Độ Dương này sẽ bảo vệ 740.000 km2 đại dương. Ngoài ra, bang Nam Ôxtrâylia đã bổ sung mở rộng thêm gần 60.000 ha diện tích mới vào Vườn quốc gia Nilpena Ediacara của mình.

    Panama cũng đã tuyên bố một khu bảo tồn biển có diện tích tương đương với toàn bộ diện tích đất liền của nước này, gấp ba lần diện tích của Khu bảo tồn biển Cordillera de Coiba. Ecuador tuyên bố mở rộng thêm 60.000 km2 cho Khu bảo tồn biển Galápagos. Tổng thống của hai nước đã đề nghị những người đồng cấp của họ từ Costa Rica và Colombia tham gia để mở rộng các khu bảo tồn biển chung của họ.

Một con cá mập voi tại vùng biển Đảo Darwin ở Galapagos. Ảnh Shawn Heinrichs /SeaLegacy

Bảo tồn mang lại nguồn tài chính lớn

    Trong khi Chính phủ các quốc gia đưa ra cam kết mạnh mẽ về các dự án phục hồi và tái tạo thiên nhiên, thì năm 2021 khu vực tư nhân đã cam kết 5 tỷ đô la cho bảo tồn đa dạng sinh học và phân bổ nguồn tài trợ vào thập kỷ tới trong một kế hoạch có tên “Bảo vệ hành tinh của chúng ta”. Kế hoạch này còn được gọi là "30 × 30" vì hướng tới bảo vệ và bảo tồn 30% diện tích đất và đại dương của hành tinh vào năm 2030.

    Tại Inđônêxia, Vườn quốc gia Way Kambas đã thiết lập một nền kinh tế sáng tạo mới, với việc xây dựng bảo tồn loài tê giác Sumatra cực kỳ nguy cấp. Các cơ hội kinh doanh vừa và nhỏ đã phát triển mạnh xung quanh công viên, tạo ra cơ hội việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ. Việc bảo tồn một lần nữa chứng minh có thể mang lại lợi nhuận bằng cách cung cấp các cơ hội kinh tế và các nguồn thu nhập mới cho người dân địa phương.

Những chiến thắng ban đầu và đóng góp của người bản địa

    Được xây dựng nền móng từ năm 2020, năm 2021 tiếp tục là xu hướng công nhận các quyền của người dân bản địa. Người dân bản địa là những người quản lý hiệu quả nhất, có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái. Trong khi quyền sở hữu đất đai vẫn còn là một trận chiến, tiềm năng về quyền công lý của người bản địa và khả năng của người bản địa, cộng đồng địa phương (IPLC) đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại biến đổi khí hậu đã được thừa nhận, kể cả tại COP26.

    Sau 20 năm thảo luận, Chính phủ Peru đã thành lập một khu bảo tồn dành cho người bản địa ở vùng Loreto gần biên giới với Braxin. Khu bảo tồn bản địa Yavarí Tapiche có diện tích 1,1 triệu hecta, được thành lập theo luật pháp của Peru về quản lý các vùng lãnh thổ dành cho những cộng đồng sống biệt lập hoặc không có các liên hệ xã hội (PIACI), bất chấp sự phản đối của các công ty dầu mỏ hoạt động khai thác tại khu vực này từ năm 2013. Đây là khu bảo tồn đầu tiên thuộc loại hình này được thành lập sau khi thực hiện Luật PIACI.

    Trong một cuộc chiến kéo dài nhiều thập kỷ khác, dự án thủy điện Athirappilly dự kiến được xây dựng đã bị chính quyền bang Kerala ở Ấn Độ loại bỏ sau các cuộc biểu tình của cộng đồng các bộ lạc và môi trường. Kết thúc thành công sau nhiều nỗ lực của cộng đồng được bắt đầu từ năm 1996 để bảo vệ khu rừng ven sông duy nhất của Kerala và nơi sinh sống của hàng trăm người dân bản địa.

    COP 26 đã có ghi nhận lịch sử về vai trò quan trọng của các nhóm bản địa trong việc chống lại biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu chung được công bố trong Hội nghị đã đưa ra bằng chứng cho thấy nếu các quốc gia có rừng mưa nhiệt đới muốn đáp ứng các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, thì hành động hiệu quả nhất mà họ có thể thực hiện là trao lại quyền đất đai cho người bản địa và cộng đồng địa phương (IPLC). Các vùng đất trải dài trên một diện tích gần bằng với diện tích Hoa Kỳ, tuy nhiên các IPLC chỉ có quyền đối với khoảng một nửa diện tích đất đai ở đó. Ước tính có khoảng 253,5 gigaton carbon được lưu trữ tại những vùng đất này (chiếm 60% diện tích rừng nhiệt đới trên thế giới), nhưng 130 gigaton trong số đó (52%) nằm ở những khu vực hiện chưa được công nhận hợp pháp là lãnh thổ IPLC.

    Để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề, sáng kiến ​​Amazon Sacred Headwaters kêu gọi bảo vệ 80% (35 triệu hecta) diện tích rừng Amazon ở Peru và Ecuador vào năm 2025. Sáng kiến ​​đầy tham vọng này do một nhóm các tổ chức bản địa công bố. Cho đến nay sáng kiến này đã được Chính phủ Peru và Ecuador hưởng ứng tích cực, mặc dù sự phụ thuộc của các quốc gia này vào các ngành công nghiệp khai thác trong rừng nhiệt đới có thể vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

    Ngày 10/9/2021, Đại hội đồng Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã bỏ phiếu ủng hộ một giải pháp mang tính tích cực cho cộng đồng người bản địa - kêu gọi bảo vệ 80% toàn bộ lưu vực sông Amazon vào năm 2025. Cuộc bỏ phiếu đã nhận được sự tán thành của 61 Chính phủ, 600 tổ chức phi chính phủ và các tổ chức của người bản địa.

Phục hồi và tái tạo thiên nhiên

    Liên hợp quốc đã chính thức tuyên bố từ năm 2020 là Thập kỷ Phục hồi hệ sinh thái, kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu khôi phục 1 tỷ hecta đất bị suy thoái. Con số này tương đương một diện tích lớn hơn cả Trung Quốc. Ước tính rằng một nửa GDP của toàn cầu phụ thuộc vào thiên nhiên, điều này đem tới những yếu tố tích cực đối với nền kinh tế, vì với mỗi 1 đô la được chi cho việc phục hồi thiên nhiên sẽ mang lại 30 đô la lợi ích.

    Một báo cáo do BirdLife International, WCS và WWF thực hiện đưa ra đánh giá trong hai thập kỷ qua đã có ​​một diện tích rừng được trồng lại lớn hơn diện tích của Madagascar hoặc Pháp (58,9 triệu hecta). Diện tích rừng trồng lại này có khả năng lưu trữ hơn 5,9 tỷ tấn CO2, nhiều hơn lượng khí thải hàng năm của Hoa Kỳ.

    Cùng với việc phục hồi trồng rừng là một sáng kiến ​​của Jane Goodall, người đã cam kết hỗ trợ để trồng mới 1 nghìn tỷ cây vào năm 2030, giúp khả năng tăng 30% độ che phủ cây xanh trên thế giới. Jane hợp tác tích cực với Chiến dịch Nghìn tỷ cây xanh (1t.org) và Tổ chức phi chính phủ Đức Plant-for-the-Planet trong thực hiện sáng kiến. Việc tái sinh rừng và trồng cây mới cũng có khả năng tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái bản địa nếu thực hiện không đúng cách, Goodall đang tư vấn cho Chiến dịch Nghìn tỷ cây xanh về cách thức thực hiện việc trồng cây một cách khoa học và có trách nhiệm, đồng thời cung cấp các hướng dẫn về các loại dự án trồng cây có thể được tài trợ theo sáng kiến ​​này.

Sự trở lại của các giống loài

    Năm 2021 ghi nhận nhiều câu chuyện ấn tượng về sự trở lại của các giống loài trong tự nhiên. Từ cá voi lưng gù đến rắn cạp nong có vạch và nhiều loài trước đây đang đứng trên bờ vực của sự tuyệt chủng hoặc chỉ đơn giản là đã biến mất (được cho là đã tuyệt chủng) thì nay ​​quần thể của chúng đã xuất hiện trở lại hoặc lại được phát hiện trong tự nhiên. Hoặc phải sau 30 năm những con Diều đỏ đã quay trở lại với 2.000 cặp sinh sản ở Anh. Loài chim săn mồi có kích thước từ trung bình đến lớn này từng chỉ còn 37 cặp sinh sản ở miền nam nước Anh vào giữa những năm 1990.

 

Một con gấu trúc khổng lồ (Ailuropoda melanoleuca) tại Trung tâm Bảo tồn và Nhân giống Gấu trúc Bifengxia ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh của Binbin Li, Đại học Duke

    Mặc dù vẫn được coi là dễ bị tổn thương, gấu trúc khổng lồ của Trung Quốc không còn nguy cấp nữa  nhờ những nỗ lực bảo tồn trong nhiều năm. Theo các nhà chức trách Trung Quốc, dân số gấu trúc trong tự nhiên hiện vào khoảng 1.800 con. Việc phục hồi các khu rừng tre và môi trường sống của chúng được ghi nhận đóng góp cho sự phục hồi của giống loài này. Sự phục hồi của loài động vật mang tính biểu tượng mang lại niềm tin hơn nữa vào các nỗ lực bảo tồn cho người dân Trung Quốc, nhiều người đã sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội để bày tỏ niềm vui của họ.

    Sự trở lại của cá voi là một bước ngoặt đáng chú ý. Bất chấp ô nhiễm nhựa tích lũy ngày càng tăng và các vấn đề axit hóa ảnh hưởng đến các đại dương, cá voi lưng gù đã quay trở lại với ước tính đạt 93% số lượng ban đầu của chúng trước khi phương thức săn cá voi hiện đại bắt đầu vào năm 1830 dẫn đến chúng gần như tuyệt chủng vào những năm giữa thế kỷ 20, giảm từ 27.000 xuống ước tính chỉ còn 450 cá thể. Việc phục hồi quần thể phần lớn là do lệnh cấm săn bắt cá voi thương mại năm 1986. Một nghiên cứu gần đây ước tính rằng số lượng quần thể này sẽ "gần như phục hồi vào năm 2030."

    Loài rắn cạp nong có vạch cũng phục hồi đáng kinh ngạc sau bờ vực tuyệt chủng, từ 150 con trở lại với số lượng hơn 1.500 con. Đây là kết quả của các hoạt động bảo tồn suốt 30 năm qua.

Các cam kết tại COP 26, loại bỏ sử dụng than vai trò của các nhà hoạt động môi trường

    Vẫn còn một chặng đường dài để tiếp tục quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, nhưng năm 2021 đã chứng kiến ​​những bước tiến đáng khích lệ. Mặc dù COP 26 có thể không rút ngắn lộ trình khả thi về không phát thải, Hiệp ước Khí hậu Glasgow có một số điểm khác biệt chính so với Thỏa thuận Paris mà theo các chuyên gia cho chúng ta cơ hội trong cuộc chiến giữ nhiệt độ Trái đất ấm lên dưới 2°C (3,6°F) khi các hành động và cam kết trong Hiệp ước được thực hiện đầy đủ. Đáng chú ý, Chính phủ các nước đã cam kết mạnh mẽ hơn tại mỗi kỳ Hội nghị COP hàng năm, thay vì 5 năm một lần (như đã nêu trước đây trong thỏa thuận Paris).

    Năm 2021 cũng ghi nhận những cuộc chiến mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các nhà máy than, cả đang hoạt động và dự kiến xây mới. Một số câu chuyện tích cực nhất đến từ Inđônêxia, nơi một tổ chức phi chính phủ về môi trường, Walhi đã thắng trong vụ kiện PT Mantimin Coal Mining vì đã xin giấy phép hoạt động ở Borneo khi chưa có giấy phép môi trường.

    Một báo cáo gần đây cho thấy rằng 75% các nhà máy than mới đã bị tạm dừng hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn kể từ khi Thỏa thuận Paris 2015 được ký kết. Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 9 tuyên bố Trung Quốc sẽ không tài trợ thêm cho bất kỳ nhà máy nhiệt điện than nào ở nước ngoài, nhưng cam kết này để lại kẽ hở cho phép nước này đầu tư vào các dự án than khác, bao gồm cả các nhà máy khí hóa ở Inđônêxia.

    Ở Bắc Mỹ, một gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch đã gặp phải sự cố: đường ống Keystone XL cuối cùng đã bị dừng thực hiện sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden hủy bỏ giấy phép cho dự án đường ống dài 1.900 km.

    Tại COP 26, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo cấp cao về sử dụng rừng và đất (được 133 nhà lãnh đạo thế giới tán thành) nêu rõ: “Chúng tôi cam kết hành động chung để ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, hướng đến sự phát triển bền vững và thúc đẩy sự chuyển đổi nông thôn một cách toàn diện”. Các quốc gia đã tham gia ký kết chiếm tổng cộng khoảng 90% diện tích độ che phủ rừng toàn cầu.

    Cuối cùng, công dân trên khắp thế giới đã lên tiếng một cách rõ ràng và mạnh mẽ trong “Ngày toàn cầu hành động vì khí hậu”, với ​​hơn 100 cuộc biểu tình chỉ riêng ở Vương quốc Anh, hơn 100.000 người biểu tình trên đường phố Glasgow. Tại hơn 100 quốc gia khác cũng đã diễn ra ​​các cuộc biểu tình tương tự. Các nhà hoạt động môi trường trẻ từ khắp nơi trên thế giới đã lên tiếng yêu cầu các nhà lãnh đạo các nước phải có hành động mạnh mẽ hơn khi tham dự COP 26.

Phát triển và áp dụng công nghệ mới

    Công nghệ đóng một vai trò trong việc chống lại biến đổi khí hậu, bao gồm cả tiềm năng của nó trong việc thay đổi hệ thống thực phẩm của con người. Một nghiên cứu mới gần đây cho thấy các công nghệ mới ngày nay có thể mở đường cho một nền nông nghiệp không phát thải chỉ trong vài thập kỷ. Đây là một tin đáng mừng vì sản xuất nông nghiệp hiện nay chiếm khoảng một phần ba lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Một nghiên cứu bổ sung thêm rằng châu Âu có tiềm năng nuôi sống 600 triệu người hoàn toàn chỉ từ nông nghiệp hữu cơ vào năm 2050.

Nhà máy năng lượng tái tạo từ khí mêtan. Ảnh: Shawn Patrick Ouellette / Getty Images

    Tại COP 26, 100 quốc gia đã đồng ý giảm 30% lượng khí thải mêtan do con người gây ra vào năm 2030. Cũng tại đây, một công nghệ loại bỏ mêtan trong khí quyển mới đầy hứa hẹn đã được thảo luận rộng rãi. Trong khi mêtan chỉ chiếm 2 phần triệu trong khí quyển, nó giữ nhiệt nhiều hơn 85% trong hơn 20 năm so với CO2. Công nghệ này được thiết kế để khắc phục tình trạng cam kết không được thực hiện hiệu quả. Sẽ cần tới 50 triệu đô la để thử nghiệm công nghệ này, có một số triển khai nhưng phần lớn là quá trình ôxy hóa mêtan - phá vỡ mêtan thành các hạt CO2 nhỏ hơn, giảm khả năng giữ nhiệt tới 44 lần so với mêtan trong khí quyển.                                                                                         

Đỗ Hoàng (Tổng hợp)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 1/2022)

Ý kiến của bạn