20/05/2024
Động vật hoang dã (ĐVHD) mang lại giá trị căn bản cho hệ sinh thái, nền kinh tế, khoa học, lịch sử và những khía cạnh khác của sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các loài ĐVHD trên thế giới đang kêu cứu khi đối mặt với “cuộc khủng hoảng tuyệt chủng”. Ngày 3/3/1973, Công ước quốc tế về buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp (CITES) được ký tại Washington, Mỹ và ngày 3/3 cũng trở thành Ngày ĐVHD thế giới.
Để tăng cường công tác bảo vệ các loài động vật, nhất là các loài hoang dã, quý hiếm, ngày 28/3/2024 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố các biện pháp bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống của chúng, khôi phục một loạt quy định từng bị điều chỉnh dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Trong số các biện pháp được công bố có việc khôi phục quy tắc phân loại các loài và môi trường sống có nguy cơ tuyệt chủng mà không cần tham khảo các tác động kinh tế tiềm tàng của quy tắc đó. Trong một thông cáo báo chí, bà Martha Williams - Giám đốc Cục quản lý cá và ĐVHD của Mỹ nêu rõ những biện pháp sửa đổi này nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để giúp ngăn chặn tình trạng suy giảm và ổn định quần thể của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Đặc biệt, năm 2024, một số tiểu bang ở Mỹ sẽ cải thiện phúc lợi của ĐVHD, cũng như động vật được thuần hóa, thông qua các luật mới, cụ thể như sau.
Cấm các cuộc thi săn bắn ĐVHD
Cuối năm 2023, Thống đốc bang New York đã ký một đạo luật cấm các cuộc thi giết hại ĐVHD trên toàn tiểu bang, chẳng hạn như săn chó sói đồng cỏ hàng năm ở Catskills. Tại sự kiện đó, các thợ săn đã đua nhau giết loài vật này càng nhiều càng tốt để giành giải thưởng tiền mặt.
Hiện nay, việc tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi giết chó sói đồng cỏ, quạ, sóc và thỏ tại đây được xem là bất hợp pháp. 9 bang khác cũng đã ban hành các lệnh cấm tương tự. Tuy nhiên, theo điều tra của National Geographic, tại các bang khác, hàng chục nghìn động vật vẫn bị giết hàng năm trong các cuộc tranh tài tàn bạo.
Không selfie, tiếp xúc gần với gấu, khỉ
Tại Illinois, một luật mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 cấm công chúng tiếp xúc gần với gấu hoặc các loài linh trưởng. Nếu ai cố tình chụp ảnh selfie với gấu hoặc khỉ, hoặc bị bắt quả tang đang quấy rối gấu hoang dã, có thể phải đối mặt với án phạt nặng hoặc án tù.
Luật mới cấm “tiếp xúc cơ thể hoặc gần những nơi có thể tiếp xúc cơ thể”, bao gồm bất kỳ nơi nào không có rào cản ngăn cách động vật. Điều này có nghĩa là mọi người vẫn có thể chụp ảnh selfie tại một vườn thú được công nhận, nơi con vật đứng sau một hàng rào đầy đủ. Tuy nhiên, người ta hy vọng luật pháp của bang sẽ không khuyến khích việc nuôi nhốt các loài ĐVHD ở ven đường để làm phông chụp ảnh và giải trí, nơi mọi người có thể đến để cho ăn, chạm vào hoặc tương tác với chúng.
Phải đóng quỹ khi nghiên cứu động vật
Đạo luật của bang Maryland do Thống đốc bang này ký vào tháng 5/2023 yêu cầu các cơ sở tiến hành nghiên cứu trên động vật phải đóng góp tài chính vào một quỹ để chi trả cho các chương trình phát triển nghiên cứu phi động vật, nhưng các khoản thanh toán vào quỹ mới, được yêu cầu theo thang đối chiếu dựa trên số lượng động vật được sử dụng, phải đến ngày 15/1/2024 mới đến hạn.
Bà Elizabeth Baker, Giám đốc chính sách nghiên cứu của Ủy ban Thầy thuốc về y học có trách nhiệm, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ vốn phản đối nghiên cứu trên động vật cho rằng, đây là một ý tưởng hay để tăng nguồn quỹ dành cho các phương pháp tiếp cận phi động vật trong khoa học. Động lực từ bỏ các thí nghiệm trên động vật chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.
Cấm bán chó, mèo, thỏ tại các cửa hàng
Việc bán lẻ chó, mèo và thỏ tại các cửa hàng thú cưng sẽ không còn được phép ở bang New York và Louisville, Kentucky. Theo Hiệp hội Nhân đạo Mỹ, luật mới có hiệu lực ở bang New York vào tháng 12/2024 và ở Louisville vào tháng 9/2024.
Các cửa hàng thú cưng thường nhận chó, mèo từ các cơ sở chăn nuôi số lượng lớn, nơi giữ chúng trong điều kiện vô nhân đạo và vệ sinh kém. Để giải quyết vấn đề này, một luật khác ở Pennsylvania yêu cầu các cửa hàng thú cưng đăng thông tin về sức khỏe và giống chó con bắt đầu từ tháng 3/2024.
Sói đồng cỏ - Loài ĐVHD ăn thịt bị săn bắn nhiều nhất ở vùng hoang dã Nevada (Ảnh: CNN)
Theo John Goodwin, người chỉ đạo Chiến dịch “Stop Puppy Mills” tại Hiệp hội Nhân đạo Mỹ, bằng cách hạn chế việc bán lẻ này, số lượng thú cưng được nuôi ở quy mô công nghiệp sẽ giảm theo thời gian. Những người muốn nuôi thú cưng vẫn có thể nhận mèo và chó con ở các nơi tạm lánh hoặc liên hệ trực tiếp với những người chăn nuôi tại gia.
Chó mèo được nhận nuôi sau nghiên cứu
Một luật mới của Michigan có hiệu lực vào tháng 2/2024 khiến bang này trở thành địa phương thứ 16 của Mỹ đảm bảo chó và mèo trong nghiên cứu có cơ hội được nhận nuôi sau khi hoàn thành dự án.
Luật liên quan cũng yêu cầu các cơ sở khoa học phải nộp báo cáo hằng năm cho chính quyền tiểu bang, nêu chi tiết số động vật thí nghiệm được sử dụng và nơi gửi chúng. Hiện tại, chó được sử dụng cho các mục đích khoa học bao gồm kiểm tra tác dụng phụ của thuốc, còn mèo ở mức độ thấp hơn trong nghiên cứu về não và mắt...
Vẫn chưa rõ chính xác bao nhiêu động vật có thể được nhận nuôi theo luật mới, mặc dù Hiệp hội Nhân đạo tuyên bố, hàng trăm động vật đã được chết êm ái tại Michigan mỗi năm, sau khi quá trình thí nghiệm hoàn tất.
Nói chung, nhiều chó và mèo không sống sót sau thí nghiệm, hoặc bản thân công việc yêu cầu giết chết chúng để phân tích nội tạng, mô. Bà Baker thuộc Ủy ban Thầy thuốc về Y học có trách nhiệm cho biết, chăm sóc động vật còn sống sót sau nghiên cứu khá tốn kém khiến việc tìm nơi nhận nuôi trở nên khó khăn.
Không bán trứng từ gà nuôi lồng
Kể từ đầu năm 2024, việc sản xuất hoặc bán trứng từ gà mái nuôi lồng ở ba bang Oregon, Washington và Nevada là bất hợp pháp. Các trang trại thương mại với 3.000 con gà trở lên giờ đây không được nuôi chúng trong lồng mà phải cung cấp chỗ nghỉ, tổ, khu vực tắm táp, tỉa lông.
Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính có gần 40% đàn gà đẻ của nước này không nuôi nhốt trong lồng. Kate Brindle, người giám sát các vấn đề chính sách trang trại của Hiệp hội Nhân đạo Mỹ, nói rằng những cam kết không nuôi lồng của các công ty lớn như McDonald’s, cùng với nhu cầu của người tiêu dùng là những nguyên nhân thúc đẩy ngành công nghiệp loại bỏ lồng trong việc nuôi gà lấy trứng.
Hỗ trợ ĐVHD qua đường an toàn
Thống Đốc bang New York Kathy Hochul vừa ký phê chuẩn một dự luật hứa hẹn cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông để bảo đảm an toàn cho ĐVHD khi băng qua đường cũng như giúp giảm tai nạn đường bộ.
Dự luật yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải của bang và Cơ quan Quản lý đường cao tốc New York đánh giá đường cao tốc, đường thông và đường công viên để tìm cách bảo đảm an toàn cho ĐVHD khi băng qua đường. Mục tiêu là cải thiện kết nối môi trường sống, giảm nguy cơ va chạm giữa ĐVHD và các phương tiện đang lưu thông, đồng thời tăng cường an toàn cho người lái xe ở New York.
Các cơ quan được yêu cầu lập danh sách ưu tiên gồm 10 địa điểm đường giao cắt trong vòng 2 năm. Danh sách này sau đó sẽ được thu hẹp xuống còn 5 dự án được nhận trợ cấp liên bang. Đường giao cắt có thể ở dạng đường ống, hầm, cầu vượt và hàng rào được thiết kế để động vật có thể qua đường một cách an toàn, từ đó giúp giảm sự phân mảnh môi trường sống và ngăn ngừa tai nạn.
Vùng Adirondack, một phần quan trọng của nhiều hành lang bảo vệ ĐVHD, bao gồm tuyến đường từ Công viên Algonquin đến Công viên Adirondack, và các kết nối với Đồi Tug và Dãy núi Xanh của Vermont, sẽ được hưởng lợi đáng kể từ sáng kiến này. Trong đó, Công viên Adirondack đóng vai trò lớn đối với việc di cư của động vật và khả năng phục hồi khí hậu.
Theo bà Jessica Ottney Mahar, Giám đốc chính sách và chiến lược của tổ chức The Nature Conservancy, đây là chính sách cực kỳ hữu ích, không chỉ để bảo vệ ĐVHD, mà còn bảo vệ người lái xe ô tô, bởi khi giảm tương tác giữa ĐVHD và phương tiện, sẽ giảm được nguy cơ tai nạn.
Gia Linh