Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Kinh nghiệm phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong đô thị dựa trên cộng sinh đô thị ở một số nước và khuyến nghị cho Việt Nam

01/11/2022

    Việc luật hóa kinh tế tuần hoàn (KTTH) và các tiêu chí chung về KTTH tại Luật BVMT năm 2020, Đề án phát triển KTTH ở Việt Nam cũng như triển khai tích hợp KTTH trong các chính sách quan trọng cho thấy những nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc triển khai phát triển mô hình KTTH một cách toàn diện trong thời gian tới.

    Tuy vậy, cho đến hiện tại việc phát triển KTTH ở cấp vĩ mô (cấp vùng/địa phương như tại các đô thị, nông thôn, các khu kinh tế, khu đô thị - công nghiệp hỗn hợp... ) ở Việt Nam hầu như chưa được quan tâm đúng mức mặc dù đây là các khu vực tập trung lớn các nguồn lực cũng như cơ hội cho phát triển KTTH. Các nghiên cứu và chính sách thúc đẩy KTTH tại Việt Nam hiện tại chủ yếu tập trung ở cấp vi mô và trung bình nhằm giải quyết các vấn đề trong doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp và khu công nghiệp.

    Trong khi đó, thế giới đã có hệ thống đa dạng các nghiên cứu lý thuyết và ứng dụng phát triển KTTH ở cấp này, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến phát triển KTTH ở các thành phố dựa trên thúc đẩy các quan hệ cộng sinh (cộng sinh công nghiệp, cộng sinh đô thị - công nghiệp,....).Vì vậy, bài viết về kinh nghiệm thực tiễn ứng dụng cộng sinh trong phát triển KTTH ở cấp vĩ mô, tại một số đô thị trên thế giới. Dựa trên cơ sở đó, cùng với việc xem xét bối cảnh, định hướng phát triển, bài viết đưa ra những khuyến nghị phát triển KTTH ở khu vực đô thị dựa trên mạng lưới cộng sinh hiệu quả tại đô thị ở Việt Nam.

    1. Khái niệm và nội hàm về cộng sinh ở đô thị

    Quan hệ cộng sinh trong khu vực đô thị hay là cộng sinh đô thị/cộng sinh công nghiệp - đô thị là khái niệm mở rộng của “cộng sinh công nghiệp” trong lý thuyết về sinh thái công nghiệp (industrial ecology - IE/STCN). Cộng sinh công nghiệp được đặt tên dựa trên sự liên tưởng về mối quan hệ cộng sinh trong hệ sinh thái tự nhiên -  nơi các sinh vật liên quan đều có thể tìm được lợi ích của mình thông qua việc hợp tác, trao đổi các nguồn lực. Trên cơ sở đó, nếu coi mỗi hệ thống công nghiệp như một hệ sinh thái thì cộng sinh công nghiệp là sự tham gia hợp tác, trao đổi chia sẻ vật chất, năng lượng, hạ tầng,.. của hai hay nhiều bên liên quan nhằm cùng tạo ra lợi ích cho các bên cũng như lợi ích cho môi trường (Chertow, 2000). Khi áp dụng vào hệ sinh thái đô thị, các quan hệ này được gọi là cộng sinh đô thị.

    Theo Bian et al (2020), cộng sinh đô thị cung cấp các hướng dẫn, cách thức để quy hoạch không gian đô thị, quy hoạch các cơ sở công nghiệp và cơ sở hạ tầng đô thị với các thiết kế kết nối tốt hơn để tối ưu hóa các dòng chảy vật chất, năng lượng cơ bản trong toàn bộ hệ thống đô thị. Cụ thể, cộng sinh ở đô thị nhằm  thực hiện việc kết nối và chia sẻ tài nguyên ở khu vực công nghiệp và khu vực đô thị có vị trí địa lý gần nhau tạo thành một mạng lưới cộng sinh. Hoạt động cộng sinh có thể thực hiện dưới 3 hình thức cơ bản:

  • Trao đổi sản phẩm phụ/chất thải giữa hai hay nhiều bên tham gia để thay thế cho sản phẩm thương mại hoặc nguyên liệu thô;

  • Chia sẻ tiện ích, cơ sở hạ tầng giữa hai hay nhiều bên và thường sử dụng cho các quan hệ cộng sinh trong lĩnh vực năng lượng, xử lý nước thải hoặc chất thải rắn;

  • Liên kết trong việc cung cấp các dịch vụ ví dụ như chữa cháy, vận chuyển, thực phẩm.

Hình 1. Dòng chảy vật chất trong hệ thống cộng sinh đô thị

Nguồn: Bian et al. (2020)

    2. Nội dung phát triển KTTH ở đô thị dựa trên cộng sinh đô thị

    Theo Luật BVMT năm 2020, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. KTTH khác biệt cơ bản với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống khi dựa trên lý thuyết về sự tuần hoàn và tận dụng vật chất, năng lượng tối đa trong một hệ thống. Tuy nhiên, ý tưởng về tuần hoàn vật chất trong KTTH không phải là một ý tưởng mới, mà đã được bắt nguồn từ các khái niệm trước đó, không chỉ trong các lý thuyết về sinh thái công nghiệp, cộng sinh công nghiệp mà còn từ các lý thuyết khác như thiết kế tái tạo, quản lý vòng đời, nền kinh tế hiệu suất, quản lý không chất thải... Tuy nhiên, những nỗ lực để hiện thực hóa các ứng dụng của KTTH, trở thành một mô hình phát triển kinh tế có tính thực tiễn và được ứng dụng phổ biến ở nhiều quốc gia nhờ những lợi ích đem lại cho kinh tế và môi trường (Geissdoerfer et al. 2017; Reike et al. 2018)

    KTTH có thể được thực hiện ở các cấp độ quy mô khác nhau. Theo chiều ngang KTTH có thể bao gồm 3 cấp độ khác nhau về quy mô địa lý: ở cấp vi mô (là trong các doanh nghiệp, nhà máy, hộ gia đình); cấp trung bình (trong khu/cụm công nghiệp như thực hành các sáng kiến về KCNST, mạng cộng sinh công nghiệp – đô thị...) ; ở cấp vĩ mô (xây dựng đô thị sinh thái, đô thị tuần hoàn...). Theo chiều dọc, KTTH không bị giới hạn về mặt địa lý và bao gồm các công sinh theo ngành/lĩnh vực, theo các chuỗi giá trị, dòng nguyên liệu, năng lượng và sản phẩm,..

    Về khái niệm, việc phát triển KTTH ở đô thị có thể được hiểu là việc thiết kế nền kinh tế đô thị theo hướng tối ưu hóa dòng vật chất, năng lượng, dựa trên các nguyên tắc tuần hoàn vật chất trong/giữa các ngành, lĩnh vực, từ đó giúp đô thị trở thành một chỉnh thể gắn kết linh hoạt và hỗ trợ nhau cùng phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Cụ thể, phát triển đô thị dựa trên KTTH chính là mô hình phát triển kinh tế dựa trên việc ứng dụng có chủ đích các giải pháp giảm thiểu sử dụng, tái sử dụng, tái chế (3R) và mở rộng hơn nữa, có thể đến 6R, 9R trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo các cách thức khác nhau nhằm mục đích kéo dài vòng đời vật chất, giảm thiểu sử dụng tài nguyên và phát thải ra môi trường (Reike et al.  2018, Kirchherr et al., 2018; Winans, Kendall, & Deng, 2017).

    Về cách thức tiếp cận, KTTH ở đô thị nói chung có thể tiếp cận theo nhiều phương thức là (1) Thiết kế chất thải để tái sử dụng, chất thải là tài nguyên, thực hành “không phát thải”; (2) Xây dựng khả năng phục hồi tài nguyên thông qua các ứng dụng đa dạng; (3) Sử dụng năng lượng từ các nguồn tái tạo; (4) Tư duy mang tính hệ thống;  (5) Chia sẻ giá trị; (6) Sản xuất sạch hơn, 3R; (7) Xây dựng KCN sinh thái.... trong số tất cả các cách tiếp cận này đều cho thấy, quan hệ cộng sinh công nghiệp đô thị là một phần quan trọng vì nó tối ưu hóa quá trình chuyển hóa đô thị và công nghiệp Cecchin et al (2020). Trong khi đó, Fang et al (2017)cho rằng, có 3 cách hiệu quả nhất để chuyển đổi sang nền KTTH ở đô thị là (i) xúc tiến 3R nhưng không giới hạn bởi 3R mà có thể mở rộng hơn nữa; (ii) thúc đẩy cộng sinh công nghiệp - đô thị (trao đổi tài nguyên và chất thải giữa các ngành công nghiệp và giữa các thành phố và ngành công nghiệp); (iii) hình thành các chuỗi cung ứng xanh.

    Có thể thấy, cộng sinh là một trong những giải pháp then chốt giúp phát triển KTTH nói chung và phát triển KTTH ở đô thị nói riêng. Cộng sinh giúp các doanh nghiệp hợp tác với nhau và hợp tác với khu vực đô thị để tận dụng, chia sẻ, tuần hoàn tài nguyên (thông tin, tài liệu, nước, năng lượng, cơ sở hạ tầng và môi trường sống tự nhiên) nhằm sử dụng hiệu quả hơn ở cả hai khu vực và tạo ra lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp, cộng đồng và môi trường sinh thái đô thị, cụ thể gồm: 1) Lợi ích cải thiện môi trường đô thị do việc cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên không tái tạo, giảm lượng phát thải gây ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường sống;  2) Lợi ích kinh tế từ việc giảm chi phí đầu tư cho sản xuất, quản lý chất thải, và từ tăng giá trị thu về do tăng dòng chảy của chất thải; 3) Lợi ích kinh doanh cho doanh nghiệp do mối quan hệ, vị thế, hình ảnh doanh nghiệp được cải thiện, đồng thời có thể mở rộng sản xuất và các sản phẩm mới; 4) Lợi ích xã hội do tạo thêm việc làm và nâng cao chất lượng công việc hiện tại.

    Chính vì vậy, KTTH ở đô thị nói chung và KTTH dựa trên cộng sinh đô thị được kỳ vọng là các giải pháp giúp nâng cao hiệu quả bền vững của hệ thống đô thị, góp phần xây dựng các đô thị sinh thái, đô thị tuần hoàn.

    3. Kinh nghiệm thúc đẩy KTTH đô thị dựa trên cộng sinh đô thị

    Tại Trung Quốc

    Năm 2010, dân số thành thị ở Trung Quốc đã tăng lên hơn 660 triệu người, với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 50%. Tính đến năm 2021, dân số Trung Quốc là 1.411.780 tỷ người, dân số đã tăng thêm 72.06 triệu người kể từ năm 2010, tăng 5,38%. Để đối phó với những thách thức ngày càng tăng về cạn kiệt tài nguyên và biến đổi khí hậu, Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy một loạt chính sách hỗ trợ phát triển đô thị bền vững với nhiều quan tâm hơn về BVMT và xây dựng văn minh sinh thái. Các sáng kiến chính sách quan trọng đáng kể như chiến lược kinh tế tuần hoàn cấp thành phố, dự án thành phố sinh thái, thành phố các bon thấp,...  trong đó KTTH cho đến nay được cho là chìa khóa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững hơn nhờ hiệu quả đáng kể của nó đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm thiểu phát sinh chất thải.

    Đơn cử như tại TP. Liễu Châu. Đây là TP tập trung các ngành công nghiệp nặng điển hình của Trung Quốc. Để triển khai thực hiện Chiến lược KTTH ở cấp thành phố, Liễu Châu đã tiến hành sáng kiến kết hợp khu vực công nghiệp với khu vực đô thị dựa trên qúa trình tái chế chất thải đô thị và sử dụng năng lượng dư thừa của hoạt động công nghiệp.

    Dựa trên việc khảo sát điều kiện thực trạng tại địa phương về cơ sở hạ tầng, hệ thống doanh nghiệp, một kế hoạch phát triển các quan hệ cộng sinh giữa các nhà máy công nghiệp với các nhà máy xử lý chất thải đô thị, các cơ sở thu gom chất thải tái chế ở đô thị đã được thực hiện dựa trên xây dựng 5 mối liên hết dựa trên chất thải và năng lượng gồm nhựa thải tái chế, tái chế lốp xe phế liệu, tái chế tro than bay, sử dụng sinh khối và thu giữa các bon bằng quá trình các bon hóa xỉ. Các nghiên cứu đánh giá hiệu quả cộng sinh cho thấy, quy hoạch cộng sinh của thành phố không chỉ giúp làm giảm lượng chất thải phải xử lý mà còn làm giảm lượng phát thải khí CO2 một cách đáng kể. Điều này cho thấy, cộng sinh công nghiệp và đô thị không chỉ làm xanh hóa các ngành công nghiệp mà còn tận dụng các nguồn lực công cộng góp phần vào phát triển đô thị. So với suy nghĩ truyền thống là loại bỏ các ngành công nghiệp ra khỏi khu vực đô thị thì một hệ thống cộng sinh công nghiệp – đô thị nếu được thiết kế một cách phù hợp sẽ trở thành một giải pháp thông minh để 2 bên cùng có lợi (Dong et al.2017) .


Hình 2. Mạng lưới cộng sinh tại TP. Liễu Châu - Trung Quốc

(Dong et al.2020)

    Tại Nhật Bản

    Chương trình Thành phố sinh thái của Nhật Bản là dự án tiên phong trong việc ứng dụng sáng kiến tích hợp cộng sinh công nghiệp vào khu vực đô thị, tìm cách tối đa hóa lợi ích kinh tế và môi trường từ vị trí địa lý gần gũi của các khu công nghiệp và đô thị, thông qua việc sử dụng các vật liệu phế thải thương mại, đô thị và công nghiệp đã bị loại bỏ trước đây trong ứng dụng công nghiệp. Trong 10 năm thực hiện (1997 – 2006), đến nay Chương trình đã thành lập 26 thị trấn sinh thái trên khắp Nhật Bản. Khoảng 1,65 tỷ USD đã được đầu tư vào 61 dự án tái chế sáng tạo, với mức trợ cấp trung bình của Chính phủ là 36%. Ngoài ra, có ít nhất 107 cơ sở tái chế khác đã được xây dựng mà không có trợ cấp của Chính phủ. Xét về hiệu quả thực hiện, 14 thị trấn sinh thái cho thấy những đóng góp rõ rệt trong việc cải thiện năng suất của ngành, trong khi 10 thị trấn khác góp phần quan trọng trong cải thiện tiện ích môi trường của địa phương. Trong 26 thị trấn sinh thái, bên cạnh sự đầu tư của chính quyền địa phương, 16 thị trấn sinh thái có sự hỗ trợ quan trọng quan trọng của khu vực tư nhân và 9 dự án cho thấy vai trò đắc lực của xã hội dân sự. Tổng kết toàn bộ chương trình đã cho thấy rằng, sự sẵn có của các khoản trợ cấp đầu tư, sự hỗ trợ mạnh mẽ về cơ sở pháp lý, khả năng tiếp cận các nguồn lực công nghệ và sự ủng hộ, công nhận rộng rãi trong cộng đồng về tính cấp thiết phải hành động,..đã góp phần tạo nên thành công của Chương trình Thị trấn Sinh thái (Berkel et al,2019)

    Cụ thể như trường hợp TP Kawasaki - nằm ở phía Tây của vịnh Tokyo với khoảng 1,3 triệu người. Kawasaki là TP công nghiệp ven biển với các ngành công nghiệp thép, luyện kim, lọc dầu, điện, điện tử... Từ những năm 1970, hoạt động công nghiệp đã đẩy ô nhiễm ở đây lên đến mức báo động và chính quyền đã phải có các giải pháp cải thiện. Năm 1997, Kawasaki được lựa chọn là 1 trong 4 thành phố tham gia Chương trình thị trấn sinh thái. Đến hiện tại, nơi đây đã hình thành một mạng cộng sinh hiệu quả với 15 doanh nghiệp tham gia, bao gồm các công ty sản xuất kim loại và tái chế giấy. Ngoài ra, thêm 5 cơ sở tái chế khác đã được thành lập với tổng công suất lắp đặt đạt 235.300 tấn chất thải mỗi năm.

    Để đánh giá về sự phát triển của mạng lưới cộng sinh, hoạt động khảo sát năm trong 10 năm qua đã  xác định được 14 dự án tái chế và 14 quan hệ  cộng sinh khác nhau liên quan đến 9 Công ty, Nhà máy thu gom rác thải đô thị, Nhà máy xử lý nước thải đô thị và một số công  ty quản lý chất thải công nghiệp và thương mại. Các quan hệ cộng sinh có thể được chia thành 4 nhóm cơ bản: (i) trao đổi sản phẩm phụ; (ii) hợp tác, chia sẻ tiện ích, (iii) các ngành tái chế mới (đối với các loại hình công nghệ tiên tiến/ hoặc các dòng chất thải phức tạp), (iv) các ngành tái chế truyền thống.

Hình 3. Mạng lưới cộng sinh tại TP Kawasaki (Berkel et al,2019)

    Một trong những lý do tạo nên sự thành công đối với Kawasaki là nỗ lực đa dạng hóa các quan hệ cộng sinh một cách tối đa của các doanh nghiệp. Điển hình  như Công ty sản xuất Giấy Corelex có mối quan hệ cộng sinh đa dạng nhất, bao gồm (1) cộng sinh nguyên liệu đầu vào là chất thải giấy hỗn hợp cấp thấp; (2) sử dụng nước thải tái chế từ Nhà máy xử lý nước thải làm nước xử lý; (3) sử dụng năng lượng tạo ra bằng khí của tập đoàn thép JFE; (4) cộng sinh đầu ra dựa trên kim loại phế liệu được gửi đến Nhà máy thép JFE và bùn giấy đến Công ty xi măng DC. Ngoài ra, Corelex cũng đã áp dụng các sáng kiến khác nữa và trở thành nhà máy duy nhất trong mạng lưới không phát thải. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp then chốt khác như Nhà máy thép JFE Steelworks, Nhà máy xi măng DC Cement,… đã tham gia sâu vào mạng lưới cộng sinh nhờ các giải pháp tích cực sử dụng các loại nguyên liệu tái chế thay cho các nguyên liệu truyền thống; đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh của mình thay vì chỉ kinh doanh sản phẩm truyền thống...

    Kết quả phân tích dòng vật chất trong hệ thống cộng sinh cho thấy, mỗi năm có ít nhất 565 nghìn tấn rác từ bãi chôn lấp được tái chế, tái sử dụng lại trong hệ thống, làm giảm khối lượng nguyên liệu thô cần sử dụng tương ứng cho sản xuất. Hệ thống cộng sinh đã sử dụng 128 nghìn tấn chất thải nhựa hàng năm, giấy tái chế hỗn hợp thay thế cho 14% tổng nguyên liệu thô đầu vào. Lợi ích ước tính hàng năm tổng cộng khoảng 130 triệu USD.

  1. . Một số nhận xét và kết luận về phát triển KTTH ở khu vực đô thị dựa vào cộng sinh tại Việt Nam

    Tại Việt Nam, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khoảng 3 thập kỷ qua các đô thị của Việt Nam đã được hình thành và phát triển một cách mạnh mẽ. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước đã có 869 đô thị với quy mô đa dạng. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2021 đạt khoảng 40,5%. Dân số khu vực đô thị năm 2021 đạt hơn 36,5 triệu người, chiếm 37,1% dân số cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 2 - 2,5 lần so với tốc độ trung bình, đồng thời đây cũng là nơi đóng góp khoảng 70% tổng số GDP của cả nước. Khu vực đô thị đã, đang và tiếp tục là vùng động lực, từ đó lan tỏa sự thịnh vượng ra các khu vực lân cận (Hữu Mạnh, 2021, Đức Tuân, 2020). Bên cạnh những thành tựu, sự phát triển của các đô thị tại Việt Nam đang phải đối mặt với những bất cập lớn như: mô hình sản xuất - tiêu dùng chưa hiệu quả, mức hao tổn tài nguyên, năng lượng và phát thải lớn, các hoạt động thu gom tái chế hiệu quả thấp và gây ra nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe của người dân... Các yếu tố này tác động đồng thời đẩy tình trạng ô nhiễm ở các đô thị đến mức báo động kéo dài, đặc biệt là các đô thị lớn, tập trung đông dân và chưa có phương thức giải quyết triệt để (Bộ TN&MT,2020).

    Trong khi đó, Việt Nam cũng đang trong quá trình thực hiện các mục tiêu Thiên nhiên kỷ phát triển bền vững (SDGs), trong đó bao gồm các mục tiêu về PTBV đô thị. Các chủ trương, chính sách trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho thấy những quyết tâm triển khai mô hình KTTH một cách mạnh mẽ và toàn diện. Một số chính sách điển hình như: Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Chiến lược phát triển KT- XH 10 năm 2021-2030, tầm nhìn 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII (Nghị quyết 50/NQ-CP tháng 05/2021) cũng nêu rõ khuyến khích áp dụng các mô hình KTTH để sử dụng hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và kinh tế đô thị. Hình thành chuỗi đô thị thông minh; xây dựng các đô thị theo hướng đô thị xanh,.. Trong khi đó, Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 các dự án KTTH sẽ trở thành một động lực chủ yếu trong giảm tiêu hao năng lượng sơ cấp, tự chủ phần lớn hoặc toàn bộ nhu cầu năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo; tỷ lệ CTRSH đô thị xử lý thông qua mô hình KTTH đạt 50%; 100% rác thải hữu cơ đô thị được tái chế; tối đa hóa tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý theo quy định. Đặc biệt, đầu năm 2022 Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và PTBV đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã thống nhất các nhiệm vụ của đô thị trong thời gian tới là: Triển khai đồng bộ, quyết liệt việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thúc đẩy giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị; phát huy công nghệ hiện đại trong tái chế rác thải.

    Những yếu tố này cho thấy đô thị Việt Nam cần một mô hình để thay đổi, và KTTH là mô hình đã được lựa chọn để thực hiện các chuyển đổi trên toàn bộ nền kinh tế, trong đó có khu vực đô thị. Tuy vậy, việc phát triển KTTH ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn đầu. Các mô hình thực tiễn ứng dụng KTTH hầu hết đang tập trung ở quy mô vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp, thông qua cách chính sách về phát triển 3R trong công nghiệp, sản xuất sạch  hơn, sản xuất và tiêu dùng bền vững,... Đáng kể nhất là dự án triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại VIệt Nam đánh dấu một bước phát triển lớn về mặt lý luận và thực tế về ứng dụng KTTH ở cấp trung bình. Các nghiên cứu cụ thể lý luận và thực tiễn về triển khai KTTH ở quy mô lớn như quy mô vùng, khu kinh tế, khu đô thị,.. hầu như chưa có. Trong khi đó, phát triển KTTH ở đô thị nói chung và KTTH dựa trên mạng lưới cộng sinh nói riêng đã có một lịch sử phát triển phong phú trên thế giới. Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy những bài học hữu ích về mặt lý luận cũng như thực tiễn về phạm vi ứng dụng, cách thức tiếp cận, điều kiện triển khai, huy động nguồn lực... Điều này cho thấy, tiềm năng và tính khả thi trong việc xây dựng Kế hoạch/Chiến lược cụ thể cho Việt Nam để phát triển KTTH ở các đô thị trên cơ sở thiết kế, quy hoạch và hình thành một mạng lưới cộng sinh hiệu quả. Đây là cơ hội để mở rộng quy mô phát triển nền KTTH hơn nữa và từ đó tạo tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nguyễn Thị Thục

Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

    Tài liệu tham khảo

    1. Bian, Y., Dong, L., Liu, Z., & Zhang, L. (2020). A Sectoral Eco-Efficiency Analysis on Urban-Industrial Symbiosis. Sustainability, 12(9), 3650.

    Bộ TNMT (2020). Báo cáo trạng môi trường quốc gia năm 2019. Chuyên đề: CTR sinh hoạt.

    2. Cecchin, A., Salomone, R. Deutz, P., Raggi, A., and Cutaia, L., 2020, Relating industrial symbiosis and circular economy tob the sustainable development debate. In Salomone, R., Cecchin, A., Deutz, P., Raggi, A. and Cutaia, L. (Eds) Industrial symbiosis for the circular economy: Operational experiences, best practices and obstacles to a collaborative business approach. Springer: Switzerland, pp. 1-25

    3. Chertow, Marian (2000). Industrial Symbiosis: Literature and Taxonomy. Annual Review of Energy Environment, 25, pp.313-337;

    4. Dong, L., Liang, H., Zhang, L., Liu, Z., Gao, Z., & Hu, M. (2017). Highlighting regional eco-industrial development: Life cycle benefits of an urban industrial symbiosis and implications in China. Ecological Modelling, 361, 164-176.

    5. Đức Tuân (2020). Cả nước có 862 đô thị, đóng góp 70% GDP. https://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Ca-nuoc-co-862-do-thi-dong-gop-70-GDP/418044.vgp

    6. Fang, K., Dong, L., Ren, J., Zhang, Q., Han, L., & Fu, H. (2017). Carbon footprints of urban transition: Tracking circular economy promotions in Guiyang, China. Ecological Modelling, 365, 30-44.

    7. Geissdoerfer, M., Savaget, P., Bocken, N. M. P., & Hultink, E. J. (2017). The Circular Economy – A new sustainability paradigm? In Journal of Cleaner Production (Vol. 143). Elsevier Ltd.

    8. Hữu Mạnh (2021).Cục Phát triển đô thị: Năm 2022, tập trung xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. https://baoxaydung.com.vn/cuc-phat-trien-do-thi-nam-2022-tap-trung-xay-dung-luat-quan-ly-phat-trien-do-thi-322117.html

    9. Kirchherr et al., (2018) Kirchherr, J., Piscicelli, L., Bour, R., Kostense-Smit, E., Muller, J., Huibrechtse-Truijens, A., & Hekkert, M. (2018). Barriers to the Circular Economy: Evidence From the European Union (EU). Ecological Economics, 150(December 2017), 264-272. https://doi.org/10.1016/j.ecolecon.2018.04.028

    10. Reike et al.,( 2018) Reike, D., Vermeulen, W. J. V., & Witjes, S. (2018). The circular economy: New or Refurbished as CE 3.0? - Exploring Controversies in the Conceptualization of the Circular Economy through a Focus on History and Resource Value Retention Options. Resources, Conservation and Recycling, 135(August 2017), 246-264. https://doi.org/10.1016/j.resconrec.2017.08.027

    Van Berkel, R., Fujita, T., Hashimoto, S., & Geng, Y. (2009). Industrial and urban symbiosis in Japan: Analysis of the Eco-Town program 1997-2006. Journal of Environmental Management, 90(3), 1544-1556.

    Winans, K., Kendall, A., & Deng, H. (2017). The history and current applications of the circular economy concept. Renewable and Sustainable Energy Reviews, 68(October 2015), 825-833.

 

2021/#iLightbox[gallery_image_1]/0

Ý kiến của bạn