02/10/2023
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, du lịch được đánh giá là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước chú trọng đầu tư về cơ sở hạ tầng và ngành du lịch cũng không ngừng phát triển, đóng góp rất lớn và nền kinh tế đất nước. Du lịch phát triển cũng góp phần hỗ trợ các ngành giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, bảo hiểm, dịch vụ tài chính, dịch vụ ăn uống và nghỉ ngơi, tạo cơ hội việc làm cho người dân, tạo ra những chuyển biến tích cực trong xã hội. Ngoài ra, ngành du lịch còn góp phần quan trọng trong việc quảng bá văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc, con người Việt Nam đến du khách trong và ngoài nước, mang lại nhiều cơ hội cho các ngành kinh tế khác, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh tổng sản phẩm kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch cũng đem lại những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội: Tình trạng chất thải rắn, nước thải chưa được thu gom và xử lý triệt để; làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên; tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học và môi trường sống của sinh vật; các giá trị văn hóa truyền thống bị mất dần hoặc có những biến đổi nhất định... Trong bối cảnh đó, du lịch có trách nhiệm được xem là hướng đi bền vững của ngành du lịch, là giải pháp để đảm bảo lợi ích dài hạn của quốc gia. Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm của một số quốc gia trên thế giới, bài viết đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam.
2. Cơ sở lý luận về du lịch có trách nhiệm
Khái niệm du lịch có trách nhiệm được giới thiệu năm 1989 khi Ban du lịch văn hóa của cộng đồng châu Âu nhấn mạnh về sự cần thiết của một chính sách du lịch mang tính trách nhiệm và dần đi tới thống nhất vào đầu những năm 2000 với nhiều cách thể hiện khái niệm này trong các nghiên cứu sau đó. Năm 2002, trong cẩm nang về du lịch có trách nhiệm Nam Phi Spenceley và cộng sự đưa ra khái niệm như sau: “Du lịch có trách nhiệm hiểu một cách đơn giản là đem lại những trải nghiệm du lịch tốt hơn cho khách du lịch và cơ hội kinh doanh tốt hơn cho các doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm cũng liên quan tới việc đảm bảo cho cộng đồng địa phương có chất lượng cuộc sống tốt hơn thông qua việc nâng cao lợi ích kinh tế - xã hội và quản lý tài nguyên tự nhiên” [1].
Năm 2011, khi Dự án Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội, do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT), triển khai tại Việt Nam, lần đầu tiên các khái niệm đó mới được nhắc đến và trở nên quen thuộc ở Việt Nam. Du lịch có trách nhiệm khi tập trung vào hành vi của các bên liên quan trong quá trình hoạt động du lịch theo Goodwin, cho rằng: “Khái niệm du lịch có trách nhiệm, về bản chất, đòi hỏi sự nhận trách nhiệm và hành động; người tiêu dùng, nhà cung cấp và chính quyền đều có trách nhiệm trong đó. Du lịch có trách nhiệm nhằm xác định những tác động của du lịch đại chúng, nhằm tăng cường tác động tích cực và giảm thiểu những tác động tiêu cực... du lịch có trách nhiệm liên quan đến việc tất cả mọi người đều phải chịu trách nhiệm trong việc phát triển du lịch một cách bền vững”. [2]
Như vậy, có thể thấy du lịch có trách nhiệm là việc tăng cường tác động tích cực và giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch đối với kinh tế, môi trường và xã hội. Trong đó, tất cả các chủ thể tham gia hoạt động du lịch (chính quyền, doanh nghiệp, du khách…) đều phải có trách nhiệm và hành động nhằm phát triển du lịch tại điểm đến một cách bền vững.
3. Kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm của một số quốc gia trên thế giới
Nhật Bản
Năm 2008, Nhật Bản công bố Sách Trắng về du lịch, đưa ra những chuẩn mực cụ thể về phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Theo đó “môi trường” và “phát triển” cùng tồn tại trong sự hài hòa, chứ không phải là loại trừ lẫn nhau, do đó, để “phát triển du lịch bền vững” thì cần phải bảo vệ môi trường. Đặc biệt trong các hoạt động thúc đẩy du lịch quốc gia cần phải chú ý đến vấn đề bảo vệ môi trường và vẻ đẹp của các danh lam thắng cảnh.
Cho đến thời điểm hiện tại, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển du lịch, trong đó, tập trung vào các vấn đề sau: Sử dụng du lịch để nâng cao tỷ lệ việc làm; Tăng cường đào tạo để nâng cao kỹ năng trong ngành du lịch; Khuyến khích tinh thần kinh doanh, khả năng cạnh tranh và đổi mới trong ngành du lịch; Thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ và đạo đức trong kinh doanh du lịch; Thúc đẩy du lịch có trách nhiệm như một yếu tố để phát triển văn hóa xã hội; Hạn chế biến đổi khí hậu và tăng cường sử dụng năng lượng sạch; Thúc đẩy sử dụng hiệu quả năng lượng và tiết kiệm trong ngành du lịch; Thúc đẩy chất lượng và văn hóa trong dịch vụ du lịch; Phối hợp du lịch với bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học; Sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên; Giảm số lượng chất thải du lịch; Bảo vệ cảnh quan du lịch; Cải thiện hệ thống giao thông và quản lý sử dụng đất; Kiểm soát sự phát triển của giao thông liên quan đến du lịch và các tác động bất lợi của nó đối với môi trường; Chuyển đổi cân bằng giữa các phương thức vận tải cho du lịch.
Chính phủ Nhật Bản có những cơ chế tạo ra tính liên kết giữa các cấp, các bộ, ngành Trung ương với địa phương trong vấn đề quy hoạch, quản lý và phát triển du lịch. Ban Du lịch Nhật Bản luôn phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan đến du lịch để chỉ đạo các địa phương triển khai các hoạt động du lịch trong phạm vi thẩm quyền của mình. Bên cạnh đó, những tổ chức ở Nhật Bản như Ủy ban Môi trường; Hiệp hội Bảo vệ di sản thiên nhiên Nhật Bản; Hội đồng Xúc tiến du lịch sinh thái Nhật Bản; những hiệp hội du lịch sinh thái tại các địa phương... đều có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư trong việc bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn tài nguyên tự nhiên, lịch sử và văn hóa của địa phương. [3]
Bằng những hành động đồng bộ trên, du lịch Nhật Bản đã có sự phát triển nhanh và bền vững. Năm 2000, tổng doanh thu của ngành Du lịch chỉ chiếm khoảng 2,2% GDP của Nhật Bản. Đến năm 2001, tổng doanh thu du lịch quốc tế đạt 5,6 tỷ USD. Nhật Bản được xếp thứ 4 trên thế giới về mức chi tiêu du lịch quốc tế với 34,4 tỷ USD[1]. Cho tới thời điểm hiện nay, Nhật Bản đã vươn lên giữ vị trí là nền kinh tế Lữ hành và Du lịch lớn thứ 3 trên thế giới theo đánh giá thường niên của Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới về tác động kinh tế và tầm quan trọng xã hội của ngành Du lịch. [4]
Thái Lan
Thái Lan luôn nằm trong số các điểm đến thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế và là một trong số những quốc gia có doanh thu từ du lịch cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh chóng của du lịch cũng đã khiến cho Thái Lan gặp phải rất nhiều vấn đề về môi trường tự nhiên, xã hội và sự biến đổi tiêu cực của văn hóa.
Trước thực tế này, Chính phủ Thái Lan đã đưa các mục tiêu về bảo tồn và phát triển có trách nhiệm song song với mục tiêu phát triển kinh tế trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, con người được lấy làm trung tâm của sự phát triển. Phát triển du lịch theo hướng quản lý bền vững tài nguyên với sự tham gia của cộng đồng bản địa được xem là một trong những chiến lược cơ bản của du lịch Thái Lan. Trên cơ sở tôn chỉ và chiến lược đã đặt ra, chính quyền Thái Lan đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể đối với sự phát triển du lịch của giai đoạn hiện tại: (1) Quản lý phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đồng thời góp phần phục hồi và nâng cấp các giá trị đặc sắc, đa dạng của sản phẩm, của tài nguyên du lịch của Thái Lan; (2) Đặt mục tiêu bền vững và thịnh vượng cho cộng đồng bản địa lên hàng đầu trong phát triển du lịch. Các hoạt động phát triển đều phải xoay quanh mục tiêu vì cộng đồng hướng tới việc gìn giữ, cải thiện và bảo vệ môi trường; (3) Thúc đẩy khai thác thị trường du lịch chất lượng cao hướng tới các thị trường có mức tiêu dùng cao và sử dụng các sản phẩm có trách nhiệm với môi trường, kinh tế và xã hội.
Trong Kế hoạch năm 2014 - 2015, để có thể duy trì các nghề thủ công địa phương, Chính phủ ban hành Luật miễn thuế VAT cho tất cả các địa điểm bán hàng thủ công địa phương ở Thái Lan. Các công ty lữ hành được thực hiện trách nhiệm với địa phương, sử dụng lao động địa phương sẽ được miễn một phần thuế thu nhập. Thái Lan cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng rất tốt. Chính quyền khuyến khích các địa phương phát triển các sản phẩm mang tính bản địa thông qua các chương trình như: “mỗi lần một sản phẩm”, “mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”. Các sản phẩm có lợi cho cộng đồng và môi trường như du lịch nông nghiệp, du lịch “Homestay” và du lịch làng nghề được khuyến khích phát triển. Chính quyền cũng rất quan tâm tới việc nâng cao năng lực làm du lịch cho người dân địa phương. Đến Thái Lan, du khách sẽ có cảm giác toàn dân làm du lịch và mọi giá trị cộng đồng đều có thể trở thành thành sản phẩm du lịch. Ở mỗi địa phương, chính quyền thiết lập các trung tâm hỗ trợ nhân lực cho du lịch. Trung tâm này hoạt động như một trung tâm tư vấn cho các đơn vị, tổ chức địa phương hoạt động trong ngành với mục tiêu tăng cường đồng bộ chất lượng nhân lực ngành du lịch Thái Lan. Các sáng kiến, kinh nghiệm phát triển du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm liên tục được chia sẻ trên các phương tiện thông tin đại chúng để làm bài học cho các bên liên quan.
Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan cũng đề ra Kế hoạch phát triển và phục hồi các di sản văn hóa nhằm phát triển các điểm du lịch mới thông qua hỗ trợ khối doanh nghiệp và cộng đồng địa phương. Trong giai đoạn 2016 - 2017, Kế hoạch phát triển du lịch Quốc gia của Hoàng gia Thái Lan đã xác định rõ mục tiêu phát triển du lịch phải hướng tới bảo tồn văn hóa, gìn giữ tài nguyên và phát triển bền vững cho cộng đồng bản địa. Bên cạnh những chính sách khuyến khích mềm dẻo, chính quyền cũng thực hiện những biện pháp rất cứng rắn và khẩn trương để có thể ngăn chặn kịp thời những hoạt động làm ảnh hưởng đến tính bền vững của du lịch chẳng hạn như: ban hành lệnh hạn chế tối đa cung cấp các dịch vụ lặn biển, ngắm biển… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển ở một khu du lịch đảo nổi tiếng; xóa bỏ hoàn toàn việc kinh doanh “tuor 0 đồng” dành cho khách Trung Quốc; mở rộng quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch văn hóa.
Giai đoạn 2018 - 2019, chính sách phát triển du lịch của Thái Lan tập trung vào 5 nhóm đối tượng chính bao gồm: bảo tồn tài nguyên du lịch, thu hút khách du lịch có chất lượng và có trách nhiệm, phát triển doanh nghiệp du lịch có chất lượng, hỗ trợ cộng đồng địa phương và các nhà khoa học. Đối với phát triển du lịch bền vững, mục tiêu chiến lược không chỉ tập trung vào số lượng khách du lịch và các giá trị kinh tế và còn cân đối giữa các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường
Có thể nói, du lịch Thái Lan đang hướng tới sự phát triển có trách nhiệm, bền vững và thân thiện với môi trường và cộng đồng. Những kinh nghiệm của Thái Lan sẽ là bài học rất quan trọng và gần gũi đối với Việt Nam bởi du lịch Thái Lan và du lịch Việt Nam có khá nhiều điểm tương đồng.
Bali, Inđônêxia
Bali [5] là một hòn đảo đẹp, địa điểm du lịch nổi tiếng của Inđônêxia. Đảo Bali được bao quanh bởi các rạn san hô. Với hệ động thực vật đa dạng và phong phú các loài hoa phổ biến như: hoa dâm bụt, hoa nhài và hoa loa kèn nước, hoa mộc lan, hoa sứ và nhiều loại hoa lan. Thế giới tự nhiên tại Bali còn có nhiều động vật hoang dã như khỉ, cầy hương, hươu sủa và hươu chuột. Ngoài ra, hòn đảo còn có tới 300 loài chim bao gồm chim hoang dã, chim bói cá xanh, đại bàng biển, chim nhạn, diệc trắng và chim bồ câu, chim én, chim sẻ... Bali cũng được ghi nhận là một trong những nơi có thế giới sinh vật biển phong phú, với nhiều loài như cá heo, cá mập, cá mặt trời...
Cũng như nhiều điểm du lịch thuộc các nước nhiệt đới, Bali trở thành nạn nhân của chính sự thành công trong ngành du lịch của họ. Những bãi biển yên tĩnh, thanh bình trở thành nơi bán hàng hóa và diễn ra những hoạt động kinh doanh ở quy mô lớn. Sự khai thác quá mức các địa điểm du lịch văn hóa và tự nhiên đã khiến Bali trở nên quá đông đúc với thị trường bất động sản sôi động, chuỗi các cửa hàng ăn nhanh, nhà hàng, khách sạn sang trọng đang dần phá vỡ không gian văn hóa truyền thống của hòn đảo Bali. Livina, địa điểm du lịch nổi ngắm cá heo nổi tiếng nhất ở Ba li đang đe dọa sự an toàn cho sức khỏe và cuộc sống của cá heo với những hoạt động giải trí như đuổi theo hoặc đến quá gần với cá heo.
Năm 2009, Bali có 5,75 triệu du khách trong và ngoài nước, tức gần gấp đôi dân số địa phương trên đảo (3,8 triệu), trong khi dân số lý tưởng trên đảo là 1,5 triệu người. Toàn bộ 48 bãi biển của Bali đều bị suy thoái nghiêm trọng. Chỉ riêng năm 2008, hình ảnh vệ tinh cho thấy Bali mất 88,6 km bờ biển, chủ yếu là do phát triển tự phát và các công trình vi phạm luật bờ biển. Từ năm 1983, Bali đã mất 25.000 ha rừng do đốn gỗ lậu, tức 1/5 diện tích trong 20 năm. Niềm tự hào của hòn đảo, những chú hổ Bali, đã biến mất hoàn toàn, và loài chim hiếm có tên chim sáo Bali giờ chỉ còn vài chục con. Bali đã mất trung bình 1.500 ha đất nông nghiệp mỗi năm cho công nghiệp trong 30 năm qua. Hậu quả càng nghiêm trọng hơn khi nông nghiệp chính là nền tảng văn hóa Bali và hòn đảo này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với người dân địa phương. Văn hóa bản địa đang dần bị thay thế bằng lối sống xa lạ, công nghiệp từ nơi khác du nhập vào.
Trước tình hình này, nhận thức được rõ được tầm quan trọng của công tác BVMT trong phát triển du lịch, Chính quyền và người dân nơi đây đã đẩy mạnh phát triển du lịch có trách nhiệm để đảm bảo sự an toàn về môi trường, văn hóa và xã hội cho địa phương và dân cư. Chính quyền khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cơ hội mưu sinh của họ; góp phần tích cực vào việc bảo tồn các di sản tự nhiên và văn hóa, duy trì tính da dạng; mang lại nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch thông qua giao tiếp với cộng đồng địa phương, qua đó giúp họ hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, xã hội và môi trường bản địa.
Nhiều dự án cộng đồng mang lại lợi ích cho người dân nơi đây với mục tiêu bảo tồn môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn nước, giảm rác thải nhựa được thực hiện. Ước tính mỗi năm Bali thải ra gần 2 triệu tấn rác, trong đó có hơn 300.000 tấn rác thải nhựa. Để giảm thiểu rác thải nhựa, chính quyền Bali và nhiều tổ chức xã hội, các tình nguyện viên nỗ lực đưa ra các chính sách, sáng kiến như: cấm nhựa sử dụng một lần; thiết lập hệ thống quản lý rác thải mới cùng hàng chục cơ sở tái chế, xử lý chất thải tích hợp; thành lập các đội thu gom rác trên bờ biển; chương trình đổi rác thải nhựa lấy gạo, thực phẩm… Nhờ các nỗ lực về bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, đến nay hòn đảo xinh đẹp này ngày càng hấp dẫn với du khách quốc tế và được ví như “thiên đường xanh” của châu Á.
4. Bài học cho Việt Nam
Trong những năm gần đây, ngành Du lịch Việt Nam phát triển nhanh, kéo theo sự gia tăng lượng khách du lịch... xu hướng này vẫn còn tiếp tục ra tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí… được mở rộng. Trong khi đó, tại nhiều khu vực ven biển hiện nay, do hoạt động du lịch phát triển đã vượt năng lực quản lý, hoặc do nhận thức của những người có trách nhiệm và điều hành còn hạn chế nên các hoạt động du lịch đã vượt khả năng đáp ứng của tài nguyên thiên nhiên và môi trường, gây tình trạng ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, việc quản lý, khai thác tài nguyên du lịch chưa được thực hiện hiệu quả. Hiện chưa thực hiện được việc thống kê nguồn tài nguyên du lịch một cách đầy đủ, việc đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững chưa được thực hiện, dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng chưa khai thác hết được giá trị của tài nguyên. Công tác quản lý, phân cấp hạn chế dẫn đến sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích… tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định, hầu hết các khu du lịch, tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện đạt chỉ đạt khoảng 70 - 80%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Tại nhiều khu du lịch biển đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.
Qua kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm của một số quốc gia trên thế giới cho thấy, du lịch có trách nhiệm là chìa khóa cho phát triển bền vững. Du lịch có trách nhiệm là một cách tiếp cận quản lý du lịch nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế, xã hội, môi trường và giảm thiểu chi phí tới các điểm đến. Bản chất của loại hình du lịch này là điều chỉnh tất cả các loại hình du lịch khác nhằm hướng đến mục tiêu phát triển hài hòa ngành du lịch, đem lại bình đẳng cho tất cả chủ thể tham gia vào quá trình phát triển du lịch đồng thời góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ tạo dựng một môi trường lành mạnh. Du lịch có trách nhiệm được hiểu là trách nhiệm của các tổ chức và du khách về kinh tế, xã hội và môi trường trong tất cả các lĩnh vực hoạt động du lịch, từ hoạch định chính sách đến quy hoạch, khai thác tài nguyên, phát triển sản phẩm, tổ chức kinh doanh và phục vụ khách du lịch.
Đối với Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới mục tiêu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định phát triển du lịch bền vững và bao trùm là quan điểm định hướng, dẫn dắt sự phát triển của ngành du lịch trong giai đoạn mới. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa... phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên “đòn bẩy” quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.
Để thúc đẩy phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng chính sách phát triển du lịch trên cơ sở chú trọng tới các vấn đề văn hóa xã hội và môi trường bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế và gia tăng lợi nhuận: chăm lo đời sống xã hội của cộng đồng dân cư (an sinh, sinh kế của người dân…), thúc đẩy sự có trách nhiệm của các bên liên quan tham gia trong lĩnh vực du lịch (chính quyền, người dân, doanh nghiệp, khách du lịch); thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan du lịch, cải thiện hệ thống giao thông…
Ngoài ra, cần đảm bảo sự cân bằng trong phát triển du lịch với bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Thiết lập các nguyên tắc đảm bảo cân bằng phù hợp giữa các khía cạnh môi trường, kinh tế và văn hóa xã hội. Cụ thể: Giảm thiểu mức sử dụng những nguồn tài nguyên quý hiếm và không thể tái tạo được trong việc phát triển và triển khai các cơ sở, phương tiện và dịch vụ du lịch; đồng thời chú trọng đến một môi trường trong lành. Tăng cường bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm không khí, nước, đất và rác thải từ du khách và các hãng du lịch. Hỗ trợ bảo tồn khu vực tự nhiên, môi trường sống, sinh vật hoang dã và giảm thiểu thiệt hại đối với các yếu tố này.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch dài hạn bên cạnh việc lập kế hoạch phát triển hàng năm và đưa ra những mục tiêu trọng tâm trong từng giai đoạn để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia và kế hoạch hành động trọng tâm của ngành, đơn vị trong phát triển du lịch có trách nhiệm ở mỗi thời điểm cụ thể.
Tăng cường sự liên kết giữa các chủ thể, các đơn vị, ban ngành từ Trung ương tới địa phương trong việc xây dựng quy hoạch, quản lý và phát triển du lịch và có sự gắn kết chặt chẽ với cộng đồng dân cư để đảm bảo an sinh xã hội và phát triển, khai thác bền vững lịch sử, văn hóa và tài nguyên tự nhiên của địa phương.
Đối với cơ quan quản lý du lịch tại địa phương cần xây dựng chính sách, chiến lược, quan điểm phát triển loại hình du lịch có trách nhiệm này rõ ràng. Với doanh nghiệp lữ hành cần tập trung xây dựng chính sách, chiến lược doanh nghiệp phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm; xây dựng các sản phẩm du lịch có trách nhiệm và hướng dẫn du khách thực hiện du lịch có trách nhiệm.
Đồng thời, khuyến khích các hoạt động du lịch tình nguyện và các hoạt động mang tính trách nhiệm cao. Còn với khách du lịch cần tìm hiểu và tuân thủ các tập tục địa phương, lựa chọn các doanh nghiệp có quan điểm, tôn chỉ và hoạt động hướng đến sự bền vững và có trách nhiệm.
Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và nét đẹp truyền thống trong cuộc sống và sinh hoạt của người dân bản địa ở những khu vực mang đậm nét truyền thống dân tộc và địa phương bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ các nhà hàng, dịch vụ và khu du lịch sang trọng. Đồng thời, chú trọng tới công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên trong quá trình tận dụng và khai thác nguồn lợi tự nhiên để phục vụ cho hoạt động du lịch…; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các phong trào, chiến dịch thu gom rác, phân loại rác tại nguồn tại các điểm, khu du lịch; Xây dựng và thực hiện các hướng dẫn về giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông tại các điểm, khu du lịch…
5. Kết luận
Ngành du lịch là ngành kinh tế đóng góp lớn vào nền kinh tế đất nước, tạo cơ hội việc làm và góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa bản địa tới du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành du lịch cũng đem lại những hệ lụy không nhỏ tới môi trường, văn hóa và xã hội. Trước thực trạng đó, việc phát triển du lịch trách nhiệm là cần thiết nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và môi trường, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân địa phương và tăng thu nhập cho các cộng đồng dân cư, cải thiện điều kiện làm việc và khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề ảnh hưởng tới sinh kế của họ, từ đó tác động đến ý thức cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản tự nhiên và văn hóa. Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển cũng như kinh nghiệm phát triển du lịch có trách nhiệm của một số quốc gia trên thế giới, một số bài học thiết thực đã được đưa ra nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam.
ThS. Bùi Thị Cẩm Tú
Viện Địa lí nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)
Tài liệu tham khảo