Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Kinh nghiệm của một số quốc gia về quy trình thu gom, vận chuyển và xác định chi phí thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt

30/06/2021

    Tăng trưởng kinh tế cùng với tốc độ gia tăng dân số nhanh và quá trình đô thị hóa diễn ra trên diện rộng là các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có vấn đề quản lý chất thải rắn ngày càng trầm trọng tại các đô thị lớn - nơi các bãi rác ngày càng gia tăng cả về số lượng, thành phần. Điều đó đã tạo nên những áp lực lớn đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH).

   Theo thống kê chi phí cho hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH chiếm từ 70-80% tổng chi phí cho hoạt động quản lý CTRSH (bao gồm thu gom, vận chuyển và xử lý). Với việc chiếm chi phí lớn như vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về quy trình thu gom, vận chuyển và xác định đầy đủ các loại chi phí của hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH góp phần làm rõ hơn cơ cấu tính chi phí dịch vụ của hoạt động này, là cơ sở để tính toán đầy đủ giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH.

Quy trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại một số quốc gia

    Về tổng quan, quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH của các quốc gia trên thế giới chia thành hai quy trình chính, đó là: thu gom có phân loại hoặc thu gom hỗn hợp. Mỗi quốc gia lựa chọn cho mình một phương thức thu gom riêng, phù hợp với phương pháp kỹ thuật xử lý CTRSH và nguồn lực kinh tế hiện có.

    Hầu hết ở các quốc gia vẫn đang vận hành hệ thống thu gom CTRSH hỗn hợp. Về cơ bản, các xe thu gom sẽ dừng dọc tuyến đường và nhân viên sẽ đưa chất thải từ các thùng rác vào xe thu gom; sau đó vận chuyển đi đến các địa điểm xử lý tiếp theo. Tại mỗi phương án, mỗi quốc gia lại có phương thức linh hoạt để tối ưu hóa công nghệ xử lý chất thải của mình.

    Tại Mỹ, các trạm trung chuyển đóng vai trò liên kết giữa quá trình thu gom và cơ sở xử lý rác cuối cùng, thực hiện các hoạt động phân loại và nén chặt thành các kiện, tập kết và đưa chất thải lên những toa xe vận chuyển lớn hơn để di chuyển đường dài. Hoạt động phân tách các loại rác tái chế ra khỏi dòng chất thải và xác định các loại chất thải thải bỏ tại các trạm trung chuyển đã giúp gia tăng hiệu quả xử lý chất thải, giảm số lượng rác vận chuyển đến bãi chôn lấp và cải thiện tỷ lệ tái chế tại Mỹ. Cũng tương tự như Mỹ, sau khi thu gom, chất thải tại Italia cũng không được đưa thẳng đến các bãi chôn lấp mà được vận chuyển đến nhà máy cơ học – sinh học. Nhà máy này làm nhiệm vụ phân loại cơ học các vật liệu tái chế và xử lý sinh học nhằm làm giảm khối lượng và đưa rác thải về trạng thái ổn định.

    Tại Đan Mạch, chất thải sau khi được thu gom trộn lẫn và không được phân loại sẽ được vận chuyển trực tiếp đến các nhà máy đốt thu hồi năng lượng làm nguyên liệu đưa vào lò đốt mà không qua bất cứ công đoạn xử lý sơ bộ nào.

    Đối với Ấn Độ, chất thải được thu gom đơn giản tại các hộ gia đình kết hợp với việc quét dọn đường phố bằng những phương tiện còn khá thô sơ và sau đó được vận chuyển đến khu lưu trữ rác và các khu xử lý rác quy mô nhỏ trước khi đưa đến khu xử lý rác tập trung cuối cùng.

    Tại Bangkok (Thái Lan) cũng thực hiện phân loại rác thải và trang bị các xe vận chuyển chuyên dụng tích hợp GPS hiện đại giúp quá trình thu gom, vận chuyển CTRSH đạt hiệu quả hơn.

Hình 1. Tổng quan mô hình quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH tại các quốc gia trên thế giới

    Thực tế dù có mô hình thu gom khác nhau nhưng ở mỗi phương án đều có những tác động tới môi trường xung quanh ở mức độ khác nhau. Quá trình thu gom, vận chuyển CTRSH làm phát sinh các vấn đề môi trường như nước rỉ rác, ô nhiễm mùi, rác thải rơi vãi. Đặc biệt, ở những nơi có trạm trung chuyển CTRSH nằm trong khu đô thị nhưng lại thiếu biện pháp kỹ thuật, thiếu trang thiết bị nên vấn đề môi trường tại các trạm trung chuyển này là rất cần xem xét như giao thông, tiếng ồn, mùi hôi, khí thải, chất lượng nước, rác thải... Lưu lượng xe tải nặng và hoạt động của các thiết bị công suất lớn là nguồn ồn chính từ các trạm trung chuyển. CTRSH, chất thải thực phẩm và chất thải sân vườn như cỏ, lá cây,... có khả năng tạo mùi cao. Mùi có thể tăng khi thời tiết nắng nóng hoặc ẩm ướt...

Xác định chi phí của hoạt động thu gom, vận chuyển CTRSH

    Ngoài các yếu tố chi phí cơ bản được hạch toán vào trong cơ cấu giá của hoạt động thu gom, vận chuyển như: các chi phí liên quan đến người thu gom (lương, trợ cấp, bảo hiểm,…); các chi phí liên quan đến quá trình thu gom (địa điểm, tần suất thu gom, công nghệ thu gom,…); chi phí liên quan đến quá trình vận chuyển (lương của lái xe, giá nhiên liệu, quãng đường, khấu hao, thuế, bảo hiểm xe…); chi phí liên quan đến trạm trung chuyển (chi phí nhân công, xây dựng trạm và bảo trì, chi phí vận hành và bảo trì thiết bị, chi phí hoạt động của xe trung chuyển,…) thì tại mỗi quốc gia, phụ thuộc vào những đặc điểm thu gom riêng mà lại có sự bổ sung các loại chi phí khác nhau.

    Các quốc gia vận hành quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH theo hình thức thu gom có phân loại có bổ sung thêm yếu tố chi phí phân loại chất thải thành chất thải có thể tái chế và chất thải không thể tái chế vào trong cơ cấu tính giá của mình. Cụ thể ở Ôxtrâylia với dịch vụ thu gom lề đường kerbside, dịch vụ thu gom rác tái chế và rác hữu cơ sẽ được thu thêm khoảng 30$/năm cho mỗi loại dịch vụ. Chi phí này ước tính từ 1$-3$ cho mỗi tấn CTRSH, tùy thuộc vào nơi thu gom rác. Tại Slovenia chi phí thu gom tận nơi thường cao hơn so với các phương án thay thế khác do yếu tố phân loại rác nhưng phần chi phí thêm này đã làm giảm đáng kể chi phí cho việc xử lý và giảm tỷ lệ rác thải bị trả lại do không phù hợp để tái chế.

    Tại các quốc gia khác như Mỹ, Ôxtrâylia, Inđônêxia, Palestine cơ cấu tính chi phí thu gom, vận chuyển CTRSH có tính tới chi phí chi trả cho các ảnh hưởng tác động đến môi trường, được biểu diễn dưới dạng các chi phí phi thị trường. Ở Mỹ, khoản chi phí phi thị trường này dùng để trả cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi hoạt động thu gom, vận chuyển như: ảnh hưởng bởi tiếng ồn, mùi hôi của phương tiện vận chuyển, sống gần bãi rác,… và chi trả cho những thương tích xảy ra do các xe hoạt động trên những tuyến đường đông dân cư, rác bị rơi trong quá trình vận chuyển,...

    Chi phí vận chuyển CTRSH = Chi phí nhân công + Chi phí nguyên nhiên liệu (dầu máy, lốp xe) + Chi phí bảo dưỡng, bảo trì + Chi phí trang thiêt bị + Chi phí Bảo hiểm, Giấy phép, Thuế + Chi phí dự phòng + Chi phí khác (chi phí kế toán, vật tư,...).

Bảng 1. Ước tính chi phí vận chuyển rác thải tại khu dân cư

STT

Chi phí

Thành tiền (USD)

1

Nhân công

604.000

2

Dầu máy

496.000

3

Lốp xe

84.000

4

Bảo dưỡng và bảo trì

189.000

5

Trang thiết bị

193.000

6

Bảo hiểm, giấy phép, thuế

180.000

7

Chi phí dự phòng

155.000

8

Chi phí khác (ô nhiễm môi trường, tắc đường, tai nạn...)

47.000

 

Tổng

1.948.000

Ghi chú:

Chi phí dự phòng bằng 10% tổng các chi phí từ 1 đến 6

Chi phí khác bằng 3% tổng các chi phí từ 1 đến 6

Nguồn: Cost Projections for Transfer, Haul, and Disposal of Municipal Solid Waste, 2014

    Tại Ôxtrâylia, chi phí thu gom CTRSH trung bình là 51$ cho mỗi hộ gia đình mỗi năm để thu gom và vận chuyển rác không thể phân loại, và thêm 31$ cho mỗi hộ gia đình mỗi năm cho rác tái chế cho 1 thùng rác 240 lít.

    Chi phí bên ngoài của hoạt động thu gom vận chuyển CTRSH ở Ôxtrâylia chủ yếu liên quan đến hoạt động giao thông vận tải trong vận chuyển rác thải. Các hoạt động của xe tải thu gom vận tải có nguy cơ xảy ra tại nạn và khi thải của xe tại gây hiệu ứng nhà kính. Chi phí do những tác động bên ngoài này ước tính là 1$ đến 3$ cho mỗi tấn chất thải, tùy thuộc vào nơi thu gom rác.

    Tại Inđônêxia, cơ cấu tính chi phí dịch vụ thu gom vận chuyển tại các thành phố phụ thuộc vào mô hình thu gom, hoạt động trạm trung chuyển tạm thời. Tại thành phố Malang, Inđônêxia lượng CTRSH phát sinh là trung bình lên tới 301.788 m3 mỗi ngày. Chi phí vận chuyển chất thải chiếm tới 85% tổng chi phí quản lý chất thải. Chi phí thu gom vận chuyển tại thành phố bao gồm chi phíChi phí trực tiếp và chi phí gián tiếp. Trong đó, chi phí trực tiếp đề cập đến tất cả các chi phí phát sinh trong việc quản lý bao gồm các nguồn lực được sử dụng trong quản lý, phát triển và thu gom, vận chuyển. Chi phí gián tiếp là chi phí bên ngoài phát sinh trong việc vận hành hệ thống quản lý chất thải hiện có. Các chi phí này bao gồm chi phí hủy hoại môi trường của hoạt động thu gom, vận chuyển.

    Tại Palestine, quản lý chất thải rắn tại thành phố Qualiqui là vấn đề được quan tâm. Lựa chọn phương án xử lý CTRSH được tính toán dựa trên phân tích chi phí, bao gồm các chi phí tác động tiêu cực tới môi trường. Theo tính toán ước tính chi phí cho quản lý CTRSH ở thành phố này là 71,1 $/tấn. Nếu trong quá trình tín toán bỏ qua các chi phí tác động tới môi trường thì chi phí cho hoạt động quản lý CTRSH được ước tính là 42,6 $/tấn.

Bảng 2. Chi phí duy trì hoạt động của trạm trung chuyển để trung chuyển CTRSH tới bãi chôn lấp hợp vệ sinh Zahrat Al-Fingian

TT

NỘI DUNG

Tổng chi phí hàng năm (US $)

1

Bảo vệ công trường (2 công nhân/ngày)

8.400

2

Công nhân công trường

10.200

3

Dịch vụ công trường (điện, nước, internet…)

1.500

4

Duy trì hoạt động thường xuyên

1.500

5

Chi phí vận chuyển CTRSH tới bãi chôn lấp

270.000

6

Chi phí ngoại ứng của hoạt động vận chuyển CTRSH tới bãi chôn lấp (tắc đường, ô nhiễm không khí, tai nạn giao thông) là 1,69 $/tấn đối với bãi chôn lấp ở khu vực nông thôn)

30.843

 

TỔNG

322.443

Nguồn: Ibrahem Mohammad Nimer Hinde, 2010

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Qua tìm hiểu về quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH tại một số nước trên thế giới, có thể thấy tất cả các quốc gia đều rất quan tâm, chú trọng đến vấn đề thu gom, vận chuyển CTRSH. Tùy thuộc vào phương thức, kỹ thuật xử lý rác thải và việc có thực hiện phân loại rác hay không mà mỗi quốc gia đã lựa chọn được một hình thức thu gom, vận chuyển CTRSH cho riêng mình. Thực tế cho thấy, tại các nước phát triển, hệ thống này được đầu tư hiện đại và hoạt động hiệu quả hơn; tại các quốc gia đang phát triển thì việc thực hiện còn khá chồng chéo, phải phân chia và trải qua nhiều giai đoạn và hiệu quả không cao. Mặt khác, dù cho có tiến hành quy trình thu gom, vận chuyển theo cách thức nào thì nó đều tác động, gây ảnh hưởng đến khía cạnh môi trường. Các vấn đề như nước rỉ rác rò rỉ, rác thải rơi vãi trên đường vận chuyển, phát sinh mùi hôi, khí thải trong suốt quãng đường xe thu gom di chuyển rất cần được phản ánh trong cơ cấu chi phí chi trả cho dịch vụ này. Ngoài ra, đối với các hệ thống vận hành có điểm dừng là trạm trung chuyển để bố trí rác thải lên các phương tiện vận chuyển đường dài và chuyên chở khối lượng lớn cũng nên đưa các chí phí liên quan đến ô nhiễm môi trường tại các địa điểm này vào cơ cấu tính chi phí cho hoạt động trạm trung chuyển.

    Như vậy, các tác động đến môi trường phát sinh trong quá trình thu gom, vận chuyển CTRSH là đáng kể và hoàn toàn được xem xét để đưa vào chi phí là cơ sở để tính giá dịch vụ. Một số quốc gia như Mỹ, Ôxtrâylia, Inđônêxia như tìm hiểu ở trên đã đưa chi phí chi trả cho môi trường vào cơ cấu tính giá dưới dạng chi phí phi thị trường. Dựa trên phân tích có thể thấy, cơ cấu tính chi phí của hoạt động này bao gồm: các chi phí trực tiếp cố định và chi phí biến đổi. Công thức chung đó là:

C= C1+ C2+ C3 +Cu

Trong đó: C là chi phí dịch vụ quản lý chất thải rắn

C1 là chi phí thu gom,

C2 là chi phí trung chuyển

C3 là chi phí vận chuyển và

Cu: là chi phí biến đổi.

Trong đó:

    Chi phí thu gom là chi phí cho hoạt động thu gom chất thải từ nguồn phát thải tới khu vực trạm trung chuyển hoặc nhà máy xử lý. Chi phí này bao gồm các loại chi phí của trang thiết bị thu gom, xe đẩy, xe ô tô,... Ngoài ra, một yếu tố khác ảnh hưởng tới chi phí thu gom là tiền lương nhân công, chi phí trang thiết bị an toàn lao động như quần áo, mũ bảo vệ, gang tay,...

    Chi phí trung chuyển và vận chuyển là chi phí để xây dựng tạm thời các khu vực lưu giữ, các thùng đựng chất thải tại các điểm trung chuyển (TPs) và chi phí để duy trì hoạt động của các trạm trung chuyển và chi phí cho phương tiện vận chuyển, chi phí công lao động,... Qua nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước cho thấy, tại các nước phát triển chi phí vận chuyển được tính toán chi tiết với nhiều biến đầu vào hơn so với cùng nội dung tính toán này tại các nước đang phát triển.

    Chi phí biến đổi là các chi phí liên quan tới các tác động tới môi trường, vấn đề tai nạn giao thông, an toàn lao động. Tuy tỷ lệ của chi phí này trong tổng chi phí thu gom, vận chuyển chưa cao nhưng nó đã thể hiện được sự quan tâm của các nhà quản lý và phản ánh được phần nào những tác động đối với môi trường phát sinh trong quá trình này.

    Tại Việt Nam, quy trình thu gom, vận chuyển CTRSH với phương tiện vận chuyển còn khá thô sơ; các địa điểm tập kết rác có chức năng giống như trạm trung chuyển được bố trí chưa thật sự phù hợp và chưa được đầu tư xây dựng, gây ảnh hưởng đến người dân sinh sống khu vực xung quanh và tác động xấu đến môi trường tại địa điểm đó. Trong cơ cấu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH cũng chưa đề cập và phản ánh được các tác động tiêu cực phát sinh đối với môi trường. Do đó, việc cải tiến, thay đổi quy trình thu gom, vận chuyển và cơ cấu tính giá cho dịch vụ này là điều tất yếu. Một mặt, thay đổi để tăng hiệu quả thu gom, vận chuyển CTRSH, giúp giải quyết vấn đề tại các thành phố lớn. Mặt khác, việc thay đổi và bổ sung trong cơ cấu tính chi phí cho hoạt động này, trong đó có chi phí môi trường sẽ góp phần làm tăng sự trách nhiệm của đơn vị thực hiện dịch vụ thu gom, vận chuyển CTRSH trong thời gian tới.  

ThS. Hàn Trần Việt, ThS. Nguyễn Thị Trang

Viện Khoa học môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2021)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] United States Environment Protection Agency, (2002), Waste Transfer Stations: A Manual for Decision-Making.

[2] European Parliamentary Research Service, (2020), Towards a circular economy – Waste management in the EU.

[3] Mahasarakham University, Talat, Thailand, (2012), Solid Waste Management of Tha Khon Yang Municipality, Kantharawichai District, Maha Sarakham Province.

[4] World Bank, (2018), Indonesia Marine Debris Hotspot: Rapid Assessment Synthesis Report. Jakarta.

[5] Burhamtoro và cộng sự, (2013), Model of Municipal Solid Wastes Transportation Costs Type Dump Truck (Case Study at The Malang City, Indonesia).

[6] Sunil Kumar và cộng sự, (2017), Challenges and opportunities associated with waste management in India.

[7] BDA, (2009), The full cost of landfill disposal in Australia.

[8] Robert Repetto và cộng sự, (1992), green fees: How a Tax Shift Can Work for the Environment and the Economy.

[9] Cost Projections for Transfer, Haul, and Disposal of Municipal Solid Waste, 2014.

Ý kiến của bạn