29/12/2022
Tăng cường BVMT theo phương châm phòng ngừa là chính, kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường; loại bỏ các dự án gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là các quan điểm, mục tiêu quan trọng và xuyên suốt đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, một trong các nhiệm vụ cấp bách hiện nay là “đẩy mạnh quản trị môi trường trong các doanh nghiệp”. Bài viết nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan trong việc xây dựng, ban hành các quy định pháp luật cụ thể đối với nhân sự chuyên trách về BVMT trong các cơ sở sản xuất phát thải lớn; qua đó đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam nhằm góp phần giải quyết các vấn đề và thách thức mới phát sinh từ thực tiễn triển khai công tác BVMT tại các doanh nghiệp; đồng thời giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về BVMT tại Việt Nam.
Nhân sự chuyên trách BVMT của Đài Loan
Pháp luật về BVMT của Đài Loan được quy định tại nhiều đạo luật, trong đó, Luật BVMT được xem là “Luật khung”, quy định các vấn đề chung, khái quát, còn việc bảo vệ, quản lý bốn thành phần quan trọng của môi trường là nước, không khí, chất thải rắn và tiếng ồn được quy định trong các đạo luật mang tính chuyên sâu, bao gồm Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí (ban hành năm 1975, sửa đổi năm 2018), Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước (ban hành năm 1974, sửa đổi năm 2018), Luật Kiểm soát hóa chất độc hại (ban hành năm 1986, sửa đổi năm 2019).
Đặc biệt, Đài Loan đã tích hợp một số điều khoản về nhân sự chuyên trách BVMT đối với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước, Luật Kiểm soát hoá chất độc hại. Theo các quy định này, các doanh nghiệp phát thải quy mô lớn phải có trách nhiệm bố trí các nhân sự chuyên trách về phòng ngừa, kiểm soát và xử lý các chất ô nhiễm. Các nhân sự chuyên trách phải có bằng cấp chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền trung ương cấp và phải có chứng chỉ nghiệp vụ thông qua các khóa đào tạo, tập huấn phù hợp.
Đồng thời, Đài Loan đã ban hành một đạo luật chuyên biệt quy định chi tiết các điều khoản về nhân sự chuyên trách về BVMT trong các Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí, Luật Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước và Luật Kiểm soát các hóa chất độc hại. Theo đạo luật về Nhân sự chuyên trách về BVMT tại doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Luật Nhân sự BVMT), (được ban hành tháng 6/1995 và sửa đổi tháng 8/2016), nhân sự chuyên trách về BVMT được chia thành ba loại sau, bao gồm: (1) Nhân sự phụ trách kiểm soát ô nhiễm không khí; (2) Nhân sự phụ trách xử lý nước thải; (3) Nhân sự quản lý kỹ thuật về sản xuất, sử dụng, lưu giữ hoặc vận chuyển các hóa chất độc hại.
Các nhân sự phụ trách kiểm soát ô nhiễm không khí và nhân sự phụ trách xử lý nước thải được chia thành Cấp A và B; nhân sự quản lý kỹ thuật về sản xuất, sử dụng, lưu giữ hoặc vận chuyển các hóa chất độc hại được chia thành các Cấp A, B và C. Theo đó mỗi cấp có các tiêu chí cụ thể về năng lực, bao gồm yêu cầu về chuyên ngành, cơ sở đào tạo, kinh việc làm việc thực tế và đặc biệt là yêu cầu về việc tham gia và hoàn thành các khoá đào tạo được tổ chức bởi các cơ quan quản lý bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, một số tiêu chí về năng lực đối với nhân sự chuyên trách Cấp A cụ thể như sau: (i) Nhân sự có Chứng chỉ kỹ sư chính quy chuyên ngành kỹ thuật môi trường, kỹ thuật hóa học, kỹ thuật dân dụng, kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật thủy lực, an toàn công nghiệp. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định. Hoặc (ii) Nhân sự đã tốt nghiệp các khoa kỹ thuật hóa học, kỹ thuật dân dụng, kỹ thuật điện, kỹ thuật cơ khí, khoa học khí quyển, y tế công cộng, an toàn và sức khỏe công nghiệp/khai thác mỏ, hóa học, thủy lực hoặc các chuyên ngành có liên quan của trường đại học công lập hoặc đại học tư nhân; và có ít nhất một năm (1) kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực quản lý BVMT hoặc làm việc tại các hạng mục tương tự trong các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định. Hoặc (iii) Nhân sự được giới thiệu bởi các cơ sở công cộng hoặc tư nhân, các cơ sở có hệ thống thoát nước hoặc các cơ sở sản xuất, sử dụng và lưu trữ hóa chất độc hại, và có ít nhất ba năm kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực quản lý BVMT hoặc làm việc tại các hạng mục tương tự trong các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định.
Nhân sự chuyên trách Cấp B phải đáp ứng một trong các tiêu chí về năng lực như sau: (i) Nhân sự đã tốt nghiệp các ngành kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường, kiểm soát ô nhiễm công cộng hoặc các ngành có liên quan của trường đại học công lập hoặc đại học tư nhân trở lên. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định; (ii) Nhân sự đã tốt nghiệp kỹ sư tại các trường trung cấp công nông, ngư nghiệp thuộc khối công lập hoặc tư thục hoặc trường trung học phổ thông trở lên; và có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực quản lý bảo vệ môi trường hoặc làm việc tại các hạng mục tương tự trong các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định; (iii) Nhân sự đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp trở lên; và có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc thực tế trong lĩnh vực quản lý BVMT hoặc làm việc tại các hạng mục tương tự trong các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định.
Nhân sự chuyên trách Cấp C phải đáp ứng một trong các tiêu chí về năng lực như sau: (i) Nhân sự đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp trở lên thuộc khối công lập hoặc tư thục. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định; (ii) Nhân sự đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học cơ sở trở lên, có ít nhất hai năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực vận chuyển hóa chất, đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định; (iii) Nhân sự được giới thiệu bởi nhân sự phụ trách vận chuyển hóa chất độc hại, có ít nhất ba năm kinh nghiệm thực tế vận chuyển hóa chất, đồng thời có văn bản chứng minh. Nhân sự đã hoàn thành khóa đào tạo theo quy định; (iv) Nhân sự đáp ứng các tiêu chí năng lực của nhân sự cấp A hoặc cấp B đối với việc sản xuất, sử dụng và bảo quản hóa chất độc hại.
Bên cạnh đó, bộ phận chuyên trách về BVMT trong doanh nghiệp được phân thành 2 loại: (1) Bộ phận phụ trách về kiểm soát ô nhiễm không khí và (2) Bộ phận phụ trách về xử lý nước thải. Các bộ phận này phải bố trí tối thiểu số lượng nhân sự như sau: 1 nhân sự điều hành bộ phận. Nhân sự điều hành bộ phận phải có chứng chỉ nhân sự chuyên trách cấp A trong hạng mục tương ứng; tối thiểu 1 nhân sự chuyên trách cấp A; tối thiểu 1 nhân sự chuyên trách cấp B.
Đồng thời, theo Luật Nhân sự BVMT, các nhân sự chuyên trách các vấn đề môi trường tại doanh nghiệp cấp A, B hay C đều phải có nghĩa vụ tham gia và thi đỗ các khóa đào tạo phù hợp. Các khóa đào tạo theo quy định của Luật này thường được chia thành ba chủ đề, bao gồm kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý nước thải và quản lý hóa chất độc hại. Các khóa đào tạo được tổ chức riêng biệt; hoặc có thể được lồng ghép với nhau trong trường hợp cần thiết. Nội dung các khóa đào tạo do cơ quan có thẩm quyền ở trung ương quy định phù hợp với các quy định về trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc.
Một số bài học cho Việt Nam về nhân sự chuyên trách về BVMT
Việc ban hành các tiêu chí cụ thể về năng lực đối với nhân sự chuyên trách về BVMT tại các doanh nghiệp: Hiện nay, Luật BVMT năm 2020 đã quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải lớn bố trí nhân sự phụ trách về BVMT được đào tạo chuyên ngành môi trường hoặc lĩnh vực chuyên môn phù hợp; có hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001 được chứng nhận. Đồng thời, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật BVMT cũng đã quy định một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh chất thải lớn bố trí nhân sự phụ trách về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để triển khai thi hành hiệu quả các quy định này, cần nghiên cứu, quy định cụ thể một số nội dung về số lượng, lĩnh vực chuyên ngành và yêu cầu về năng lực đối với các nhân sự chuyên trách về BVMT tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh này. Theo đó, bộ phận chuyên môn về BVMT có thể bao gồm tối thiểu một (1) nhân sự điều hành bộ phận và ít nhất hai (2) nhân sự chuyên trách kiểm soát các loại hình ô nhiễm như kiểm soát ô nhiễm không khí, nhân sự kiểm soát ô nhiễm nước, kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn/độ rung, kiểm soát ô nhiễm dioxin, kiểm soát ô nhiễm các hóa chất độc hại. Các nhân sự chuyên trách về bảo vệ môi trường cần có bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với vị trí công tác, trong đó nhân sự tối thiểu có bằng đại học hoặc cao đẳng các ngành, chuyên ngành về môi trường, kỹ thuật môi trường, khoa học môi trường, kỹ thuật hóa học, khoa học khí quyển, an toàn và sức khỏe công nghiệp/khai thác mỏ, hóa học, thủy lực hoặc các ngành khác có liên quan. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định về kinh nghiệm công tác trong các lĩnh vực có liên quan của các nhân sự chuyên trách về BVMT như có tối thiểu một năm (1) kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan.
Xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo cho nhân sự chuyên trách về BVMT: Nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan cho thấy, để đảm bảo chất lượng nhân sự chuyên trách về BVMT tại doanh nghiệp, cần xây dựng hệ thống đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho các nhân sự này. Tại Việt Nam, theo Luật BVMT năm 2020, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ mới trong BVMT như tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn, xây dựng/báo cáo kiểm kê, lắp đặt/vận hành hệ thống quan trắc liên tục… Do vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp bố trí đội ngũ nhân sự có năng lực phù hợp đáp ứng thực hiện các nghĩa vụ đó. Đặc biệt là đối với các nội dung mang tính kỹ thuật như quan trắc, vận hành các hệ thống ngăn ngừa phát thải thì cần đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực cho nhân sự phụ trách BVMT của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiểu biết về pháp luật cũng vô cùng cần thiết nhằm triển khai thực thi các quy định pháp luật về BVMT một cách có hiệu quả.
Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có thể tổ chức hoặc chỉ định đơn vị có chức năng phù hợp xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho các nhân sự chuyên trách về BVMT tại các doanh nghiệp. Các khóa đào tạo được tổ chức theo từng chủ đề riêng biệt; hoặc có thể được lồng ghép trong trường hợp cần thiết. Nội dung các khóa đào tạo do cơ quan có thẩm quyền quy định; các chứng chỉ đào tạo được cấp bởi các tổ chức do cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận.
Luật BVMT năm 2020 đã xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp BVMT. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay. Do đó, các nội dung về nhân sự chuyên trách về BVMT tại doanh nghiệp cần được các doanh nghiệp thực hiện nhằm đảm bảo tính thực thi, trong việc thực hiện hoạt động BVMT của doanh nghiệp đồng thời lồng ghép vai trò của doanh nghiệp trong phát triển bền vững của quốc gia.
Phạm Ánh Huyền, Nguyễn Ngọc Phát
Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2022)
Tài liệu tham khảo
1. Water Pollution Control Act.Retrieved at November 2022 https://www.fao.org/faolex/results/details/en/c/LEX-FAOC040421
2. Toxic and Concerned Chemical Substances Control Act.
Retrieved at November 2022
https://www.fao.org/faolex/results/details/en/c/LEX-FAOC164027
3. Air Pollution Prevention and Control Act.
Retrieved at November 2022
https://www.fao.org/faolex/results/details/en/c/LEX-FAOC164159
4. Employment Management Regulations of Environmental Dedicated Units or Personnel.Retrieved at November 2022 https://law.moj.gov.tw/ENG/LawClass/LawAll.aspx?pcode=O0100004