16/05/2023
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), các quốc gia đang phát triển ở châu Á trước đây từng là nơi sản sinh ra khí các bon (CO2) tương đối thấp, nhưng hiện tại khu vực này lại chiếm hơn một nửa lượng khí thải trên toàn cầu. Các hoạt động giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực thường tạo ra nhiều loại khí thải hơn. Vì vậy bài toán được đặt ra là phải duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn đáp ứng các mục tiêu phát thải bằng 0 trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Việc người dân các quốc gia này tập trung tại một số khu vực ven biển có vùng trũng thấp để sinh sống và làm việc đã khiến những nơi này trở nên “dễ bị tổn thương” trước ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng cao, triều cường, lũ lụt và sụt lún đất… 1/3 việc làm của lao động trong khu vực thuộc các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm năng suất và chất lượng sản phẩm do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cao cũng sẽ gây tác động tiêu cực đến ngành du lịch, thắt chặt nguồn cung cấp năng lượng, giảm năng suất lao động và gia tăng khả năng lây lan của dịch bệnh.
Các chính sách cần thiết để tránh những rủi ro trên như khuyến khích quốc gia tối ưu hoá việc sử dụng năng lượng, khử CO2 trong các hoạt động công nghiệp hay mở rộng diện tích rừng, đất để trồng cây lấy năng lượng sinh học đều sẽ làm tăng giá lương thực và năng lượng. Nhưng các chính sách có tính hiệu quả như đánh thuế CO2 có thể hạn chế mức chi phí phải bỏ ra, được ước chừng tương đương với một năm tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ này, ngân hàng ADB nhận định.
Những thay đổi nhằm hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm khoảng 346.000 số ca tử vong sớm hàng năm trong khu vực vào năm 2030. Đồng thời tạo ra 2,9 triệu việc làm trong các ngành năng lượng mặt trời và năng lượng điện gió vào năm 2050. Con số việc làm được tạo ra từ nhóm ngành năng lượng tái tạo đủ để bù đắp 1,4 triệu việc làm bị mất đi khi loại bỏ năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
Theo ADB, thay vì đợi đến năm 2030 - Năm mục tiêu cho các mục tiêu trung hòa khí hậu trong trung hạn của nhiều quốc gia, việc áp dụng các biện pháp cắt giảm khí CO2 ngay từ thời điểm này có thể giúp tiết kiệm 10 - 20% chi phí cần bỏ ra cho mục tiêu phát thải bằng 0. Chi phí cũng có thể được hạ xuống đáng kể hơn nếu có sự phối hợp của cộng đồng quốc tế và các cơ chế thị trường như trao đổi CO2. Tuy nhiên việc trao đổi này cần dựa vào tính chất khác nhau của mỗi quốc gia.
Điển hình như Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia có lượng khí thải CO2 ra ngoài môi trường cao nhất trong khu vực, nguyên nhân chủ yếu là do sự phát triển mạnh của ngành năng lượng, nhưng chi phí chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo ở Ấn Độ lại thấp hơn so với Trung Quốc. Dù vậy, nếu thực hiện quá trình chuyển đổi, chất lượng không khí ở cả hai nước đều sẽ được cải thiện. Xét về các ảnh hưởng từ khí hậu, Ấn Độ có lẽ sẽ được hưởng nhiều lợi ích hơn vì quốc gia có dân số đông nhất thế giới nằm ở vị trí thường dễ chịu nhiều “tổn thương” từ khí hậu hơn là Trung Quốc.
Phương Linh