Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

CropLife Châu Á hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc về các chính sách Thực phẩm và Nông nghiệp

12/07/2022

    Đầu tháng 7 vừa qua, với việc Liên hợp quốc (The United Nations - UN) công bố báo cáo về “An ninh Lương thực và Dinh dưỡng trên Thế giới” (SOFI) năm 2022, Tổ chức CropLife Châu Á đã nhân cơ hội này, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác và hợp tác ở cấp độ khu vực giữa tất cả các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm nhằm thúc đẩy những chính sách giúp tất cả mọi người dễ dàng tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng.

    Theo Báo cáo SOFI 2022, thách thức trong việc nuôi sống thế giới hiện đang trở nên trầm trọng hơn bao giờ hết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và các xung đột từ cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Các tác động này đã dẫn đến hệ luỵ đáng kể lên nguồn cung lương thực toàn cầu, cũng như làm ảnh hưởng đến tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng tại nhiều quốc gia một cách trực tiếp lẫn gián tiếp.

    Trong Báo cáo, ước tính trong năm 2021, đã có từ 702 đến 828 triệu người bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Nạn đói tiếp tục gia tăng ở các khu vực như châu Phi, châu Á, Mỹ Latinh và Caribe, trong đó Châu Á có số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói lớn nhất thế giới với 425 triệu người.1 Tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng tăng từ 9,3% vào năm 2020 lên 9,8% vào năm 2021.2 Báo cáo cũng ước tính rằng, gần 3,1 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 20203, trong đó gần hai tỷ người đến từ khu vực châu Á.

Bảng: Năm 2020 có hơn 3 tỉ người trên thế giới không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh,

trong đó gần 2 tỉ người trong khu vực Châu Á (Nguồn: FAO)

    TS. Tan Siang Hee, Giám đốc Điều hành CropLife Châu Á cho biết: “Các số liệu mới nhất từ Báo cáo SOFI năm 2022 của Liên hợp quốc như một hồi chuông cảnh tỉnh rằng có quá nhiều người ở Châu Á và trên thế giới phải đối mặt với nạn đói, suy dinh dưỡng và mất an ninh lương thực mỗi ngày”. Ông chia sẻ thêm: “Các bên liên quan trong hệ thống thực phẩm và tất cả chúng ta cần phải có trách nhiệm đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận với nguồn cung thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng. CropLife Châu Á và các công ty thành viên tiếp tục cam kết vai trò của mình trong việc theo đuổi mục tiêu vô cùng quan trọng này”.

    “Những tiến bộ khoa học thực vật, bao gồm các sản phẩm bảo vệ cây trồng và công nghệ sinh học thực vật đang ngày càng cho thấy vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh lương thực ở châu Á và trên toàn cầu. Quan hệ đối tác và hoạt động của chúng tôi với các chính phủ trong khu vực nhằm đảm bảo các khuôn khổ quy định pháp lý đang được áp dụng hiệu quả để đưa những công nghệ này đến với nông dân là điều quan trọng hơn bao giờ hết.” – ông cho biết thêm.

    Trong số các công nghệ đột phá giúp cải thiện dinh dưỡng trong thực phẩm, PBI (Plant Breeding Innovation) - “Cải tiến chọn tạo giống cây trồng” là một ví dụ điển hình. PBI là thuật ngữ được sử dụng để mô tả những ý tưởng và giải pháp luôn không ngừng phát triển nhằm nâng cao chất lượng của quá trình chọn tạo giống cây trồng.4 Công nghệ này cũng là một trong những con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để cải thiện sức khỏe toàn cầu khi có thể cải thiện chế độ dinh dưỡng tốt hơn cho tất cả chúng ta. Cụ thể, công nghệ chỉnh sửa gen cho phép các nhà chọn tạo giống làm việc ngay trong chính hệ gen sẵn có của mỗi loại cây trồng, thử nghiệm và cho ra hiệu quả tương đương với phương pháp lai tạo giống truyền thống - nhưng với độ chính xác và hiệu quả cao hơn.5

    Việc mở rộng các biện pháp can thiệp dinh dưỡng đã được chứng minh, như những công nghệ cải tiến trong chọn tạo giống cây trồng để cải thiện hàm lượng dinh dưỡng, có thể làm giảm hơn một triệu ca tử vong ở trẻ em mỗi năm. Các loại cây trồng như Gạo vàng được tăng cường Vitamin A có thể bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi bệnh mù lòa do thiếu Vitamin A. Cây trồng được lai tạo để cải thiện hàm lượng dầu bao gồm axit béo Omega-3 có thể có tác dụng tích cực và tốt cho bệnh tim mạch.

    Ngoài ra, việc sử dụng có trách nhiệm các sản phẩm bảo vệ thực vật giúp nông dân sản xuất được nhiều thực phẩm với diện tích đất canh tác ít hơn bằng cách bảo vệ cây trồng khỏi sự tấn công của sâu bệnh, cỏ dại và dịch bệnh cây đồng thời nâng cao năng suất canh tác. Do đó, sự sẵn có của nguồn thực phẩm an toàn, bổ dưỡng với giá cả phải chăng phụ thuộc vào khả năng tiếp cận của nông dân với các sản phẩm bảo vệ thực vật quan trọng này.

Một số thông điệp quan trọng trong Báo cáo SOFI 2022

  • Mặc dù được kỳ vọng rằng thế giới sẽ thoát khỏi đại dịch COVID-19 vào năm 2021 và an ninh lương thực sẽ bắt đầu được cải thiện, tuy nhiên trên thực tế nạn đói trên thế giới vẫn tăng thêm vào năm 2021. Sự gia tăng nạn đói trên toàn cầu vào năm 2021 phản ánh sự bất bình đẳng ngày càng trầm trọng giữa và trong các quốc gia do mô hình bất cân bằng về sự phục hồi kinh tế giữa các quốc gia và thiệt hại về thu nhập chưa được bù đắp trong số những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19.

  • Tỷ lệ suy dinh dưỡng (PoU) đã tăng từ 8.0% vào năm 2019 lên 9.3% trong năm 2020 và tăng với tốc độ chậm hơn vào năm 2021 với 9.8%, mặc dù chỉ số này gần như giữ nguyên không thay đổi trong khoảng thời gian trước đó tính từ năm 2015. Năm 2021 số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào khoảng 702 đến 828 triệu người. Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên thế giới đã tăng thêm 150 triệu người kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, cụ thể là gia tăng 103 triệu người từ năm 2019 đến năm 2020 và tăng thêm 46 triệu người nữa tính đến năm 2021.

  • Dự báo có gần 670 triệu người sẽ vẫn phải đối mặt với nạn đói vào năm 2030 -  chiếm 8% dân số thế giới. Tỉ lệ này tương đương với năm 2015 khi Chương trình Nghị sự 2030 được đưa ra.

  • Sau khi tăng mạnh vào năm 2020, tỷ lệ mất an ninh lương thực ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng trên toàn cầu hầu như không thay đổi vào năm 2021, nhưng tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng cao hơn, phản ánh tình hình tồi tệ của người dân vốn đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. Năm 2021, khoảng 2.3 tỷ người trên thế giới bị mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng và 11.7% dân số toàn cầu phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng.

  • Năm 2020 trên toàn cầu ước tính có 22% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, 6.7% bị gầy còm và 5.7% ở tình trạng thừa cân. Trẻ em ở các vùng nông thôn và các hộ gia đình nghèo hơn, có mẹ không được giáo dục chính quy, dễ bị thấp còi và gầy còm hơn. Trẻ em ở khu vực thành thị và trong các hộ gia đình giàu có có nguy cơ bị thừa cân cao hơn.

  • Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đã đạt được nhiều tiến bộ ổn định, với 43.8% trẻ dưới sáu tháng tuổi được bú mẹ hoàn toàn trên toàn thế giới vào năm 2020, so với tỉ lệ 37.1% năm 2012, nhưng vẫn cần phải tăng tốc độ cải thiện để đạt được mục tiêu năm 2030. Trẻ sơ sinh sống ở các vùng nông thôn, trong các hộ gia đình nghèo hơn, là bé gái và có mẹ không được giáo dục chính quy có nhiều khả năng được bú sữa mẹ hơn.

  • Năm 2019, gần một phần ba phụ nữ trên toàn cầu trong độ tuổi từ 15 đến 49 tuổi (571 triệu người) bị ảnh hưởng bởi thiếu máu, con số này không có tiến triển gì kể từ năm 2012. Thiếu máu ảnh hưởng đến nhiều phụ nữ ở nông thôn hơn, trong các hộ gia đình nghèo hơn và những người không được giáo dục chính quy.

  • Năm 2020 có gần 3.1 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. So với năm 2019, con số này cao hơn 112 triệu người, phản ánh tình trạng lạm phát giá thực phẩm tiêu dùng. Điều này xuất phát từ tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 và các biện pháp được đưa ra để ngăn chặn đại dịch.

  • Khi tái thiết các nỗ lực cộng đồng nhằm hạ giá thành của chế độ ăn lành mạnh, các nhà hoạch định chính sách cần tránh những đánh đổi bất bình đẳng tiềm ẩn có thể xuất hiện nếu nông dân không có khả năng chuyên môn hóa sản xuất thực phẩm bổ dưỡng do hạn chế về nguồn lực. Để tránh đánh đổi về phát thải khí nhà kính (GHG), các công nghệ có cường độ phát thải thấp phải được áp dụng để sản xuất các loại thực phẩm bổ dưỡng, và việc sản xuất quá mức và tiêu thụ quá mức các mặt hàng có mức phát thải cao cần phải được giảm bớt ở các nước có mức thu nhập cao và trung bình cao phù hợp với các hướng dẫn về chế độ ăn uống.

  • Sự thành công của các nỗ lực tái thiết cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chính trị và xã hội, chính phủ, (mất) cân bằng quyền lực, và sự khác biệt về lợi ích, ý tưởng và ảnh hưởng của các bên liên quan. Với bối cảnh đa dạng của mỗi quốc gia, các nỗ lực tái thiết sẽ cần các thể chế mạnh mẽ ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu, cũng như thu hút và khuyến khích các bên liên quan từ khu vực công, khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế.

Phạm Văn Ngọc

 

Ý kiến của bạn