06/09/2023
Phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi về khí hậu diễn ra ngày 5/9/2023 tại thủ đô Nairobi (Kenya), ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về bến đổi Khí hậu (COP28) cho rằng thế giới đang không đạt được mục tiêu về chống biến đổi khí hậu vào đúng thời điểm cần thiết như mong đợi. Đánh giá này được đưa ra 3 ngày trước khi Liên hợp quốc công bố bản đánh giá đầu tiên về tiến độ thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu của các nước trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, châu Phi đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, song lục địa này chỉ nhận được khoảng 12% ngân sách cần thiết để đối phó với các thiên tai. Do đó, ông Al Jaber kêu gọi cần có sự thay đổi trong cơ cấu hỗ trợ tài chính toàn cầu trong kỷ nguyên mới. Tại hội nghị, ông Al Jaber cũng thông báo Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã cam kết đầu tư 4,5 tỷ USD nhằm đến năm 2030, có thể tạo ra 15 GW năng lượng sạch tại châu Phi. Khoản tiền này sẽ là chất xúc tác giúp huy động thêm ít nhất 12,5 tỷ USD từ các nguồn tư nhân, công và các tổ chức đa phương.
Ông Sultan Al Jaber - Chủ tịch COP28
Trước đó, ngày 28/7/2023, tại Hội nghị cấp Bộ trưởng về môi trường và khí hậu bền vững G20, diễn ra tại Chennai (Ấn Độ), ông Sultan Al Jaber đã kêu gọi nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo ông Al Jaber, các nền kinh tế G20 chiếm tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, các quyết định của nhóm có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả nói chung. Vì vậy, ông kêu gọi các quốc gia G20 thúc đẩy hành động để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C.Đồng thời, tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử các bon toàn diện hệ thống năng lượng và xây dựng một hệ thống không sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Ông Al Jaber cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến bộ về khả năng thích ứng, một phần quan trọng của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, nhắc lại sự cần thiết phải chú trọng tới các khoản chi hỗ trợ cho việc thích ứng, vốn hiện chỉ chiếm khoảng 10% trong số tiền được phân bổ cho các chương trình làm chậm lại tốc độ biến đổi khí hậu.
Trần Hương