14/05/2021
Trong số 100 thành phố trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do các hiểm họa về môi trường, có tới 99 thành phố thuộc châu Á, trong đó 80% nằm ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc. Đây là kết luận được đưa ra tại một báo cáo do Cng ty Tư vấn chiến lược và rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft (Anh) công bố ngày 12/5/2021. Thủ đô Lima của Peru là thành phố duy nhất không thuộc châu Á có tên trong danh sách này.
Không khí ở thủ đô Jakarta của Indonesia bị ô nhiễm nặng
Theo Hãng tin AFP, báo cáo đánh giá những nguy cơ liên quan tới môi trường và khí hậu của 576 thành phố lớn nhất thế giới cho thấy, hơn 400 thành phố lớn với tổng dân số khoảng 1,5 tỉ người đang đối mặt với “nguy cơ cao” hoặc “rất nghiêm trọng” do các vấn đề môi trường như ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước sạch, các đợt nóng gây chết người, thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, 99/100 thành phố có nguy cơ về môi trường và khí hậu cao nhất thế giới nằm ở châu Á. Trong đó, thủ đô Jakarta của Indonesia đứng đầu danh sách trong bối cảnh đô thị này phải đối mặt với ô nhiễm, lũ lụt, các đợt nóng và những điều tồi tệ hơn có thể sắp xảy ra. Các vị trí tiếp theo của lần lượt là thủ đô New Delhi và thành phố Chennai (Ấn Độ) và thành phố Surabaya (Indonesia). Ấn Độ cũng được coi là quốc gia phải đối mặt với nhiều khó khăn nhất trong thời gian tới.
Nếu chỉ xét riêng về chỉ số ô nhiễm không khí - nguyên nhân khiến khoảng 7 triệu người trên thế giới tử vong sớm mỗi năm, trong đó Ấn Độ chiếm tới 1 triệu ca, toàn bộ 20 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới trong số các đô thị có ít nhất 1 triệu dân đều thuộc Ấn Độ. Thủ đô New Delhi ở vị trí đầu bảng trong danh sách này.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với Trung Quốc khi quốc gia này có tới 35/50 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ô nhiễm nguồn nước.
Phương Tâm