WWF phát hành báo cáo Hành tinh sống 2014
15/09/2015
Báo cáo Hành tinh sống 2014 của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cho thấy, châu Á đang nỗ lực thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên trong bối cảnh ĐDSH toàn cầu bị suy giảm. Theo Báo cáo, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm ĐDSH của toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn.
Theo Báo cáo, dấu chân sinh thái (DCST) - chỉ số về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên tiếp tục tăng cao, cùng với suy giảm ĐDSH, đe dọa đến các hệ thống tự nhiên cũng như sự sống của loài người. Những mối đe dọa toàn cầu lớn nhất được ghi nhận đối với ĐDSH đó là suy thoái và mất sinh cảnh, đánh bắt thuỷ sản thiếu bền vững, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Hiện tại, nhu cầu của con người đã vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo.
Báo cáo nhấn mạnh, việc gỡ bỏ mối quan hệ giữa DCST và phát triển là ưu tiên hàng đầu của thế giới, đồng thời đưa ra một số ví dụ điển hình về giảm DCST và phục hồi ĐDSH tại châu Á như Thượng Hải (Trung Quốc); Seoul (Hàn Quốc) và Sendai (Nhật Bản)…
Báo cáo nêu rõ, châu Á và mọi nơi trên thế giới đều có thể duy trì DCST ở mức không vượt quá khả năng tái tạo của Trái đất. Vì vậy, thế giới cần có những hành động mạnh mẽ để xây dựng một tương lai bền vững.
Theo vacne