Trồng rau bằng khí canh ở Mỹ
15/09/2015
Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Aero Farms (Mỹ), David Rosenberg cho biết: "Chúng tôi sử dụng hạt giống không biến đổi gene. Cây sinh trưởng mà không cần phun bất kỳ loại thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay diệt nấm nào. Kết quả là rau ngon hơn, khỏe mạnh hơn, thậm chí là thời gian canh tác ngắn hơn cách trồng rau ngoài trời truyền thống; đồng thời dễ dàng kiểm soát được mọi yếu tố ảnh hưởng tới sinh trưởng ".
Hiện, Công ty đang xây dựng một nông trại tại thành phố Newark (Mỹ), dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay, và nông trại này sẽ trở thành nơi trồng rau sử dụng công nghệ khí canh lớn nhất thế giới, với tổng diện tích 69.000 m2 và số vốn đầu tư lên tới 39 triệu USD
Đồng sáng lập Aero Farms, Marc Oshima cho biết "Chúng tôi đang cố gắng thay đổi triệt để cách tiếp cận nông nghiệp. Đó và việc mang thực phẩm đến tận nơi tiêu dùng." Trước đây, hầu hết cây rau lá được trồng ở khu vực Arizona hoặc Salinas, bang California, nơi có khí hậu ấm áp. Tuy nhiên, với công nghệ này, thì có thể xây dựng nông trại ngay thành thị, giúp tiết kiệm thời gian vận chuyển rau ra thị trường, đồng thời cắt giảm năng lượng dùng trong vận chuyển.
Rau trồng bằng công nghệ khí canh
Công ty này dự định phát triển lên 25 trang trại trong vòng 5 năm tới, và đang tìm cơ hội xâm nhập thị trường Anh. Họ cho biết, công nghệ này giúp tiết kiệm 95% nước so với trồng rau truyền thống trên cánh đồng, và tăng năng suất rau chân vịt lên 70 vụ/năm so với cách cũ.
Giám đốc điều hành tập đoàn đầu tư Urban thuộc Goldman Sachs, Margaret Anadu nhấn mạnh: "Sáng kiến canh tác kiểu nông trại thẳng đứng của Aero Farms sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế địa phương, thúc đẩy người dân sử dụng thực phẩm sạch, và hỗ trợ môi trường phát triển bền vững. Quan trọng hơn, dự án này còn tạo ra việc làm chất lượng cao cho người dân địa phương."
Theo kênh CCTV, hơn 50% dân số trong tương lai sẽ sống ở khu vực đô thị. Do đó, nông trại thẳng đứng trồng rau sạch hứa hẹn trở thành phương pháp canh tác chính trong tương lai, sử dụng không gian để trồng trọt, thay vì đất như truyền thống.
Nam Hưng