Tình hình sản xuất, tiêu thụ amiăng và các bệnh liên quan tới amiăng
15/09/2015
Amiăng nằm trong danh mục chất thải nguy hại và danh mục các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh lao động. Amiăng gồm 2 nhóm là Serpentine và Amphibole. Nhóm Serpentine: Chrysotile (amiăng trắng) có dạng xoắn và cũng là loại sợi amiăng duy nhất còn tiêu thụ thương mại trên thị trường hiện nay. Nhóm Amphibole gồm: Actinolite, amosite (amiăng nâu), Crocidolite (amiăng xanh), tremolite, anthophylite, có cấu tạo dạng thẳng, hình kim, gọi chung là amiăng màu đã bị cấm sử dụng ở nhiều nước trên thế giới và không còn lưu thông trên thị trường từ cách đây 20 năm.
Hiện có khoảng trên 3.000 sản phẩm có chứa amiăng, được sử dụng cho công nghiệp xây dựng, cách nhiệt, cách điện, cách âm, má phanh, đóng tàu thủy... Amiăng còn được sử dụng trong công nghệ quốc phòng, du hành vũ trụ, nhà máy điện hạt nhân. Trên thế giới, amiăng được sản xuất với sản lượng khoảng 2 triệu tấn/năm. Bốn nước sản xuất amiăng hàng đầu thế giới là: Nga, Trung Quốc, Braxin và Kazakhstan. Từ năm 2010 đến nay, 4 nước này sản xuất amiăng chiếm từ 94% đến 99% tổng sản lượng của thế giới. Năm 2011, châu Á và Trung Đông tiêu thụ 85% lượng amiăng toàn cầu; Nam Mỹ chiếm 10,6%, châu Âu chiếm 3,9%; châu Phi và Trung Bắc Mỹ gần như không sử dụng. Hiện nay đã có 54 nước đã cấm sử dụng và chỉ còn 35 nước sử dụng amiăng trắng.
Tất cả các loại amiăng, kể cả amiăng trắng (chrysotile) được khẳng định là có hại cho sức khỏe. Sau 40 năm nghiên cứu, từ năm 1973, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có đủ bằng chứng trên người và thực nghiệm để xếp tất cả các loại amiăng vào nhóm 1 là các chất gây ung thư ở người. Các bằng chứng là rõ ràng và tiếp tục được tích lũy, cập nhật. Tạp chí chuyên đề số 100C của IARC năm 2012 đã kết luận sau khi rà soát hàng trăm nghiên cứu đã được đăng trên các tạp chí quốc tế "Mặc dù có sự khác biệt về mức độ độc hại trong các nghiên cứu của nhiều tác giả được công bố, nhưng kết luận chung là tất cả các loại amiăng, bao gồm cả amiăng trắng, đều gây ung thư" và "không có ngưỡng an toàn cho các chất gây ung thư". Các nước Mỹ, Đức, Ôxtrâylia, Liên minh châu Âu đều khẳng định tất cả các loại amiăng bao gồm cả amiăng trắng là chất gây ung thư ở người.
Amiăng xâm nhập vào cơ thể và gây hại chủ yếu qua đường hô hấp, khi người lao động và người sử dụng hít phải bụi hô hấp có chứa bụi amiăng phát tán trong môi trường. Các công việc phát sinh bụi chủ yếu trong quy trình sản xuất (xé bao, nghiền, trộn, khoan, nổ mìn…) hay trong sử dụng tại cộng đồng khi người dân khoan, cắt, phá dỡ đập các tấm lợp, vật liệu có chứa amiăng, sử dụng các vật liệu amiăng để làm đường, đổ làm móng nhà…
Amiăng gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe con người
Tác hại của amiăng đến sức khỏe người lao động và cộng đồng được biết đến là gây bệnh bụi phổi-amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô ác tính (màng phổi, màng bụng, màng tim), mảng màng phổi, tràn dịch và dày màng phổi, ung thư thực quản, buồng trứng. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi người lao động nghỉ hưu mới mắc bệnh.
Amiăng là chất gây ung thư nghề nghiệp quan trọng nhất ước tính gây ra 1/2 số ca tử vong do ung thư nghề nghiệp trên thế giới. Gánh nặng bệnh tật toàn cầu do amiăng là mỗi năm có hơn 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người phải sống với khuyết tật. Số người chết do ung thư phổi là 41.000 người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính là 59.000 người. Amiăng là nguyên nhân của 80% các trường hợp bị ung thư trung biểu mô ác tính ở người. Số người chết do ung thư trung biểu mô ác tính ngày càng gia tăng ở các nước phát triển đã sử dụng nhiều amiăng trong quá khứ.
Như vậy, biện pháp hiệu quả nhất để loại bỏ các bệnh do amiăng cho tương lai là cấm toàn bộ các loại amiăng ngay từ bây giờ. Bởi việc xử lý chất thải amiăng là rất tốn kém và khó thực hiện một cách an toàn. Có thể thấy rõ là chi phí loại bỏ amiăng bao gồm việc loại bỏ tiếp xúc với amiăng, loại bỏ amiăng; tăng cường giám sát y tế. Theo ước tính của WHO, riêng chi phí ở Tây Âu và Mỹ là khoảng 280 tỷ USD.
Đưa amiăng trắng vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam
Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận được thông báo trước đối với các hóa chất độc hại và thuốc bảo vệ thực vật trong thương mại quốc tế (Công ước Rotterdam) là một Công ước đa phương nhằm thúc đẩy chia sẻ trách nhiệm liên quan đến nhập khẩu hóa chất độc hại. Công ước thúc đẩy trao đổi cởi mở thông tin và kêu gọi các nhà xuất khẩu hóa chất độc hại sử dụng biện pháp dán nhãn thích hợp, bao gồm hướng dẫn về xử lý an toàn và thông báo cho người mua về bất kỳ hạn chế hay biện pháp cấm được biết đến.
Một trong những chất được quy định trong Công ước là các loại amiăng: actinolite, anthophyllite, amiăng nâu, amiăng xanh và tremolite. Bốn lần nỗ lực của Công ước Rotterdam nhằm đưa amiăng trắng vào danh sách được đồng thuận thông báo trước của Công ước đã không thành công vì sự vận động hành lang và hành động phản đối của các nước Nga và Ấn Độ.
Tính đến tháng 9/2013, Công ước Rotterdam đã có 154 thành viên, trong đó bao gồm 153 quốc gia và Liên minh châu Âu. Tháng 12/2012, Ban Đánh giá Hóa học của Công ước Rotterdam quyết định đề nghị Hội nghị các quốc gia thành viên họp vào tháng 4/2013 xem xét đưa danh sách các hóa chất, trong đó có một loại chất độc hại vào Phụ lục III của Công ước là amiăng trắng. Trong số 143 quốc gia tham dự Hội nghị, có 7 quốc gia là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ukraina, Zimbabwe, Ấn Độ và Việt Nam đã phản đối danh sách này. Hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận do đó amiăng trắng không được đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam.
Trước những tác hại nghiêm trọng của amiăng đối với sức khỏe con người, WHO và ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) khuyến cáo cấm toàn bộ các loại amiăng như biện pháp hiệu quả nhất nhằm loại trừ bệnh tật liên quan tới amiăng với các lý do:
Các bằng chứng tiếp tục cho thấy, các quốc gia đang gánh chịu bệnh tật liên quan tới amiăng tỉ lệ thuận với việc tiêu thụ amiăng của quốc gia đó. Điều này một lần nữa khẳng định rằng, gánh nặng bệnh tật liên quan tới amiăng tại các quốc gia (đang phát triển) là bắt nguồn từ sự phục thuộc quá lớn vào amiăng trong những thập niên trước đó, bất chấp mọi nỗ lực để đảm bảo "sử dụng an toàn" amiăng.
Lập luận kinh tế về "chi phí thấp" của các sản phẩm chứa amiăng thường được viện dẫn như là lý do để tiếp tục sử dụng amiăng, đặc biệt là trong việc cung cấp các tấm lợp giá rẻ cho người nghèo. Tuy nhiên, yếu tố "giá rẻ" cần phải được cân nhắc trong mối tương quan với những chi phí bồi thường cho các công nhân làm việc trong ngành công nghiệp amiăng do mắc các bệnh liên quan tới amiăng. Bên cạnh đó, cũng phải tính đến những khoản chi phí cho rất nhiều người, đặc biệt là những người nghèo đang phải sống trong những căn nhà sử dụng các tấm lợp độc hại. Những chi phí cho việc dỡ bỏ các vật liệu có chứa amiăng được chứng minh là rất lớn, là nguyên nhân trì hoãn việc cấm amiăng ở nhiều quốc gia.
An ninh xã hội là một lý do khác cho việc áp dụng lệnh cấm hoàn toàn amiăng. Kinh nghiệm tại các quốc gia phát triển cho thấy, nhiều vụ náo động và các vụ kiện cá nhân chống lại Chính phủ do Chính phủ không bảo vệ sức khỏe cộng đồng chấp thuận việc tiếp tục sử dụng amiăng.
Đã có những vật liệu thay thế amiăng được sản xuất ở quy mô công nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Công nghệ sản xuất các tấm lợp không amiăng được phát triển tại Việt Nam là một cơ hội cho giải quyết việc làm tại địa phương và cơ hội để Việt Nam xác lập vị trí trong ngành công nghiệp xanh tại khu vực. Tăng cường việc sản xuất các sản phẩm này cũng sẽ làm giảm giá của các tấm lợp không amiăng bao gồm cả việc phục vụ cho những người nghèo. Cần phải hành động kịp thời để ngăn chặn việc tiếp tục sử dụng amiăng làm vật liệu xây dựng và cấm hoàn toàn tất cả các loại amiăng để bảo vệ cuộc sống, hỗ trợ phát tăng trưởng kinh tế bền vững và đảm bảo sự ổn định xã hội của Việt Nam.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 8/2014