Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Singapo, Seoul, Hồng Kông là các thành phố bền vững nhất châu Á

15/09/2015

   Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Thương mại Anh thì Singapo, Seoul (Hàn Quốc) và Hồng Kông nằm trong top 10 thành phố (TP) bền vững về kinh tế và môi trường trên thế giới. Các TP lần lượt đứng ở vị trí thứ 10, 7 và 8, căn cứ theo các tiêu chí bền vững được đưa ra bởi Hà Lan và Công ty tư vấn kỹ thuật hàng đầu thế giới - Arcadis. Các tiêu chí đều hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gồm: con người, hành tinh và lợi ích.    Trong đó, tiêu chí “con người” gắn với quyền lợi của người lao động, cộng đồng và khu vực; Tiêu chí “hành tinh” căn cứ vào mức tiêu thụ năng lượng của TP, tỷ lệ tái chế, ô nhiễm không khí, nước và vệ sinh môi trường; Tiêu chí “lợi ích” được đánh giá dựa trên mức độ kinh doanh thuận lợi, tầm quan trọng trong mạng lưới kinh tế toàn cầu, tài sản và phí sinh hoạt.    Nhiều TP của châu Âu đứng đầu trong top 50 TP thực hiện tốt cả 3 tiêu chí trên. Trong đó, Frankfurt của Đức ở vị trí số 1, Luân Đôn của Anh ở vị trí số 2 và Copenhagen của Đan Mạch ở vị trí số 3. Các TP của Hà Lan gồm Amsterdam và Rotterdam, Berlin của Đức và Thủ đô Marid của Tây Ban Nha cũng nằm trong top 10.    Giám đốc điều hành Công ty Arcadis tại Singapo, Eugene Seah giải thích rằng, cách tiếp cận 3 tiêu chí trên giúp việc đánh giá tập trung mấu chốt vào một loạt các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường, là một trong những phương pháp tốt nhất để xác định chính xác vị trí của 1 TP trong Bảng xếp hạng toàn cầu. Ông nhấn mạnh, “tiêu chí này có thể giúp các nhà lãnh đạo xác định được lĩnh vực mà TP mình chiếm ưu thế để ưu tiên phát triển và tham khảo kinh nghiệm từ những TP có thứ hạng cao hơn”.    Là TP châu Á duy nhất nằm trong top 10 thế giới về tiêu chí “hành tinh”, Singapo được công nhận nhờ những nỗ lực trong việc duy trì, phát triển hệ thống đô thị xanh. Thông qua mục tiêu chiến lược quốc gia của Bộ Xây dựng Singapo, 80% tòa nhà sẽ được chứng nhận bền vững vào năm 2030.    Singapo cũng đứng thứ 8 về tiêu chí “lợi ích”, sau Hồng Kông và Seoul (Hàn Quốc), trở thành trung tâm tài chính toàn cầu và là trụ sở chính của rất nhiều công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, Singapo có thể đạt được thứ hạng cao hơn nếu sử dụng hiệu quả năng lượng, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Ông Eugene Seah cũng nhấn mạnh, Singapo có được kết quả như vậy là nhờ vào tư duy sáng suốt và chiến lược đúng đắn của các nhà lãnh đạo chính trị. Quốc đảo này đã tập trung vào cơ sở hạ tầng vận tải ngay khi TP phát triển và xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân, cũng như đối phó với tình trạng “già hóa” dân số.    Báo cáo cũng cho biết, nhìn chung, châu Á thực hiện các yếu tố xã hội chưa tốt, vì thời gian làm việc trung bình của người châu Á nhiều hơn 20% so với trung bình toàn cầu. Tuy nhiên, tất cả các TP trên thế giới đều phải “rất vất vả” để hoàn thành tốt tiêu chí “con người”. Các TP có xu hướng thực hiện 2 tiêu chí “lợi ích” và “hành tinh” tốt hơn, nhưng công dân của họ vẫn chưa được hưởng phúc lợi xứng đáng và thời gian làm việc thì ngày càng kéo dài.    Hiệu trưởng Trường Thiết kế và Môi trường, Đại học Quốc gia Singapo, GS. Heng Chye Kiang lưu ý rằng, Singapo đã thực hiện tương đối tốt tiêu chí “con người”, khi luôn chú trọng đầu tư phúc lợi xã hội cho người dân. Mặc dù không có dự án điện gió lớn, trang trại tận dụng năng lượng mặt trời, hay các dự án thủy điện và địa nhiệt, Singapo vẫn thực hiện tốt tiêu chí “hành tinh”, so với các TP đứng đầu như Frankfurt (Đức) và Copenhagen (Đan Mạch). Tuy nhiên, ông Eugene Seah khuyến cáo, Singapo không nên “bằng lòng với vinh quang của mình” mà phải thực hiện tốt hơn nữa ở tất cả các tiêu chí; đồng thời “Singapo vẫn phải duy trì ở vị trí top 10 trong tương lai và đối thủ cạnh tranh sẽ là Hồng Kông”.    5 TP đứng cuối bảng xếp hạng đều ở châu Á gồm: Jakarta (Inđônêxia), Malina (Phi-líp-pin), Mumbai (Ấn Độ), Vũ Hán (Trung Quốc) và New Delhi (Ấn Độ).    Ông Eugene Seah lạc quan cho rằng, việc xúc tiến chuyển giao công nghệ và chia sẻ kiến thức với các TP có thứ hạng cao hơn sẽ giúp các TP này cải thiện tình hình. Hiện tại, Chính phủ các nước trong khu vực châu Á cũng đang xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như hoạt động kinh doanh, mang lại cơ hội quý báu cho doanh nghiệp. Ví dụ, tại Jakarta, doanh nghiệp có nhiều cơ hội tham gia vào các dự án trong lĩnh vực nước như cung cấp và xử lý nước, hay trong giảm thiểu bão lũ và bảo vệ bờ biển. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có thể nhận được sự tư vấn từ Công ty Arcadis trong việc giải quyết các thách thức do quá trình đô thị hóa gây ra.    Ông Eugene Seah cũng chia sẻ, “khi TP trải qua quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, họ không thể không lưu tâm đến các vấn đề môi trường và xã hội phát sinh. Do vậy, Chính phủ các nước phải có những chính sách và sự quyết liệt để cân bằng lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường, hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững”.                 Lưu Trang (Theo eco-bussiness.com) (Nguồn: Tạp chí Môi Trường số 5/2015)
Ý kiến của bạn