Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 01/11/2024

Mô hình quản lý lưu vực sông Thái Hồ - Trung Quốc

15/09/2015

     Thái Hồ là hồ lớn thứ 3 ở Trung Quốc, nằm ở trung tâm của đồng bằng sông Dương Tử, diện tích lưu vực hồ là 36.900 km2, tổng chiều dài là 120.000 km. Lưu vực sông (LVS) Thái Hồ trải dài trên ba tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Thượng Hải. Đây là khu vực phát triển kinh tế sôi động của vùng đồng bằng sông Dương Tử.      Từ những năm 1980, cùng với sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Thái Hồ đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường nước tại LVS, chủ yếu do các hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp như hóa chất, giấy, mạ điện và một số ngành công nghiệp nặng gây ra. Kể từ đó, chất lượng nước của LVS Thái Hồ ngày một suy giảm. Trong khi đó, nhận thức về môi trường của các doanh nghiệp (DN), cùng với năng lực quản lý của chính quyền địa phương còn hạn chế đã làm cho vấn đề ô nhiễm môi trường tại LVS Thái Hồ ngày càng nghiêm trọng hơn. Theo một cuộc khảo sát của Cục Quản lý LVS Trung Quốc vào năm 2004, trên 30% DN xả thải trái phép gây ô nhiễm nguồn nước. Năm 1998, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Kế hoạch giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở LVS Thái Hồ. Thực hiện Kế hoạch, Chính phủ đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải, hỗ trợ các dự án phục hồi sinh thái và kiểm soát nguồn ô nhiễm, đồng thời, tăng cường nhiều hoạt động cải thiện môi trường của LVS, tuy nhiên, tình hình ô nhiễm nước ở LVS Thái Hồ vẫn không cải thiện nhiều.   Phong cảnh LVS Thái Hồ, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc         Trước tình hình đó, năm 2008, Chính phủ đã đưa ra “Kế hoạch quản lý toàn diện môi trường nước LVS Thái Hồ”, phạm vi xử lý ô nhiễm tại 4 thành phố và 30 thị trấn ở tỉnh Giang Tô, 3 thành phố và 20 thị trấn ở tỉnh Chiết Giang, 3 thị trấn tại Thượng Hải. Kế hoạch được thực hiện trong 2 giai đoạn: từ năm 2007 - 2012 và từ năm 2013 - 2020. Nhiệm vụ chủ yếu của Kế hoạch là tổng kiểm soát phát thải trên toàn quốc (phân bổ lượng xả dựa trên việc tính toán tải lượng của môi trường nước). Kế hoạch sẽ thực hiện khoảng 1.238 dự án với tổng vốn đầu tư là 137 tỷ Nhân dân tệ.      Kế hoạch đề ra các hoạt động cụ thể sau: Tiến hành 89 dự án về bảo vệ, cải thiện nguồn nước, xây dựng khu vực nguồn nước khẩn cấp, phối hợp cung cấp nước chung cho khu vực và xử lý nước uống bằng công nghệ tiên tiến; Quy định về việc hạn chế xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với các nhà máy xử lý nước thải (XLNT) và các DN công nghiệp lớn trên địa bàn, với những tiêu chuẩn xả thải nghiêm ngặt; Triển khai 140 dự án lớn để XLNT của các ngành công nghiệp nặng; Xây dựng 249 nhà máy XLNT và nâng cấp 188 nhà máy. Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, Kế hoạch đề ra mục tiêu phải giảm 30% lượng phân bón; Xây dựng 4.700 km kênh để giảm phát thải tổng N và tổng P; Đến năm 2020, xây dựng 54.950 nhà máy XLNT và nhà máy xử lý chất thải rắn để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn; Thực hiện các dự án bảo vệ đất ngập nước, trồng cây và loại bỏ các chất hữu cơ; Tăng dự trữ nguồn nước, cải thiện lưu lượng nước của Thái Hồ, làm giảm khả năng phát triển của vi khuẩn lam, pha loãng nồng độ các chất ô nhiễm và tăng khả năng giữ nước; Khuyến khích tiết kiệm nước trong sinh hoạt, công nghiệp và nông nghiệp; Tập trung xây dựng hệ thống giám sát và công bố thông tin môi trường của LVS Thái Hồ; Triển khai 14 dự án nghiên cứu.      Trong năm 2008, tỉnh Giang Tô đã xây dựng Pháp lệnh về Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước (KSONN), một khung pháp lý tương đối toàn diện về kiểm soát ô nhiễm môi trường nước. Chính quyền tỉnh Giang Tô đã đóng cửa 4.300 cơ sở sản xuất hóa chất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và xây dựng các nhà máy XLNT ở tất cả các thị trấn, nâng tỷ lệ XLNT đô thị lên 84 % . Tỉnh Giang Tô là một ví dụ điển hình về KSONN thành công trên LVS Thái Hồ. Tuy nhiên, trong vòng 20 năm tới, vấn đề KSONN ở các LVS lớn sẽ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với Trung Quốc.      Như vậy, việc ban hành Luật Kiểm soát và Phòng ngừa ô nhiễm nước Trung Quốc năm 2008 đã tăng khả năng bảo vệ đối với các nguồn nước quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc triển khai và thực thi Luật. Bên cạnh việc đưa ra quy định về hệ thống Giấy phép xả thải trên phạm vi cả nước, Chính phủ cũng xem xét các cơ chế giám sát trong quá trình cấp giấy phép và thực thi ở địa phương; Tăng cường cơ hội cho công chúng tham gia và tăng các hình phạt cho các hành vi sai phạm để nâng cao hiệu quả thực thi Luật.               A.Phương Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014      
Ý kiến của bạn