Hành trình cứu các con sông của nước Mỹ
15/09/2015
Mỹ là nước có tiêu chuẩn chất lượng nước mặt sông, hồ nội địa khá nghiêm ngặt, đảm bảo hệ sinh thái cho các sinh vật thủy sinh phát triển và con người có thể sử dụng vào các hoạt động giải trí. Để có được những sông, suối, hồ ao như vậy, Mỹ đã phải trải qua một hành trình lâu dài và quyết liệt cải tạo những dòng sông chết. Một trong số những con sông đó là sông Cuyahoga, bang Ohio, được coi là “Huyền thoại môi trường”, phản ánh lại hành trình cứu sông bắt đầu từ những năm 50, 60 của thế kỷ trước.
Sông Cuyahoga 50 năm trước
“Sông chết”Cuyahoga
Những năm 50, 60, sông Cuyahoga là một trong những sông bị ô nhiễm nặng nhất ở Mỹ, là nơi xả thải của Công ty lọc dầu nâu. Với chiều dài 160 km và có lưu vực khoảng 2.100 km2, bề mặt sông luôn bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu; Ngoài ra, còn có một lớp dầu đen nặng, dày vài inch nổi thành váng trên mặt nước, trong các lớp váng đó là các mảnh vỡ và rác cuốn vào, tạo thành một mớ nổi hỗn độn. Ôxy hòa tan trong nước gần như bằng 0, không có bất cứ loài sinh vật nào tồn tại, chỉ có tảo Oscillatoria phát triển dọc theo các bến tàu trên dòng nước. Màu sắc của nước thường thay đổi từ màu xám - nâu tới gỉ màu nâu ở hạ lưu, vận tốc dòng chảy ở sông gần như bằng 0. Toàn bộ phạm vi sông bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Dòng sông cháy và sự chú ý của truyền thông
Sông Cuyahoga ô nhiễm tới mức tự cháy, từ những năm 1868 đã có một số vụ cháy nhỏ trên sông, có ít nhất 13 vụ cháy đã được ghi nhận. Những đợt cháy lớn xảy ra vào thập kỷ 50, vụ cháy năm 1952 gây thiệt hại hơn 1 triệu USD cho tàu thuyền và một tòa nhà văn phòng bờ sông đã gây nên sự chú ý. Từ 1952 - 1969, nhiều đám cháy tiếp tục xảy ra trên sông, đặc biệt là vụ cháy ngày 22/6/1969 đã đăng tải trên tạp chí Time. Time đã mô tả Cuyahoga như một con sông "Bùn chứ không phải là dòng chảy", ở trong đó con người sẽ "Không bị chết đuối mà là bị phân hủy". Bài viết của tạp chí Time đã châm ngòi, thu hút toàn bộ các kênh truyền thông trên toàn nước Mỹ, nhiều bài hát viết về sự kiện này như Randy Newman 1972, "Burn on", REM’s 1986, "Cuyahoga", Adam Again 1992, và "River on Fire". Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm khắp nước Mỹ, các hội nghị chuyên môn được tổ chức nhằm xác định cơ sở cho việc phân tích và giám sát chất lượng nước, đồng thời, tìm ra những giải pháp đối với vấn đề nước thải công nghiệp. Có thể nói, vụ cháy năm 1969 đã thúc đẩy một trận nở tuyết của các hoạt động đo lường, giám sát chất lượng nước sông và các chương trình kiểm soát ô nhiễm nước trên toàn lưu vực sông. Các hoạt động này được các nhà lập pháp tham gia tích cực, trong đó có Thượng Nghị sỹ Edmund Muskie (Mr. Clean), người có công lớn trong việc vận động thông qua Luật Nước sạch năm 1972. Cùng với Luật Nước sạch là sự ra đời của Hiệp định Chất lượng nước của Hồ Lớn (Great Lakes), sự thành lập Cục BVMT Liên bang (EPA) và Cục BVMT Ohio (OEPA).
Vụ cháy trên sông Cuyahoga
Sự hồi sinh của sông Cuyahoga
Luật Nước sạch và Kế hoạch Hành động cho sông Cuyahoga được thực hiện đã dần cải thiện được chất lượng nước sông. Các chất ô nhiễm hữu cơ được khống chế, các nguồn chất thải hóa dầu và chất thải công nghiệp đã bị ngăn chặn, Cuyahoga đã dần được khôi phục. Hiện nay, chất lượng nước sông đã đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nước cho các sinh vật thủy sinh. Từ một dòng sông không có loài cá nào sinh sống, đã trở thành môi trường sống của 63 loài cá. Chất lượng nước cũng đáp ứng tiêu chuẩn cho các hoạt động giải trí (sử dụng các chỉ số vi khuẩn) trong điều kiện thời tiết khô hạn... Thách thức lớn nhất của dòng sông là vào mùa mưa, khi các nguồn ô nhiễm không xác định bị cuốn thải xuống sông làm giảm chất lượng nước.
Luật Nước sạch
Khi Luật Nước sạch ra đời năm 1972, mục đích nhằm kiểm soát các nguồn ô nhiễm điểm, như các nhà máy, các khu công nghiệp và khôi phục lại hệ sinh thái của các thủy vực. Tuy nhiên, tới những năm 80, khi ô nhiễm công nghiệp được khống chế, thì sự đe dọa các thủy vực của Mỹ chính là các nguồn ô nhiễm từ các hoạt động nông nghiệp và nước mưa. Vì vậy, năm 1985, Luật Nước sạch được bổ sung để có thể kiểm soát được các nguồn ô nhiễm này. Hiện nay, Luật Nước sạch vẫn có những điều chỉnh nhỏ, nhằm đối phó với thách thức mới về ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Sau 25 năm tồn tại, năm 2000, Luật Nước sạch đã đưa ra một định hướng cụ thể cho vấn đề nước sạch và tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho chương trình quốc gia về nước của Mỹ một cách hiệu quả. Đến nay, 2/3 nguồn nước mặt của Mỹ đã an toàn cho cá và các hoạt động giải trí; Lượng chất thải nông nghiệp đã được cắt giảm 1 tỷ tấn/năm; Phốt pho và nitrat được giảm xuống; Xây dựng các cơ sở xử lý nước thải hiện đại, phục vụ trực tiếp cho 173 triệu người.
Câu chuyện về sông Cuyahoga như một “Huyền thoại môi trường”, quá trình sống lại của sông gắn liền với sự ra đời của Luật Nước sạch năm 1972 cho thấy, con đường cứu sông, hồ, ao của Mỹ là một cuộc hành trình dài, đòi hỏi sự tham gia quyết liệt của người dân, các nhà khoa học, chính trị, truyền thông và giáo dục môi trường.
Nguyễn Ngọc Lý và Đào Thị Thanh Thủy
Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng
Nguồn: Tạp chí MT, số 7/2013