Bay vòng quanh thế giới bằng năng lượng mặt trời
15/09/2015
Solar Impulse - Máy bay chạy bằng pin mặt trời
Solar Impulse (SI) đã tạo nên một cuộc cách mạng công nghệ “sạch” thu hút sự chú ý toàn cầu, khi cho ra đời chiếc máy bay đầu tiên có thể bay cả ngày lẫn đêm mà chỉ sử dụng năng lượng mặt trời, thay vì nhiên liệu thông thường. Dự án được thực hiện bởi hai nhà khoa học người Thụy Sĩ, Bertrand Piccard và Andre Borcherg. Hai ông cũnglà người sáng lập Solar Impulse Foundation (SIF), Quỹ ủng hộ cho dự án nghiên cứu dòng máy bay quang năng như SI và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Ban đầu, ý tưởng của bộ đôi gốc Thụy Sĩ bị những người trong ngành công nghiệp hàng không thế giới cho rằng không khả thi. Tuy nhiên, là những người ủng hộ nhiệt tình cho một tương lai “sạch”, sau chặng đường dài nỗ lực, từ năm 1999 đến nay, hai ông đã hiện thực hóa ý tưởng đó bằng hai dòng máy bay SI và Solar Impulse 2 (SI2) ra mắt lần lượt vào năm 2010 và 2015.
Hành trình vòng quanh thế giới
Ngày 9/3/2015, lần đầu tiên trong lịch sử hàng không, chiếc máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời - SI2 tiến hành thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới. SI2 cất cánh từ Thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Ả rập, bay theo hướng đông tới Thủ đô Muscat của Vương quốc Hồi giáo Oman. Từ Muscat, SI2 sẽ dừng tại 12 điểm trên hành trình kéo dài 5 tháng với tổng thời gian bay khoảng 25 ngày (qua các nước Ấn Độ, Myanma, Trung Quốc, Mỹ, và vượt qua hai đại dương là Thái Bình Dương, Đại Tây Dương). Dự kiến, SI2 sẽ kết thúc hành trìnhtại điểm xuất phát ban đầu (Abu Dhabi) vào tháng 7/2015. Riêng chặng bay 8.500 km qua Thái Bình Dương giữa Nam Kinh (Trung Quốc) và Hawaii (Mỹ), SI2 sẽ bay không ngừng nghỉ trong vòng 5 ngày và 5 đêm. Trong chuyến đi, máy bay cũng có thể sẽ hạ cánh ở vùng Đông Bắc Mỹ, phía Nam châu Âu hoặc Bắc Phi tùy vào điều kiện thời tiết. Tổng quãng đường bay là 35.000 km. Máy bay sẽ di chuyển với tốc độ trung bình từ 50 - 100 km/giờ và giảm xuống vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng.
SI2 được trang bị hơn 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời trên cánh
SI2 là máy bay chạy bằng năng lượng mặt trời có người lái thứ hai, sau chiếc SI. Việc “người tiền nhiệm” SI hoàn thành chuyến bay thử nghiệm trong vòng 26 giờ năm 2010 đã chứng minh pin mặt trời có thể tích đủ năng lượng ban ngày để dùng vào ban đêm. Năm 2013, chiếc máy bay này cũng thực hiện chuyến bay qua không phận châu Âu, Địa Trung Hải, Ma-rốc và Mỹ mà không cần dùng nhiên liệu hóa thạch.
SI2 được chế tạo bằng sợi cácbon, trang bị hơn 17.000 tấm pin năng lượng mặt trời, với sải cánh 72 m, rộng hơn sải cánh của máy bay Boeing 747, nhưng trọng lượng chỉ khoảng 2,3 tấn- tương đương với một chiếc xe hơi. Chính trọng lượng nhẹ này là yếu tố then chốt, quyết định thành công của chuyến bay.
Hai phi công Bertrand Piccard và Andre Borcherg sẽ thay phiên nhau điều khiển SI2. Họ sẽ phải thức hầu như toàn bộ thời gian ban ngày, với thời gian chợp mặt được phép chỉ chừng 20 phút. Ngoài ra, họ cũng phải chịu đựng những khó khăn về thể chất khi phải ngồi trong một buồng lái nhỏ hẹp, với kích thước tương đương một bốt điện thoại công cộng.
Dù vậy, Borschberg vẫn tỏ ra tin tưởng và cho biết ông sẽ sử dụng yoga để giúp bản thân luôn tỉnh táo. Còn Piccard thì sử dụng những kỹ thuật của riêng mình. Piccard cho biết: “Tôi đã mơ về điều này 16 năm trước, đó là bay vòng quanh thế giới mà không cần nhiên liệu, chỉ có năng lượng mặt trời. Giờ chúng tôi sẽ thực hiện nó. Khát vọng đã có và tôi rất nóng lòng được ngồi vào buồng lái”. Nói về sứ mạnh trên, theo ông Piccard, mục đích của họ là chia sẻ tầm nhìn về “một tương lai sạch”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đây là thời điểm để tung ra thị trường những công nghệ xanh, giúp tiết kiệm năng lượng cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên. “Với SI, chúng tôi muốn chứng minh công nghệ sạch có thể BVMT, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm, mang lại lợi nhuận, cũng như các sản phẩm năng lượng hiệu quả cho thế giới”, hai phi công cho biết trong một tuyên bố chung.
Hành trình di chuyển của SI2
Là một đối tác nhiệt tình của Quỹ SIF, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tin rằng, những thành công trên là bằng chứng cho thấy nền kinh tế ít phát thải cácbon là hoàn toàn khả thi và cần thiết trong tương lai gần. Sự hợp tác giữa SIF và UNEP là khởi đầu cho một mối quan hệ sâu rộng, nhằm thu hút cộng đồng và chính trị gia quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường; đồng thời truyền cảm hứng hành động tích cực vì môi trường và phát triển bền vững thông qua các phát minh mang tính đột phá.
Sự hợp tác này cũng giúp tăng cường hỗ trợ cho mục tiêu chung toàn cầu trong lĩnh vực môi trường, hướng tới các sự kiện lớn về biến đổi khí hậu và năng lượng xanh, như Hội nghị thượng đỉnh chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc diễn ra tại Paris (COP21) ngày 14/1/2015.
Hành trình vòng quanh thế giới của SI sẽ thúc đẩy các chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức cho sinh viên về việc sử dụng và tiêu thụ năng lượng. “SI đã chứng minh cho cả thế giới thấy sức mạnh của năng lượng mặt trời thông qua kỷ lục bay trên khắp châu Âu, Địa Trung Hải và Mỹ trong những năm gần đây. Đồng thời, SI cho thấy tiềm năng của nguồn năng lượng tái tạo và công nghệ sạch trong việc định hình một tương lai mà ở đó con người phải nỗ lực không ngừng để hướng tới một hành tinh khỏe mạnh”. Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, kiêm Giám đốc điều hành UNEP, Achim Steiner cho biết.
Lưu Trang (Theo UNEP)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 3/2015