18/05/2023
Đồng Nai được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trên các lĩnh vực từ du lịch sinh thái đến du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp... Nông nghiệp gắn kết du lịch đang là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chổ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện với môi trường. Trong chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Đồng Nai, du lịch nông nghiệp là một trong 3 sản phẩm du lịch chính, tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Đồng Nai. Nắm bắt xu hướng người dân ở các đô thị mong tìm về với thiên nhiên để thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng, Đồng Nai đã từng bước hướng đến phát triển du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả.
Với vai trò xung kích đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã không ngừng nỗ lực vươn lên khởi nghiệp, lập nghiệp. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương đoàn viên thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, góp phần tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Anh Phạm Văn Tài (ấp Phú Quý 2, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) - đại diện nhóm đầu tư cơ sở du lịch - nông nghiệp Lưng Chừng Mây chia sẻ: "Là người dân địa phương, tôi cùng một số bạn bè ban đầu tập trung làm nông nghiệp, tuy nhiên, nhận thấy kinh tế dựa trên một số sản phẩm nông nghiệp đặc thù Định Quán như chuối, xoài… trong giai đoạn vừa qua khá là bấp bênh, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan nên đã cố gắng tìm hướng đi mới nhằm tạo một điểm nhấn cho địa phương cũng như đột phá về phát triển kinh tế. Tận dụng cảnh quan địa phương, chúng tôi đã đồng lòng cùng xây dựng nên cơ sở này".
Tuy nhiên, việc triển khai các mô hình du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là hành lang pháp lý trong việc cấp phép xây dựng, hoạt động cho các cơ sở du lịch tồn tại trên diện tích đất nông nghiệp. Hiện nay, ven lòng hồ Trị An có trên 700 ha đất quy hoạch thương mại - dịch vụ, nhưng hiện vẫn chưa có quyết định cụ thể về thời gian chuyển đổi quy hoạch đất. Trong khi đó, mô hình này đã được tạo điều kiện triển khai thành công tại một số tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Nông trại vui vẻ Happy Farm trải nghiệm mô hình du lịch nông nghiệp
Với các loại sản phẩm nông nghiệp phong phú, đạt chất lượng, những vườn cây, trang trại theo hướng sản xuất sạch gắn với phát triển du lịch trải nghiệm tham quan, nhiều nông dân ở tỉnh Đồng Nai đã và đang tạo ra những giá trị kinh tế mới. Việc này giúp nông dân tăng nguồn thu từ bán sản phẩm nông nghiệp, các dịch vụ ẩm thực. Du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ vừa nhanh vừa bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù. Sự kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch đã tạo ra những nét độc đáo riêng cho du lịch ở các địa phương và đem lại nguồn thu tăng gấp nhiều lần cho hộ nông dân so với chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp.
Có thể nói, du lịch sinh thái vườn ở Đồng Nai nếu được khai thác tốt sẽ giúp đời sống của nhiều người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ở khu vực Đông Nam bộ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhanh, nhiều người dân sẽ có nhu cầu du lịch sinh thái. Đồng Nai gần TP.HCM nên cơ hội mở rộng du lịch sinh thái vườn rất lớn. Chính vì vậy, đối với phát triển đa dạng sản phẩm du lịch từ mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch phát triển kinh tế nông thôn, ngoài nâng chất các sản phẩm du lịch sẵn có, doanh nghiệp và người dân, hộ kinh doanh, thanh niên của địa phương bắt đầu khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh rất mong các cấp chính quyền Đồng Nai và các ban, Bộ ngành Trung ương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng và nâng cấp các loại hình vui chơi giải trí, các mô hình trò chơi mới tại các khu, điểm du lịch hiện hữu.
Sơn Tùng