Banner trang chủ

Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận: Ðảm bảo yếu tố môi trường ao nuôi là ưu tiên hàng đầu

04/12/2014

     Những năm gần đây, tại Ninh Thuận, việc phát triển nhanh diện tích nuôi trồng thủy sản tự phát, không hiểu thấu đáo kỹ thuật nuôi, cơ sở hạ tầng yếu kém… là những nguyên nhân gây ra những thiệt hại về môi trường, phát sinh dịch bệnh cho các loại giống nuôi. Để giải quyết vấn đề đó, Trung tâm Giống hải sản cấp I (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận) ra đời, với mục đích giúp các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển sản xuất giống thủy sản theo hướng đa dạng, hiệu quả và bền vững.

     Tham quan mô hình nuôi tôm tiên tiến ở Trung tâm Giống hải sản cấp 1cho thấy đây là nơi cung cấp tôm giống và tôm bố mẹ chất lượng nhất của tỉnh Ninh Thuận, xây dựng trên diện tích 8,9 ha, sản lượng 42 triệu con giống/năm, mỗi năm doanh thu đem lại hơn 3 tỷ đồng. Ngay từ khi mới thành lập, lãnh đạo Trung tâm đã xác định mục tiêu đem đến nguồn tôm giống chất lượng tốt, phục vụ người nuôi, góp phần vào sự thành công và phát triển bền vững của ngành nuôi trồng thủy sản. Với phương châm không ngừng hoàn thiện, Trung tâm thường xuyên nghiên cứu công nghệ sản xuất mới, nâng cấp trang thiết bị, hiệu đính quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng tôm giống, đồng thời lắng nghe nhu cầu và hướng dẫn người nuôi tôm theo đúng quy trình sản xuất. Đặc biệt về môi trường, Trung tâm luôn ưu tiên hàng đầu.

 

Các ao nuôi của Trung tâm được bao quanh bởi vòng tường chắn cát, bên trên mặt

nước được phủ kín lưới cước để ngăn rác thải

 

     Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm, trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng nhất bởi nếu môi trường bị ô nhiễm, các con giống sẽ bị bệnh và thiệt hại cho người nuôi. Nhận thức rõ điều đó nên Trung tâm đặc biệt quan tâm đầu tư cho công tác BVMT, với quan điểm giữ môi trường sạch để tránh lây nhiễm chéo bệnh cho con giống. Việc xử lý nước thải sản xuất được Trung tâm áp dụng theo phương pháp xử lý hiếu khí (ao xử lý thải 1) và lắng lọc (ao xử lý nước thải 2). Mỗi ao đều có cống cấp và thoát riêng biệt, khẩu độ cống tùy vào thể tích nước của ao sao cho có thể cấp đủ nước theo yêu cầu trong vòng 4 - 6 h, các ao được bao quanh bởi vòng tường chắn cát, bên trên mặt nước được phủ kín lưới cước màu đỏ ngăn rác thải và ngăn chặn chim trời sà xuống đìa phát tán mầm bệnh từ nơi này sang nơi khác. Quy trình xử lý nước thải trải qua 4 lần rồi mới thải ra môi trường. Trước khi thả nuôi tôm, toàn bộ ao và trang thiết bị lắp đặt trong ao như hệ thống quạt nước, sục khí... được vệ sinh tẩy rửa sạch bằng BKC (là một hợp chất hữu cơ  được sử dụng rộng rãi trong trại giống, ao nuôi nhằm khử trùng ấu trùng, bể, ao và các vật dụng khác) để sát trùng mầm bệnh sau đó được phơi nắng 1-2 ngày. Việc cấp nước vào ao nuôi từ ao chứa lắng đạt độ sâu 1,4 - 1,5m, sau đó cấy chế phẩm sinh học EM kết hợp với đường mật và vận hành quạt nước, sục khí từ 3 - 5 ngày, kết hợp với bón vôi và bổ sung khoáng chất để ổn định môi trường. Hàng ngày, cán bộ Trung tâm sẽ lấy mẫu nước thải rồi đưa đến phân tích tại Phòng thí nghiệm để kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, thủy lý, thủy hóa, mật độ vi khuẩn có lợi trong ao trước khi thả giống.

     Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, hiện Trung tâm đang thực hiện nuôi tôm theo công nghệ biofloc nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh và ao nuôi thông qua quá trình trao đổi nước và nâng cao khả năng kiểm soát môi trường nuôi tôm. Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện Chương trình giám sát môi trường định kỳ đúng theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và nộp phí BVMT đầy đủ theo quy định. Đồng thời, Trung tâm cũng tiến hành nuôi sinh khối tảo để sử dụng làm thức ăn cho ấu trùng tôm nhằm đảm bảo quy trình khép kín, an toàn cho tôm giống.

     Với tiêu chí bán hàng dựa vào uy tín, lấy chữ tín làm đầu, đảm bảo về chất lượng con giống cho người nuôi, Trung tâm thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật về các địa phương hướng dẫn bà con thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, nêu cao ý thức cộng đồng giữ gìn môi trường mặt nước; khuyến cáo các hộ nuôi không vì lợi ích trước mắt mà sử dụng giống kém chất lượng; kiểm tra hệ thống ao nuôi, chất lượng tôm bố mẹ cũng như kỹ thuật quy mô sản xuất để bà con lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp, hiệu quả. Để góp phần mang lại thành công cho người nuôi và phát triển bền vững nghề nuôi tôm, Trung tâm cam kết sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng con giống, nghiên cứu, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của người nuôi trên cả nước.

 

            Phương Tâm

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn