Banner trang chủ

Những mầm xanh trên dải cát trắng

08/07/2014

     Tỉnh Hà Tĩnh là một trong những vùng đất có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho quá trình sản xuất và hoạt động sống của con người. Tài nguyên đất của tỉnh tuy đa dạng, phong phú song tính chất phức tạp và nghèo dinh dưỡng, trong đó có nhóm đất cát ven biển là một trong những nhóm đất chiếm diện tích khá lớn, tuy nhiên vấn đề khai thác và sử dụng loại đất này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao.
 
 

Bí ngồi Israel phát triển tốt và rất sai quả

 

     Điều kiện khắc nghiệt tưởng như không có một loài cây nào có thể sống được trên vùng đất cát đầy nắng và gió, thế mà người nông dân xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã làm nên được điều kỳ diệu đó là biến vùng cát hoang hóa thành những cánh đồng trồng rau xanh mướt với các loại rau màu. Để đạt được điều kỳ diệu đó chính là kết quả của Dự án "Xây dựng mô hình rau củ quả trên vùng đất cát, bạc màu, hoang hóa vùng ven biển Hà Tĩnh".

     Dự án được triển khai nhằm xây dựng mô hình rau, củ, quả công nghệ cao cho vùng đất cát hoang hóa, bạc màu ven biển Hà Tĩnh do Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh làm chủ đầu tư. Ông Dương Tất Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh chia sẻ: Trước khi khảo sát triển khai Dự án nhìn bãi cát hoang hóa, nhiều người băn khoăn, bởi nhiều khó khăn, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mùa đông gió lớn mưa nhiều, mùa hè, nắng nóng, nhiệt độ cao, có những thời điểm nhiệt độ lên đến 55oC nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, Dự án bắt đầu bước vào triển khai từ tháng 9/2013. Với 4 loại cây đưa vào trồng thử nghiệm: Củ cải, cải bẹ, cải thảo và măng tây, trên diện tích 5 ha, Dự án áp dụng công nghệ tiên tiến với kỹ thuật tưới nước bằng hệ thống phun mưa bán tự động (bét phun) và sử dụng phân bón hữu cơ nên cây trồng phát triển tốt trên vùng đất cát hoang hóa này. Để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, Dự án đã đào hồ rộng hàng trăm mét vuông đưa nước tới tận những luống rau qua các đường ống dẫn nước đặt dưới những dải cát trắng mịn. Hệ thống vòi phun được tính toán, lắp đặt một cách khoa học, nguồn nước tưới được tận dụng một cách tối đa. Sau 2 tháng thu hoạch, củ cải năng suất 26 - 30 tấn/ha, cải bẹ năng suất đạt 30 - 32 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha.

     Không chỉ góp phần cải thiện đất, bảo vệ môi trường, chống sa mạc hóa, Dự án còn tạo được hiệu ứng mạnh mẽ và sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về hướng phát triển kinh tế một cách hiệu quả và bền vững. Tính đến nay, tổng diện tích rau, củ, quả sạch, an toàn trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển đã phát triển trên 20 ha với quy mô 4 xã thuộc 2 huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Như vậy có thể thấy, Dự án từ khi bắt đầu khảo nghiệm đến phát triển nhân ra diện rộng đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể và các tổ chức tham gia, xuất hiện mô hình liên kết Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và hộ dân cùng đầu tư sản xuất, tạo nên chuỗi giá trị kinh tế cao.

     Những kết quả bước đầu mô hình trồng rau củ quả trên vùng đất cát bạc màu đã tạo niềm tin để Công ty tiếp tục du nhập nhiều giống cây trồng mới. Đến nay, đã khảo nghiệm 34 loại giống cây khác nhau, gồm: cà chua, cà rốt (giống của Việt Nam, Hàn Quốc, Hồng Công), dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, bí ngồi, tỏi lai, đậu củ, măng tây, dưa hấu, khoai lang, lạc, cà chua, ớt rau, mướp đắng… Các loại cây trồng đều thích ứng tốt và cho hiệu quả kinh tế cao trên diện tích khảo nghiệm.

 

Củ cải cho năng suất cao

 

     Hiện nay, các sản phẩm rau, củ, quả của Dự án đã được người tiêu dùng sử dụng như một giải pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh còn nhận được nhiều đơn đặt hàng với số lượng lớn của hệ thống các siêu thị lớn Co.opmart, Metro... Như vậy, vấn đề hiện nay của Tổng Công ty không phải tìm kiếm thị trường mà là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

     Ngoài các địa phương ven biển, hiện tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai mở rộng mô hình ra các địa phương miền núi ven sông với các vùng bãi bồi, trong đất có hàm lượng cát pha cao. Theo kế hoạch, quá trình mở rộng diện tích sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh sẽ được thực hiện theo lộ trình: năm 2014 (200 ha); 2015 (400 ha) và đến 2016 (600 ha). Những kết quả đạt được đã minh chứng ý chí, quyết tâm đổi mới tư duy, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, con người đã chinh phục thiên nhiên, làm nên điều kỳ diệu giữa vùng cát trắng, khô cằn vẫn bạt ngàn một màu xanh mơn mởn của các loại rau màu.

 

            Đỗ Phương Bình (TTXVN)

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 6/2014

Ý kiến của bạn