23/01/2014
Chưa bao giờ, hình ảnh doanh nghiệp (DN) với vấn đề BVMT lại xấu như hiện nay. Trên báo chí, tràn ngập các thông tin phản ánh về những vụ vi phạm nghiêm trọng đến môi trường, nhưng rất ít DN được ca ngợi là hình ảnh tiêu biểu về BVMT. Trong khi nhiều DN làm rất tốt, không chỉ được vinh danh tại các “sân chơi nhà” mà còn được nhiều giải thưởng quốc tế về những nỗ lực BVMT và phát triển bền vững trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhân dịp Xuân Giáp Ngọ - 2014, Tạp chí Môi trường gửi tới quý độc giả câu chuyện của một doanh nghiệp “xanh” - một điểm sáng của sự chủ động sáng tạo trong đầu tư sản xuất, có trách nhiệm với môi trường và xã hội thông qua cuộc trao đổi với ông Hồ Công Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị, Giám đốc Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa.
Ông Hồ Công Hiếu
Được biết, sản phẩm bột sắn SEPON của Nhà máy vừa nhận được Giải thưởng “Sản phẩm chất lượng thế kỷ” của Tổ chức Sáng kiến Kinh doanh Quốc tế (B.I.D) trao tặng, cùng nhiều danh hiệu khác như “Top 100 Thương hiệu Việt bền vững”; “Sao Vàng Đất Việt năm 2013”… Xin ông cho biết, làm thế nào để Nhà máy đạt được các thành tích này trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay?
Ông Hồ Công Hiếu: Để đạt được kết quả này trong những năm qua, Nhà máy luôn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, Nhà máy đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và người nông dân, sẵn sàng hỗ trợ người dân trồng sắn về mọi mặt để bà con yên tâm sản xuất và làm giàu trên mảnh đất và bằng chính sức lao động của mình. Nhờ có vùng nguyên liệu phát triển, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo tốc độ phát triển ổn định của Nhà máy trong những năm qua.
Bên cạnh đó, chúng tôi không ngừng cải tiến, sáng tạo để giảm tối đa chi phí, sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ tốt nhất với giá thành hợp lý nên Nhà máy được người tiêu dùng trong và ngoài nước tín nhiệm.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của chính quyền các cấp, của bạn hàng cũng là một nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển lớn mạnh của chúng tôi hôm nay.
Sản xuất, chế biến tinh bột sắn được xem là một ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhà máy đã có những giải pháp gì để hạn chế tác động bất lợi về môi trường do chế biến tinh bột sắn gây ra, thưa ông?
Ông Hồ Công Hiếu: Trước tiên, chúng tôi ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình đối với môi trường. Từ đó tìm các giải pháp và đầu tư thỏa đáng cho việc giải quyết các tác nhân gây ô nhiễm do sản xuất tinh bột sắn gây ra.
Nhà máy đã nghiên cứu và áp dụng quy trình sản xuất khép kín hoàn toàn, tái sử dụng tối đa các chất thải sinh ra trong quá trình sản xuất tinh bột sắn.
Về nước thải, Nhà máy đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải hiện đại với kinh phí đầu tư trên 30 tỷ đồng, với hệ thống hồ xử lý sinh học, hệ thống sục khí... toàn bộ nước thải của Nhà máy đã đạt tiêu chuẩn theo quy định. Không những vậy, hệ thống này còn sinh được khí gas và được tái sử dụng để sấy bột, mỗi năm tiết kiệm được chi phí mua nhiên liệu sấy xấp xỉ 8 tỷ đồng.
Về rác thải, chúng tôi đã xây dựng Nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh sử dụng nguồn rác này, ủ lên men sinh học và chế biến ra phân bón giá rẻ phục vụ cho người trồng sắn. Điều này vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra nguồn phân bón giá rẻ dồi dào giúp bà con có điều kiện thâm canh, ổn định năng suất, tránh được tình trạng du canh, phá rừng đốt rẫy, góp phần tích cực BVMT.
Nhờ quy trình khép kín, nên Nhà máy đã giải quyết được các tác động bất lợi về môi trường do chế biến tinh bột sắn gây ra.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa
Gần đây, người nông dân trồng sắn ở nhiều địa phương thường bị các thương lái ép giá, trả giá thấp, sắn khó bán. Thế nhưng, ở Hướng Hóa, ĐắcKrông (Quảng Trị), nhờ cây sắn, đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đã có công ăn việc làm, thu nhập cao hơn và nhiều người đã trở thành triệu phú. Ông có thể cho biết, để khuyến khích người dân trồng sắn, Nhà máy đã thực hiện giải pháp gì?
Ông Hồ Công Hiếu: Trong những năm qua, cây sắn đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con dân tộc Pa Cô, Vân Kiều trên 2 huyện Đắckrông và Hướng Hóa. Để người dân yên tâm phát triển cây sắn, Nhà máy đã áp dụng một loạt các giải pháp đồng bộ như:
Nhà máy cam kết và thực hiện thu mua hết sản phẩm, với giá cả hợp lý, đảm bảo cho người dân luôn có lãi khi trồng sắn; Tổ chức tốt dịch vụ vận chuyển, thanh toán thuận lợi giúp bà con giảm thiểu chi phí, tăng lợi nhuận. Nhà máy liên tục có những chính sách hỗ trợ người dân như tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh, bán nợ phân bón giá rẻ, cung cấp giống miễn phí....
Ngoài ra, Nhà máy còn thành lập và tài trợ Câu lạc bộ 100 triệu cho người trồng sắn. Hàng năm, tổ chức cho hội viên đi tham quan học tập trong và ngoài nước, đề nghị các cấp chính quyền tôn vinh, khen thưởng.
Xin ông cho biết, những định hướng của Doanh nghiệp trong thời gian tới?
Ông Hồ Công Hiếu: Nhà máy xem nông dân là những đối tác, bạn hàng tin cậy, cùng hỗ trợ nhau trên con đường phát triển, đôi bên cùng có lợi. Với cách làm như trên, người dân trong vùng luôn tin tưởng vào Nhà máy và họ yên tâm phát triển cây sắn để tạo thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ những kinh nghiệm thực tế, Nhà máy sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu "Hướng về nông dân, nông thôn" bằng các giải pháp thiết thực. Cụ thể, không ngừng sáng tạo, cải tiến công nghệ, tăng năng suất lao động, giảm giá thành để tăng năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập; Tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng sắn về chuyển giao công nghệ, giống, phân bón... nhằm giúp nông dân tăng năng suất, sản lượng và lợi nhuận.
Đồng thời, Nhà máy sẽ đầu tư chế biến sâu nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị và ít gây tác động xấu đến môi trường như sản xuất tinh bột biến tính, mạch nha...
Định hướng xuyên suốt của Nhà máy trong nhiệm vụ của mình là thực hiện mục tiêu của Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đề ra đó là “Tất cả vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp tỉnh nhà”.
Xin cảm ơn ông !
Giáng Hương (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014