10/03/2014
Từ nhiều năm trước, Thế giới đã đưa ra những cảnh báo về tác hại của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP), trong đó có PCB, là những chất được xem là “sát thủ vô hình”đối với môi trường và sức khỏe con người. POP/PCB tồn tại lâu dài trong môi trường, có thể tích tụ qua chuỗi thức ăn vào cơ thể con người. Hiện PCB được xếp vào nhóm 1 là nhóm các chất gây ung thư. Việt Nam đã tham gia Công ước Stốckhôm và cam kết dừng sử dụng PCB vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028. Việt Nam hiện đang thực hiện công tác quản lý PCB một cách thận trọng, đặc biệt đối với dầu có chứa PCB trong các thiết bị điện cũ như máy biến thế, tụ điện, máy cắt, là nguồn có khả năng gây ô nhiễm PCB lớn nhất đối với con người và môi trường.
Nguy cơ phơi nhiễm PCB
Mặc dù không sản xuất PCB, nhưng Việt Nam đã nhập khẩu từ 27.000 - 30.000 tấn dầu chứa PCB trong giai đoạn 1960 - 1990. Theo TS. Nguyễn Mạnh Hoài - Quản đốc Dự án Quản lý PCB tại Việt Nam, lượng PCB này hiện vẫn đang phát thải, lan truyền và tích tụ trong môi trường, thể hiện qua các kết quả quan trắc với nồng độ PCB tương đối lớn trong trầm tích sông Nhuệ, Tô Lịch, Lừ, Sét, Kim Ngưu, hồ Yên Sở, lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, tại các khu vực lưu giữ, chôn lấp các thiết bị điện, trong đất nông nghiệp và thực phẩm. Đây là tín hiệu đáng báo động đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng.
TS. Nguyễn Mạnh Hoài khuyến cáo, mặc dù PCB được bảo vệ trong thiết bị kín và sẽ không gây tác hại đến môi trường và con người nếu được quản lý an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, lưu giữ, xử lý các thiết bị chứa PCB có thể gây ra sự cố rò rỉ, cháy nổ làm phát thải PCB ra môi trường, do đó, người lao động và cộng đồng có thể bị phơi nhiễm PCB qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp nếu không tuân thủ đúng các quy định về quản lý an toàn PCB.
Hoàn thiện quy định về quản lý an toàn PCB
PCB và các vật liệu chứa PCB được xem là loại hóa chất độc hại thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh tại phụ lục II, Nghị định 26/2011/NĐ-CP; là hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm hàng số 9 trong danh mục hàng hóa nguy hiểm khi vận chuyển được quy định trong Nghị định 104/2009/NĐ-CP, Nghị định 109/2006/NĐ-CP và Nghị định 29/2005/NĐ-CP và là chất thải nguy hại (CTNH) được quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn - Cục Kiểm soát ô nhiễm, thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành một số quy chuẩn hướng dẫn liên quan đến quản lý an toàn PCB như: Quy chuẩn QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại (CTNH); QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp; QCVN 41:2011/BTNMT về đồng xử lý CTNH trong lò nung xi măng và QCVN 43:2012/BTNMT về chất lượng trầm tích.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cho biết, thời gian tới, Bộ TN&MT sẽ tiếp tục ban hành các tiêu chuẩn về nồng độ PCB trong không khí, đất, nước, trong thực phẩm nhằm hoàn thiện khung pháp lý về quản lý an toàn PCB.
Kiểm kê PCB
Bên cạnh việc xây dựng các quy định pháp luật, Ban quản lý Dự án PCB cùng với các cơ quan chức năng cũng đang gấp rút tiến hành kiểm kê các thiết bị, đặc biệt là các trang thiết bị trong và ngoài ngành điện để tổng hợp hiện trạng các thiết bị, địa điểm cũng như lượng dầu có chứa hoặc nghi chứa PCB tại Việt Nam, từ đó hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý chủ nguồn PCB, đảm bảo cho công tác kiểm soát và quản lý an toàn PCB, hạn chế những rủi ro về môi trường.
Trong quá trình sử dụng, lưu giữ các thiết bị chứa PCB có thể gây ra sự cố rò rỉ,
cháy nổ làm phát thải PCB ra môi trường
Nâng cao năng lực về phòng ngừa, an toàn PCB
Tại Việt Nam, chưa có nghiên cứu thống kê nào về mức độ ảnh hưởng của PCB đến sức khỏe người lao động. Tuy nhiên, chỉ cần một chút bất cẩn, không tuân thủ đúng quy trình lấy mẫu, bảo dưỡng, vận chuyển, lưu giữ và thải bỏ các thiết bị chứa PCB, bản thân người lao động và cộng đồng đều có thể bị phơi nhiễm PCB dù chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
Vì thế, để hạn chế phát thải PCB ra môi trường, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng như tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các doanh nghiệp (DN), giúp các cơ sở, chủ sở hữu các vật liệu, thiết bị, dầu thải chứa PCB nâng cao năng lực quản lý an toàn PCB.
Tham gia vào một khóa tập huấn của Dự án PCB, anh Trương Việt Phương Công ty Điện lực Phú Thọ cho biết: “Trước đây, chúng tôi chưa có kiến thức đầy đủ về thao tác an toàn khi tiếp xúc với dầu cách điện. Nhưng sau những khóa tập huấn do Dự án tổ chức, chúng tôi đã hiểu rõ hơn trách nhiệm về an toàn lao động, an toàn hóa chất để bảo vệ sức khỏe của mình. Chúng tôi đã nắm rõ những yêu cầu về an toàn trong quá trình lấy mẫu dầu để kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, để tránh phơi nhiễm cho bản thân hay rò rỉ ra ngoài môi trường như phải sử dụng các phương tiện bảo hộ cá nhân khi thao tác với dầu PCB bao gồm kính, mặt nạ, găng tay, ủng, quần áo bảo hộ lao động phù hợp quy cách; sử dụng thiết bị bảo hộ lao động đặc biệt không thấm đối với các hoạt động làm sạch PCB; không thải dầu, thiết bị chứa dầu ra môi trường, khi không biết chắc chắn về nồng độ hợp chất PCB; không được đốt dầu thải, hoặc vật liệu trong thiết bị điện như giấy, gỗ ngấm dầu có chứa PCB và luôn băng bó các vết thương hở trước khi sử dụng bảo hộ lao động”. Anh Phương nhấn mạnh, các thiết bị cũ, hỏng khi đã xác định được có chứa hoặc nhiễm PCB thì phải được bảo vệ, lưu giữ trong kho để không bị gió, mưa tác động. Kho lưu giữ thiết bị chứa PCB phải có tường bao, mái che, sàn bê tông xi măng, đảm bảo dầu trong thiết bị có rò rỉ sẽ không bị thẩm thấu vào đất và nước ngầm. Khu vực và thiết bị lưu giữ PCB phải có các dấu hiệu nhận biết, cảnh báo và không được phép chồng các thiết bị hoặc thùng chứa dầu lên nhau. Ngoài ra, trong quá trình lưu kho, các quy trình an toàn hóa chất độc hại, phòng ngừa cháy nổ luôn phải được chú trọng. Trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ, rơi vãi PCB, chủ sở hữu PCB cần thực hiện các biện pháp kịp thời hạn chế phát thải ra môi trường.
Theo Ban quản lý Dự án PCB, hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài ngành điện đang sở hữu những thiết bị, vật liệu có khả năng nhiễm PCB. Nếu chủ doanh nghiệp cũng như người lao động không nhận thức được hết những nguy hại đang tiềm ẩn từ việc phát thải PCB ra môi trường, chỉ bất cẩn một chút thì cái giá phải trả sẽ không thể ước tính được. “Sai một ly đi nghìn dặm”! Cuộc sống của bản thân và cộng đồng sẽ bị ảnh hưởng chỉ vì sai sót của một người.
Việc quản lý PCB không chỉ cần thực hiện ở cấp Trung ương mà còn cần thực hiện tại các doanh nghiệp có thiết bị, vật liệu nghi nhiễm và nhiễm PCB. Hơn bất cứ ai, chủ doanh nghiệp cần hiểu rõ những quy định về quản lý, sử dụng và lưu giữ an toàn các thiết bị, vật liệu có chứa PCB, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tăng cường quản lý với người lao động về những vấn đề này.
Hương Trần
Theo Cục BVMT Mỹ (EPA), con người bị phơi nhiễm PCB qua đường tiêu hóa, hô hấp và tiếp xúc qua da, hoặc truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai và cho con bú. Khi bị phơi nhiễm PCB, dù qua con đường nào thì cũng đều có hại vì nó sẽ tích tụ trong cơ thể cho đến một ngưỡng nhất định mới phát sinh ra các triệu chứng để nhận biết. Khi vào cơ thể, hợp chất PCB có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe con người như tác động đến hệ thần kinh, hệ sinh sản, phát sinh các khối u và ung thư. Trên thế giới đã phát hiện nhiều trường hợp công nhân bị các bệnh do tiếp xúc với PCB trong quá trình sản xuất. Nghiên cứu của ông Maroni (Italia) vào năm 1981, có 15 trường hợp bị triệu chứng bệnh trứng cá, viêm nang lông và viêm da khi kiểm tra 80 công nhân tại các cơ sở sản xuất tụ điện tại Italia. Các công nhân này đều đang làm việc ở môi trường có nồng độ PCB từ 48 - 275 µg/m³. |