23/01/2014
Chí Đám là một xã miền núi của huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) với diện tích rộng và địa hình phức tạp. Xã có quốc lộ số 2 chạy qua và đang phát triển thành một thị tứ. Trên địa bàn xã có nhiều nhà hàng, quán ăn, chợ thị tứ, bệnh viện nên việc thu gom, xử lý rác thải là vấn đề nan giải của địa phương. Trước thực trạng trên, năm 2005, Hợp tác xã (HTX) vệ sinh môi trường xã Chí Đám ra đời với 100% cán bộ, xã viên là người thuần nông. Những ngày đầu thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Không có cơ sở vật chất, không kinh phí, rác thì nhiều mà thu phí lại ít vì phí thu theo quy định từ 2.000 đ - 3.000 đ/hộ nhưng do không được quan tâm nên người dân tham gia ít, đóng lệ phí không theo quy định. Ngoài việc tính toán chi phí cho công nhân còn phải tính toán chi phí xử lý rác. Chia sẻ với tôi, ông Trần Ngọc Bình, chủ nhiệm HTX cho biết: “Khi đó tôi thực sự nản trí, muốn tìm nghề khác nhưng sau đó, tôi nảy sinh ra ý tưởng kết hợp làm thêm công tác công an xã với mục đích chính là lấy uy tín để tuyên truyền và thuyết phục người dân BVMT”. Từ đó, HTX được người dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, HTX đã duy trì và hoạt động hiệu quả các công việc như: Đảm nhiệm vệ sinh môi trường khu công cộng, quản lý trồng hoa, cây xanh các cơ quan, trường học…
Về vấn đề xử lý rác thải, ban đầu, HTX làm theo phương pháp chôn lấp nhưng thấy tốn kém và ảnh hưởng đến nguồn nước, tốn diện tích đất. Sau đó, HTX áp dụng phương pháp đốt. Một vấn đề nữa đặt ra là phương pháp này thải vào môi trường một lượng khí thải rất độc hại. Trăn trở về điều này, ông Bình đã nghiên cứu về phương pháp đốt dựa trên những lò đốt rác thải y tế của các bệnh viện. Theo phương pháp này, sau khi được đốt lần 1 trên lò, các khí như CO, CO2 sẽ được vòi phun mù CaCO3 hấp thu hoàn toàn. Đặc biệt, lò đốt và buồng xử lý đều xây dựng khép kín nên không ô nhiễm môi trường, các hộp thùng côngtennơ được tận dụng làm buồng chứa khói để dễ vận chuyển và lặp đặt. Tháng 1/2013, phương pháp này được Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương đầu tư thử nghiệm.
Xã viên HTX vệ sinh môi trường xã Chí Đám thu gom rác thải
đưa về khu vực phân loại
Bên cạnh đó, xây dựng mô hình HTX vệ sinh môi trường theo Luật HTX mới đã phát huy hiệu quả ban đầu, vì các thành viên đã tự nguyện góp vốn không lấy lãi để đầu tư mua trang thiết bị. Đồng thời, HTX thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, chính quyền, các đoàn thể có ý thức, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường. Nhờ đó, sau gần 10 năm hoạt động, HTX đã đạt được những thành tích đáng kể. Bước đầu đã xây dựng được thói quen của nhân dân về BVMT. HTX có đội ngũ công nhân hoạt động thường xuyên, liên tục trên địa bàn; đảm bảo vệ sinh cho gần 50 cơ quan. Thu được khoảng 300 tấn rác/tháng. Rác thải sau khi thu gom đều được phân loại và xử lý hợp vệ sinh. Lúc đầu, xã Chí Đám quy hoạch bãi chôn lấp rộng 1ha. Sau nhiều năm sử dụng, lượng rác quá tải, bãi chôn lấp đã mở rộng thêm 0,5 ha. Đặc biệt, từ tháng 9/2012, Trung tâm Môi trường nông thôn (Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ hỗ trợ xã Chí Đám xây dựng lò xử lý rác thải thành phân hữu cơ với tổng đầu tư hơn 300 triệu đồng. Lò ủ rác có dung tích 30m3. Rác thải được xã viên HTX thu gom về bãi rác rồi phân loại. Những loại rác hữu cơ được đưa vào lò, sử dụng chế phẩm sinh học ủ. Sau khi ủ 20 ngày (mùa hè) và 40 ngày (mùa đông), rác sẽ trở thành phân hữu cơ. Công trình đi vào hoạt động góp phần giảm tải cho bãi chứa rác và tạo ra phân vi sinh để bón cho các vườn bưởi.
Mặt khác, HTX đã tham mưu cho các cấp lãnh đạo, các ban ngành chức năng nhiều Nghị quyết, quy định, chỉ thị về công tác nước sạch và vệ sinh môi trường. Chính quyền các cấp đã có những cuộc họp tổ chức kiểm điểm, triển khai cụ thể đối với cơ sở, phối hợp với đoàn thể, khu, xóm để vận động các gia đình tham gia và đóng góp lệ phí vệ sinh. Đến nay, số hộ dân, cơ quan tham gia đóng phí đạt hơn 90%, mức thu bình quân 5.000đ/hộ/tháng.
Nhằm động viên đội ngũ xã viên và người lao động, HTX đã quan tâm đến đời sống tinh thần, vật chất của các xã viên. Hàng năm, HTX tổ chức đi tham quan du lịch, vào dịp lễ tết, trả thêm 1 tháng lương và quà tết, người ốm đau đều được thăm hỏi, động viên. Chính vì thế đã làm cho các xã viên đoàn kết, gắn bó và hoàn thành tốt công việc.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, trong thời gian tới, HTX sẽ có những định hướng cho công tác BVMT và tìm các công việc phù hợp với khả năng, tài chính để phát triển các ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm cho xã viên, tăng thêm tài chính cho HTX phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thu gom, phân loại, xử lý rác thải nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội đối với công tác BVMT; nhân rộng những mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ, đồng thời có cơ chế hỗ trợ về vốn, phương tiện, công nghệ... Ngoài ra, tận dụng nguồn tri thức tập thể nghiên cứu những công nghệ phù hợp xử lý chất thải nói riêng và trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung.
Vũ Nhung
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 1/2014