30/10/2014
TKV chú trọng trồng cây cải tạo phục hồi trên các bãi thải
Hướng tới tăng trưởng xanh
Theo lãnh đạo TKV, để đạt được mục tiêu “Mỏ xanh - Mỏ sạch - Mỏ an toàn”… Tập đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực sản xuất. Trong lĩnh vực khai thác than hầm lò đã có sự phát triển ngoạn mục trên cơ sở không ngừng đổi mới và hiện đại hóa công nghệ. Từ chỗ chủ yếu là khai thác thủ công, chống gỗ đã từng bước nâng cao trình độ và tiến tới cơ giới hóa đồng bộ với các trang thiết bị tiên tiến. Việc đưa công nghệ hiện đại vào khai thác đã giúp ngành than tiết kiệm tối đa tài nguyên và nguyên liệu sản xuất. Hệ số tổn thất than giảm từ mức 40-50% xuống còn 25%, mức tiêu hao gỗ lò bình quân từ 40 - 50 m3 giảm xuống dưới 10 m3/1.000 tấn than nguyên khai. Trong sàng tuyển cũng đã áp dụng nhiều công nghệ mới, giải pháp mới để nâng cao chất lượng và hệ số thu hồi than, giảm chất thải và ô nhiễm môi trường…
Bên cạnh đó, TKV đã đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án nhiệt điện đốt than xấu để tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đến năm 2013, tổng công suất của các nhà máy nhiệt điện than TKV đã đi vào hoạt động là 1.570MW. Sản lượng điện sản xuất và tiêu thụ đã tăng từ 720 triệu kWh năm 2006 lên 8.500 triệu kWh năm 2013 (tăng 11,8 lần và chiếm khoảng 7,3% tổng sản lượng điện thương phẩm cả nước). Nhờ đó doanh thu đã tăng tương ứng từ 432 tỷ đồng lên 9.447 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị trong tập đoàn, nhờ những giải pháp quyết liệt đã được thực hiện nên tình hình môi trường vùng mỏ, an toàn và sức khỏe người lao động từng bước cải thiện đáng kể, trên cơ sở đó các hoạt động sản xuất - kinh doanh của tập đoàn đang phát triển theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững.
Thực hiện trách nhiệm với môi trường
Bên cạnh sự nỗ lực trong việc đầu tư khoa học công nghệ, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, các đơn vị thuộc TKV còn rất tích cực thực hiện trách nhiệm với môi trường trong quá trình sản xuất. Các đơn vị ngành than khi hoạt động khai thác khoáng sản phải lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, trong đó số tiền ký quỹ đã được cụ thể hóa và dự toán chi tiết theo phương án phục hồi môi trường và tiến hành ký quỹ tại Quỹ bảo vệ môi trường của địa phương nơi có mỏ khai thác.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có tổng số 174 dự án cải tạo phục hồi môi trường được duyệt, trong đó có 151 dự án đã ký quỹ với tổng số tiền trên 611 tỷ đồng, điển hình như: than Hà Tu, than Cao Sơn, than Cọc Sáu, than Núi Béo, than Đèo Nai… Các đơn vị đã thực hiện hoàn thổ những vị trí sau khi kết thúc khai thác, trồng cây cải tạo phục hồi môi trường trên các bãi thải.
Lãnh đạo TKV khẳng định, việc ký quỹ môi trường trong khai thác khoáng sản là công cụ đắc lực, hiệu quả trong việc buộc các đơn vị kinh doanh phải ưu tiên bảo vệ môi trường lên hàng đầu trong sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp trong công tác cải tạo, phục hồi môi trường.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản đã làm thay đổi căn bản phương thức quản lý, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và ý thức của các đơn vị về trách nhiệm bảo vệ môi trường. |
Minh Viễn