10/01/2014
Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi (Thái Nguyên) được thành lập tháng 10/2004, với diện tích 4 ha, được Bộ TN&MT cấp phép hành nghề thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại. Với phương châm “Tận dụng và tái chế chất thải để tiết kiệm tài nguyên”, HTX Phúc Lợi đã và đang áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần BVMT. Vừa qua, tập thể HTX Phúc Lợi đã đạt giải Nhất Cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật về xử lý dầu thải thành dầu đốt lò công nghiệp” tại tỉnh Thái Nguyên và Giải thưởng Môi trường quốc gia năm 2013 do Bộ TN&MT trao tặng. Đây là kết quả ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của Ban Lãnh đạo cùng đội ngũ cán bộ, công - nhân viên HTX Phúc Lợi.
Nhà máy tái chế dầu thải của HTX Thương mại và Dịch vụ Phúc Lợi
Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường đối với sản xuất và đời sống, ngay từ khi mới thành lập, HTX đã xác định, để tồn tại và phát triển, phải chung tay bảo vệ, gìn giữ môi trường. Do đó, HTX đầu tư trang thiết bị, máy móc, công nghệ thân thiện với môi trường phục vụ sản xuất, kinh doanh, thay thế dần công cụ thủ công, lạc hậu; Đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho hoạt động BVMT. Trước yêu cầu phát triển công nghệ môi trường, HTX đã cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, hội nghị, hội thảo do Bộ TN&MT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức nhằm tìm hiểu, mở rộng quan hệ và nâng cao trình độ chuyên môn. Thông qua đó, HTX đã có cơ hội kết nối với các doanh nghiệp Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ tái chế kim loại màu, lò đốt chất thải phát điện, dự kiến đưa vào hoạt động giai đoạn 3, với số vốn đầu tư 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Thái Nguyên) thực hiện hiệu quả Mô hình “Xử lý, tái chế dầu thải thành dầu đốt công nghiệp”, tổng công suất thiết kế 11.500 tấn/năm, nguồn kinh phí 31,3 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 255 triệu đồng, còn lại là vốn đầu tư của HTX. Mô hình được Bộ TN&MT cấp giấy phép hoạt động theo mã số QLCTNH: 1-2-3-4-5.018.VX, ngày 2/5/2012.
Để xử lý, tái chế dầu thải đạt kết quả cao, nguyên liệu đầu vào được HTX phân thành 2 loại riêng biệt. Dầu thải loại 1 được thu gom từ dầu động cơ của các nhà máy, xí nghiệp, sau đó đưa vào dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế để thu hồi dầu gốc. Dầu thải loại 2 được thu gom từ các gara sửa chữa ô tô rồi đưa vào dây chuyền công nghệ xử lý, tái chế và sản xuất dầu đốt công nghiệp. Thời gian đầu, trung bình lò nấu được từ 2 - 4 tấn/mẻ và hiện nay đã tăng lên 23 tấn/mẻ, sản phẩm dầu công nghiệp thu được đạt hơn 16 tấn/mẻ, chất lượng cao, phục vụ cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, giấy, nhựa, luyện kim trên địa bàn.
Hệ thống lò xử lý, tái chế dầu thải thành dầu đốt công nghiệp
Mô hình “Xử lý, tái chế dầu thải thành dầu đốt công nghiệp” được các chuyên gia đánh giá cao về hiệu quả kinh tế - xã hội và BVMT. Đây cũng là mô hình xử lý chất thải công nghiệp, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Với những tính năng tốt, dầu thải công nghiệp của HTX Phúc Lợi đạt lượng nhiệt cao hơn so với dầu diesel và dầu hỏa, trong khi đó, giá lại rẻ hơn các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện nay, HTX đã ký được hợp đồng cung cấp dầu công nghiệp tái chế, dầu bôi trơn công nghiệp cho nhiều nhà máy ở các tỉnh phía Bắc. Mỗi năm, HTX xử lý được khoảng 2.230 tấn rác thải, sản xuất được 6.710 tấn dầu đốt lò công nghiệp, thu hồi 2.560 tấn dầu gốc. Dự kiến, trong thời gian tới, công suất sản xuất tăng gấp khoảng 1,7 lần so với hiện tại (phụ thuộc vào nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và khả năng cung ứng nguyên liệu). Không những mang lại lợi ích về mặt tài chính cho doanh nghiệp, dây chuyền công nghệ xử lý chất thải công nghiệp, tái chế dầu phế liệu thành dầu đốt công nghiệp của HTX Phúc Lợi còn mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 100 lao động trên địa bàn tỉnh.
Nhằm đẩy mạnh công tác BVMT, HTX Thương Mại và Dịch vụ Phúc Lợi đang tiếp tục nâng cấp dây chuyền công nghệ trong sản xuất, thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp gắn với BVMT của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, phấn đấu đến năm 2020, là đơn vị đứng đầu cả nước về xử lý chất thải nguy hại. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra trong thời gian tới, HTX kiến nghị Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên và các nhà đầu tư tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ HTX về chuyên môn cũng như kinh phí hoạt động. Đây là cơ sở để HTX đầu tư, xây dựng thêm nhà máy tái chế rác thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái nguyên và các địa phương khác, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bùi Hằng
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 11/2013