Banner trang chủ

Doanh nghiệp Việt Nam với “Tăng trưởng xanh”

21/05/2015

     Ngày 16/5/2015, tại TP. HCM, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, Chương trình Cao học Việt - Bỉ (chương trình liên kết quốc tế bậc cao học giữa trường Đại học Tổng hợp Tự do Brussel, Bỉ và trường Đại học Kinh tế Quốc dân, TP.Hà Nội và Đại học Mở, TP.HCM) đã tổ chức hội thảo “Tăng trưởng xanh - Ý tưởng ứng dụng tại Việt Nam”. Với các diễn giả đến từ Bỉ và Việt Nam, Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin để phổ biến nhận thức về “Tăng trưởng xanh”, đồng thời gợi mở những ý tưởng ứng dụng khái niệm “Tăng trưởng xanh” tại Việt Nam từ nhiều khía cạnh cho các nhà làm chính sách, các tổ chức đánh giá độc lập hoặc nhà đầu tư và các doanh nghiệp.

     Theo các diễn giả, Trong bối cảnh phát triển nóng của nền kinh tế thế giới cùng với sự gia tăng dân số kéo theo những hệ quả nghiêm trọng cho môi trường sống, khái niệm “Tăng trưởng xanh” được đông đảo chuyên gia kinh tế, môi trường, lãnh đạo các nước phát triển và các tổ chức quốc tế khẳng định sẽ là xu thế tất yếu cho sự phát triển kinh tế của thế kỷ 21.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Đầu tư cho “Tăng trưởng xanh” mạnh mẽ nhất được thực hiện ở khu vực Tây Âu và Đông Á, nơi các nước đều dành ưu tiên cao cho lĩnh vực năng lượng sạch, giao thông thân thiện môi trường, đô thị hóa bền vững, nông nghiệp sinh thái, công nghiệp văn hóa, xây dựng lối sống xanh…

     Tại Việt Nam, “Tăng trưởng xanh" tuy đã được nhiều địa phương quan tâm, nhiều doanh nghiệp ứng dụng, song chưa thành xu thế do tầm quan trọng của nó chưa được đề cao thực sự so với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính vì thế, số đông người dân và doanh nghiệp chưa có nhận thức đầy đủ về sự cấp thiết của “Tăng trưởng xanh”. Đây sẽ là điểm yếu cần khắc phục của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi các công ty mong muốn thu hút nguồn vốn và tìm kiếm khách hàng, đối tác từ nước ngoài.

     Không chỉ vậy, các tổ chức tài chính chuyên nghiệp đều có chỉ tiêu về “Tăng trưởng xanh” trong đánh giá đầu tư, và dân chúng ngày càng nhạy cảm hơn đối với những hoạt động ảnh hưởng tới môi trường của doanh nghiệp.

     Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, hiện có một số cách tiếp cận để thúc đẩy “Tăng trưởng xanh”. Tuy nhiên, với cách tiếp cận nào, nội dung của “Tăng trưởng xanh” chủ yếu bao gồm các vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững; giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

 

Phương Linh

Ý kiến của bạn