04/06/2014
Vừa qua, Bộ TN&MT, Hội đồng An toàn sinh học đã bỏ phiếu thông qua Báo cáo đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học của giống ngô biến đổi gen MON 89034 do Công ty TNHH Dekalb Việt Nam nghiên cứu triển khai. Để hiểu rõ hơn về những tiến bộ mới này trong nông nghiệp, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Chính - Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam, Chi nhánh Monsanto tại Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết đôi nét về sự hình thành và phát triển của Dekalb Việt Nam thời gian qua ?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Monsanto là tập đoàn hàng đầu thế giới kinh doanh các sản phẩm và giải pháp kỹ thuật nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 dưới hình thức là văn phòng đại diện Công ty Monsanto Thái Lan. Đến tháng 8/2010, Monsanto chính thức thành lập chi nhánh tại Việt Nam, lấy tên là Công ty TNHH Dekalb Việt Nam. Hoạt động theo tôn chỉ phát triển nông nghiệp bền vững của tập đoàn. Dekalb Việt Nam kinh doanh hạt giống ngô, rau và hướng tới các sản phẩm công nghệ sinh học.
Ông Nguyễn Hồng Chính - Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Dekalb Việt Nam
Mục tiêu tiên quyết của Dekalb Việt Nam là đồng hành vì sự tiến bộ của Nông dân Việt Nam và thực hiện cam kết thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững theo định hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ tiên tiến.
PV: Hiện cây trồng biến đổi gen và sản phẩm của chúng đã khá phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, giới khoa học cũng như dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa cây trồng này vào sản xuất đại trà. Xin ông cho biết lợi ích của cây trồng biến đổi gen khi ứng dụng vào đời sống?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Cây trồng biến đổi gen đã được ứng dụng rộng rãi từ năm 1996 và trên thực tế, hiện chỉ có 4 loại cây trồng biến đổi gen được sử dụng rộng rãi đó là bông vải, ngô, đậu tương và cải dầu. Tính đến 2013, sau 18 năm được đưa vào sử dụng đại trà, đã có 18 triệu nông dân tại 27 quốc gia trực tiếp trồng trọt các loại cây trồng chuyển gen với diện tích đạt 178 triệu ha. Rất nhiều báo cáo về việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen và lợi ích của chúng trên quy mô toàn cầu đã được công bố. Tính đến năm 2013 có tới 79% tổng diện tích canh tác đậu tương toàn cầu là biến đổi gen, tỷ lệ này với cây bông vải là 70%, ngô là 32% và cải dầu là 24%. Ngoài những lợi ích trực tiếp trong cải thiện thu nhập trang trại, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen đã và đang mang lại những đóng góp tích cực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, bảo tồn tốt hơn tài nguyên đất, nước, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thân thiện hơn với môi trường.
Nhìn nhận trong tương lai gần thì chỉ cây ngô là cây có tiềm năng tốt nhất để ứng dụng công nghệ chuyển gen vào sản xuất đại trà tại Việt Nam. Hàng năm, chúng ta phải nhập khẩu từ 1,7 - 2,0 triệu tấn ngô hạt để phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và dự kiến nhu cầu này ngày càng tăng. Việc ứng dụng cây ngô chuyển gen sẽ giúp tăng sản lượng ngô trong nước để bù đắp lại nhu cầu thiếu hụt này. Hiện chúng ta có 1,1 triệu ha trồng ngô trên cả nước, trong đó khoảng 60% diện tích là canh tác trên đất dốc. Hàng chục năm qua, nông dân nước ta đã quen với việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học với liều lượng cao nhằm nâng cao năng suất. Với tập quán canh tác này thì áp lực bảo tồn tài nguyên đất dốc, đồng thời với việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả hơn, theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững mà vẫn đòi hỏi đảm bảo được lợi ích kinh tế phù hợp ngày càng trở thành vấn đề bức thiết. Tôi tin tưởng rằng việc ứng dụng cây ngô biến đổi gen tại Việt Nam sẽ góp phần đáng kể vào giải quyết thách thức này.
PV: Những khó khăn, thách thức khi triển khai cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Cây trồng biến đổi gen là một loại cây trồng mới, vì thế khi triển khai thực hiện để đưa vào Việt Nam không tránh khỏi những khó khăn bước đầu. Có nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan khiến cho Việt Nam mặc dù đã đặt ra mục tiêu ứng dụng cây trồng biến đổi gen vào sản xuất nông nghiệp từ rất lâu và đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Để giải quyết những thách thức này, về phía quản lý nhà nước, theo tôi, yếu tố cốt lõi đó là cần một quyết tâm từ những nhà lãnh đạo trong việc đưa ra những quyết sách phù hợp với lợi ích quốc gia và cho mục tiêu phát triển lâu dài. Những hoạt động như tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ như hiện nay là một trong những bước tiến quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Về phía doanh nghiệp, thách thức ban đầu đó là bài toán đảm bảo lợi ích cho người nông dân. Phải trả lời được câu hỏi công nghệ này mang lại ưu việt gì cho người nông dân so với công nghệ hiện tại. Chỉ khi doanh nghiệp trả lời được câu hỏi này thì mới có thể thực hiện việc giới thiệu thành công cây trồng biến đổi gen tới những người nông dân Việt.
PV: Việc Bộ TN&MT, Hội đồng an toàn sinh học đã bỏ phiếu thông qua Báo cáo đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học của giống ngô biến đổi gen MON 89034 có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Đây là một tiến triển rất quan trọng và đáng khích lệ đối với công ty Dekalb Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Những bước tiến như hôm nay sẽ giúp cho các công ty có thể cung cấp được nhiều lựa chọn hơn cho người nông dân, đưa Việt Nam tiến gần hơn với những tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới.
Để đưa được cây trồng biến đổi gen tới đồng ruộng với bà con nông dân thì chúng tôi sẽ còn phải chờ Giấy chứng nhận an toàn sinh học chính thức từ Bộ TN&MT cũng như Giấy xác nhận cây trồng biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ Bộ NN&PTNT. Chỉ sau khi nhận được đầy đủ các Giấy chứng nhận này, chúng tôi mới có thể bắt đầu kết hoạch giới thiệu cây ngô biến đổi gen vào sản xuất.
Bên cạnh sự kiện MON 89034 mang đặc tính kháng sâu hại bộ cánh vảy, Công ty chúng tôi cũng đã thực hiện khảo nghiệm và nộp hồ sơ đánh giá an toàn với sự kiện chuyển gen NK603 mang đặc tính chống chịu thuốc diệt cỏ Glyphosate. Đây là hai đặc tính thiết yếu trong quản lý đồng ruộng (kiểm soát sâu hại và cỏ dại) và việc kết hợp 2 đặc tính này trong thực tế sản xuất đồng ruộng sẽ cho phép chúng ta tối ưu hóa hiệu quả quản lý đồng ruộng, tạo ra những thay đổi tích cực theo hướng bền vững tại Việt Nam.
PV: Là một trong những Công ty hàng đầu thế giới về lĩnh vực hạt giống và công nghệ sinh học, vậy Dekalb có những chính sách gì nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp bền vững tại Việt Nam?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Kể từ khi thành lập tại Việt Nam, Dekalb Việt Nam - đại diện cho Tập đoàn Monsanto tại Việt Nam luôn là một đối tác tin cậy, đồng hành cùng Chính phủ và nông dân trong công cuộc phát triển nông nghiệp bền vững. Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của Dekalb Việt Nam tập trung vào việc đem những hạt giống đã được nghiên cứu và phát triển, chọn lọc gần 1 thập kỷ trên toàn cầu đến Việt Nam thực hiện các khảo nghiệm để từ đó cung cấp những bộ giống thích hợp nhất với từng địa phương và các thói quen canh tác của người nông dân.
Riêng đối với ngô, để giới thiệu được một giống tốt tới nông dân Việt Nam, chúng tôi phải trải qua quá trình chọn tạo và khảo nghiệm vô cùng khắt khe trong gần một thập kỷ. Hàng năm, chúng tôi chọn ra một bộ gồm hơn 200 giống lai mới, sau đó khảo nghiệm tại các vùng, miền trên toàn quốc. Phải mất 3 năm khảo nghiệm để từ hơn 200 giống đó chọn ra được 3 giống có ưu thế lai phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam và tiếp tục mất 3 năm khảo nghiệm 3 giống này tại hàng trăm điểm ở các vùng trồng ngô trên cả nước để chọn 1 giống tốt nhất đưa ra thị trường.
Nhằm giúp nông dân khai thác tối ưu tiềm năng năng suất của cây trồng từ hạt giống chúng tôi phân phối, mỗi năm Dekalb Việt Nam thực hiện các chương trình đào tạo nông dân, tổ chức ruộng trình diễn, trao đổi kiến thức tới hơn 150.000 nông dân khắp các vùng miền. Từ kiến thức học được qua các chương trình đào tạo này, nông dân Việt Nam có thể chủ động lựa chọn và ứng dụng những hạt giống và kỹ thuật canh tác đồng ruộng tốt nhất để đối phó với các thách thức ngày càng lan rộng do biến đổi khí hậu và canh tác nông nghiệp. Nông dân có thể sản xuất ra khối lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế nhiều hơn trong điều kiện môi trường khắc nghiệt, chủ động nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.
Mô hình “Trồng dày” của Dekalb Việt Nam đã trở thành nhân tố thúc đẩy giúp nông dân ở các tỉnh Sơn La, Phú Thọ, Đăk Lắk, Đồng Nai, An Giang, Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu tăng năng suất ngô lên ít nhất 30% so với năng suất ngô bình quân quốc gia.
Niềm vui thu hoạch giống ngô biến đổi gen MON 89034 của nông dân
Sáng kiến “Chuyển đổi đất canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng ngô” của Dekalb Việt Nam đã giúp nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng thu nhập từ 2,5 - 4 lần so với trồng lúa, giúp nông dân ĐBSCL thu lợi thêm hàng chục tỷ đồng trên diện tích 4.400 ha chuyển đổi.
Song song với công việc chuyển giao những tiến bộ KHKT mới, để hỗ trợ cộng đồng, Tập đoàn Monsanto đã dành gần 5 tỷ đồng cho chương trình nâng cao nhận thức về nước sạch và vệ sinh tại tỉnh Hòa Bình và cung cấp sinh kế cho nông dân tại một số tỉnh nghèo trên cả nước.
PV: Ông cho biết kế hoạch triển khai hoạt động của Công ty trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hồng Chính: Trong thời gian tới, Dekalb Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và tìm kiếm các cơ hội để mở rộng các chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam. Về nông nghiệp, chúng tôi sẽ tiếp tục các chương trình chuyển giao hạt giống ngô lai năng suất cao, kỹ thuật canh tác tiên tiến và sáng kiến chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô tại ĐBSCL. Về phát triển cộng đồng, năm 2014, Quỹ Monsanto sẽ dành hơn 3 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển giáo dục tại các tỉnh ĐBSCL và khu vực miền núi phía Bắc thông qua bảo trợ học hành cho 175 em nữ sinh có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng 8 thư viện và xuất bản 2 cuốn sách. Chúng tôi hy vọng tất cả những nỗ lực của Tập đoàn sẽ đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững và thịnh vượng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Phạm Tuyên (Thực hiện)
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014