04/05/2015
Vừa qua, tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai Dự án thí điểm thu hồi và xử lý sản phẩm điện - điện tử thải bỏ (Dự án WEEE) có tên là Việt Nam Tái chế. Dự án được khởi xướng bởi các nhà sản xuất thiết bị điện - điện tử nhằm thu hồi miễn phí các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị hỏng để bảo đảm việc tái chế an toàn và thân thiện với môi trường. Tất cả các thiết bị đã qua sử dụng hoặc bị lỗi được thu hồi thông qua Chương trình này sẽ được thu gom một cách an toàn và xử lý một cách chuyên nghiệp nhằm đạt được tỉ lệ thu hồi tối đa tài nguyên tự nhiên và đảm bảo việc xử lý rác chuyên nghiệp.
Việt Nam Tái chế được điều hành bởi Vietnam Recycling Platform (VRP) (Nền tảng Tái chế Việt Nam), một liên minh gồm các nhà sản xuất thiết bị điện - điện tử hàng đầu được thành lập bởi Công ty Hewlett-Packard Asia Pacific Pte. Ltd (HP) và Apple South Asia Pte. Ltd (Apple). Tổ chức hướng đến giảm thiểu rác thải điện tử, tăng cường tái chế và kiểm soát tác động đến môi trường, sức khỏe và an toàn cho sản phẩm vào cuối vòng đời sử dụng. Chương trình được áp dụng cho cả nhà sản xuất và khách hàng tiêu dùng với mục tiêu hỗ trợ cộng đồng tuân thủ các quy định về thu hồi và xử lý rác thải điện tử đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2015. Ngoài ra, Chương trình cũng nhằm mục đích hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm điện tử nâng cao trách nhiệm trong việc thu nhận, xử lý và tái chế các thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp hết niên hạn sử dụng.
Chương trình thí điểm bao gồm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 thu hồi từ cơ quan chính phủ/nhà sản xuất; Giai đoạn 2 hợp tác với kênh thu gom phi chính thức; Giai đoạn 3 thu gom từ người tiêu dùng/khách hàng. Tại thời điểm hiện nay, Chương trình thí điểm tập trung vào giai đoạn 1 với các mục tiêu đề ra như: Một hệ thống thu hồi và tái chế sẽ được thiết lập trong Quý 1/2015 thông qua Nhóm Tái chế Việt Nam (VRP) cho phép các nhà sản xuất khác tham gia thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật; Thu thập thông tin về loại và số lượng sản phẩm thải bỏ từ người tiêu dùng thông qua một cơ chế thu hồi chính thức như VRP; Các Tiêu chuẩn Tái chế được VRP thiết lập và áp dụng sẽ là cơ sở để hình thành các tiêu chuẩn tái chế trong nước cho các nhà tái chế áp dụng trong lĩnh vực xử lý sản phẩm điện, điện tử thải bỏ (WEEE).
Việt Nam Tái chế sẽ thu thập, xử lý tất cả các sản phẩm điện, điện tử bị lỗi hoặc quá hạn sử dụng với hệ thống công nghệ xử lý kỹ thuật cao, chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường nhằm đảm bảo tối đa hóa lượng tài nguyên thiên nhiên thu hồi được sau tái chế. Từ cuối tháng 1/2015, Chương trình đã cung cấp dịch vụ thu gom và tái chế rác thải điện tử miễn phí cho cơ quan nhà nước, các tổ chức hiệp hội và khách hàng doanh nghiệp tại khu vực Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn cuối tháng 7/2015, Chương trình sẽ được mở rộng cho người dân tại hai khu vực trên nhằm giúp thu hồi và tái chế các thiết bị điện tử bị lỗi hoặc quá hạn sử dụng từ người dân.
Chương trình sẽ thu gom tất cả các thiết bị điện - điện tử được sản xuất bởi bất kỳ thành viên sản xuất nào của VRP. Tại thời điểm này, các sản phẩm được thu gom miễn phí bao gồm các loại thiết bị: Máy tính (máy tính để bàn và máy tính xách tay), màn hình, CPU (Đơn vị Xử lý Trung tâm); Máy in, máy fax, máy quét; Điện thoại di động và máy tính bảng; Máy photocopy; Các loại pin; Các linh kiện khác liên quan đến công nghệ thông tin như bàn phím, chuột, cáp, sạc...
Mô hình hoạt động của Chương trình
Quy trình thu hồi từ cơ quan chính phủ thông qua Mô hình Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PRO) bao gồm 5 chủ thể tham gia: Cơ quan chính phủ, Văn phòng điều phối (của Tổ chức trách nhiệm của Nhà sản xuất - PRO), Nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cho PRO, Đối tác tái chế địa phương và Đối tác tái chế nước ngoài của nhà sản xuất. Bảng dưới đây mô tả hoạt động của Giai đoạn 1: Thu hồi từ Cơ quan Chính phủ thông qua Mô hình Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất (PRO).
Các bước trong quy trình thu hồi này bao gồm: Các cơ quan chính phủ yêu cầu việc thu gom WEEE. Văn phòng PRO sẽ xác nhận yêu cầu này và liên lạc với khách hàng để thống nhất về thời gian và địa điểm thu hồi; Văn phòng PRO sắp xếp lịch thu hồi với đơn vị vận chuyển được chỉ định (LSP); Đơn vị vận chuyển thực hiện nghĩa vụ của mình theo như lịch và địa điểm đã thống nhất; Bên vận chuyển tập kết WEEE tại nhà kho của mình trước khi chuyển cho đơn vị tái chế do nhà sản xuất chỉ định; Những loại WEEE cần phải xử lý thêm sẽ được chuyển đến cơ sở tái chế ở nước ngoài theo chỉ định của nhà sản xuất (Chỉ trong trường hợp cơ sở tái chế trong nước không có khả năng xử lý tái chế đối với những loại WEEE này).
Chương trình thu hồi từ Cơ quan chính phủ sẽ được mở rộng tới doanh nghiệp (B2B) thông qua mô hình Tổ chức trách nhiệm của Nhà sản xuất - PRO (tập hợp các nhà sản xuất) hoặc mô hình Trách nhiệm của Nhà sản xuất cá nhân (IPR). Mô hình hoạt động của Tổ chức Trách nhiệm của Nhà sản xuất được khái quát như sau:
Vai trò và trách nhiệm của các đối tượng hưởng lợi trong mô hình trách nhiệm của nhà sản xuất
Đối với Chính phủ: Thực thi và giám sát việc thực hiện các quy định về WEEE ở tất cả các mắt xích của chuỗi giá trị; Đảm bảo một sân chơi bình đẳng đối với tất cả các đối tượng hưởng lợi từ chương trình. Các quy định pháp luật của chính phủ cần đề ra các tiêu chuẩn tái chế tương đương với các tiêu chuẩn được công nhận trên toàn cầu đối với nhà tái chế sản phẩm điện tử thải loại nhằm đảm bảo nguyên liệu được quản lý một cách thân thiện với môi trường từ thu hồi đến xử lý, bao gồm các yêu cầu về báo cáo, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động và chế tài xử lý vi phạm. Các quy định như vậy sẽ tạo một sân chơi bình đẳng rất quan trọng trong việc BVMT và đảm bảo thị trường tái chế hoạt động ổn định; Tiên phong và chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục, tuyên truyền về chất thải điện tử và khuyến khích mọi thành phần xã hội tham gia mạng lưới thu gom của Chính phủ và của các Nhà sản xuất; Xây dựng một mạng lưới thu gom hiệu quả, bền vững; Hỗ trợ và có chính sách ưu đãi đối với cơ sở tái chế nhằm phát triển hệ thống cơ sở tái chế có tiêu chuẩn cao và tuân thủ các quy định trong nước và quốc tế về xử lý chất thải điện tử.
Thí điểm mô hình thu gom rác thải điện tử tại Việt Nam
Đối với nhà sản xuất: Phối hợp với các bên liên quan để lập một hệ thống quản lý (thu hồi, phân loại và tái chế); Thiết lập cơ chế tài chính cho việc thu hồi và tái chế; Phối hợp với các Cơ quan Chính phủ thực hiện chương trình tuyên truyền; Tuân thủ các yêu cầu về WEEE; Xúc tiến với các Cơ quan Chính phủ để liên tục cải thiện hệ thống WEEE.
Các trung tâm thu hồi của chính quyền địa phương và các doanh nghiệp phân phối: Phối hợp cùng chính phủ xây dựng mạng lưới thu gom; Quản lý hoạt động thu gom của mình và chuyển sản phẩm thải loại quay lại nhà sản xuất hoặc nhà tái chế để được xử lý và tái chế; Tham gia các hoạt động giáo dục tuyên truyền của chính phủ; Tuân thủ các yêu cầu về WEEE.
Các cơ sở tái chế: Tham gia cùng Chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng tái chế (đào tạo, các nguồn lực); Cùng Nhà sản xuất xây dựng chương trình thu gom WEEE bền vững (chi phí, tiêu chuẩn); Cộng tác cùng Kênh thu gom không chính thức để xây dựng/quản lý WEEE bền vững và có trách nhiệm; Tuân thủ các yêu cầu về WEEE (giấy phép, báo cáo).
Người tiêu dùng: Mang sản phẩm tới những địa điểm thu gom WEEE được Nhà sản xuất chỉ định hay các địa điểm thải bỏ do chính phủ tổ chức.
Nguyễn Hằng
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 4/2015